Nhớ lại một đêm thơ trên sông Hương với các nhà thơ xứ Huế

08:17 06/01/2018
Ở xứ ta có một số ông bác sĩ làm thơ khá nổi danh. Đầu tiên, phải kể đến nhà thơ - bác sĩ Vũ Quần Phương ở Hà Nội. Bác này xem chừng nổi tiếng về chuyên ngành bình thơ hơn cả chuyên ngành y khoa của mình. Sau đến, phải kể tới nhà thơ - bác sĩ Phạm Nguyên Tường ở TP Huế, nổi tiếng cả về thi ca và y thuật khi từ nhiều năm nay, anh đã là Trưởng khoa điều trị ung thư ở Bệnh viện Trung ương Huế. 


Mới đây, gặp nhà thơ, bác sĩ Phạm Nguyên Tường từ Bệnh viện Trung ương Huế ra Đại học Y Hà Nội bảo vệ luận án Tiến sĩ xạ trị học (trong điều trị ung thư), tôi hơi ngỡ ngàng và thú vị. Ngỡ ngàng vì biết anh vừa làm thạc sĩ y khoa cách đây vài năm, nay lại thi tiến sĩ, vậy sức học của nhà phẫu thuật trẻ này cũng thật đáng nể. Còn thú vị là bởi Phạm Nguyên Tường không chỉ thành công trong lĩnh vực y khoa mà anh còn làmột nhà thơ khá nổi danh ở Huế, từng được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế.

Ngồi uống với nhau cốc bia cỏ ở một quán cóc trên phố Đường Thành, Hà Nội, Phạm Nguyên Tường tâm sự với tôi, nhiều người quen hay hỏi anh: “Ông làm việc trong ngành ung thư, lại hay viết lách, sao chẳng thấy viết một chữ nào về căn bệnh khủng khiếp đó cả?”.

Anh trả lời: “Quả có thế thật, nếu nói rằng, càng ngày tôi càng trở nên chai lì trước nỗi đau đớn cùng tận của bệnh nhân thì thậm không phải, nhưng nói về sự bất lực trong cuộc chiến cam go khi đối mặt với căn bệnh quái ác này đã đánh bật tôi ra khỏi những ưu tư rề rà…thì cũng rằng không, vì tôi vẫn cùng những bệnh nhân ung thư đáng thương của mình chiến đấu trên một chiến hào, cho đến viên đạn cuối cùng”.

Tường ngậm ngùi, nếu nói, theo quan niệm của nhiều người, bệnh nhân bị ung thư là mắc vào nỗi oan nghiệt và đọa đày, thì phần lớn bệnh nhân ung thư Việt Nam là ở tận cùng của sự oan nghiệt và đọa đày, vì họ rất nghèo, không đủ tiền để điều trị, nên phó mặc cho số phận. Tường cho biết, hơn chục năm làm bác sĩ cũng chính là khoảng thời gian anh thấm thía nỗi đau đớn, và nhiều khi khốn khổ, tủi nhục của người bệnh ung thư.

Với vấn nạn quá tải giường bệnh, họ thường phải nằm ghép đôi, chật chội, nặng mùi và mệt mỏi. Bệnh ung thư chưa có “tuyến dưới” để điều trị, tất tần tật đều phải chuyển lên tuyến trung ương. “Mỗi bác sĩ ở khoa tôi cùng lúc phải “gánh” mấy chục bệnh nhân, nếu không để xảy ra những sai sót thì đúng là may mắn!

Các nhà thơ (từ trái sang phải): Mai Văn Hoan, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Nguyên Tường, Ngô Minh.

Từ thâm tâm, chúng tôi chỉ mong bệnh nhân ung thư có đủ sức lực (theo nghĩa trơ trọi nhất của từ này) để theo hết liệu trình điều trị, bệnh được đẩy lùi. Và họ ra viện, như trút được cả gánh nặng ngàn cân…”, Tường chia sẻ. NXB Thuận Hóa vừa in cuốn sách “Chết như thế nào?” của Phạm Nguyên Tường, trong đó có nhiều bài viết về những bệnh nhân ung thư và nghề bác sĩ của anh.

Cách đây mấy năm, nhân một chuyến tôi vào công tác ở Huế, nhà thơ Phạm Nguyên Tường đã tổ chức một đêm thơ trên sông Hương để tôi có dịp gặp gỡ với một số nhà thơ, nhà văn và các tác giả mới trong Câu lạc bộ Thơ trẻ của miền đất Cố đô.

Hơn bảy giờ tối, men theo bờ cỏ còn lấm láp bùn đất của cơn lũ vừa đi qua, chúng tôi xuống một chiếc thuyền lớn thường dành cho những đêm biểu diễn ca Huế trên sông Hương. Nhưng đêm nay tạm gác chuyện hò Huế, các nhà thơ rải chiếu ngồi quây quần bên nhau. Trên sạp thuyền lộng gió giữa sông Hương thơ mộng vừa đi qua mùa lũ, chúng tôi làm một đêm thơ trong tình yêu thi ca và tình yêu xứ sở khi heo may chớm lạnh đã kéo về xao xác trên những bờ cây mùa thu.

Ngồi cạnh các nhà thơ Vĩnh Nguyên, Mai Văn Hoan, Phạm Nguyên Tường, Bùi Ngọc Long… là những mái đầu xanh của các em sinh viên, học sinh yêu văn thơ của kinh thành Huế. Chúng tôi uống rượu, đọc thơ và tranh luận cả một buổi tối về thi ca hiện đại.

Có lẽ đã rất lâu tôi mới được sống trong một bầu không khí thi ca thuần khiết như thế. Tôi chợt thấy, nhịp điệu cảm xúc sâu lắng của kinh thành Huế với những đền đài, lăng tẩm cổ kính và nền văn hóa mấy trăm năm đã mang trong mình một khúc thức truyền thống được định hình và bất biến. Và trong tôi, Huế vẫn luôn lãng mạn và trầm lắng ở dưới bề sâu của những trầm tích văn hóa cội nguồn.

Mở đầu đêm thơ trên sông Hương, các bạn mời tôi đọc một bài thơ viết về Huế. Tôi tâm sự, cách đây hơn 5 năm, tôi đã một lần vào thăm cố đô và còn giữ mãi cảm xúc lắng đọng về một miền đất văn hiến giầu truyền thống văn hóa dân tộc vào bậc nhất ở Việt Nam này. Nhưng thật kỳ lạ, với những rung động sâu xa ấy, không hiểu vì nguyên cớ gì, mãi đến hơn 5 năm sau, tôi mới viết được một bài thơ về Huế bằng những kỷ niệm trước đó. Và, điều đặc biệt nhất, tôi viết bài thơ ấy trong hoàn cảnh thật khó khăn của những tháng ngày tôi gặp hoạn nạn.

Bạn bè có người bảo tôi: “Hình như ông cố gắng tận dụng khoảng thời gian u ám và trống trải ấy để làm thơ như ở trong một trại sáng tác đặc biệt”. Điều ấy không sai, ngay trong đêm đầu tiên “lâm nạn”, tôi đã quyết chí “bụng bảo dạ”: Giờ không phải suốt ngày “tối tăm mặt mũi” vì báo chí nữa thì mình sẽ làm thơ, mình sẽ tìm tòi cách tân thơ Việt Nam cho mấy bác làm thơ cổ điển bên ngoài biết tay, cho mọi người biết thế nào là thứ thơ phải vượt lên sự “sống còn đắng cay” mà tồn tại!

Ấy là tôi cứ tự an ủi lấy mình trong chuỗi ngày thăm thẳm cô đơn và lấy thơ làm sự cứu rỗi duy nhất trong đời sống tinh thần đang vào độ suy sụp của mình. Và trong sự hồi tưởng về những tháng ngày lãng mạn tươi sáng trước đó, tôi viết bài thơ “Trăm năm mắt Huế” với những cảm xúc còn tươi rói từ 5 năm trước đó khi lần đầu tiên tôi về thăm cố đô với những câu thơ sau:

Trăm năm mắt Huế u hoài
Sông Hương giấu tiếng thở dài vào đêm
Cố đô trầm mặc như Thiền
Rêu phong ngủ với lãng quên một màu
Đêm nay vua Nguyễn ngủ đâu
Mấy cung nữ trẻ lên lầu ngắm trăng
Gặp Hàn Mặc Tử thi nhân
Người từ Vĩ Dạ về thăm hoàng thành
Lấy thơ làm mộng du hành
Lấy trăng làm chốn nhân tình ghé qua
Đêm nay Huế thấm vào ta
Một dòng lặng lẽ trăng và sông Hương
Mái đò đêm đã ướt sương
Mà em vẫn giọng Huế thương nồng nàn
Đêm nay ngoài cửa Thuận An
Sóng trăm năm cũ còn đan nhau về
Thuyền chúa Nguyễn căng buồm đi
Hồn buồm neo dưới sao khuya bời bời
Biển miền Trung sóng mặn mòi
Phú Xuân còn đó một trời nhớ thương
Mấy trăm năm mộng đế vương
Đỉnh đồng chín cõi dâng hương về nguồn
Đàn Nam Giao dấu chẳng mòn
Đền đài, lăng tẩm có còn như xưa
Trăm năm mắt Huế đầy mưa
Sông Hương giấu một trời thơ để buồn

Có một điều khá lạ, trong chuỗi ngày đang “nung nấu” khí thế hừng hực quyết tâm cách tân thơ Việt như đã nói, không hiểu vì sao tôi lại viết bài thơ trên theo một khúc thức thi ca hoàn toàn cổ điển với vần điệu xưa cũ của thể lục bát và có thể nói, bài thơ chẳng có gì là cách tân cả. Tại sao vậy?

Tôi đã lý giải điều này với các bạn thơ xứ Huế rằng: Tại bởi thời điểm ấy (và cả sau này), tôi vẫn cảm nhận rằng, nhịp điệu cảm xúc sâu lắng và trầm buồn của kinh thành Huế với những đền đài, lăng tẩm cổ kính và nền văn hóa mấy trăm năm đã mang trong mình một khúc thức truyền thống được định hình và bất biến.

Vì thế, tôi quyết định viết bài thơ “Trăm năm mắt Huế” theo một trình thức cổ điển, nhưng cố gắng đưa vào một giác độ khác trong việc làm mới ngôn ngữ thơ. Tôi cũng không nghĩ rằng, sau chuỗi ngày hoạn nạn cay đắng ấy, tôi lại có dịp đọc bài thơ rất tâm đắc của mình viết về Huế cho chính các nhà thơ và bạn thơ xứ Huế cùng nghe vào một đêm thơ đáng ghi nhớ trên miền đất cố đô.

Cũng trong đêm thơ trên sông Hương, tôi nhìn bác sĩ Phạm Nguyên Tường đọc thơ, gương mặt thi sĩ của anh có những nét lành hiền, bầu bĩnh, dễ thương và dường như không có dấu vết gì của những cuộc chiến cam go với căn bệnh ung thư quái ác nơi bệnh viện. Nhưng không hiểu vì sao, tôi vẫn cảm nhận được, trong dòng chảy đẫm chất suy tưởng của thơ Phạm Nguyên Tường, những nỗi đau mà anh đã nếm trải khi cùng với người bệnh của mình đối mặt với căn bệnh ung thư kinh khủng: “Không có bông hoa nào thả trôi để cứu vớt linh hồn/ Chỉ đôi bờ ngàn lau phơ phất/ Quanh những nấm mộ mọc lên từng ngày/ Trên thân thể bạc màu/ Trên thân thể người giờ đây hoang vu/ Gã tìm thấy những vết chàm khổng lồ/ Của Socrate của Darwin của Nietzsche/ Gã vớt xác mình trên những dòng sông minh triết/ Gã ngồi tẩm liệm/ Những ngón tay lật từng trang sách/ Rồi gửi lời khấn nguyện/ Cho những ngón tay yên ổn về trời…”. Những câu thơ day dứt của một bác sĩ điều trị ung thư cứ khiến tôi ám ảnh mãi mỗi khi nhớ về một nhà thơ xứ Huế.

Với những nhà thơ đã thành danh của xứ Huế, tôi biết Huế vẫn còn một Ngô Minh trăn trở và thách thức với sáng tạo, một Vĩnh Nguyên đào sâu vào những suy tưởng, một Mai Văn Hoan luôn thủy chung với thi điệu có vần. Tôi mừng khi thấy một Phạm Nguyên Tường vẫn đang còn sung sức với những thể nghiệm, tìm tòi rất đáng chú ý của anh cách đây 3 năm trong tập thơ “Quang gánh & những bài thơ khác”. Tôi vui vì phát hiện thấy một Bùi Ngọc Long sau mười năm “cạo đầu đi tu” lại trở về với nghiệp văn bút và khởi sắc bằng những bài thơ Thiền. … Và trong tôi, Huế vẫn luôn lãng mạn và trầm lắng ở dưới bề sâu của những trầm tích văn hóa cội nguồn.

Tôi tâm sự với các bạn thơ xứ Huế, miền đất cố đô của những đền đài, lăng tẩm, thành quách…với vẻ kỳ bí thiêng liêng mấy trăm năm của mình đang chiêm nghiệm dưới tầng tầng trầm tích của lịch sử và thời gian. Thật hiếm có miền đất nào ở đất nước này lại giàu không khí thi ca và phong vị u hoài về quá khứ như cố đô Huế. Và thật may mắn, qua bao biến động hưng phế và thăng trầm hơn trăm năm qua, Huế vẫn còn giữ lại được diện mạo văn hóa cổ kính với bề dày lịch sử truyền lại cho mãi muôn sau. Đêm thơ ấy trên sông Hương, tôi nói đùa với các bạn thơ rằng: “Được sinh ra và lớn lên ở miền đất Cố đô Huế này, nếu không trở thành nhà thơ mới là điều lạ!”.

Nguyễn Việt Chiến

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong bối cảnh Mỹ ngày càng thờ ơ với khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khoảng trống này để mở rộng ảnh hưởng. Với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và cam kết lâu dài, Bắc Kinh đang tạo ra một sự thay đổi đáng kể tại Mỹ Latinh, khiến Washington phải đối mặt với thách thức lớn về địa chính trị ngay tại “sân sau” của mình.

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文