Những mẩu chuyện thú vị về "17 khoảnh khắc của mùa xuân"

08:06 03/09/2019
"17 khoảnh khắc của mùa xuân" là bộ phim truyền hình 12 tập của Liên Xô (cũ), dựa theo cuốn tiểu thuyết trinh thám cùng tên của nhà văn Yulian Semyonov. 

Bộ phim nói về hoạt động của sĩ quan tình báo Liên Xô Isaev -Stierlitz. Ngay từ khi mới giới thiệu lần đầu, "17 khoảnh khắc của mùa xuân" đã trở nên nổi tiếng đến mức ba tháng sau đã được phát lại.

Năm 1976, bộ phim được trao giải Nhà nước của Cộng hoà XHCN Xô viết Liên bang Nga mang tên anh em Vasilyev, còn năm 1978 - Giải của Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô. Nhân dịp kỷ niệm 46 năm (1973-2019) ngày ra mắt "17 khoảnh khắc của mùa xuân", chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số mẩu chuyện về quá trình thực hiện bộ phim này.

Dịp đó là tháng 8 năm 1973, người ta phát hiện ra một số hiện tượng kỳ lạ: 12 buổi tối liên tục, các đường phố ở Liên Xô dường như hoang vắng. Theo thống kê, lượng nước tiêu thụ giảm đột ngột, thế nhưng lượng điện  lại tăng lên đáng kể. Còn một điều kỳ lạ nữa là trong những buổi tối này, hầu như không xảy ra một vụ phá rối trật tự nào trên đường phố!

Có thể giải thích hiện tượng này rất đơn giản: đó là trong 12 buổi tối này, Đài Truyền hình Liên Xô lần đầu tiên giới thiệu bộ phim truyền hình "17 khoảnh khắc của mùa xuân" của nữ đạo diễn Tatyana Lioznova về sĩ quan tình báo dũng cảm Liên Xô Stierlitz.

Nữ đạo diễn Tatyana Lioznova và diễn viên Vyacheslav Tikhonov.

Nếu không có Andropov...

Trong đời mình, nhà văn kiêm nhà báo Liên Xô nổi tiếng Yulian Semyonov đã viết hơn 100 tác phẩm văn học. Nhiều cuốn tiểu thuyết và truyện vừa của ông đã được chuyển thể thành phim. Đặc biệt, một số tác phẩm trinh thám chính trị của Yulian Semyonov được Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô lúc bấy giờ Yury Andropov rất thích. Chính Andropov đã "bật đèn xanh" cho việc chuyển thể thành phim cuốn tiểu thuyết về sĩ quan tình báo Isaev -Stierlitz. Không những thế, Yury Andropov còn giúp đỡ nhà văn một cách thực tế bằng cách cho phép ông tiếp cận các kho tài liệu lưu trữ mật.

Đây là một điều hết sức may mắn vì trước Semyonov, không một người ngoại đạo nào được phép tiếp cận "thánh địa" này. Liệu có nên nói rằng nhà văn bị nghẹt thở khi có điều kiện "lục lọi" trong những tài liệu mật của Ủy ban An ninh quốc gia? Với sự tiến cử của Andropov, cấp phó của ông, Đại tướng Semen Tsvigun trở thành cố vấn của bộ phim.

Phụ nữ là đạo diễn ư? Không!

Nhà văn Yulian Sermyonov viết kịch bản phim song song với cuốn sách và hoàn thành nó thậm chí sớm hơn, năm 1968. Năm 1970, bộ phim được khởi quay và Tatyana Lioznova không được duyệt làm đạo diễn ngay. Ban lãnh đạo cho rằng phụ nữ không thể "kham nổi" một bộ phim lớn như vậy về người sĩ quan tình báo Xô viết!

Người ta đã chuẩn bị giao bộ phim cho một đạo diễn nam giới, và Lioznova buộc phải bàn bạc với chính Semyonov, thuyết phục ông và mọi người xung quanh rằng bà có thể đảm đương được. Và thực tế như chúng ta đã biết.

Vai sĩ quan tình báo Stierlitz suýt thuộc về diễn viên Archil Gomiashvili

Thật khó tin điều đó, nhưng diễn viên Vyacheslav Tikhonov được nữ đạo diễn duyệt vai Stierlitz ngay trước khi bộ phim bắt đầu quay. Trước đó, bà đã xem xét các phương án như Yury Solomin, Oleg Strizhenov, Innokenty Smoktunovsky. Hơn nữa, Archil Gomiashvili đã thử vai Stierlitz, ông là diễn viên đã đóng vai Ostap Bender trong hài kịch của Leonid Gaydai "12 chiếc ghế". Có tin đồn rằng Lioznova muốn phân cho Gomiashvili vai này vì cảm tình riêng, dường như lúc bấy giờ họ có quan hệ thân mật với nhau. Theo một giả thuyết khác, chính Semyonov đề nghị ông ta đóng vai này.

Cuối cùng, Tikhonov trở thành Stierlitz chỉ vì trong thời điểm đó ông rảnh rỗi hơn những diễn viên khác.

Với vai diễn này, Tikhonov đã khắc họa thành công  hình ảnh điển hình người chiến sĩ Xô viết hào hoa, lịch lãm và chiến đấu hết mình vì Tổ quốc. Ông đã thể hiện vai diễn này sống động đến mức nhiều khán giả Nga chỉ quen gọi ông với cái tên Stierlitz hay Isaev, tên của sĩ quan tình báo Xô viết trong bộ phim. Bộ phim này cũng đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của ông, đưa Tikhonov lên đỉnh vinh quang của một người diễn viên: trở thành Nghệ sĩ nhân dân Liên Xô, nhận nhiều giải thưởng, huân chương và là thần tượng của hàng triệu khán giả nước Nga và trên thế giới. Thậm chí, vinh quang và sự nổi tiếng đến từ bộ phim đã có lúc khiến ông cảm thấy buồn lòng vì người ta chỉ nhắc đến tên ông gắn liền với vai diễn Stierlitz.

Quá trình chọn diễn viên nhiều... rắc rối

Việc chọn diễn viên cho phim "17 khoảnh khắc của mùa xuân" diễn ra rất lâu và thận trọng. Nữ diễn viên Irina Alferova được mời đóng vai nữ hiệu thính viên, nhưng thời gian đó chị đang đi công tác nước ngoài. Phim có một vai dành cho nữ diễn viên nổi tiếng Faina Ranevskaya, đạo diễn Lioznova muốn thấy Faina trong hình tượng bà Zaurich. Nhưng Raevskaya đã từ chối, vì chê vai nhỏ.  Còn diễn viên Leonid Kuravlyov đã thử vai Hitler thành công. Ông rất hợp vai này, thậm chí đã diễn thử. Nhưng sau đó đã ...từ chối. Ông thú nhận rằng toàn bộ bản thể của ông dị ứng với hình tượng "kẻ phản Chúa" này. Cuối cùng vai Hitler do diễn viên Đức Fritz Diez thực hiện, người vốn chưa quen đóng vai Quốc trưởng.

Còn diễn viên Kuravlyov chuyển sang đóng vai Aisman. Người ta nghĩ ra cho ông dải băng đen bịt mắt để nhân vật "có chuyện".

Oleg Tabakov - Schellenberg đích thực

Diễn viên Oleg Tabakov đóng vai Schellenberg giống và thuyết phục đến mức sau khi xuất hiện bộ phim trên màn ảnh, ông nhận được bức thư của cháu Schellenberg từ bên Đức. Người phụ nữ xa lạ bày tỏ lòng biết ơn và viết rằng diễn viên Nga đã đóng bác bà ta giống hệt: bà ta đã xem "17 khoảnh khắc của mùa xuân" mấy lần, vì ở đấy có "bác Walther" của mình!

Diễn viên Bronevoy không giống nhân vật Muller ngoài đời

Khi chọn diễn viên đóng vai Muller, không ai biết ngoại hình của nhân vật có thực này như thế nào, không tìm được ảnh của Muller. Sau đó mới vỡ nhẽ ra rằng Leonid Bronevoy, người thể hiện nhân vật này trên màn ảnh hoàn toàn không hề giống viên sĩ quan Đức cao, gầy, mũi khoằm. Về sau, Bronevoy nói rằng nếu biết mình không giống đến mức ấy thì ông đã từ chối vai diễn này.

Hình tượng Stierlitz được "hồi sinh" như thế nào?

Nên nhớ rằng "17 khoảnh khắc của mùa xuân" hoàn toàn không phải là phim hành động. Trong phim khá ít vận động, hầu như không có các cảnh hành động, mà nhiều pha đối thoại, tranh luận, tra tấn thần kinh. Vai Stierliz, nếu được tìm hiểu, rất phức tạp. Làm thế nào mô tả tính cách của nhân vật chỉ làm mỗi việc là suy nghĩ là phân tích? Nữ đạo diễn Tatyana Lioznova đã bổ sung thêm những tình tiết đời sống khác nhau, những điều lặt vặt cho hình tượng Stierlitz. Còn hình ảnh chú chó bất ngờ chạy vào trường quay và tựa đầu vào lòng bàn tay của Tikhonov không phải là hư cấu, mà là chuyện thật. Đây là một tình tiết ngẫu nhiên diễn ra trên thực tế, và mọi người quyết định giữ nguyên, trong cảnh này Stierlitz trông rất sinh động và nhân hậu.

Còn diễn viên Bronevoy khi đóng vai Muller thường xuyên gật gật cổ một cách thiếu tự nhiên là vì chiếc áo của ông hơi bị chật. Khi ông bắt đầu tự kiểm soát được và không gật cổ nữa, đạo diễn Lioznova đề nghị ông cứ tiếp tục gật cho "có duyên".

Trong thời gian quay phim không một đứa trẻ nào bị thương vong

Chúng ta biết rằng quay phim trẻ em bao giờ cũng rất phức tạp. Vì vậy lúc đầu người ta định dùng búp bê để quay. Nhưng bạn còn nhớ cảnh cởi quần áo cho một đứa bé bên cửa sổ, còn nó thì giãy giụa và khóc không? Búp bê nào có thể thay thế được một đứa bé thật?

Nhân tiện xin nói riêng với những người băn khoăn về số phận của đứa bé này, các nhà làm phim đối xử rất chu đáo với cậu, vào thời điểm quay phim, trên trường quay rất ấm. Cần phải làm sao để đứa bé khóc ré lên. Nhưng cu cậu lại tỏ ra bình tĩnh và không chịu khóc vì cảm thấy thoải mái quá. Lúc bấy giờ người phụ trách âm thanh phải phóng xe tới bệnh viện để ghi âm tiếng khóc trẻ con.

Điều thú vị là trong phim, vai đứa bé không phải do một, mà là sáu đứa bé thực hiện. Bởi bộ phim quay trong ba năm, còn trẻ em lớn rất nhanh.

Lẽ ra ca sĩ Muslim Magamaev thể hiện bài hát trong phim "17 khoảnh khắc mùa xuân"

Nhạc phim của "17 khoảng khắc của mùa xuân" do nhạc sĩ Mikael Tariverdiev viết. Trong số 10 ca khúc ông sáng tác dành cho bộ phim này chỉ hai ca khúc dùng được, những đó là những ca khúc tuyệt vời. Ca khúc "Những khoảnh khắc" và "Ở đâu đó xa xăm" do ca sĩ nổi tiếng Joseph  Kobzon trình bày sau đó đã trở nên hết sức nổi tiếng.

Quả thật, ban đầu Lioznova muốn ca sĩ Vadim Mulerman hát. Nhưng ban lãnh đạo đài truyền hình không đồng ý. Sau đó ca sĩ nổi tiếng Muslim Magamaev được mời hát, nhưng đạo diễn không thích phong cách biểu diễn của ông. Bà đề nghị hát theo phong cách khác, nhưng Magamaev tự ái, nói rằng: "Tôi không hát theo chỉ đạo!". Cuối cùng, giọng hát của ca sĩ Joseph Kobzon làm vừa lòng tất cả mọi người, nên không ai bắt bẻ gì nữa.

Thế là đã 46 năm nay phim "17 khoảnh khắc của mùa xuân" không rời màn ảnh, hơn nữa từ năm 2009 chúng ta được xem "17 khoảnh khắc của mùa xuân" bằng màu. Để nhuộm màu bộ phim, người đã huy động 600 chuyên gia từ các nước khác nhau, và mỗi phút nhuộm phim tiêu tốn 3.000 USD.

Trần Hậu

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文