Xuân Kỷ Hợi, nhớ bài thơ Chúc Tết Kỷ Dậu của Bác Hồ

Nửa thế kỷ tiếng thơ còn vang vọng

11:28 22/01/2019
Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày ra đời bài thơ Chúc Tết Kỷ Dậu của Bác, xin được cùng bạn đọc ôn lại những câu chuyện thú vị xung quanh tác phẩm rất đỗi phổ biến này.


Trong di sản các bài thơ Chúc Tết của Bác Hồ, bài thơ Chúc Tết Kỷ Dậu (1969) có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đó vừa như là sự tổng kết một sự kiện vô cùng oanh liệt diễn ra năm trước (cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968), vừa như lời Di chúc của Người gửi tới toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước trước lúc lên đường đi xa; nhắn nhủ các thế hệ cháu con tiếp tục nỗ lực chiến đấu, không quản gian khổ, hy sinh, quyết tâm hoàn thành bằng được sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày ra đời bài thơ Chúc Tết Kỷ Dậu của Bác, xin được cùng bạn đọc ôn lại những câu chuyện thú vị xung quanh tác phẩm rất đỗi phổ biến này.

Bác Hồ bên xe thu âm lưu động của Đài Tiếng nói Việt Nam (ảnh chụp năm 1960).

Phải nói ngay, đây không phải là bài thơ tồn tại ở dạng độc lập mà nằm trong nội dung "Thư Chúc Tết mừng năm mới" của Bác gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước. Bức thư được viết đúng vào ngày 1-1-1969. Trong thư, Bác khẳng định: "Năm 1968 là một năm quân và dân cả nước ta chiến thắng rất oanh liệt. Đế quốc Mỹ đã phải chấm dứt không điều kiện cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Từ đầu xuân 1968, đồng bào và chiến sĩ miền Nam anh hùng liên tục tiến công, liên tục nổi dậy, giành được nhiều thắng lợi rất vẻ vang", đồng thời Người khẳng định niềm tin mãnh liệt vào ngày toàn thắng: "Chắc chắn giặc Mỹ sẽ hoàn toàn thất bại. Quân và dân ta trong cả nước, thừa thắng xông lên, nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn".

Bài thơ Chúc Tết Kỷ Dậu nằm ở cuối bức thư, được Bác viết bằng thể lục bát với âm hưởng rộn rã (phù hợp không khí đón Giao thừa), mặc dù ý tưởng thì đanh thép:

Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì Độc lập, vì Tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào
Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

Tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần băng thu âm lời Bác Hồ đọc bài thơ qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Điều tôi có thể cảm nhận là giọng của Bác tuy vẫn ấm nhưng không được khỏe (có chỗ để ý kỹ sẽ thấy giọng Người hơi… lạc).

Theo nhà văn Sơn Tùng kể lại trên một tờ báo Tết thì ngày 27-1 năm đó (1969), trở dậy sau một cơn đau bệnh, Bác nói với ông Vũ Kỳ, người thư ký lâu năm của mình và ông Trần Lâm, khi ấy phụ trách Đài Tiếng nói Việt Nam chuẩn bị để ghi tiếng Bác đọc thơ Chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước như mọi năm. Bác còn cho gọi bác sĩ Lê Đình Mẫn cùng ngồi nghe xem giọng Bác đã bình thường, rõ tiếng chưa.

"Nếu chưa thì để Bác luyện giọng tiếp, bác sĩ giúp Bác về thuốc thang cho chóng nói được tốt, kẻo khi đồng bào chiến sĩ nghe giọng nói không bình thường thì sinh lo lắng" - Bác nêu ý kiến. Bác sĩ Mẫn đã rót nước trà cam thảo để Bác thấm giọng, Bác đọc: "Năm qua thắng lợi vẻ vang…". Thư ký Vũ Kỳ nghe Bác đọc, quá phấn khởi, nói ngay: "Giọng Bác gần như bình thường, Bác ạ! Bác luyện, thuốc thang thêm chút nữa, đến hôm Đài tới ghi, chắc chắn giọng đọc thơ của Bác ai nghe cũng vui!".

Mặc dù ông Vũ Kỳ nhận xét vậy nhưng thực tế, chất giọng của Bác trong buổi đọc thơ ghi âm hôm ấy vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Đây không chỉ là cảm nhận của riêng tôi. Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Hoài Thanh (1909-1982), ngay thời bấy giờ, sau khi trực tiếp nghe thơ Chúc Tết của Bác trên sóng phát thanh đêm Giao thừa Kỷ Dậu đã ghi lại cảm tưởng "Đêm Giao thừa, nghe tiếng Bác trên đài, chúng ta bỗng thấy lo quá.

Nhưng đến câu: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào thì chữ "cút", chữ "nhào", Bác vẫn đọc dằn giọng xuống, dứt khoát. Chúng ta vẫn nghe rõ qua lời thơ, qua giọng Bác một ý chí sắt thép, một nghị lực phi thường. Thật nói làm sao cho hết được tấm lòng chúng con kính yêu Bác, mang ơn Bác, Bác ơi!" (bài "Thơ Chúc Tết của Bác" in trong "Tuyển tập Hoài Thanh", NXB Văn học, 1982).

Tấm thiệp in thơ Chúc Tết Kỷ Dậu của Bác Hồ.

Ở đây cũng cần nói thêm, thi thoảng vẫn có người viết thế hệ sau này (trong đó có một số văn nhân, thi sĩ) nhầm bài thơ nói trên của Bác là thơ Chúc Tết Mậu Thân 1968. Có lẽ nghe mấy câu "Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to" và đặc biệt là "Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn", trong không khí sôi nổi, đầy phấn khích ấy, họ ngỡ đây là lời hiệu triệu của Bác cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Kỳ thực, bài thơ Chúc Tết Mậu Thân 1968 của Bác là một bài thơ khác, cũng có hai chữ "Tiến lên", nhưng nguyên văn như sau:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta!

Hai bài được viết theo hai thể thơ khác nhau, độ dài ngắn cũng khác nhau nhưng cách đặt vấn đề thì khá thống nhất. Nếu nói về sự khác biệt thì cái khác biệt dễ thấy nhất là ở bài thơ Chúc Tết Kỷ Dậu, sau khi khẳng định quân và dân ta tiếp tục gặt hái được những thắng lợi to lớn trên trận tuyến đánh Mỹ, Bác nhấn mạnh chân lý thời đại mà vì đó, chúng ta không tiếc sức người, sức của, không quản gian khổ, hy sinh, đó là "Vì Độc lập, vì Tự do".

Và sau lời kêu gọi "Tiến lên", nếu như ở bài thơ Chúc Tết Mậu Thân 1968, Bác viết "Toàn thắng ắt về ta" thì ở thơ Chúc Tết Kỷ Dậu 1969, Bác đưa ra hình ảnh về một sự toàn thắng rất cụ thể, sinh động và rất ấm áp "Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn".

Thật xúc động khi vị Cha già ở vào những ngày tháng sắp giã biệt cuộc sống vẫn lựa lời cổ vũ, động viên con cháu quyết tâm hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình. Qua đó chúng ta ngầm thấy, cuộc chiến diễn ra trong cái năm "thắng lợi vẻ vang" ấy khốc liệt biết chừng nào.

Tới nay, đã có nhiều lời bình về cái hay, ý nghĩa sâu sắc trong ngôn từ ở bài thơ Chúc Tết Kỷ Dậu của Bác Hồ. Cũng đã có nhiều lời bình xoay quanh mấy chữ "cút", chữ "nhào". Bản thân tôi, trong một bài viết in ra cách đây ít lâu cũng đã đưa ra nhận xét, đại ý, ngày trước chúng ta thường nói "đánh thắng đế quốc Mỹ", đó là một cách nói tắt. Nói chính xác phải là "đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ". Từ đó tôi cho rằng, việc Bác đặt bút viết "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào" là Bác rất chính xác, cẩn trọng trong sử dụng ngôn từ.

Cũng là thể hiện tầm nhìn chiến lược của một nhà chính trị, quân sự thiên tài. Sự thực như sau này chúng ta đã thấy, Mỹ có "cút" thì ngụy mới "nhào". Nhân đây xin được nói thêm, theo như ông Vũ Kỳ cho biết (trong cuốn "Bác Hồ viết Di chúc" (NXB Thuận Hoá, 2005) thì từ tháng 5 năm 1965, Bác đã bắt tay vào viết Di chúc và ngay từ văn bản đầu tiên, Bác đã khẳng định thắng lợi tất yếu của cách mạng nước ta, khẳng định "đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta".

Như vậy, mục tiêu lớn nhất của Người bấy giờ là làm sao chỉ huy quân và dân ta tập trung "đánh cho Mỹ cút". Hai chữ "Mỹ cút" vừa là nỗi trăn trở, đau đáu, vừa thể hiện thái độ phẫn nộ, bức xúc của Người.

Cũng liên quan đến bài thơ Chúc Tết Kỷ Dậu của Bác Hồ, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã kể lại một kỷ niệm (được ghi lại trong cuốn "Vui vui...chuyện làng văn" của tác giả Hoàng An, NXB Công an nhân dân ấn hành năm 2007), như sau:

Trong một lần đi bình thơ, nhân đề cập tới hai câu: "Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to", Nguyễn Bùi Vợi đã cao hứng phán mạnh: "Chắc ở đây là từ đặt ở thể nghi vấn và suy đoán. Có nghĩa như là: chắc là sẽ thắng to. Lãnh tụ nói như thế chứng tỏ Người rất thận trọng. Và thận trọng là một phẩm chất đặc biệt của Người".

Nghe nhà thơ bình tới đó, cử toạ vỗ tay ào ào hưởng ứng. Nhà thơ càng được đà, bình luận mỗi lúc mỗi... "bốc". Ông không ngờ, cuối buổi nói chuyện, có cụ già tìm tới, đặt vấn đề: "Lão học hành lỗ mỗ dăm chữ nho nhe, xin mạo muội góp ý với bậc đại gia thế này, nếu sai sót xin được lượng thứ. Chữ chắc đại gia giảng như thế là hay rồi.

Nhưng trộm nghĩ: Hồ Chủ tịch là bậc đại nhân. Người trên tường thiên văn, dưới tường địa lý, giữa tường lòng người. Vậy nên có thể hiểu: Người nói chắc cũng có nghĩa là chắc chắn, tức ở thể khẳng định dứt khoát".

Nghe ông cụ góp ý, nhà thơ lặng đi một hồi. Đoạn ông vừa lấy khăn tay chấm mồ hôi trán, vừa nói khẽ: "Cụ nói có lý lắm. Thế mới biết người xưa nói, có những chữ nghĩ ba năm chưa thông tỏ, giảng ngàn năm chưa thấu suốt, là đúng".

Phạm Khải - Xuân 2019

Trong khi nhiều quan chức xác nhận Ukraine lần đầu tấn công vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất, thì Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky bất ngờ đề cập một kịch bản không tươi sáng, vào thời điểm cuộc xung đột giữa hai nước đã chạm mốc 1.000 ngày, và phía Nga cảnh báo chiến sự sẽ còn kéo dài.

Theo thống kê của Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, trên địa bàn hiện có 286 người chấp hành xong án phạt tù đang sinh sống, làm việc và cư trú tại địa phương, tham gia nhiều ngành nghề khác nhau, như: sản xuất nông, lâm ngư nghiệp, công nhân…

Khép lại Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2024, đúng như dự báo, đội bóng chuyền nữ Hà Nội đã phải nhận vé xuống hạng. Chắc chắn, sẽ cần phải có lối đi mới hơn hiện nay để phát huy hết tài năng của lứa trẻ mà bóng chuyền nữ Thủ đô đang sở hữu.

Là một trong hai huyện vừa đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao của tỉnh Thanh Hoá nhưng huyện Yên Định đang bị người dân xã Yên Lạc cực lực phản đối việc quy hoạch bãi rác tại địa phương này. Người dân cho rằng, bãi rác quy hoạch ở vùng trũng, gần khu dân cư, nằm trên đất hai lúa… là không phù hợp…

Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump công bố danh sách nội các mới đã gây ra một làn sóng lo ngại mạnh mẽ tại châu Âu. Những cái tên gây tranh cãi trong danh sách này, đặc biệt là những người được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng, đang khiến giới ngoại giao châu Âu phải nhìn nhận lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ không chỉ đánh dấu chiến thắng chính trị của cá nhân mà còn thể hiện một sự thay đổi lớn trong cách thức điều hành chính phủ. Một trong những sáng kiến quan trọng nhất trong nhiệm kỳ mới của ông là sự ra đời của Bộ Hiệu quả Chính phủ (Department of Government Efficiency - DOGE). Sáng kiến này được đánh giá là nỗ lực trực diện nhằm cải tổ một hệ thống bị chỉ trích là bảo thủ, cồng kềnh và kém hiệu quả.

Ngày 20/11/2024, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi Công an TP Hà Nội về thành tích đấu tranh, triệt phá đường dây tội phạm xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, phong tỏa số tài sản trị giá hơn 2.000 tỷ đồng.

Hai tân Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương là Thượng tá Bùi Thanh Trực, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Bình Dương và Thượng tá Phan Huy Văn, Trưởng phòng thuộc Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Trong 11 năm công tác tại Đội Cảnh sát Giao thông – Trật tự Công an TP Phan Thiết, Bình Thuận, Thiếu tá Đoàn Hữu Long đã cùng đồng đội làm tốt công tác chuyên môn. Đặc biệt, từ năm 2021 cho đến nay, Thiếu tá Đoàn Hữu Long đã phát hiện và bàn giao gần 30 vụ liên quan đến ma túy cho lực lượng chức năng xử lý.

Dự báo thời tiết hôm nay mưa to đến rất to diễn ra ở nhiều tỉnh thành tại miền Trung, cục bộ có nơi trên 180mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/6h). Tại miền Bắc, khu vực vùng núi nền nhiệt nhiều nơi dưới 17 độ C, trời rét.

Thông tin Andrea Aybar (người mẫu An Tây), tên tiếng Việt là Nguyễn Thị An, sinh năm 1995, vừa bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt tạm giam để điều tra về hai hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” đã gây rúng động làng giải trí những ngày vừa qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文