Tân Huyền và những bài ca cách mạng trữ tình

08:21 22/12/2018
Nhạc sĩ Tân Huyền có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, anh dạy học ở Nghệ An, tự tìm tài liệu về âm nhạc (thời đó rất hiếm) để tự học và sáng tác. Những ca khúc đầu tay của anh được phổ biến rộng rãi ở Liên khu IV, đến tai các nhạc sĩ nổi tiếng như Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Đỗ Nhuận…


Anh được các nhạc sĩ đàn anh mời ra Việt Bắc học âm nhạc. Bài "Nhớ vào quê em" ra đời trong thời kỳ này, phổ biến rộng rãi, nhiều người thuộc và nhiều ca sĩ trình bày. Nghe bài hát, người ta hiểu anh muốn mời về thăm vùng quê Nghệ Tĩnh: "Quê em khoai hai mùa xanh tốt cánh đồng/ Quê em miền tự do lúa vàng bát ngát/ Ruộng vườn ơn Bác đã về dân cày/ Ơn sâu bà mẹ nhanh tay/ Quê em mời nhau bát nước chè/ Thương nhau từ đầu xóm cuối thôn/ Kêu nhau tăng gia khi gà gáy dồn"…

Năm 1954, tiếp quản Thủ đô, Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên phát bài này trong chương trình ca nhạc, với giọng hát ngọt ngào, da diết, sâu đậm chất dân ca của nghệ sĩ Thu Phương và nhiều ca sĩ khác.

Tân Huyền rất yêu dân ca các vùng Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, nhất là dân ca Nghệ Tĩnh quê anh. Nhiều lần ngồi đàm đạo với nhau về âm nhạc và thơ, chúng tôi mới biết Tân Huyền thuộc rất nhiều ca dao, dân ca. Anh đọc: "Rồi mùa toóc rạ rơm khô/ Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm"…

Tân Huyền cười hồn nhiên, hỏi mọi người: Các ông có thấy tình yêu bâng khuâng và lời trách móc dễ thương không? Ai trách móc ai, con gái trách con trai, hay con trai trách móc con gái? Với chữ bạn làm sao chúng ta phân biệt được, chỉ biết đây là những người từ vùng này đến vùng khác làm thuê, hết mùa gặt lúa là dã bạn, lưu luyến chia tay nhau, rồi sau đó ngẩn ngơ nhớ mong, chờ một mùa gặt mới…

Rồi anh đọc tiếp: "Ai biết nước sông Lam răng là trong răng là đục/ Thì biết sống ở đời răng là nhục răng là vinh/ Thuyền em lên thác xuống ghềnh/ Nước non là nghĩa là tình ai ơi!..". Đọc xong câu thơ, những người xung quanh chưa ai nói gì, Tân Huyền lên tiếng: Tôi biết các ông đều thuộc câu này, nhưng có ông đã nhầm hai chữ "ở đời" là "cuộc đời", một nhầm lẫn rất đáng trách, nếu không nói là đáng giận vì ở đời và cuộc đời rất khác nhau, "cuộc đời" thì nhỏ hẹp, bó gọn, "ở đời" rộng lớn hơn nhiều. Ở đời là thái độ cư xử của con người với Tổ quốc, nhân dân, ông bà cha mẹ, dòng họ, anh em ruột thịt và bà con láng giềng…

Không chỉ hôm đó, mà nhiều lần gặp gỡ tôi và các bạn, anh đọc, anh hát cho nghe nhiều làn điệu dân ca Phú Thọ, dân ca Thanh Hóa, dân ca Nam Bộ. Quen biết Tân Huyền lâu năm, từ thời ở Vinh trước và sau Cách mạng Tháng Tám, mãi đến khi ra Hà Nội, bù khú với nhau nhiều hơn, tôi mới nhận ra một điều, dân ca đã thấm đẫm vào nhạc và lời của Tân Huyền.

Được học văn hóa, âm nhạc một cách bài bản nên ca khúc của Tân Huyền đầy chất chuyên nghiệp. Có bài tiết tấu nhanh, có bài tiết tấu chậm rãi, âm vực trầm hoặc cao là do sự chuyển tải của nội dung bài hát, ca từ của anh bao giờ cũng đẹp. Nghe rất chính trị mà không khô khan, nghị luận đấy mà không nghị luận chút nào, thấm dần vào tâm hồn người nghe.

Ca khúc "Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc" của anh được NSND Quý Dương hát rất da diết: "Trên quảng trường Ba Đình hai mươi năm trước/ Vọng lời Bác Hồ tuyên ngôn dựng nước/ Nước Việt Nam ta từ trong gian khổ sinh ra/ Tầm vông đứng dậy quê ta/ Đi theo tiếng gọi của Đảng/ Ta đã đạp bằng sóng gió chông gai/ Đã viết nên trang sử mới…".

Đoạn sau anh lại viết ở âm vực thấp, chậm rãi, mô tả hạnh phúc của nhân dân, đoạn kết vào cao trào, Tân Huyền tăng lên âm vực cao, gây cho người nghe cảm giác hứng khởi, thích thú… Không riêng gì ca sĩ Quý Dương, nhiều ca sĩ có giọng nam cao, nữ cao đã hát rất hay bài này như Trần Khánh, Bích Liên…

Nhiều người nói với tôi, Tân Huyền là nhạc sĩ tài hoa, phục vụ kịp thời những nhiệm vụ trong một giai đoạn nhất định nhưng ca khúc của anh không viết một cách sơ lược, hát một lần rồi bỏ mà tồn tại kéo dài, rất lâu, cho đến ngày nay khi cuộc sống kinh tế thị trường chi phối đời sống nhân dân…

Các buổi ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam khi phát lại các ca khúc của Tân Huyền trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước: "Tiếng hò trên đất Nghệ An", "Xe ta đi trong đêm Trường Sơn", "Ngọn lửa Morisơn"… trong lòng khán giả không hề bớt đi sự hưng phấn khi nghe, dù đó là tiếng hát của ca sĩ Minh Đỗ, Ngọc Tước hoặc bất cứ ca sĩ nào.

Điều đáng quý ở Tân Huyền là anh rất lắng nghe những lời góp ý của thính giả. Có lần ngồi với Tân Huyền cùng mấy người bạn nghề nghiệp khác nhau, ai đó đã góp ý: Trong bài "Tiếng hò trên đất Nghệ An", ca từ đẹp, rất thích, nhưng riêng câu "Nghệ An Xô Viết vẫn là Nghệ An", nghe không ổn. Anh đùa: Chẳng lẽ "cá gỗ" vẫn là "cá gỗ". Tân Huyền gật đầu vui vẻ: Tôi sẽ lưu ý ý kiến của ông, ngẫm nghĩ lại để sửa vì tôi biết, không riêng ông mà nhiều người dân Nghệ An không thích câu này.

Có một ông bạn người Nghệ bông đùa với tôi: Mày là dân Hà Tĩnh xỏ xiên chúng tao là dân bảo thủ, Nghệ An vẫn là Nghệ An không đổi mới gì cả… Nói và làm, mấy hôm sau khi hát lại bài này cho bạn bè nghe, Tân Huyền đã thay chữ "vẫn" bằng chữ "xứng". Câu hát ấy nay thành một lời hứa với nhân dân: "Nghệ An Xô Viết xứng là Nghệ An".

Tôi nói không ngoa, địa phương nào Tân Huyền đã đặt chân đến, ngành nào anh quan tâm là lập tức có bài hát. Tôi thích những bài ca về vùng mỏ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Tĩnh… chứ không riêng gì bài về Nghệ An.

Bài ngợi ca Hà Tĩnh trong giai đoạn chống Mỹ, ca từ hùng tráng, trau chuốt, đẹp lung linh: "Hà Tĩnh quê ta đối mặt với quân thù/ Bảng vàng năm tấn ta đã viết nên nhiều trang chiến thắng/ Hà Tĩnh quê ta hai bờ sông La dậy nắng/ Ánh mặt trời lên xua hết bóng đêm"…

Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện có lần nghe xong bài hát do chính tác giả trình bày trên đàn piano đã nói với những người ngồi xung quanh, nhạc và lời đều đẹp, lời rất thơ, mình thích chữ "dậy" trong câu … "hai bờ sông La dậy nắng", từ "dậy" rất độc đáo, rất Tân Huyền.

Cách nay gần hai thập niên, bài "Cỏ non thành cổ" là nén tâm hương Tân Huyền thắp lên viếng các liệt sĩ đã ngã xuống dưới chân cờ Tổ quốc, trong đó có người em út của anh mãi mãi nằm lại trên mảnh đất miền Nam… Bài hát da diết, ghi nhớ công ơn những chiến sĩ đã hi sinh, ca từ mượt mà mang đậm chất anh hùng ca và… đượm buồn. Bộ Quốc phòng đã tặng giải cao cho bài hát này.

Chẳng riêng gì bài "Cỏ non thành cổ", nhiều địa phương, nhiều ngành đã tặng giải thưởng cho Tân Huyền, giải cao quý nhất là Giải thưởng Nhà nước anh vừa được tặng gần đây. Hồi Tân Huyền còn sống, khi trò chuyện với Tân Huyền về các giải thưởng, anh cười: Được giải này giải nọ cũng phấn khởi, cũng vui, nhưng hạnh phúc nhất là nhiều lần ở trên tàu hỏa, trên ôtô khách, trong các quán bia bình dân… có người hát bài hát của mình, mặc dù họ không biết mình là ai, tuy mình đang ngồi rất gần họ. Với tôi, giải thưởng cao quý nhất là ca khúc của mình được các thế hệ thuộc và hát một cách say sưa…

Tân Huyền tên thật là Phan Văn Tần, sinh ra ở làng Yên Thái huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh. Gia đình anh sống yên ấm, theo anh là nhờ người vợ đảm đang Nguyễn Thị Khang lo toan mọi việc để anh có thì giờ suy ngẫm sáng tác. Thân phụ anh là một nhà nho yêu nước, cụ làm nhiều thơ chữ Hán, chữ Quốc ngữ và dịch thơ Đường in trên các báo, tạp chí, tuyển tập thơ - cụ là Phan Thúc Dịnh. Mẹ anh là một nông dân tần tảo, một trong những người đàn bà dệt lụa Hạ đẹp nhất làng - lụa Hạ nổi tiếng không chỉ ở vùng Nghệ Tĩnh mà khắp nước - bà nuôi lớn một đàn con đông đảo, thành tài. Tân Huyền đã thừa kế được truyền thống của gia đình, trở thành một nhạc sĩ tài năng.

Tân Huyền đã vĩnh biệt chúng ta từ 10 năm trước, ở tuổi 78 sau khi để lại cho đời hàng trăm ca khúc. Mỗi lần cất lên bài hát "Tiếng hò trên đất Nghệ An" nổi tiếng của anh, tôi lại nhớ và thương anh vô cùng - một người đồng hương cùng thế hệ.

Xuân Đài

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Chiều 5/5, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hoà Thành (Tây Ninh) đã tạm giữ hình sự đối với Biện Văn Cường (SN 1982, ngụ thị xã Hoà Thành) và Khấu Văn Thum (SN 1986, ngụ Kiên Giang) để điều tra, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

“Cảnh sát cơ động: Tư tưởng vững vàng/ Nắng mưa chẳng quản/ Hăng say luyện rèn”là khẩu hiệu được 1.000 CBCS hô vang hào hùng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, trong 3 tháng qua, hơn 5.000 CBCS CSCĐ đã miệt mài khổ luyện trên thao trường để báo cáo với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc.

Liên quan đến tình trạng tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt như Báo CAND đã thông tin, ngày 5/5, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa về kết quả khảo sát.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文