Tế Hanh: Thi sĩ và tình yêu Hà Nội

08:28 12/04/2020
Những ngày này, Hà Nội thật tĩnh lặng. Phố xá dường như trở về với nét nguyên sơ bình dị và an yên. Hà Nội cũng trở nên thong thả hơn, chậm rãi hơn, đẹp một cách nao lòng.


Nhân những ngày Hà Nội vắng lặng, tôi lại nhớ đến thi sĩ Tế Hanh, một người thi nhân tập kết ra Bắc. Ông không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng hơn nửa phần đời của ông đã neo vào Hà Nội cho đến hơi thở cuối cùng. Và cũng bởi thế mà người thi sĩ tha nhân này đã viết những câu thơ về tình yêu Hà Nội hay lạ lùng.

Tế Hanh vốn nguyên quán tại làng Đông Yên, phủ Bình Sơn, nay là xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đồng hương với hai thi sĩ lãng mạn nổi tiếng đương thời là Nguyễn Vỹ và Bích Khê. Từ 1936 đến 1945, ông học ở Huế và tham gia các công tác văn hóa, giáo dục của Việt Minh. Từ 1949 cho đến 1954, Tế Hanh ở trong Ban phụ trách Chi hội văn nghệ Liên khu V.

Sau Hiệp định Genève 1954, ông tập kết ra Bắc, sống và làm việc ở Hà Nội cho đến cuối đời. Như vậy, cuộc đời Tế Hanh có hơn nửa thế kỷ gắn bó với Thủ đô. Từ nhà ông chỉ bước vài chục bước chân là ra tới hồ Thiền Quang. Hà Nội đã trở thành một nguồn cảm hứng dồi dào và liên tục trong thơ ông, từ những bài thơ của thập niên 50 cho đến những bài thơ cuối đời.

Cố nhà thơ Tế Hanh.

Nếu đọc bao quát các tác phẩm của Tế Hanh, có thể nhận thấy, một trong những chủ đề, đề tài nổi bật trong thơ ông chính là những thi phẩm thể hiện tình yêu quê hương đất nước, bên cạnh những bài thơ về tình yêu đôi lứa. Trong 4 bài được Hoài Thanh chọn vào Thi nhân Việt Nam đã có tới hai bài về quê hương là “Quê hương” và “Lời con đường quê”, trong đó bài thơ “Quê hương” hiện nay vẫn được đưa vào giảng dạy trong chương trình SGK Ngữ văn lớp 8.

Sau này, Tế Hanh còn nổi tiếng với bài thơ “Nhớ con sông quê hương” (1956): “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng/ Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng/Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi/ Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi/ Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ/Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ/ Sông của miền Nam nước Việt thân yêu”.

Tôi có cảm giác rằng, với một trái tim đôn hậu và tha thiết như Tế Hanh, có lẽ ông cũng đã dành cho Hà Nội một tình yêu như quê hương thứ hai của ông. Hà Nội – Thủ đô của cả nước, trái tim của dân tộc, không chỉ mang trong nó những vẻ đẹp đặc trưng mà còn là một biểu tượng về lịch sử và văn hóa. Chính ngay trong năm 1956 (cùng thời điểm ra đời bài thơ “Nhớ con sông quê hương”), Tế Hanh đã viết “Bài thơ tình ở Hàng Châu” với nỗi nhớ đắm say Hà Nội.

Nỗi nhớ người yêu, người bạn đời của ông đã hòa chung cùng với cái tình của không gian quê hương xứ sở: “Bàn tay nào đã dệt nỗi lòng anh?/ Tiếng mùa xuân đem sóng vỗ bên mình/ Vơ vẩn tình chăn chập chờn mộng gối/ Anh mơ thấy Hàng Châu thành Hà Nội/ Nước Tây Hồ bỗng hóa nước Hồ Tây/ Hai chúng mình cùng bước dưới hàng cây”.

Dường như với chuyến đi xa nào cũng vậy, trái tim thi sĩ luôn thao thức nhớ về Hà Nội thân yêu, nơi có một bóng hình phụ nữ đang ngày đêm trông ngóng, nơi có mùi hoàng lan mùi hoa sữa ngọt ngào trên những con đường quen, nơi có những mặt hồ thơ mộng với từng hàng cây in bóng. Bài thơ “Nhớ về Hà Nội hôm nay” được viết trong chuyến đi công tác ở Cáp Ca tháng 10/1979 là một thi phẩm như vậy: “Ở đây rét lắm em ơi/ Con chim én cuối đã rời về Nam/ Đêm nghe gió rít quanh thềm/ Nhớ về Hà Nội của em vô chừng/ Cuối thu trăng vẫn sáng trưng/ Hoàng lan hoa sữa thơm lừng không gian/ Hồ Tây, Hoàn Kiếm, Thiền Quang/ Nước thu sóng sánh soi hàng mây bay/ Nhớ về Hà Nội hôm nay/ Cây me cây sấu có thay lá vàng?/ Con chim én đã về Nam/ Giục anh trở lại cầm bàn tay em”.

Nếu như bên trên, chúng tôi vừa giới thiệu hai thi phẩm viết về nỗi nhớ Hà Nội khi nhà thơ đang ở những phương trời xa xăm thì trong một bài thơ khác, tình yêu Hà Nội lại được thắp lên ngay chính giữa lòng Thủ đô, gắn với tình yêu đôi lứa, gắn với bóng hình của một người con gái yêu thương nay đã rời xa.

Thi sĩ yêu từng góc phố, vườn hoa, từng bóng cây của Hà Nội. Và độc đáo hơn cả là yêu chính sự trống vắng của một bóng hình. Điều này đã mang đến một tứ thơ độc đáo và mới mẻ cho bài lục bát “Hà Nội vắng em”: “Thế là Hà Nội vắng em/ Anh theo các phố đi tìm ngày qua/ Phố này ở cạnh vườn hoa/ Nhớ khi đón gió quen mà chưa thân/ Phố này đêm ấy có trăng/ Cùng đi một quãng nói bằng lặng im/ Phố này anh đến tìm em/ Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây/ Anh theo các phố đó đây/ Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em”.

Đọc đi đọc lại bài thơ, càng đọc càng thấy yêu thương cái tình bơ vơ ngơ ngác của người thi sĩ. Những tưởng bài thơ sẽ rơi vào bi lụy bởi sự chia cách giữa hai con người, không biết đến ngày nào gặp lại. Nhưng không, chàng thi sĩ đã biến nỗi trống vắng ấy thành thi vị, coi Hà Nội như một nhân chứng đầy hồn vía cho mối tình của mình. Thế nên, tình yêu với một bóng hình không còn gặp lại đã được chuyển vị thành tình yêu Hà Nội, yêu thêm mỗi góc phố hàng cây đã từng in dấu kỷ niệm của hai người.

Những năm tháng cuối đời, tình yêu Hà Nội trong hồn thơ Tế Hanh dường như được dồn về một nơi quen thuộc, thân thương, nơi mà hằng ngày nhà thơ có thể dễ dàng dạo bước. Đó chính là hồ Thiền Quang. Năm tháng qua đi làm tàn phai nhiều thứ.

Người vợ hiền của nhà thơ Tế Hanh tận tụy chăm sóc chồng hơn 10 năm khi ông liệt giường.

Chàng trai Tế Hanh thuở nào nay đã trở thành một lão niên. Cặp mắt sáng tinh anh ngày xưa bỗng bị mờ dần trong những năm cuối đời. Nhà thơ đã tự bạch về tình yêu với hồ trong chính nỗi niềm đó. Bài thơ chia làm hai đoạn, tương ứng với hai thời kỳ khác nhau trong cuộc đời: “Tôi đi quanh hồ hàng nghìn cây số/ Bước tôi đi đo thử bước thời gian/ Trong đời tôi những vui buồn sướng khổ/ Hồ biết không, hỡi hồ Thiền Quang (…) Đi dò dẫm bên hồ từng bước/ Tôi thấy hồ như một khối mơ hồ/ Tôi biết hồ nhờ nghe qua hơi nước/ Đi bên hồ như bước giữa hư vô” (Hồ Thiền Quang).

So với những bài thơ viết về Hà Nội ở giai đoạn trước, ta thấy có sự thay đổi đáng kể về sắc thái, giọng điệu, nhịp điệu. Nếu như tôi không nhầm thì thi sĩ Tế Hanh viết bài thơ này trong gia đoạn hai mắt ông đã bị mù, và ông tựa vào vai người vợ hiền để dạo những bước đi dò dẫm bên hồ Thiền Quang.

Những bài thơ về Hà Nội ở giai đoạn trung niên sôi nổi, dạt dào, nhịp điệu lôi cuốn, thì cho đến bài thơ về hồ Thiền Quang, nhịp điệu thơ chậm lại, bùi ngùi ngẫm ngợi. Cùng với tình yêu cho Hà Nội vẫn vẹn nguyên, trái tim thi sĩ có thêm những suy tư về thân phận, về kiếp người. Ngôn ngữ thơ vì thế trầm lắng hơn mà cũng da diết, khắc khoải hơn.

Trong số những sáng tác của Tế Hanh có một phần không nhỏ những bài thơ viết cho thiếu nhi. Những bài viết cho thiếu nhi hầu hết có âm hưởng trong trẻo, tươi sáng. Và ở khu vực tác phẩm này, ta cũng thấy thấp thoáng hiện lên bóng dáng một tình yêu Hà Nội. Bài thơ “Hai ông cháu và cái hồ” được gợi cảm hứng từ chính hồ Bảy Mẫu trong Công viên Lênin (nay là Công viên Thống Nhất) là một điển hình cho những sáng tác này: “Cháu mới lên bốn tuổi/ Chưa biết biển bao giờ/ Mẹ bảo: biển rộng lắm/ Nhìn xa chẳng thấy bờ/ Ông đi khắp bốn biển/ Trở về già mắt mờ/ Chỉ còn nhớ mặt nước/ Không nhớ rõ bến bờ/ Một chiều sương ông cháu/ Dạo công viên Lênin/ Đến trước hồ Bảy Mẫu/ Ông cháu cùng đứng nhìn/ Mở to đôi mắt bé/ Cháu ríu rít: Ơi ông!/ Chỉ toàn nước là nước/ Biển là đây phải không?/ Mắt ông thoáng mây qua/ Như thấy mà không thấy/ Ông ôm cháu cười xòa:/-Ừ, biển của cháu đấy/ Trước hồ hai ông cháu/ Cả hai đều ngây ngô/ Cháu cho hồ là biển/ Ông thấy biển như hồ”.

Nhà thơ Tế Hanh đã đi xa hơn 10 năm. Những con phố, những hàng cây, những mặt hồ của Hà Nội không còn được thấy bóng dáng ông chầm chậm dạo bước mỗi ngày như thể muốn ôm ấp nâng niu bao yêu thương trìu mến. Thế nhưng tình yêu Hà Nội ông để lại qua những vần thơ sẽ còn lại mãi trong lòng bao thế hệ người đọc. Cùng với những thi phẩm về Hà Nội, những bài thơ tình nổi tiếng một thời như “Vườn xưa”, “Bão”, “Con đường” vẫn còn lắng đọng trong trái tim bao đôi lứa đã từng yêu đương, từng đắm say những khung trời kỷ niệm…

Đỗ Anh Vũ

Vụ sạt lở đất trong đêm khiến nhà ông Trần Văn Khưa bị sập một phần công trình nhà ở. May mắn 6 người trong nhà chạy ra ngoài kịp thời, riêng ông Khưa và vợ bị các đòn gỗ trên mái nhà rơi xuống gây chấn thương, sau đó được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến Trạm Y tế sơ cứu.

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

Do mưa lớn kéo dài những ngày qua đến sáng nay, nhiều huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam đã xảy ra sạt lở đất, nhiều khu vực giao thông bị chia cắt. Lực lượng Công an phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai khắc phục sạt lở đất để đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt.

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen", với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đấu tranh, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đã có những chuyển biến rõ rệt so với trước khi ban hành chỉ thị.

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文