Thạch Lam sống nhẹ nhàng, yêu quyết liệt

07:48 27/06/2020
Năm 2020 này, người yêu văn chương không thể không nhớ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của nhà văn Thạch Lam (1910-1942), tác giả của những tác phẩm còn lưu đọng trong tâm trí người đọc hôm nay như "Gió đầu mùa", "Nhà mẹ Lê", "Hà Nội băm sáu phố phường"... Nhà văn Thạch Lam đã sống và yêu như thế nào để có được những trang viết nhân hậu và đắm say?


Nhà văn Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sau đổi thành Nguyễn Tường Lân. Trong 7 anh em của Thạch Lam, có hai người nữa cũng nổi tiếng trong văn chương là nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và nhà văn Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long). Điểm độc đáo nhất trong văn Thạch Lam là nét buồn của cuộc sống ngoại ô.

 Vì sao như vậy, vì tuổi thơ của Thạch Lam trải qua ở hai phố huyện. Đầu tiên là phố huyện Cẩm Giàng - Hải Dương mà gia đình cư ngụ, kế tiếp là những ngày tạm trú bên bến phà Tân Đệ - Thái Bình là nơi người anh cả dạy học. Những mảnh đời lẫm lũi nhỏ bé không rõ buồn vui cứ tự nhiên bước vào sáng tác của Thạch Lam, mà tiêu biểu nhất là truyện ngắn "Hai đứa trẻ".

Sau khi đỗ Tú Tài, Thạch Lam tham gia vào Tự Lực văn đoàn do anh trai mình là Nhất Linh làm chủ soái. Thạch Lam viết cho tờ Phong Hóa, và đến năm 1935 thì được giao làm chủ bút tờ Ngày Nay. Vì vậy, Thạch Lam không chỉ sáng tác, mà còn làm một nhà quan sát và bình luận. Có những nhận định của Thạch Lam khá tinh tế, mà đến bây giờ độc giả vẫn thấy thấm thía. Ví dụ, ông bàn về thói tự mãn: "Người mình phần nhiều giàu có rồi thì không hay cố nữa. Ðó là tật chung khiến cho không có một công cuộc nào phát đạt được lâu dài, cả từ trong cách buôn bán, khi đã đông khách rồi là tự nhiên người chủ chểnh mảng đi, chất lượng ban đầu không còn nữa. Người ta không biết giữ những báu vật của mình. Những báu vật ấy là những tinh túy nghiêm cẩn của nghề nghiệp, như thể làm tồi đi, như đánh lừa được người mua thì lấy làm sung sướng".

Nhà văn Thạch Lam qua nét vẽ họa sỹ Đinh Cường.

Thạch Lam tận tụy với chức phận một người cầm bút. Thế Lữ nói về Thạch Lam: "Cái người tối hôm trước trả lời tôi rằng chưa biết viết gì, sáng hôm sau đã cho tôi cảm động vì một tập truyện viết đều hàng, nét chữ nhỏ và nhanh, câu văn đằm thắm". Còn Hồ Dzếnh thì cảm mến: "Thạch Lam là người viết rất khó khăn và thận trọng. Có những truyện anh phải viết đi và sửa lại tới bốn lần như truyện "Sợi tóc" hoặc truyện "Một cơn giận".

Năm 1935 có lẽ là năm đáng nhớ của Thạch Lam. Bởi lẽ, năm ấy ông không chỉ nhận vai trò chủ bút tờ Ngày Nay, mà còn cưới vợ. Khác với các anh mình, chỉ có hôn nhân thông qua mai mối, Thạch Lam tự tìm kiếm và tự quyết định bạn trăm năm.

So với bản lĩnh của Nhất Linh và Hoàng Đạo, thì công chúng dễ nhận ra Thạch Lam khiêm tốn hơn. Vậy mà Thạch Lam dựa vào đâu để làm cuộc đổi mới về… hôn nhân? Nếu suy xét kỹ lưỡng về tính cách thì cũng phần nào hiểu được chuyện "to gan" chọn vợ của Thạch Lam. Theo bà Nguyễn Thị Thế, chị gái Thạch Lam kể lại: "Hồi nhỏ, tôi nhút nhát bao nhiêu thì Thạch Lam bạo dạn bấy nhiêu. Tuy tôi hơn Thạch Lam một tuổi nhưng việc gì cũng phải nghe theo em cả. Cũng nhờ tính bạo dạn này, Thạch Lam đã giúp đỡ mẹ tôi được nhiều việc, nhưng cũng làm cả nhà hoảng hồn nhiều lần…".

Ngoài tính cách ấy thì ngay trong văn Thạch Lam cũng đã hé lộ ý thức phóng khoáng và tự do về hôn nhân. Chẳng hạn, trong tác phẩm "Nắng trong vườn", Thạch Lam đã viết chuyện tình mùa hè giữa cô gái 16 tuổi và chàng trai 18 tuổi rất mạnh mẽ và chân thành, khác hẳn kiểu thầm thương trộm nhớ của văn chương lúc bấy giờ.

Bóng hồng được nhà văn Thạch Lam cầu hôn là ai? Đó là một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Sáu, quê ở Ninh Bình. Thạch Lam gặp Nguyễn Thị Sáu khi bà đã dang dở một đời chồng. Không chấp nê, không câu nệ, Thạch Lam quyết định hành động theo trái tim mình. Thạch Lam đã bí mật tổ chức đám cưới với Nguyễn Thị Sáu, rồi mới báo tin cho gia đình.

Cưới vợ xong, Thạch Lam vẫn không có tiền lo cho tổ ấm. Bà Nguyễn Thị Thế đã nhường cho em trai một căn nhà đơn sơ tại Yên Phụ, ven Hồ Tây - Hà Nội. Ở nơi ấy, Thạch Lam đã có được 7 năm hạnh phúc với hiền thê Nguyễn Thị Sáu.

Vợ chồng Thạch Lam - Nguyễn Thị Sáu sinh được ba người con: Nguyễn Tường Nhung, Nguyễn Tường Đằng và Nguyễn Tường Giang. Hồi ký "Cha tôi trong trí tưởng", người con út Nguyễn Tường Giang sinh ngày 24/6/1942 day dứt về người cha bạc mệnh: "Sự ra đời của tôi, một đứa con trai, là tai họa cho ông. Một người đoán tử vi nào đó, năm 1942, khi mẹ tôi đang mang thai, đã nói nếu sinh con trai thì người cha sẽ chết.

 Khi mẹ tôi đi sinh, cha tôi đang đau nặng. Ông đau bệnh gì? Bệnh lao, vì làm việc và suy nghĩ nhiều, ý chí muốn dứt bỏ cái thú phù dung, hay tại số? Tôi không thể định rõ được. Lúc người nhà về báo với ông về đứa trẻ mới sinh là con trai, ông không nói gì, lặng lẽ coi tiếp tờ báo đang xem dở. Ba ngày sau, ngày 27/6/1942, Thạch Lam mất. Sinh ra đời, buồn thay, nhiều khi đã mang một bản án sát nhân trong hồn".

Nhuận bút của Thạch Lam không đủ nuôi mấy miệng ăn, bà Nguyễn Thị Sáu phải tay năm tay mười phụ giúp kinh tế cho chồng. Một người bạn cùng thời của tác giả "Gió đầu mùa" tiết lộ: Thạch Lam nghèo bởi tác phẩm ông viết rất ít người mua, nhưng không vì thế mà bà Nguyễn Thị Sáu kém mặn mà với khách của chồng. Những bữa rượu bạn bè cứ tiếp diễn, và bao giờ Thạch Lam cũng mời mọc thịnh tình cho đến khi tri kỷ say mềm. Trong lúc chè chén, có khi sinh sự ồn ào, những lúc ấy Thạch Lam vẫn chỉ điềm nhiên nâng chén, không nói lớn, mà chỉ cười. Và bà Nguyễn Thị Sáu vẫn vui vẻ thu dọn.

Từ năm 1940, nhà văn Thạch Lam phát hiện bị lao phổi. Bệnh tật hành hạ khiến ông rất khó tính, chỉ có sự chiều chuộng và sự nhẫn nại của bà Nguyễn Thị Sáu có thể làm chồng bớt gắt gỏng thôi. Nhà văn Thạch Lam qua đời trong túng quẫn và buồn thương. Bà Nguyễn Thị Sáu đã an táng chồng tại nghĩa trang Hợp Thiện, rồi đưa ba con nhỏ vào Nam sinh sống. Ba người con của nhà văn Thạch Lam, dưới bàn tay chăm nom và dạy dỗ của bà Nguyễn Thị Sáu đều khôn lớn và thành đạt.

Người con gái lớn của nhà văn Thạch Lam là Nguyễn Tường Nhung có người chồng rất quyền lực ở Sài Gòn trước năm 1975, và luôn tạo điều kiện cho mẹ mình có được vật chất đầy đủ. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Sáu vẫn chọn lối sống thanh đạm và bình dị. Vì vậy, những người hàng xóm ở đô thị phương Nam của bà Nguyễn Thị Sáu chỉ biết bà là vợ của nhà văn Thạch Lam, chứ không ai biết bà có con rể hét ra lửa.   

Hiện nay, con cháu của nhà văn Thạch Lam đều định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, họ vẫn bái vọng về quê hương, nơi họ tự hào có người cha, người ông là nhà văn Thạch Lam. Câu chuyện nhà văn Thạch Lam để lại trên dương gian vẫn ấm áp như lời kể của nhà văn Vũ Bằng (1913-1984) trong hồi ký: "Nghĩ lại thì trong suốt cuộc đời anh, cái gì cũng nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng từ cử chỉ, từ tiếng nói, nhẹ nhàng từ câu nói, từ bước đi... dường như nếu bước mạnh thì đất nó đau.

Thạch Lam yêu sự sống hơn bất kỳ ai. Anh quý từ cốc nước chè tươi nóng, trang trọng đưa lên miệng uống một cách gần như thành kính... như thể cảm ơn trời đất đã cho mình sống để thưởng thức ngon lành như vậy. Anh cẩn thận từng câu nói với cô bán hàng vì sợ lỡ lời... khiến người ta tủi thân mà buồn. Anh là một người độc đáo có tài lại khiêm nhường, người nhỏ mà nhân cách lớn…".

Tuy Hòa

Chiều 6/5, để phục vụ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ Công an tổ chức buổi làm việc với các đại biểu Quốc hội trong lực lượng CAND. Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy Ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội cùng Thiếu tướng Đặng Hồng Đức, Thứ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì buổi làm việc.

Trả lời tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/5, liên quan các vụ sữa giả, thuốc giả và trách nhiệm của ngành y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tình trạng sản phẩm sửa giả, thuốc giả và quảng cáo sai sự thật thực phẩm chức năng là rất nghiêm trọng, đặc biệt khi các sản phẩm bị làm giả liên quan trực tiếp đến trẻ nhỏ, người bệnh - những đối tượng cần dinh dưỡng đặc biệt.

Lực lượng CSGT Thủ đô đã bố trí lực lượng, phương tiện thiết bị nghiệp vụ dẫn đoàn, điều tiết giao thông giữa nắng nóng hơn 36 độ C để đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) được an toàn thông suốt cho các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Chiều 6/5, ĐT nữ Việt Nam có buổi tập đầu tiên tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam để chuẩn bị các giải đấu quan trọng sắp tới trong đó  có Vòng loại giải bóng đá nữ châu Á 2026, Giải nữ Vô địch Đông Nam Á 2025, SEA Games 33. Trong buổi tập này, có sự hiện diện của cầu thủ Việt kiều Canada Nguyễn Hoàng Nam Mi.

Tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Ninh Bình phối hợp với Công an xã Ninh Nhất, TP Hoa Lư làm nhiệm vụ tại trục đường liên xã thuộc địa bàn thôn Khê Thượng, xã Ninh Nhất, TP Hoa Lư phát hiện xe ôtô nhãn hiệu Mazda CX5 BKS 38A-191.17 đang dừng đỗ ven đường có biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra...

Gần đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng liên tục khởi tố nhiều đối tượng liên quan tới các đường dây huê (hụi/họ) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người chơi, đẩy nhiều gia đình vào cảnh khó khăn, mất sạch tiền bạc sau nhiều năm làm ăn tích cóp và gây ra những hệ lụy cho xã hội.

Cảnh sát Đài Loan (Trung Quốc) phát hiện 4 công dân Việt Nam (2 nam, 2 nữ) tử vong trong căn hộ cho thuê, cửa đóng kín và máy nước nóng trong nhà vệ sinh vẫn hoạt động. Cảnh sát cũng ghi nhận tại hiện trường không phát hiện dấu hiệu xô xát hay đột nhập, tài sản không bị mất mát.

Ngày 6/5 Công an TP Đà Nẵng chính thức triển khai nhiệm vụ sát hạch lái xe lần đầu tiên kể từ khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ này từ Sở Giao thông Vận tải tại Trung tâm Sát hạch lái xe Đà Nẵng (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cho 137 thí sinh là học viên mô tô của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp đào tạo lái xe ô tô - mô tô Đà Nẵng (STC); 75 thí sinh sát hạch do giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.