Tháng 5 thăm nhà Anh hùng Phan Đình Giót

08:08 10/05/2016
Cách đây 2 năm, tháng 5 năm 2014 - kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tôi có chuyến đi lên chiến trường Điện Biên Phủ. Trở về quê Hà Tĩnh tôi vào thăm cụ Phan Đình Giát, em ruột anh hùng Phan Đình Giót. Khi tôi đưa cho cụ Giát xem tấm ảnh chụp tôi đang thắp hương ở mộ Phan Đình Giót, cụ bồi hồi, mặt nhìn ra xa và nói nghẹn ngào: "Tôi mong ước được ra thăm anh Giót lần cuối nhưng với sức khỏe thế này khó mà đi được". 


Tôi hỏi:  "Thế cụ đã ra thăm được mấy lần rồi?”. Cụ Giát lẩm nhẩm như đang nhớ về kí ức đã qua: "Nhờ ơn Chính phủ tôi được ba lần ra thăm anh. Lần gần đây nhất cách đây 10 năm". 

Năm nay, trở lại thăm quê hương anh hùng Phan Đình Giót ở thôn 7, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên, anh Quang Diễn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, hội viên Hội VHNT tỉnh chuyên ngành nghiếp ảnh dẫn tôi đi thăm làng quê. Ngay đầu làng là ngôi trường THCS mang tên anh hùng Phan Đình Giót, đang giờ ra chơi các em chạy nhảy tung tăng.

Cụ Phan Đình Giát năm nay đã 96 tuổi đi lại phải có người dìu. Việc trông nom hương khói bàn thờ cho Anh hùng Phan Đình Giót đều do người con gái độc nhất của cụ Giát là bà Phan Thị Nhữ chăm nom. Bà Nhữ rót chén nước chè xanh sóng sánh mời chúng tôi cùng đĩa khoai lang còn ấm nóng. Bà nói: "Ngày trước nghe bố (tức ông Giát) kể bác Giót thích uống nước chè với khoai lang lắm. Nước chè và khoai lang mới luộc sáng nay thắp hương cho bác đó".  

Cụ Phan Đình Giát thắp hương cho Anh hùng Phan Đình Giót.

Nghe con gái kể chuyện về anh trai mình, mặc dù người còn mệt nhưng cụ Giát vẫn nhờ bà Nhữ đỡ dậy ngồi trên chiếc ghế tựa kể cho chúng tôi nghe về những ngày thơ ấu của người anh hùng. Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ vẫn còn minh mẫn, trí nhớ vẫn rành mạch.

Cụ Giát kể: "Anh Giót hơn tôi 3 tuổi. Anh Giót lấy vợ là bà Nguyễn Thị Ran cùng làng. Nói là cưới vậy thôi chứ nhà nghèo không tổ chức gì cả, chỉ là sang nói chuyện rồi đưa chị ấy về ở cùng. Sau đó bà Ran sinh được một người con trai. Những ngày ấy có dịch bệnh, thuốc thang lại hiếm, đứa bé mới lên 7 tháng tuổi sốt hầm hập, hai vợ chồng xoay xở không biết làm gì trên chiếc chõng tre trong túp lều nhỏ. Tôi còn nhớ nghe người làng mách bảo, anh Giót chạy khắp xóm xin những nhúm lá thuốc dân gian về để nấu nước xông cho con. Nhưng vì sức yếu lại thiếu sữa nên đứa bé ngằn ngặt khóc và tắt thở trên tay anh Giót. Nghĩ cũng tội, giá như đứa bé còn sống thì nay đã 65 tuổi, lo được hương khói cho anh tôi rồi các chú ạ!".

Tôi bất chợt nhớ đến câu chuyện nhà thơ - Đại tá quân đội Phạm Ngọc Cảnh kể cho nghe cách đây hơn 10 năm. Ngày ấy nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh về quê Hà Tĩnh thăm mẹ. Ông có nhờ mấy anh em văn nghệ đưa đi vào Kỳ Anh để viết kí về Vũng Áng. Trên dặm đường quốc lộ số 1, ông bảo ghé vào Cẩm Quan thắp hương cho anh hùng Phan Đình Giót.

Cũng bên chiếc bàn gỗ trong nhà ông Giát, vẫn ấm nước chè xanh sóng sánh hương vị quê, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh nhớ như in về hình ảnh anh Giót ở chiến trường Điện Biên Phủ. Ngày đó nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là diễn viên kịch nói ở trong đội Tuyên văn của Tổng cục Chính trị mà sau này ông đã đóng vai Trung úy Phương trong vở kịch "Nổi gió" khá nổi tiếng.

Phạm Ngọc Cảnh kể: "Đoàn Tuyên văn lên chiến trường Điện Biên Phủ biểu diễn trước khi mở màn chiến dịch lịch sử. Lúc đó anh Phan Đình Giót là Tiểu đội trưởng bộc phá, thuộc Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141 thuộc Đại đoàn 312. Gặp đồng đội là đồng hương, anh Giót mừng lắm. Phạm Ngọc Cảnh lúc đó mới 20 tuổi nhưng với anh Giót cũng như bạn bè trang lứa thật thân tình. Anh Giót rủ chú (tức nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh) ra góc chiến hào và hỏi: "Sắp tới Cảnh có về quê không, cho mình gửi thư cho vợ".

Lá thư tâm tình dài hai mặt giấy này anh Giót nhờ Phạm Ngọc Cảnh viết hộ với bao lời lẽ xúc động bởi biết chú Cảnh là người có học và làm thơ. Thật ra anh Giót cũng mới qua bình dân học vụ. Thư về cho nhà thường chỉ mấy chữ vỏn vẹn: "Tui vẫn khỏe - Mần răng ở nhà yên bình thì tui yên tâm".  Ở lá thư dài này, hình như anh Giót linh cảm được điều gì đó nên dặn dò chị Rạn rất nhiều: "Nếu như tui có mệnh hệ gì thì ở nhà cứ đi bước nữa" và anh còn đùa: "Anh không sai đường nên chắc em nỏ giận".

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh còn nhớ như in hình ảnh Tiểu đội trưởng bộc phá Phan Đình Giót với dáng người thấp đậm, khuôn mặt chữ điền phúc hậu và ánh mắt, nụ cười rất tươi. Anh mặc áo trấn thủ, khoác chéo khẩu tiểu liên với lủng lẳng chiếc bi - đông ngang hông (các hiện vật ấy đã được anh Quang Diễn chụp lại) chào đoàn văn nghệ sĩ trước khi vào trận đánh đồi Him Lam.

Trước đó, khi thấy các chị em văn công vẫn quân phục, ít có quần áo hóa trang, anh Giót cứ băn khoăn: "Trận này tôi và anh em cố gắng đánh thắng, lấy bằng được mấy chiếc dù của quân Pháp cho các chị hóa trang múa sạp cho đẹp". Anh Quang Diễn kể cho tôi nghe những giây phút cuối của anh hùng Phan Đình Giót qua lời kể của ông Lê Quang Nghiêm (người xã Cẩm Duệ - Cẩm Xuyên, nay đã mất) lúc đó là Trung đội trưởng của Phan Đình Giót.

Hôm đó đúng 17h ngày 13/3/1954, Đại đoàn 312 đồng loạt tấn công vào cứ điểm Him Lam. Tiểu đội của Phan Đình Giót có nhiệm vụ dùng bộc phá mở cửa tạo điều kiện cho quân ta đánh chiếm mục tiêu của địch. Kẻ thù chống trả quyết liệt, ta và địch giành giật nhau từng mét hàng rào. Phan Đình Giót đánh đến quả bộc phá thứ 9 thì bị thương ở đùi vẫn lao lên đánh quả thứ 10. Vết thương chảy máu nhiều làm anh lịm đi. Khi tỉnh dậy thấy địch tập trung hỏa lực quyết không cho quân ta tiến lên. Quân ta dồn lại trước cửa mở, các mũi xung kích bị chặn lại.

Cuộc giằng co kéo dài đến hơn 22h đêm. Lúc đó anh Giót được chuyển về phía sau. Nhưng khi vừa băng bó xong, máu chưa ngừng chảy thì anh Giót đã ôm hai quả bộc phá liên tiếp lao lên. Anh cầm theo tiểu liên xung phong mở đường cho đồng đội lên đánh lô cốt đầu cầu. Sau đó anh bị thương lần thứ 2. Vết thương ở vai lần này bị mất máu khá nhiều.

Khi nhìn thấy nhiều chiến sĩ xung phong lao lên đều hi sinh trước hỏa lực mạnh của địch, Phan Đình Giót ép mình xuống sát đất rồi nhích dần, nhích dần về phía hỏa điểm địch. Đạn trong lô cốt địch bắn ra sáng rực cả màn đêm. Lợi dụng góc chết dùng hết sức bình sinh anh vươn người dậy lấy đà lao cả thân mình vào bịt lỗ châu mai. Hỏa điểm lợi hại nhất của địch bị dập tắt. Bộ đội ta thừa thắng xông lên tiêu diệt toàn bộ cứ điểm Him Lam. Lúc đó là 22h30 ngày 13/3/1954.

Các hiện vật của Anh hùng Phan Đình Giót ở nhà lưu niệm.

Cụ Phan Đình Giát ltừ nãy đến giờ nghe anh Quang Diễn kể về những giây phút cuối của anh trai mình, kí ức của cụ bỗng nhớ lại những giây phút tiễn anh Giót lên đường lần cuối. Cụ nói: "Tôi vẫn nhớ như in hôm đó là một ngày giữa tháng 7/1951 nắng và gió Lào thổi rát da mặt. Tôi tiễn anh trai lên đường nhập ngũ, đi theo đường đê Cẩm Thành ra đến cầu Quán Kho được khoảng 10 cây số thì anh Giót không cho đi nữa và bảo: "Em về chăm sóc mẹ, đừng khóc! Anh đi rồi anh về mà".

Thật khổ, ngày anh Giót lên 3 tuổi thì bố mất. Lúc ra đi nhà không có lấy hạt gạo, mẹ phải chạy vạy khắp nơi vay được cân gạo nấu một nửa cho hai anh em ăn, còn một nửa gói vào tàu mo cau để anh mang đi. Tôi lúc ấy có bộ quần áo nâu lành lặn đang mặc trên người cũng cởi ra cho anh mặc. Trước lúc đi anh còn sửa lại mái nhà dột cho mẹ. Chỗ dột ấy đúng vào chỗ đặt chiếc chõng tre mẹ thường hay nằm. Bức thư cuối cùng do anh Võ Đình Sở người cùng làng, cùng đơn vị với anh Giót viết và gửi về nhưng trời ơi, đó là tin báo tử! Tôi đọc mà như chết lặng, vội chạy đi tìm mẹ về, nhưng dối mẹ là vợ tôi sắp đẻ. Về nhà biết không giấu được tôi mới đọc cho mẹ nghe. Bà đau buồn rồi đổ bệnh".

Những ngày cuối tháng tư vừa qua, Cẩm Xuyên quê hương anh hùng Phan Đình Giót đã tưng bừng kỉ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Hai người con ưu tú - một vị lãnh tụ của Đảng và một người anh hùng cùng sinh ra trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng chỉ cách nhau hơn 10 cây số đường chim bay. Một ở Cẩm Hưng (quê Hà Huy Tập), một ở Cẩm Quan (quê Phan Đình Giót).

Có một sự trùng hợp kì lạ là hai con đường rộng của thành phố Hà Tĩnh từ lâu được mang tên Hà Huy Tập và Phan Đình Giót lại giao nhau như một nét giao thoa của kí ức lịch sử. Chúng tôi vẫn gọi người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai năm nay gần tròn 100 tuổi là Anh. Bởi anh hùng Phan Đình Giót vẫn sống mãi, dừng lại ở tuổi 36 lúc ngã xuống ở chiến trường Điện Biên Phủ cách đây 62 năm.

Nguyễn Ngọc Phú

Nói đến đặc công nước là nhắc đến một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ đã đi vào huyền thoại với lối đánh thủy chiến truyền thống và độc đáo. Để trở thành những chiến sĩ đặc công nước “đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”, CBCS Lữ đoàn Đặc công nước 5 luôn phải đối mặt với hiểm nguy.

Trong xã hội hiện đại, “deadline” không chỉ là một cụm từ quen thuộc mà còn trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người trẻ. Không ít người đã bị cuốn vào guồng quay của công việc, chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ, đến mức kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần, thậm chí có người phải nhập viện. Khoa học gọi đây là hội chứng “burn out” (cháy sạch). Đây là một thực trạng đáng báo động, phản ánh mặt trái của lối sống và làm việc quá tải mà người trẻ đang đối mặt.

Những hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội là vấn đề đã khiến nghị trường Quốc hội “nóng” lên tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV vừa qua. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết về "Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội".

Đảng ủy, Ban Biên tập cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, nhân viên Báo CAND xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới đồng chí Đặng Thị Huyền cùng gia đình. 

Ngày 15/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam về tội danh “Cố ý gây thương tích” đối với Võ Duy Khang (SN 2005, trú ở xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của Công ty TNHH Security 24 (địa chỉ trụ sở tại số 238 Nguyễn Duy Hiệu, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) do ông Trịnh Đình Khoa, SN 1973 ở thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định đứng tên làm Giám đốc.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Sông Hinh (Phú Yên) ngày 15/12 cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam về tội danh “Đe dọa giết người” đối với  Nguyễn Duy Tân (SN 1994, trú khu phố Bắc Lý, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).

Ngày 15/12, lễ hội Nhô Lir Bong (mừng lúa mới) của người Cơ Ho S’re tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã được phục dựng, tái hiện trong sự hân hoan của hàng trăm người đến từ các dân tộc anh em chung sống thuận hòa trên cao nguyên Di Linh, nhân dịp Festival hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024.

Sáng 15/12, Thượng tá Trần Quang Vinh, Trưởng Công an huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn xã Tam Giang, huyện Krông Năng vừa xảy ra một vụ 3 học sinh chế tạo pháo khiến pháo phát nổ dẫn đến bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu. Ba em học sinh bị thương gồm: L.B.H., P.C.H. và L.H.A.N. (cùng học lớp 6, Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Tam Giang, huyện Krông Năng).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文