Trần Hoàn và hai bài hát đặc sắc về mùa xuân

15:39 11/02/2021
Từ khi nền tân nhạc Việt Nam ra đời vào những năm cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, cho đến nay, hàng ngàn bài hát về mùa xuân đã ra đời. Trong số những bài hay nhất viết về mùa xuân, không thể không nhắc đến hai bài rất đặc sắc của nhạc sĩ Trần Hoàn mà bất cứ ai yêu thích âm nhạc cũng thuộc: “Tình ca mùa xuân” và “Một mùa xuân nho nhỏ”.


Công chúng yêu thích người nhạc sỹ tài danh, suốt đời làm “quan” cách mạng đều nghĩ ông họ Trần, tên Hoàn. Nhưng sự thực không phải vậy. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Tăng Hích, sinh năm 1928, quê ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Sinh thời, một lần ông nói với tôi: “Chẳng hiểu đầu đuôi thế nào mà hai bậc sinh thành ra mình lại đặt cho mình cái tên buồn cười thế”. 

Rồi ông lôi ra một tờ giấy đen nhẻm đã nhầu nát – loại giấy có từ ngày xưa – đưa cho tôi xem. Đó là bản in bài hát “Hồn nước” của ông được Nhà xuất bản Tân Hoa ấn hành năm 1946 - khi ông mới 18 tuổi. Ông kể:

- Khi mình đưa cho nhà xuất bản in bài này, họ chấp nhận tác phẩm nhưng chê cái tên tác giả nghe “kỳ”, “không hay” và khuyên mình lấy bút danh khác. Lúc đó, mình rất thích nhiều bài hát của Văn Cao, đặc biệt là bài “Thiên thai”, trong đó có câu “Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn”. Thế là mình lấy luôn tên Trần Hoàn để ký dưới các sáng tác sau đó.

Cố nhạc sĩ Trần Hoàn. 

- Mới 18 tuổi mà anh đã rất hiểu cái từ “trần hoàn” sao?

- Hiểu chứ. Phải hiểu mới thích được chứ.

- Thảo nào mà các ca khúc của anh luôn bay bổng, đậm chất lãng mạn – một thứ lãng mạn cách mạng không phải người sáng tác nào mong muốn cũng tạo ra được trong tác phẩm. Nhưng không phải là “quên trần hoàn” như Lưu Nguyễn trong bài hát xưa của Văn Cao.

Là một nhà hoạt động cách mạng trong lĩnh vực văn hóa, từng đảm đương nhiều trọng trách: Trưởng Ty Văn hóa Hải Phòng, Trưởng Ty Thông tin Bình –Trị - Thiên, Trưởng Ban Tuyên huấn rồi Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội VHNT Việt Nam nhưng Trần Hoàn vẫn tranh thủ thời gian đầu tư cho sáng tác. Tuy luôn chỉ nhận mình là người viết ca khúc nghiệp dư nhưng các tác phẩm của ông đã đạt được giá trị rất cao về tư tưởng và thẩm mỹ, làm rung động trái tim nhiều thế hệ công chúng. Bởi vậy mà ông đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Ngay từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Trần Hoàn đã có hai bài hát được phổ biến rộng rãi: “Sơn nữ ca” và “Lời người ra đi”. Thật đáng yêu những cảm xúc lâng lâng, nhẹ nhõm, yêu đời rất lãng mạn của một chàng trai tiểu tư sản đi kháng chiến: “Một đêm trong rừng vắng. Ánh trăng chênh chếch, đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô thôn nữ miệng cười xinh xinh…”. 

“Sơn nữ ca” là bài hát đầu tiên tác giả sáng tác tặng người con gái của trái tim mình, rồi trở thành người bạn đời thủy chung, gắn bó đã cùng tác giả đi suốt chặng đường dài. Trần Hoàn nói rằng ông chỉ ghi lại cảm xúc mãnh liệt của mình phút đầu quen biết nàng bằng âm nhạc. 

Bà Thanh Hồng – phu nhân của nhạc sỹ - nay đã ở tuổi 92 – kể rằng sau bài này, ông còn viết một bài nữa tặng bà để kỷ niệm giây phút hai người tạm biệt nhau trên bước đường công tác. Đó là bài “Lời người ra đi” với những lời ca giản dị mà thắm thiết, bịn rịn thương nhớ: “Một chiều anh bước đi. Em tiễn chân anh tận cuối đồi, nghe dặn lời rằng kháng chiến còn trường kỳ và còn gian khổ…”. 

Bài này sau đó rất phổ biến trong Nam. Lúc đầu Trần Hoàn đặt tên bài là “Rằng kháng chiến còn trường kỳ và còn gian khổ”. Nhưng về sau, ông không rõ ai đó đã sửa lại thành “Lời người ra đi”. Ông thấy cũng ngắn gọn, ổn nên đã để cái “tít” này.

Vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn thời trẻ.

Trong số những bài hát về mùa xuân của dòng âm nhạc cách mạng, theo ý riêng tôi, “Một mùa xuân nho nhỏ” của Trần Hoàn là hay nhất bởi đem đến cho người nghe những rung động rất sâu sắc của một tình cảm cao đẹp, vị tha. Cung bậc cảm xúc ấy lại được chuyển tải bởi một giai điệu vừa dân tộc lại vừa hiện đại, vừa quen thuộc lại vừa mới lạ với một ngôn ngữ âm nhạc sang trọng, cực kỳ chắt lọc. 

Tôi có cảm giác tác giả âm nhạc đã trút hết mọi tinh túy nhất trong tài năng của mình để phổ bài thơ cùng tên của Thanh Hải - một nhà thơ tiêu biểu cho dòng văn học cách mạng miền Nam trước năm 1975. 

Trần Hoàn kể về sự ra đời bài hát này đại ý là: Ông và Thanh Hải là bạn thân của nhau. Cuối năm 1980, nhà thơ ốm nặng, phải vào bệnh viện điều trị. Bệnh tình dai dẳng, mỗi lúc thêm trầm trọng. Gần như ngày nào nhạc sỹ cũng vào thăm bạn mình. Biết mình không qua khỏi, Thanh Hải trao cho Trần Hoàn một bài thơ có tên “Một mùa xuân nho nhỏ” và muốn nhạc sỹ chuyển thành bài hát. 

Đọc qua, ông rất đồng cảm bởi tứ thơ sâu sắc, đặc biệt là rất giàu nhạc điệu. Mỗi người chúng ta hãy khiêm nhường đóng góp chút gì bé nhỏ để góp phần làm nên cuộc đời tươi đẹp, hãy hoà cùng mọi người, hãy chia sẻ với đồng loại, chớ ồn ào phô trương, chớ chỉ thấy mình, hãy “làm con chim hót, làm một nhành hoa, một nốt trầm xao xuyến” để “biến trong hoà ca”. 

Xúc động với ý thơ, lại linh cảm thấy sắp phải vĩnh biệt người bạn văn nghệ thân thiết, Trần Hoàn đã không kìm nén được những giọt nước mắt. Rời bệnh viện, về nhà ông ngồi ngay vào đàn và phổ bài thơ rất nhanh, chỉ trong mấy giờ đồng hồ: “Mọc giữa dòng sông xanh. Một bông hoa tím biếc. Ơi con chim chiền chiện. Hót chi mà vang trời…”.

Trần Hoàn cho biết, ông gần như giữ được hầu hết các câu chữ trong thơ của Thanh Hải, chỉ thay đổi chút ít. Ví như lời thơ là “Đất nước như vì sao, cứ đi lên phía trước” thì ông đổi mấy chữ “cứ đi lên phía trước” thành “vững vàng phía trước”. Hoặc nguyên lời thơ là “Tôi đưa tay tôi hứng”, chuyển thành bài hát là “Tôi đưa tay hứng về”. “Lộc trải dài nương mạ” (thơ) thành “Lộc trải dài nương lúa” (bài hát). Đồng thời nhạc sỹ cũng cắt bỏ một số câu thơ để ca khúc được chặt chẽ, gọn gàng về bố cục.

Về cái tên bài hát này, có nhiều bản khác nhau. Chỗ thì “Một mùa xuân nho nhỏ” đúng như tên bài thơ. Chỗ lại “Một mùa xuân nhỏ”. Chỗ khác đã bỏ từ “nhỏ” để chỉ là “Một mùa xuân”. Tôi hỏi Trần Hoàn chi tiết này thì được ông cho biết: Nguyên văn tên bài thơ của Thanh Hải là “Một mùa xuân nho nhỏ”. Tên này mới đúng ý của nhà thơ muốn nói đến sự khiêm nhường, bình dị, không ồn ào của những người đi làm cách mạng vì nghĩa lớn. “Nho nhỏ” có cái gì đó thật đáng yêu. Rõ là từ lấp láy “nho nhỏ” thì nhỏ hơn, kín đáo, bình dị hơn từ “nhỏ”. Vậy nên mình đã tôn trọng lời lẽ rất hay của nhà thơ để giữ nguyên cái tên “Một mùa xuân nho nhỏ”. Ông cũng không hài lòng khi thấy có nơi đã chỉ giới thiệu tên bài là “Một mùa xuân”. Như vậy thì mất hết cái ý quan trọng, cốt lõi của bài thơ rồi.

Sau khi hoàn thành, Trần Hoàn lao ngay vào bệnh viện hát cho Thanh Hải nghe. Nhà thơ vô cùng thỏa mãn, vui sướng, nói: “Bài này chắc chắn sẽ lại có tiếng vang như “Lời ru trên nương”. Cảm ơn Trần Hoàn nhiều lắm!” (Trước đó, Trần Hoàn đã phổ bài thơ “Khúc hát những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm thành ca khúc “Lời ru trên nương” nhanh chóng trở nên rất nổi tiếng).

Nhạc sỹ khẩn trương gửi bài hát ra Đài Tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội để thu thanh, phát sóng với hy vọng Thanh Hải kịp nghe được bài hát phổ thơ mình trước khi đi xa. Đêm giao thừa Tết năm đó – 1980 sang 1981- lần đầu bài hát được vang lên trên làn sóng, gây ấn tượng rất mạnh cho người nghe. Nhưng thật đáng tiếc, chưa kịp nghe thì ngày 15/12/1980 – chỉ trước Tết Nguyên đán ít ngày, nhà thơ Thanh Hải trút hơi thở cuối cùng.

Bài hát thứ hai về mùa xuân của Trần Hoàn cũng rất hay, được nhiều bạn trẻ ưa thích là “Tình ca mùa xuân”, sáng tác năm 1978, tức viết trước nhưng lại nổi tiếng sau “Một mùa xuân nho nhỏ”. Một lần bà Thanh Hồng – phu nhân của nhạc sỹ - nhắc chồng: “Kể từ hai bài hát anh viết tặng em là “Sơn nữ ca” và “Lời người ra đi” từ trong kháng chiến chống Pháp, đến nay đã lâu rồi, anh chẳng còn cảm hứng gì để viết riêng cho em nữa nhỉ”. 

Bị vợ “kích”, nhạc sỹ quyết định “hâm” lại cảm xúc thời trai trẻ với người vợ rất đỗi yêu thương. Đang loay hoay tìm ý thì tình cờ ông đọc được bài thơ “Tình ca mùa xuân” của Nguyễn Loan. Thế là ông cầm đàn ghi-ta gẩy nên những âm điệu đầu tiên rồi phổ hết bài thơ thành một ca khúc cũng rất gọn gàng với giai điệu ngọt ngào, tha thiết, rất tình tứ: “Em ơi em! Mùa xuân/ Đã về trên cành lá/ Tiếng chim kêu ngọt quá/ Cho trời xanh xa thẳm…”. Có lẽ chính bởi vậy mà hầu hết các ca sỹ đều thể hiện bài hát này dưới hình thức song ca nam - nữ.

Giờ đây, cứ mỗi độ xuân về, hai bài hát trên của Trần Hoàn lại được vang lên ở khắp nơi, đem đến cho người nghe những cảm xúc đặc biệt với những cung bậc dạt dào, phong phú.

Nguyễn Đình San

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

Theo thống kê từ Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dự kiến lượng khách qua bến xe gia tăng. Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã lên kế hoạch tổng lượng xe tăng cường 715 xe, trong đó Bến xe Giáp Bát tăng cường 224 xe; Bến xe Gia Lâm tăng cường 82 xe và Bến xe Mỹ Đình là 409 xe.

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài hơn mọi năm nên người dân sẽ có nhiều kế hoạch, dự định đi du lịch, nghỉ dưỡng. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thực hiện hàng loạt chiêu trò lừa đảo du lịch khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản người dùng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8/2024 chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải”. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000-500.000ha. Ở giai đoạn 2026-2030, mỗi năm tăng thêm 100 ngàn ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Hôm 28/4, tỷ phú Elon Musk đã bất ngờ tới Bắc Kinh và gặp gỡ Thủ tướng Lý Cường. Đây là lần thứ ba ông Elon Musk đến Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, trong vòng chưa đầy một năm. 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, những cái chết đau đớn do tự hủy hoại bản thân của học sinh, sinh viên liên tiếp xảy ra, đang trở thành nỗi ám ảnh đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu gia đình và nhà trường không có giải pháp hỗ trợ kịp thời thì ý nghĩ tự tử trong giới trẻ sẽ có dấu hiệu gia tăng.

Trong trận đấu với Tottenham tại vòng 35 giải Ngoại hạng Anh 2023/2024 diễn ra tối 28/4 (giờ Việt Nam), Arsenal đã dẫn trước tới 3-0 trước đối thủ nhưng suýt chút nữa đánh mất chiến thắng khi để đối thủ ghi liền 2 bàn trong hiệp 2.

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文