Trò chuyện với Hiện thể

11:24 21/10/2016
Có lẽ nhờ "duyên" từ mấy lời giới thiệu ấn tượng trên facebook của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mà tôi may mắn có được cuốn sách “Trò chuyện với Hiện thể” của tác giả Jiddu Krishnamurti do dịch giả - nhà thơ Hàn Thủy Giang dịch và giới thiệu. Một cuốn sách đặc biệt và là duy nhất bởi đó là sách nói chứ không phải sách viết. 


Krishnamurti đã ghi âm lại thay vì viết bởi thời gian đó, tay của ông đã run, sức khỏe ông đã suy yếu vì tuổi tác. Năm đó ông đã bước sang tuổi 89. Cuốn sách là một cuộc trò chuyện không giới hạn, mở ra những giá trị sống, những tư tưởng, những bài học nhận thức về bản thân, về thế giới miên viễn và vô ngã...

Jiddu Krishnamurti được biết đến như một diễn giả độc lập, độc lập về tư tưởng, về tinh thần và độc lập về công việc, cái cách mà ông đến và trò chuyện cùng với thế giới này. J.K sinh trưởng ở Ấn Độ trong một gia đình đẳng cấp Bà La Môn. Từ nhỏ ông đã được một số người lãnh đạo của một tổ chức có tư tưởng đoàn kết, thống nhất các tôn giáo chú ý và đưa đi đào tạo. Họ muốn ông làm giáo chủ của tôn giáo mới này.

Nhưng trải qua những trải nghiệm tâm linh dữ dội và nghiệt ngã, ông bỗng nhận ra không thể có "một cái gọi là tôn giáo" nào có thể đoàn kết được con người, mang lại hòa bình trên thế giới. Ông tuyên bố giải tán cái tổ chức định tôn ông lên làm giáo chủ kia với câu nói nổi tiếng: Chân lý không có đường vào. Con người phải tự mình vươn tới chân lý, chứ đừng bắt chân lý hạ xuống thấp cho vừa kích cỡ con người.

Hoặc: Bạn muốn có hòa bình trên thế giới, thì trước tiên bạn phải có hòa bình trong tâm trí. Nếu bạn cho điều này là viển vông, thì bạn cứ sống theo cách cũ hàng ngàn năm nay, đó là, mang một tâm trí đầy tham lam xung đột ra để giải quyết các vấn đề của thế giới. Và hàng ngàn năm nay, con người chưa bao giờ giải quyết được cả. Từ ngày ông giải tán tổ chức đó, ông chỉ còn một mình, đi khắp nơi diễn thuyết trên thế giới…

Dịch giả - nhà thơ Hàn Thủy Giang.

Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện thú vị với dịch giả - nhà thơ Hàn Thủy Giang về cuốn sách đặc biệt này:

- Vì sao anh chọn tác giả Jiddu Krisnamurti và cuốn nhật ký ghi âm của ông thiên về những vấn đề suy tưởng mang đậm tính triết học, tâm linh để dịch và giới thiệu với bạn đọc ở Việt Nam khi mà có vẻ như thị hiếu sách ngôn tình, vụ án, hay kiếm hiệp kỳ ảo đang chiếm lĩnh giới trẻ và độc giả Việt số đông?

+ Sách của Jiddu Krishnamurti đã được dịch tương đối đầy đủ ra tiếng Việt ở miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975. Nhiều người Việt Nam đã được đọc những cuốn như “Tự do đầu tiên và cuối cùng” (do Phạm Công Thiện dịch), “Đường vào hiện sinh” (do Trúc Thiên dịch)… và một số cuốn tôi không còn nhớ tên người dịch như “Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống”, “Giáp mặt cuộc đời”…

Những năm 90 của thế kỷ trước, chúng ta cũng cho xuất bản một số cuốn khác nữa như “Dòng sông thanh tẩy”, “Mạng lưới tư tưởng”, “Về thiền định”… Tôi nghĩ đã có nhiều người Việt Nam đã biết tới những điều cơ bản nhất trong những cuốn sách của Jiddu Krishnamurti.

“Trò chuyện với Hiện thể” (nguyên tác là J.Krishnamurti to Himself) là cuốn sách độc đáo duy nhất của Jiddu Krishnamurti. Cuốn sách này nguyên khởi là những băng ghi âm ghi lời nói của J.K. Ông đã  "nói" cuốn sách này, vì lúc đó tay ông đã bị run do tuổi tác, không còn cầm được cây bút nữa… Ông "nói" cuốn sách này khi ông chỉ có một mình trong vắng lặng, một mình trong những năm tháng cuối cùng của kiếp sống, và là cuốn sách dưới dạng nhật ký, cuốn sách cuối cùng của ông.

Năm 1997, từ một chữ "duyên", tôi có được cuốn sách đó. Tôi đọc và viết lại bằng tiếng Việt trong khoảng một năm. Nhưng từ đó tới nay tôi liên tục sửa chữa. Và phải 17 năm sau tôi mới hài lòng với bản cuối và gửi tới Nhà xuất bản Hồng Đức.

Là một người viết, tôi làm việc dịch sách cũng như viết sách theo những kế hoạch và dự định riêng của mình. Tôi chưa bao giờ quan tâm xem thị trường sách ưa chuộng thể loại nào, thích kiểu tác giả nào. Chính vì thế, những người viết sách theo cách cùng với tôi, không bao giờ sống được bằng nghề ấy, bởi chúng tôi không thể, không biết cách viết ra những cuốn gọi là bán chạy (best seller). Tuy nhiên tôi rất mừng khi ai đó đồng nghiệp viết được những cuốn sách đông người đọc. Tôi nghĩ cuộc sống của người đó sẽ đỡ vất vả.

- Tại sao lại là cuộc trò chuyện với hiện thể? Hiện thể ở đây có nghĩa là gì? Có thể hiểu nó như là một cuộc trò chuyện với chính mình, với linh hồn mình, hay một hiện thể ở bên ngoài bản ngã?

+ Cái tên cuốn sách: “Trò chuyện với Hiện thể” tôi chọn cũng không mất nhiều thời gian lắm. Cái tên ấy xuất phát từ hai gợi ý. Thứ nhất, đây là một cuộc trò chuyện. Tuy không phải trò chuyện theo nghĩa thông thường, vì trò chuyện là phải có từ hai người trở lên. Nếu chỉ có một mình thì nghĩa đen là trò chuyện với chính mình.

Nhưng các bạn để ý, ngay trong nguyên tác “Krishnamurti to Himself” thì tên tác giả được viết hoa, và đại từ phản thân Himself cũng được viết hoa. Điều đó hơi phức tạp một chút với những ai chưa tiếp xúc nhiều với cách dùng danh từ trong các sách về tâm linh của phương Đông.

Nói giản dị, hiện thể là tất cả những gì đang biểu hiện từ cái "bản chất tự mình" đang sống, chuyển động… mà chúng ta nhận biết qua giác quan. Nhưng hiện thể khác với cái chúng ta gọi là "thế giới tự nhiên", bởi hiện thể bao gồm cả chính chúng ta.

Ta và thế giới xung quanh – cả hai không tồn tại cái ngã, và vì thế không có những hoạt động quy ngã, mà ta thường gọi là ích kỷ hay vị kỷ. Hiện thể là thế giới xung quanh và cả chính chúng ta nữa nhưng cả hai cùng ko có cái ngã nên thể nhập vào nhau làm 1. Đó chính là hiện thể. Chính vì lẽ đó, tôi thấy J.K với Hiện thể là một. Và cả hai đang đối thoại cùng nhau. Ông cũng là Hiện thể. Và ngược lại.

Cuốn sách "Trò chuyện với Hiện thể" do dịch giả Hàn Thủy Giang dịch.

- Trong một thế giới ồn ào, bận rộn, mệt mỏi, nói như cách nói của Jiddu Krisnamurti là chúng ta đang ở trong một thế giới "thô tục", "thô lậu" và "xấu xí" bởi những ham muốn vô độ của con người. Vậy "Trò chuyện với Hiện thể" liệu có trở nên lạc lõng trên giá sách, trong nhu cầu đọc của người Việt hôm nay?

+  Một cuốn sách tốt giống như một người mang hạt giống lành. Cuốn sách ấy cứ gieo và gieo. Sự gieo vĩ đại nhất là sự gieo mà không mong cầu điều gì, nghĩa là không có tính "tham”. Gieo, và chúng ta tin tưởng vào điều gì lành đương nhiên sẽ nảy nở.

Con người ngày hôm nay có nhiều tham vọng, về vật chất và tinh thần. Tôn giáo, triết học, văn hóa và công nghiệp giải trí luôn ủng hộ, cổ vũ cho tính tham đó. Điều đó cũng không sao cả đâu. Ai gieo gì thì gặt nấy.

Đấy là quy luật khách quan. Những cuốn sách như “Trò chuyện với Hiện thể” có mặt không phải để phán xét, dạy dỗ, hay chỉ đường… cho con người. Việc đó nếu ai hiểu thế cũng là vô nghĩa. Nó có thể nằm trên giá sách lạc lõng bụi phủ… Có thể nó đợi chúng ta một ngày. Một ngày mệt mỏi, hoặc có một cái duyên gì đó, chúng ta muốn thay đổi cách sống hàng ngàn năm của loài người, chúng ta nhận ra chúng ta đang có gì đó sai sai chẳng hạn… thì chúng ta thử đọc nó.

Tôi nhớ một câu chuyện về thiền sư Nhật Bản Ryokan. Ông viết một bài haiku nhân tình cờ chứng kiến một tên trộm lẻn vào túp lều tranh nghèo nàn của ông. Hắn lấy đi vài thứ nghèo nàn của nhà sư…

Tiếc thay người ăn trộm
Lại bỏ quên ánh trăng bên song cửa…

Ở Pháp, người ta đã dịch bài thơ này và in lên những ô tường trong tàu điện ngầm. Những người làm văn hóa ở quốc gia đó muốn nhắc người dân rằng, làm gì cũng đừng quên đời sống đích thực như ánh trăng ngoài song cửa, đừng lãng phí thời gian của cuộc đời, lãng phí như thế là tự ăn trộm của chính mình.

-  "Trò chuyện với Hiện thể" là một cuốn sách kén độc giả, khó đọc và lựa chọn người đọc. Ngôn ngữ trong cuốn sách khiến người đọc liên hệ đến bản thảo gốc với phỏng đoán khó dịch, vì mỗi một câu trong đó đều hàm chứa đa nghĩa và phần nhiều mang tính gợi, mở ra trường liên tưởng, suy tưởng tiếp cho độc giả. Trong quá trình dịch, anh có gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn ngôn từ, để khi tới bạn đọc Việt Nam vẫn giữ đúng trọn vẹn tinh thần của Jiddu Krrisnamurti?

+ “Trò chuyện với Hiện thể” không phải khó đọc đâu. Chỉ là những cuốn sách như thế phải đọc bằng một cách khác với truyền thống của "sự đọc" một chút. Thông thường, chúng ta đọc sách theo kiểu học hỏi hoặc giải trí. Giải trí thì tôi không bàn, vì đó chỉ là sự tầm thường và thụ động. Còn học hỏi?

Chúng ta hăm hở tiếp nhận thông tin của cuốn sách, hoặc lời nói của diễn giả. Việc ấy dẫn tới hai cách thức: một là chúng ta ghi nhớ kiến thức mới, và đem ứng dụng. Hai là chúng ta phản đối kiến thức hay lời nói đó, vì theo logic của riêng ta, ta thấy nó không tương thích. Chính J.K đề nghị: Khi đọc sách, đừng quá quan tâm cuốn sách hay diễn giả nói gì.

Hãy tự nhìn vào tâm trí bản thân xem, tâm trí ấy phản ứng thế nào trước cái thông tin mà tâm trí ấy tiếp nhận. Và như thế, tâm trí ta mới dần dần chuyển biến, chuyển động, chứ không đơn thuần tiếp nhận hay phản đối một cách thụ động. Ông cũng thường khuyến khích người đối thoại với ông hãy tự đặt những câu hỏi. Nhưng đừng chủ động đi tìm câu trả lời. Hãy cứ đặt câu hỏi… và một lúc nào đó, câu trả lời thông minh sẽ tự xuất hiện.

Còn về ngôn ngữ trong cuốn sách, khi dịch thì ai cũng phải lựa chọn thôi. J.K nói bằng tiếng Anh. Trong nhiều văn bản, nhiều người trước đây dịch và hay dùng những từ Hán Việt thường có trong các văn bản kinh sách Phật giáo. Tôi không muốn dùng những từ đó, tôi gắng diễn đạt bằng ngôn ngữ hôm nay thôi, và giữ lại sắc thái của những câu văn nói. Nhớ rằng, đây là văn nói của tác giả, chứ không phải văn viết.

- Xin trân trọng cảm ơn dịch giả - nhà thơ Hàn Thủy Giang.

Như Bình

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文