Vị Hoàng thúc triều Lý ở xứ sở Kim Chi

08:38 22/09/2019
Mùa hè năm nay tôi có dịp đến cảng Vân Đồn (Quảng Ninh), được viếng thăm đình Quan Lạn - Ngôi đình cổ duy nhất ở Việt Nam thờ Vua Lý Anh Tông - người lập ra thương cảng Vân Đồn trong quá khứ. Và cũng tại đây, tôi được nghe những truyền tích lịch sử về một cuộc bôn tẩu đầy hiển hách của vị hoàng thúc nhà Lý gần 800 năm trước, đó là Hoàng tử Lý Long Tường và đoàn tùy tùng của ông đến đất nước Cao Ly xa xôi.

Đối chiếu với sử liệu, Lý Long Tường là con thứ bảy của vua Lý Anh Tông (trị vì từ năm 1138 - 1175). Bảy hoàng tử gồm Long Xưởng, Long Minh, Long Đức, Long Hòa, Long Ích, Long Trát và Long Tường. Như vậy, Lý Long Tường là em vua Lý Cao Tông (trị vì từ năm 1176 - 1210) và là chú vua Lý Huệ Tông (trị vì từ năm 1211 - 1225).

Vẻ vang nơi đất khách

Lật lại lịch sử gần 800 năm trước và nhiều tài liệu, thư tịch cổ đều ghi chép rõ ràng, tại thương cảng Vân Đồn, trong lần xuất ngoại (năm 1226), đoàn người tùy tùng của Hoàng tử Lý Long Tường đã dạt đến vùng núi Hoa Sơn thuộc đất Cao Ly (Triều Tiên và Hàn Quốc ngày nay), rồi ở lại đó dựng lên nghiệp lớn, trở nên lừng danh với chiến công đại phá quân Nguyên Mông trên đất người. Ông trở thành thuỷ tổ của một nhánh họ Lý ở nước ngoài, hậu duệ của ông ngày một cường thịnh trên đất nước ấy. Vậy diễn tiến lịch sử và nguồn cơn lịch sử nào dẫn đến hoàn cảnh éo le ấy của những hoàng thân, quốc thích triều Lý sẽ là vấn đề khiến nhiều người quan tâm.

Các nguồn chính sử đều ghi: Năm 1009, vua Lý Công Uẩn đăng quang mở đầu cho triều đình nhà Lý ở Đại Việt. Với Chiếu dời đô, nhà vua đã cho chuyển kinh đô từ Hoa Lư về Đại La và lấy tên là Thăng Long, mở ra một triều đại 216 năm hưng thịnh và vẻ vang nhất trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam với nhiều công lao bảo vệ, xây dựng đất nước.

Trải qua tám đời vua và hơn hai trăm năm lịch sử, đến đầu thế kỷ XIII, do nhiều nguyên nhân khác nhau, triều Lý bắt đầu suy vong. Năm 1225, Lý Chiêu Hoàng, sau vở kịch dàn dựng kết hôn của Điện tiền Trần Thủ Độ, đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Với sự kiện lịch sử này, vương triều Lý đã để rơi ngôi báu vào tay nhà Trần. Để tránh sự tiêu diệt của nhà Trần và bảo toàn dòng dõi, các hoàng thân, quốc thích nhà Lý đã phải rời bỏ kinh đô về các vùng xa xôi, hẻo lánh để ẩn cư.

Đình Quan Lạn- ngôi đình cổ duy nhất ở Việt Nam thờ tượng Vua Lý Anh Tông - người lập ra thương cảng Vân Đồn.

Cá biệt, năm 1226, Lý Long Tường (hoàng tử thứ bảy của vua Lý Anh Tông) đã cùng Bình Hải công Lý Quang Bật đóng hải thuyền cùng một số người khác rời bến cảng Vân Đồn ra biển đi trốn. Vì trước đó nhà Lý có xích mích với Chăm Pa và chiến thắng nhà Tống (Trung Quốc) nên Lý Long Tường đã chọn hướng Đông Bắc để lánh nạn. Đầu tiên, đoàn di cư đến đảo Okinawa (Nhật Bản). Sau đó, không biết vì lý do gì, đoàn của ông đã chọn Cao Ly làm nơi dừng chân cuối cùng. Đoàn hải thuyền của ông cập bến vào quận Khang Linh, lãnh thổ của Triều Tiên ngày nay, rồi lập nghiệp, sinh sống tại đó. Sau khi đã dần ổn định cuộc sống, Lý Long Tường đã cho mở Độc thư đường dạy văn (thi phú, lễ nhạc, tế tự) và Giảng võ đường dạy võ (chiến thuật quân sự, các loại binh pháp, binh khí). Học trò theo học rất đông.

Năm 1231, quân Nguyên Mông bắt đầu xâm lược Cao Ly. Năm 1253, tức là 27 năm sau ngày Lý Long Tường đến đất nước Cao Ly, quân Nguyên Mông chiếm được vùng đất Kaesong, khiến vua Cao Tông của Cao Ly phải chạy ra đảo Ganghwa. Trước tình hình ngày càng nguy kịch, nhà vua đã yêu cầu Lý Long Tường ra giúp sức đánh giặc. Nhờ có những kinh nghiệm chiến đấu khi còn ở quê nhà, ông cho đắp thành luỹ kiên cố, luyện tập binh sĩ thuần thục và chiến đấu ngoan cường.

Sau 5 tháng vây thành không có kết quả, quân Nguyên Mông bị tiêu diệt đến 1/3, đành áp dụng kế trá hàng. Họ cho gửi sang phía Cao Ly 5 “rương vàng” để tỏ ý cầu hoà nhưng trên thực tế trong đó là những thích khách có vũ trang để ám sát các quan chức của Cao Ly. Biết trước ý đồ của địch, Lý Long Tường dâng lên kế sách đổ nước sôi vào kẽ rương rồi sai người mang trả lại “rương vàng” nhà Nguyên - Mông. Khi mở rương, quân tướng nhà Nguyên - Mông vô cùng kinh hoàng khi thấy các thích khách của mình bị chết. Và đành chịu thất bại rút quân trở về nước, trên đường về bị quân Cao Ly phục kích đánh tan tác.

Vua Cao Tông của Triều Tiên hết lòng tán dương chiến công của Hoàng thúc Lý Long Tường, cấp cho ông thái ấp để con cháu đời sau có nơi sinh cơ lập nghiệp. Vua cho đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn và phong tước cho Lý công làm Hoa Sơn quân. Dân trong vùng còn tôn thờ ông làm tổ và dựng lên một chiếc cổng lớn gọi là “Thụ hàng môn”. Họ khắc ghi công tích và ca ngợi công lao vĩ đại của ông khi góp phần đánh đuổi quân Nguyên Mông. “Hỡi ôi!! Thụ hàng môn được dựng lên đã trải hơn 600 trăm năm, thế mà vẫn được muôn dân ngưỡng mộ, khách thập phương vẫn cung kính viếng thăm!” (Thụ hàng môn ký tích bi). Ngày nay, trên một ngọn núi tên Lul-bong, không xa núi Hoa Sơn, người ta tìm thấy mộ của Lý Long Tường và của con cháu hai đời sau. Riêng ở núi Hoa Sơn có một nền đá trên đỉnh núi có tên gọi “Vọng cố hương”, truyền rằng, Lý Long Tường thường hay đứng đó mỗi ngày hai buổi trông về hướng Nam, ôm mặt khóc vì nhớ quê nhà…

Nhưng có lẽ di tích tiêu biểu nhất vẫn là “Thụ hàng môn” được dựng lên ở Khang Linh, để ghi dấu nơi ông chấp nhận sự đầu hàng của quân Nguyên Mông. Cửa này được trùng tu vào năm 1990 nhưng vì kiến trúc nặng, nhiều gỗ bị huỷ hoại nhanh nên con cháu ông đã thiết lập vào năm 1993 một đài kỷ niệm được xây bằng đá với một tấm bia đá ghi rõ nguồn gốc dòng họ Lý ở Đại Việt, kể từ đời Lý Thái Tổ cùng những biến động xảy ra trong lịch sử Đại Việt trước khi Lý Long Tường chạy sang Cao Ly.

Hậu duệ hoàng thúc Lý Long Tường kế tục nhau sống trên đất Triều Tiên –Hàn Quốc gần 30 đời, phần lớn đều giữ những chức vị cao trong triều: Lý Cán, đời thứ hai giữ chức Kim Tử Quang Lộc Đại phu; Lý Huyền Lương, đời thứ ba giữ chức Chính Nghị Đại phu; Lý Ứng Nhật là tiến sĩ tu học ở Thạch Đàn; Lý Đình Giám làm tiến sĩ ở Thành quân quán; các ông Lý Hiến Quốc, Lý Hiến Chi, Lý Cảnh Hành, Lý Ngôn Vũ, Lý Vạn Vịnh đều là những tiến sĩ văn chương nổi tiếng…(Theo Thụ hàng môn ký tích).

Như vậy, nhờ sử liệu, gia phả dòng họ Lý, những câu chuyện được truyền tụng trong dân gian địa phương, đặc biệt căn cứ vào những di tích còn được bảo tồn tại xứ sở Kim Chi ngày nay, chúng ta mới có dịp biết rằng cách đây gần 800 năm, cha ông ta đã từng sống và lập chiến công hiển hách nơi xứ người.

Nghìn năm thương nhớ cố hương

Ngày nay con cháu dòng họ Lý ở Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn thường xuyên nhớ về cố hương thân thương và đã có nhiều dịp trở về Việt Nam, viếng thăm khu đền Đô (đền Lý Bát Đế), nơi thờ 8 vị vua thời Lý ở Bắc Ninh. Trải qua mấy trăm năm, các hậu duệ họ Lý ly hương vẫn tìm về quê cha đất tổ. Khi sang miền Nam Việt Nam ngày 6-11-1958, Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Lý Thừa Vãn đã tuyên bố rằng tổ tiên của ông là người Việt. Thông tin này đã được báo chí Sài Gòn công bố. Và dòng họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc cũng thừa nhận Tổng thống Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của Hoàng tử Lý Long Tường.

Trước năm 1975, hậu duệ đời thứ 30 của Lý Long Tường là ông Lý Khánh Huân đã cất công sang Sài Gòn tìm kiếm cội nguồn nhưng đất nước lúc ấy còn chiến tranh, hai miền còn chia cắt cho nên ông chưa thể về được đất tổ ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Điều này đã được con trai ông Huân là Lý Xương Căn - hậu duệ đời thứ 31 của Lý Long Tường (và cũng là Chủ tịch Ủy ban Người họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc) thực hiện. Ngày 18-5-1994, Lý Xương Căn đã làm lễ cúng bái tổ tiên ở đền Lý Bát Đế - nơi thờ cúng 8 vị vua nhà Lý. Dòng lưu bút của ông viết trong sổ lưu niệm tại đây: “Cháu chắt xin thề nguyện không làm điều gì tổn thương đến vong linh tổ tiên bằng cả tinh thần và sứ mệnh đặc biệt”.

Năm 1995, sang Việt Nam dự lễ Quốc khánh 2-9 tại Quảng trường Ba Đình, ông Lý Xương Căn đã được gặp và tặng Tổng Bí thư Đỗ Mười tấm liễn có dòng chữ: “Tuy sống nơi xa vạn dặm. Nhưng lòng vẫn luôn hướng về Việt Nam”. Đặc biệt, hậu duệ của dòng họ Lý Long Tường tại Hàn Quốc có nhiều người thành đạt. Ngoài gia đình ông Lý Xương Căn, một hậu duệ khác nổi tiếng tại Seoul là ông Lý Hy Luận, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn xây dựng Booyoung lẫn tham gia Tập đoàn công nghiệp chế tạo Hyundai cũng có nhiều đóng góp xây dựng kinh tế ở Việt Nam.
Đông Khánh

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra một tuyên bố cho biết, Kiev đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình cho Ukraine, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 6 tới tại Thụy Sĩ.

Cả nước ghi nhận 207 ca mắc sởi, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Nếu như 4 tháng đầu năm ngoái, Hà Nội không ghi nhận ca ho gà nào thì năm nay số mắc tăng 8 lần. Theo nhận định của chuyên gia dịch tễ, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ có nguy cơ tăng cao.

Nhà đầu tư cho rằng do địa phương chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; trong khi chính quyền thì báo cáo do nhà đầu tư chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, trường đua chó trị giá 300 tỷ vẫn phơi sương cùng tuế nguyệt.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文