Cảm hứng bất tận về Đất nước trong một thi phẩm của Trần Vàng Sao

11:04 22/04/2025

Trần Vàng Sao (1942-2018) tên thật là Nguyễn Đính, sinh tại Thừa Thiên Huế. Sau khi tốt nghiệp tú tài, Trần Vàng Sao vào học Đại học Huế và tích cực hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên cùng thế hệ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha.

Sau đó ông tiếp tục hoạt động ở chiến khu Thừa Thiên, đến năm 1970 ông được đưa ra Bắc an dưỡng và chữa bệnh, sau 1975 ông mới trở về Huế làm công tác văn hóa và sáng tác. Thi phẩm "Bài thơ của một người yêu nước mình" được sáng tác vào tháng 12/1967 tại Huế trong những năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cảm hứng bất tận về Đất nước trong một thi phẩm của Trần Vàng Sao -0

1. Đất nước là một đề tài lớn, là dòng chủ lưu trong Văn học Việt Nam hiện đại, mỗi nhà thơ khi nói về Đất nước đều đem đến những cách nhìn, cách cảm riêng của mình, đó là một Đất nước đau thương và anh dũng trong thơ Nguyễn Đình Thi, một Đất nước của nhân dân, của ca dao trong thơ Nguyễn Khoa Điềm, một Đất nước hào sảng, thiêng liêng trong thơ Lưu Quang Vũ… Giữa muôn vàn sắc điệu về Đất nước, Trần Vàng Sao góp vào dòng chảy ấy những cảm nhận riêng của mình.

Trước hết, Đất nước được gợi lên từ những kí ức tuổi thơ của một cậu bé nghèo ở một miền quê. Đất nước gắn liền với kí ức của một buổi sáng với không gian tràn đầy những thi ảnh lấp lánh qua cảm nhận tuổi thơ với gió thổi mát lành, hương lúa mùa qua, bầy sẻ trước sân nhà, cỏ may và muộng chuộng, tiếng cười lạ, câu ca dao buồn có hoa bưởi, hoa ngâu, hay tiếng còi tàu của sự chia li. Qua cảm nhận của nhà thơ, Đất nước cũng không còn là một khái niệm trừu tượng, không xa vời mà trở nên hết sức giản dị, thân thuộc, gắn liền với cuộc sống con người:

Buổi sáng tôi mặc áo đi giày
ra đứng ngoài đường
Gió thổi những bông nứa trắng bên sông
Mùi toóc (1) khô còn thơm lúa mùa qua
Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
Tôi yêu đất nước này như thế
Mỗi buổi mai
Bầy chim sẻ ngoài sân
Gió mát và trong
Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng
Tôi vẫn sống
vẫn ăn
vẫn thở
như mọi người…

2. Khi nói về Đất nước, Trần Vàng Sao cũng cảm nhận Đất nước từ chiều sâu văn hóa, lịch sử dân tộc. Đó là một Đất nước hình thành từ hàng ngàn năm lịch sử với truyền thuyết thiêng liêng về cội nguồn dân tộc với cha Rồng, mẹ Tiên, với quá trình mở mang và giữ gìn bờ cõi. Nhiều câu thơ lấy ý từ ca dao với nhiều hình ảnh quen thuộc như hoa bưởi, hoa ngâu, cầu Ái Tử, mảnh áo, cây cầu, củi than, rau cháo, cánh chim, chuối ba hương… cùng điệu hò mái nhì, mái đẩy, câu vọng cổ da diết. Tất cả điều đó góp phần hình thành những câu thơ bay bổng, dạt dào cảm xúc:

Tôi yêu đất nước này rau cháo
Bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
Áo đứt nút qua cầu gió bay
Tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan
Tôi yêu đất nước này lầm than
Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển
Ăn rau rìu rau có rau trai
Nuôi lớn người từ ngày mở đất
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng.

Thi phẩm "Bài thơ của một người yêu nước mình" ra đời trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như một lẽ tự nhiên, Trần Vàng Sao đã ý thức được nước Việt Nam là một thực thể thống nhất, không thể chia cắt Bắc Nam. Từ đó nhà thơ cất cao tiếng nói đấu tranh cho độc lập, tự do và khát vọng hạnh phúc chính đáng của con người.

Khát vọng thống nhất non sông, không phân biệt bên này/ bên kia ngay ở thời điểm đó đã khẳng định lập trường nhất quán của Trần Vàng Sao, trước khi là nhà thơ ông là người công dân xác định rõ trách nhiệm của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Đất nước. Nhà nghiên cứu Hồ Thế Hà nhận định: “Bài thơ này là sự hóa giải cho chính nhà thơ và cho mọi người về một tình yêu có sức ám ảnh lớn: tình yêu Tổ quốc. "Bài thơ của một người yêu nước mình" là điển hình cho phong cách thơ Trần Vàng Sao”.

Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất.

3. Đất nước gắn liền với hình ảnh mẹ, Trần Vàng Sao đã dành rất nhiều trường đoạn trong bài thơ để nói về người mẹ, đó là người mẹ nghèo khổ, góa chồng sớm nhưng lặng lẽ nuôi con khôn lớn. Người mẹ được phác họa bằng những chi tiết chân thực qua công việc và đời sống hàng ngày, đó là người mẹ lam lũ, tảo tần thức khuya dậy sớm gạo chợ nước sông, nhà quanh năm không lúc nào vắng người đòi nợ, người mẹ góa chồng đã mười mấy năm, cuộc sống lam lũ nên mẹ ít khi cười, ngồi một mình thường khóc cùng những tiếng thở dài và trên hết là tình thương dành cho đứa con sớm mất cha.

Chỉ qua bằng ấy nét phác họa, chúng ta đã hình dung về người mẹ, một người mẹ chịu bao vất vả, hy sinh, vượt lên mất mát, đau thương nuôi con. Người mẹ góa bị họ hàng khinh rẻ nhưng nhẫn nhục chịu đựng nuôi con khôn lớn thành người:

Thương con không cha
Hẩm hiu côi cút
Tôi yêu đất nước này xót xa
Mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng
Thương tôi nên ở góa nuôi tôi
Những đứa bà con nhà giàu hằng ngày chửi bới
Chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc,
như cho một đứa hủi
Ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới
Thắp ba cây hương
Với mấy cái bông hải đường
Mẹ tôi khóc thút thít
Cầu cha tôi phù hộ tôi nên người
Con nó còn nhỏ dại
Trí chưa khôn chân chưa vững bước đi

Tình yêu Đất nước và tình yêu người mẹ sóng đôi tạo mạch cảm xúc chân thành mà tha thiết, sâu lắng. Tình yêu Đất nước được bắt đầu từ những gì gần gũi, thân thuộc của mỗi con người. Trong bài thơ, rất nhiều lần Trần Vàng Sao nhắc đến lời khấn thầm của mẹ trong đêm, lời khấn mong con khôn lớn, tai qua nạn khỏi, chỉ điều đó thôi cũng đủ nói trái tim người mẹ cao cả biết nhường nào.

Trong lời đề tựa cho tập thơ cùng tên của Trần Vàng Sao, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “Thơ của Trần Vàng Sao chính là cuộc đời ông. Thơ ông hiện ra như chính áo quần ông, tóc tai ông, hơi thở ông, ánh mắt ông, giọng nói ông, cảm giác ông, mồ hôi ông, đau đớn ông, giận dữ ông, giày vò ông, tuyệt vọng ông, khát vọng ông và nhịp đập trái tim ông là thứ kỳ diệu nhất gắn kết toàn bộ những gì thuộc về ông để vang lên thành thi ca. Bởi thế, thơ ông chân thực và mãnh liệt như máu chảy trong huyết quản ông”.

4. Thi phẩm "Bài thơ của một người yêu nước mình" cũng thành công trên nhiều phương diện về nghệ thuật. Ngôn từ, hình ảnh được khái quát từ đời sống nên giản dị, mộc mạc nhưng giàu sức gợi hình, gợi cảm. Sự kết hợp yếu tố tự sự và trữ tình trong bài thơ cũng đem lại cách nhìn, cách cảm riêng về Đất nước, từ đó giúp nhà thơ khái quát về Đất nước trên nhiều khía cạnh, nhiều bình diện.

Nhiều hình ảnh ví von, so sánh, diễn đạt mới lạ, giàu sức liên tưởng (Và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen/ Ve sắp kêu mùa hạ/ Nên không còn mấy thu/ Lòng vui hôm nay không thấy chật). Điểm nổi bật nhất phải kể đến là cảm xúc của bài thơ được bộc lộ chân thành, tình yêu Đất nước được bộc lộ trực tiếp qua nhiều câu thơ có kết cấu trùng điệp trải dài khắp bài thơ, mỗi lần nhắc lại như một điệp khúc ngân vang tạo hiệu ứng cảm xúc cho bài thơ (Tôi yêu đất nước này những buổi mai/ Tôi yêu đất nước này áo rách/ Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em/ Tôi yêu đất nước này rau cháo/ Tôi yêu đất nước này lầm than/ Tôi yêu đất nước này chân thật/ Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi…). Đây cũng là bài thơ rất đa dạng về giọng điệu, khi tự hào, khi uất nghẹn, khi tủi hờn, khi tha thiết, khi lắng sâu, khi hy vọng… phù hợp với mạch cảm xúc ở từng đoạn thơ.

Trong sự phong phú của cảm nhận về Đất nước của thơ ca giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trần Vàng Sao như là những người đi đầu cho xu hướng mới mẻ để cùng và sau đó là Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo… cũng có những sáng tác về Đất nước với chiều sâu của cảm xúc và suy ngẫm. Mặc dù sáng tác không nhiều và không liên tục nhưng Trần Vàng Sao đã xác lập cho mình một vị trí xứng đáng trong nền Văn học Việt Nam hiện đại. Để khép lại bài viết này, xin mượn đôi câu thơ của nhà thơ lớn viết về Trần Vàng Sao: “Người liêu xiêu thơ liêu xiêu/ hồn thơ của một người yêu nước mình”.

----------

(1) Phương ngữ Quảng Trị, “toóc” có nghĩa là rạ, tức phần dưới của thân lúa còn lại sau khi gặt xong.

Nguyễn Quỳnh Anh

Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) đã được tổ chức trọng thể và thành công tốt đẹp tại TP Hồ Chí Minh - một lần nữa khẳng định ý nghĩa và tầm vóc lịch sử to lớn của Đại thắng mùa Xuân 1975 trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Với doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn tín dụng đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh lãi suất, tài sản bảo đảm là cản trở lớn nhất khiến cho doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn ngân hàng: doanh nghiệp thiếu tài sản, ngân hàng sợ rủi ro. Tình trạng này không mới, nhưng nó vẫn tồn tại dai dẳng, cần những giải pháp đột phá để giải quyết mâu thuẫn này.

Theo Công an tỉnh Phú Thọ, đây là một trong các vụ án ma túy có số lượng bị can bị khởi tố trong cùng 1 vụ án lớn nhất cả nước từ trước đến nay, với 73 bị can. Tính từ khi vụ án được khởi tố và chuyên án được xác lập trong thời gian khoảng 10 tháng, khối lượng công việc các thành viên phải thực hiện rất lớn. Quá trình đấu tranh, mở rộng vụ án, đồng thời phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do thông tin về đối tượng cần điều tra, mở rộng truy bắt ít, rất khó xác định được nhân thân… 

Đúng ở thời điểm nổi tiếng nhất, Hoàng Vũ Samson lại gắn liền với nhiều tai tiếng. Đúng ở giai đoạn đỉnh cao phong độ, Samson lại không nhận được tín hiệu từ ĐT Việt Nam. Và khi "Những chiến binh sao Vàng" mở cửa với các cầu thủ nhập tịch gốc nước ngoài, Samson lại ở sườn dốc bên kia sự nghiệp. 

Sau bài viết “Tái diễn thu mua, chế biến gỗ trái phép ở Thanh Hoá”, chúng tôi tiếp tục nhận được thông tin phản ánh, tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đang diễn ra tình trạng tương tự… Dường như, mọi chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hoá và chính quyền các huyện chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước nối liền một dải, Việt Nam hiện lên trong mắt truyền thông quốc tế là một quốc gia vững vàng, độc lập, không ngừng phát triển và hội nhập, người Việt Nam tử tế và hiếu khách. Đại lễ 30/4/2025 không chỉ là dấu mốc lịch sử, mà còn lan tỏa niềm vui chiến thắng, niềm tự hào dân tộc tới bạn bè năm châu. 

Để thu hút doanh nghiệp, các địa phương đã đầu tư nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung với hạ tầng đồng bộ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc đầu tư này thiếu đồng bộ, chưa hoàn thiện nhưng vẫn tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động. Điều này đã gây ra không ít hệ lụy, nhất là về môi trường.

Trong báo cáo bổ sung về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Bộ Nội vụ gửi Quốc hội mới đây cho biết, hiện cả nước có khoảng 2,21 triệu người lao động không được khai thác hết tiềm năng.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị các cấp, các ngành, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân và thân nhân các gia đình có người được đặc xá tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để những người được đặc xá nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Thời gian vừa qua, lợi dụng tình hình giá vàng trên thế giới có nhiều biến động, rủi ro khi tham gia đầu tư, tích trữ vàng tăng cao, các đối tượng lừa đảo đã lập ra nhiều tài khoản mạng xã hội, lấy danh nghĩa các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý kêu gọi người dân đầu tư mua bạc tích trữ. Đáng chú ý, lợi dụng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các đối tượng rao bán các loại bạc thỏi khắc hình ảnh kỷ niệm sự kiện này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.