Điều ít biết về nhạc sĩ tài hoa An Thuyên

08:00 02/10/2015
Tôi có một điều may mắn là được nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng tặng những tác phẩm tâm đắc của họ. Dù bận đến mấy tôi vẫn đọc, vẫn dành thời gian nghe các đĩa nhạc, xem các băng ghi hình...

Không hiểu sao những ngày cuối tháng bảy vừa qua,  tại nhà vườn Sóc Sơn tôi thường xuyên mở đĩa nhạc mà nhạc sĩ An Thuyên đã tặng tôi do ca sĩ Phạm Phương Thảo trình bày. Những sáng tác của ông, nhất là những ca khúc viết về quê hương xứ Nghệ làm tôi say đắm, bồi hồi…

Tình cờ, mở mail thấy bài thơ của Lê Duy Phương viết về người nhạc sĩ tài hoa An Thuyên gửi cho tôi, tôi mới biết nhạc sĩ An Thuyên đã qua đời do một cơn nhồi máu cơ tim.

Tôi gọi điện cho đạo diễn Huyền Lâm - vợ nhạc sĩ An Thuyên chia buồn - chị nghẹn ngào nói không nên lời. Gọi điện cho Bông Mai con gái ông, Bông Mai vừa khóc vừa nói: "Cháu cảm ơn, cháu sẽ nhắn tin cho bác ngày giờ viếng bố cháu" .

Nhạc sĩ An Thuyên.

Những lần gặp nhau, tôi đều nói vui với nhạc sĩ An Thuyên rằng: "Ông là người bạo gan không kém cụ Nguyễn Du, dám cắt, xẻ vầng trăng muôn thuở".

Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết trong Truyện Kiều "Vầng trăng ai xẻ làm đôi". Nhạc sĩ An Thuyên cũng bạo gan "cắt, xẻ" vầng trăng để "làm con thuyền nhỏ". Con thuyền nhỏ nghệ thuật mà ông chèo lái đã vượt qua nhiều sóng gió, cũng như gia đình của ông, một gia đình cả nhà làm nghệ thuật, cả nhà đều là "tướng tá" theo đúng nghĩa của từ này: Bố - nhạc sĩ, Thiếu tướng An Thuyên; mẹ  - đạo diễn, Trung tá Huyền Lâm; con trai - nhạc sĩ  Thiếu tá An Hiếu; con gái - đạo diễn, Đại úy Bông Mai. Bây giờ đạo diễn Bông Mai chuyển sang làm ở Đài Truyền hình Việt Nam.

Những lần trò chuyện với nhạc sĩ An Thuyên tôi mới biết, bố ông, Nguyễn Như Tùng, một nhà Nho xứ Nghệ thông thạo tiếng Hán từng làm thư ký cho một hãng buôn gỗ ở Quảng Ninh thời thuộc Pháp. Năm 1945, ông theo cách mạng về quê làm Chủ tịch Liên Việt xã; rồi những sai lầm của cuộc cải cách điền địa làm ông trắng tay, cả gia đình khốn khổ… Sau cải cách, được trả lại thành phần, cả nhà ông thành lập một gánh hát. Nhạc sĩ An Thuyên kể, bố ông hát hay, đàn giỏi, anh trai An Thuyên là Nguyễn Anh Cấp, cũng hát hay, biết chơi đàn, kéo nhị, làm họa sĩ vẽ phông cho các buổi biểu diễn.

Thời trẻ, Nguyễn Anh Cấp thường đóng vai nữ, má phấn, môi son, y như con gái thật. Nhạc sĩ An Thuyên là con thứ 6 trong gia đình có 7 người con. "Đoàn văn công" gia đình An Thuyên thường biểu diễn các vở như "Thạch Sanh", "Tống Trân - Cúc Hoa", "Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài"… An Thuyên được phân công làm "nhạc trưởng" .

Gánh hát gia đình nhạc sĩ An Thuyên thời đó thường đi biểu diễn cho cả làng, cả xã và được hợp tác xã trả công điểm…

Được nuôi dưỡng trong gia đình cả nhà đều làm văn nghệ, đều yêu nghệ thuật, ở một vùng quê nghèo xứ Nghệ, khi lớn lên, An Thuyên lại được tiếp xúc với những văn nghệ sĩ quê nhà. Năm 15 tuổi, chính nhà thơ Trần Hữu Thung - tác giả bài thơ "Thăm lúa" nổi tiếng - là người đã phát hiện ra năng khiếu nghệ thuật của An Thuyên.

Nhạc sĩ An Thuyên nói rằng, thời gian ba, bốn năm được phân công đi sưu tầm dân ca ở vùng đất miền Trung đã nuôi dưỡng tâm hồn ông, nuôi dưỡng những làn điệu dân ca trong ông, nên khi ông sáng tác, những làn điệu dân ca xứ Nghệ đã thấm vào máu thịt, thấm vào từng câu, từng chữ, từng nốt nhạc mà tự nhiên cất lên thành lời, thành điệu, thành âm thanh…

Cũng dễ hiểu vì sao gia đình ông hiện nay, vợ, các con ông cũng yêu nghệ thuật, đều là nghệ sĩ và  cũng say mê sáng tạo như ông.

Nhạc sĩ An Thuyên kể rằng, ông dạy con trước hết là dạy làm người. Làm người trước hết phải có lòng trắc ẩn, phải biết rơi nước mắt trước nỗi đau của con người. Làm người phải luôn nhớ về nguồn cội, nguồn cội từ gia đình, từ quê hương, mà cụ thể ở đây là quê hương xứ Nghệ, từ củ khoai, củ sắn, từ con ốc con cua, từ những gì làm nên truyền thống gia đình mình, quê hương mình…

"Tôi thường nói với các con rằng bố mẹ ra đi với hai bàn tay trắng, những gì mà gia đình mình có được như hôm nay đều bắt nguồn từ củ khoai, củ sắn, từ điệu dân ca, từ hồn vía quê hương xứ Nghệ… và điều quan trọng nhất của người làm nghệ thuật là cái tâm. Tôi thường dặn con trai An Hiếu, khi con ra đường gặp hoàn cảnh thương tâm phải biết rơi nước mắt thì nốt nhạc của con mới có ý nghĩa. Dạy con là mọi sáng tạo đều phải bắt nguồn từ cuộc sống, nếu không, những bản nhạc sáng tác ra cũng như là một thứ thời trang …" - Nhạc sĩ An Thuyên đã tâm sự với tôi như vậy.

Vợ nhạc sĩ An Thuyên, đạo diễn Huyền Lâm, người từng đóng phim "Chuyến xe bão táp", luôn nhớ đến lời dặn của bố, một nhà Nho, một người chuyên bốc thuốc chữa bệnh cứu người: "Trong gói thuốc ta bỏ gì vào chỉ ta biết, nhưng, đừng tưởng không ai biết, trời biết đấy… Bố chỉ dặn các con làm gì cũng phải ngay thẳng, đàng hoàng, những gì ta không muốn thì đừng mang đến cho người khác…".

Đạo diễn Huyền Lâm nói, bây giờ bà cũng dạy con như vậy, dạy bằng chính tấm gương của ông cha, của chính bản thân mình: "Tôi thường tâm sự với các con, khuyên các con phải thuyết phục người khác bằng chính công việc của mình chứ không chỉ bằng lời nói" .

Qua điện thoại, đạo diễn trẻ Bông Mai kể: Lên 5 tuổi, bố đã dạy Mai chơi đàn ghita. Khi chuyển ra Hà Nội, vì nhà không có điều kiện mua đàn, bố đã vẽ ra giấy những phím đàn piano cho Mai tập. Thi vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật, Mai đỗ thủ khoa về múa, nhưng bố mẹ muốn Bông Mai học toàn diện các môn nghệ thuật. Bông Mai đã được bố mẹ tạo điều kiện học đủ các bộ môn như thanh nhạc, đàn piano…

Gia đình hạnh phúc của nhạc sỹ An Thuyên.

"Bây giờ, khi làm đạo diễn các chương trình nhạc kịch Mai mới thấy việc học toàn diện các môn nghệ thuật là rất cần thiết cho người làm đạo diễn, Mai cảm ơn bố mẹ vô cùng" - Bông Mai thổ lộ.

Nhạc sĩ An Thuyên sinh năm 1949, tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1967 vào công tác ở Ty Văn hóa Nghệ An, năm 1975 vào bộ đội; năm 1977 công tác ở đoàn Văn công Quân khu 4 … Ông không chỉ "bạo gan" cắt, xẻ vầng trăng, ông còn bạo gan đem cả gia đình ra Hà Nội với hai bàn tay trắng vào thời điểm như ông nói  với tôi "Người xứ Nghệ đói… mắt vàng như nghệ…". 

Gia đình phải ăn nhờ, ở đợ, chuyển chỗ ở đến 20 lần, phải ở trên gác xép để làm nghệ thuật. Năm 1992, nhạc sĩ An thuyên "bạo gan" đảm nhận vai trò hiệu trưởng một trường nghệ thuật sắp giải thể và ông đã thành công, đưa Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội (nay là trường đại học) trở thành một trung tâm đào tạo những người làm nghệ thuật danh tiếng với phương châm: mình dạy những gì xã hội cần chứ không phải dạy những gì mình có.

Sau này, ở tuổi ngoài sáu mươi, nhạc sĩ An Thuyên lại "bạo gan" đảm nhận vai trò Trưởng ban Vận động thành lập Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.  Hôm Đài Truyền hình Hà Tĩnh mời một số nhà thơ, nhạc sĩ giao lưu, tôi cũng được mời và thật bất ngờ, chúng tôi gặp nhau ở một khu nhà tuyệt đẹp ven hồ Tây, nhạc sĩ An Thuyên giới thiệu "Đây là trụ sở của Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam". Bấy giờ ông làm giám đốc.

Ấy vậy mà An Thuyên đã ra đi, đi về cõi vĩnh hằng để lại tiếc thương cho bao người yêu mến ông.

Trong chương trình nhạc Việt vừa rồi, để tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa An Thuyên, nhiều bài hát ông mới sáng tác đã được các ca sĩ nổi tiếng trình bày, thực sự làm xúc động người nghe.

Bài hát về Phật bà trăm tay do Hồ Quỳnh Hương thể hiện đưa người nghe về với cõi thiện, với cõi vĩnh hằng nơi mà cố nhạc sĩ An Thuyên có lẽ giờ phút này đang phiêu du ở đó!

Dù đảm nhận vai trò gì, Thiếu tướng - nhạc sĩ An Thuyên vẫn say mê sáng tác, ông viết đều và những ca khúc như "Em chọn lối này"; "Đêm đò đưa nhớ Bác"; "Thơ tình của núi"; "Chín bậc tình yêu"; "Huế thương"; "Ca dao em và tôi"… luôn thấm đượm chất dân ca, luôn sống trong lòng những người yêu nhạc. Cho đến nay, ông đã nhận được nhiều giải thưởng về sáng tác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, của Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa…

Tôi nhớ lần ông lái xe ôtô đón tôi qua XÓM NÚI (Sóc Sơn) nơi có ngôi nhà nghỉ ngoại thành của vợ chồng ông. Tôi thấy vợ ông đang xắn tay dọn dẹp nhà cửa, hai cháu ngoại chạy ra chạy vào ríu rít… Tôi bỗng nhớ câu nói của đạo diễn Bông Mai, con gái ông: "Bố mẹ luôn dạy chúng cháu coi trọng gia đình, gia đình là số một".

Dương Kỳ Anh

Đội tuyển Việt Nam luôn được đặt kỳ vọng cao ở mỗi lần tham dự AFF Cup. Chúng ta đã có 2 chức vô địch ở hai thời điểm, hoàn cảnh, vị thế khác nhau. Và bây giờ là một thử thách khác. Trong loạt bài viết giới thiệu các đội tuyển mới đây trên trang chủ giải bóng đá vô địch Đông Nam Á – AFF Cup (tên gọi mới ASEAN Cup) 2024, AFF bày tỏ kỳ vọng đội tuyển Việt Nam sẽ có phần thể hiện ấn tượng và giành được thành tích tốt.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và tỉnh Điện Biên về hội nhập quốc tế, trọng tâm là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị, thời gian qua, Công an tỉnh Điện Biên đã chủ động, tích cực triển khai công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế với Công an 6 tỉnh Bắc Lào và Công an tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, trực tiếp là Cục Công an thành phố (TP) Phổ Nhĩ. Qua đó, ổn định tình hình ANTT, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế, xã hội, nhất là ở 4 huyện biên giới: Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé.

Hỏi: Tôi được biết Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực thi hành. Xin Quý báo cho biết, tại khu vực Thanh Trì thì điều kiện và diện tích tối thiểu được tách thửa đất ở có thay đổi gì không? (Bà Phạm Thị Hà, Thanh Trì, Hà Nội)

Tuy sinh sống ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương gần 8 năm qua nhưng lúc nào cô gái 9X Bùi Thị Mỹ Dân (quê ở thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định) – chủ sở hữu fanpage có nickname “Dân Bùi xứ Nẫu” cũng hướng về… xứ Nẫu Bình Định, nơi chôn nhau cắt rốn bằng những nghĩa cử thiết thực.

Trong Kỳ họp chuyên đề ngày 19/11, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Đề án giao thông thông minh trên địa bàn Hà Nội; quy định cụ thể các trường hợp vi phạm sẽ bị cắt điện, nước.

Thời gian qua, các ngõ 127, 155 Nguyễn Trãi; 126, 144 đường Thượng Đình thuộc phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) xuất hiện barie chắn ngang, chặn xe máy vào giờ cao điểm. Được biết, barie này là do người dân trong ngõ bàn bạc lắp đặt, chỉ được hạ xuống vào một khung giờ nhất định (thường từ 7h-8h30), hết giờ cao điểm sẽ được nâng lên nhằm hạn chế tình trạng tắc đường ở khu vực này.

Vào hồi 13h30 ngày 19/11, lực lượng cứu nạn cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ đuối nước xảy ra tại bãi bồi sông Hồng thuộc khu 1, xã Hiền Quan, huyện Tam Nông đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 2. Vị trí tìm thấy tại vị trí hạ lưu, cách cầu phao Phong Châu khoảng 2km thuộc địa phận khu 7, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông.

Mỗi quả thận được Ninh mua với giá từ 320 triệu đến 380 triệu đồng và được bán với giá từ với giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng tùy từng thời điểm. Ngoài ra, Ninh còn trả các khoản tiền chi phí xét nghiệm, làm hồ sơ thủ tục cho bên bán và bên mua thận…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文