Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 - 25-8-2021)

Dòng chảy âm nhạc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

12:43 20/08/2021

Trong dòng chảy âm nhạc ca ngợi chân dung một con người ở nước ta, sau Bác Hồ thì có lẽ hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp được các nhạc sĩ đưa vào khuông nhạc nhiều thứ hai. Chưa có một thống kê đầy đủ nhưng nếu tính đến thời điểm đầu năm 2017, khi PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường (Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội) tuyển chọn và biên soạn tập sách nhạc “Vị tướng của lòng dân” (NXB Quân đội nhân dân) thì đã có đến 91 ca khúc và 8 bản hợp xướng (tuyển chọn từ 127 tác phẩm) viết về Người.

Bản hợp xướng “Có một khu rừng như thế” của Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho có thể xem là sáng tác đầu tiên viết về Đại tướng. Là người lính hơn nữa đã có nhiều dịp được gặp gỡ nên nhạc sĩ Doãn Nho có điều kiện để hiểu Đại tướng một cách sâu sắc nhưng để viết về Người quả thật là điều không dễ. Bởi như ông chia sẻ thì: “Đại tướng là người văn - võ song toàn, trong văn có võ, trong võ có văn. Viết để toát lên được những phẩm chất cao quý ấy là rất khó”. Thông thường những ca khúc quân đội sẽ mang nhịp hành khúc nhưng ở bản hợp xướng này không như vậy, bởi nhân vật là vị lãnh đạo quân đội cao cấp nhất, người được triệu triệu người Việt tôn thờ, kính trọng, được bạn bè quốc tế gọi là “ngọn núi lửa phủ đầy tuyết”.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho vinh hạnh có bức ảnh kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Tư liệu).  

Tác giả “Tiến bước dưới quân kỳ” phải đắn đo, trăn trở suốt mấy chục năm mới có thể hoàn thành. Một điều may mắn hơn nữa là bản hợp xướng đã được Đại tướng lắng nghe vào dịp sinh nhật lần thứ 90 và cũng đã vang lên ở Nhà hát Lớn Hà Nội trong đêm hòa nhạc “Tổ quốc ta” chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 4, ngày 3-9-2013.

Cũng ra đời ngay trong thời gian Người còn sống còn có một số tác phẩm nổi bật, như: “Hạt cát ấy, bông hoa ấy” (Văn Chừng), “Noi gương anh Cả toàn quân” (Đào Sơn), “Vị tướng già bên cây trầm hương” (Phạm Huy Thanh), “Hát về người Đại tướng của nhân dân” (Lê Gia Hiếu), “Đại tướng của chúng ta” (Nguyễn Lân Hùng)… Vốn là người lính trong Đoàn Văn công Pháo binh Nam bộ, nhạc sĩ Đào Sơn đã khắc họa hình tượng Đại tướng như người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới quân kỳ, đằng sau là đội quân khí thế của Bộ đội Cụ Hồ qua ca khúc “Noi gương anh Cả toàn quân”. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 100, Đại tướng cũng được nghe ca khúc này trên giường bệnh qua tiếng hát của NSND Trần Hiếu.

Mùa thu năm 2013, khi Đại tướng về cõi vĩnh hằng, nhân dân cả nước đau xót, tiếc thương, trái tim của giới âm nhạc quặn thắt cùng hòa nhịp với lòng dân và một loạt tác phẩm đã ra đời ngay sau ngày đau thương đó.

Có thể kể đến, như: “Một con người bình dị đã ra đi” (nhạc Phạm Minh Tuấn, thơ Nguyễn Trọng Tạo), “Người lính ấy” (nhạc Lư Nhất Vũ, thơ Hoàng Vũ Thuật), “Huyền thoại một vị tướng” (Trương Quang Lục), “Huyền thoại Võ tướng” (Đoàn Bổng), “Đại tướng” (Nguyễn Văn Hiên), “Còn mãi với mùa thu” (nhạc Quỳnh Hợp, thơ Anh Ngọc), “Vị tướng trong lòng dân” (Lê Vinh Phúc), “Võ Nguyên Giáp, tên Người ngời sáng niềm tin” (Bùi Anh Tôn), “Tiếng đàn” (An Thuyên)…

Khác với những ca khúc khác, cảm hứng từ một chi tiết nhỏ, một góc khuất trong đời sống của người anh hùng vĩ đại là thường chơi đàn piano vào những giây phút yên bình mà Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên đã sáng tác ca khúc “Tiếng đàn”. Lúc sinh thời Đại tướng là người yêu văn nghệ nói chung, âm nhạc nói riêng và một trong những khoảnh khắc chơi đàn của Người đã được ống kính của Đại tá, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng lưu giữ được.

Sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến những ca khúc về Đại tướng lại không nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường. Nói vậy không chỉ bởi ông đã dày công tuyển tập và biên soạn tập sách âm nhạc đầu tiên và duy nhất (cho đến thời điểm này) về Đại tướng mà ông còn là tác giả của ca khúc “Vị tướng của lòng dân”. Trong rất nhiều mỹ từ mà mọi người gọi Đại tướng thì có lẽ “Vị tướng của lòng dân” là cụm từ mà nhiều người dùng nhất và cũng là đầy đủ nhất.

Là người may mắn 4 lần gặp Đại tướng, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường đã mất 2 đêm ròng để sáng tác ca khúc này và vị tướng của lòng dân được khắc họa đậm nét qua hình ảnh: “Tôi bước đi giữa dòng người đêm ấy, lặng lẽ âm thầm/ Tôi đã như không còn nước mắt để khóc như các mẹ các em…”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thả hồn trên phím đàn, bên cạnh là phu nhân Đại tướng (Ảnh: Trần Hồng). 

Bên cạnh các nhạc sĩ lớn tuổi, những người đã có cơ hội được gặp Đại tướng thì cũng đã có những nhạc sĩ trẻ sáng tác về Người bằng những tư liệu được đọc, được xem trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Trong những ngày đưa tang Đại tướng, đang huấn luyện quân sự ở Hòa Lạc, Đại úy, nhạc sĩ 8X Dương Trọng Thành (Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội) đã sáng tác rất nhanh ca khúc “Đại tướng - Người sống mãi với non sông” (thơ Vi Sư Đường).

Điều may mắn là trước khi Người qua đời khoảng hơn 1 tháng, anh được đến nhà ở số 30 Hoàng Diệu và qua khung cảnh, đồ đạc, anh đã thêm hiểu về cuộc sống đời thường của vị tướng huyền thoại. Đặc biệt với ca khúc mang giai điệu hò khoan Quảng Bình “Đất mẹ ngày về” tiếc thương Đại tướng lại chính là ca khúc đầu tay của NSƯT Phạm Phương Thảo. Từ chính cái duyên này đã mở ra khả năng sáng tác tiềm tàng trong nữ ca sĩ xứ Nghệ.

Kể từ năm 2017 khi tập sách nhạc “Vị tướng của lòng dân” ra đời cho đến nay cũng đã có nhiều sáng tác về Đại tướng, nhất là mỗi dịp mùa thu lại về. Mùa thu là mùa mà Đại tướng ra đời rồi mất đi. Đó cũng là mùa gắn liền với Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Năm nay, hướng đến kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Người, Đại úy, nhạc sĩ Lê Đức Trí (Đội trưởng Đội Tuyên truyền văn hóa, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) đã sáng tác ca khúc “Bất tử” rất được yêu thích.

Thực ra bài thơ “Bất tử” không hề mới, đó là bài thơ mà cách đây 8 năm khi Đại tướng qua đời, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã sáng tác và cũng giống nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, ông đã tuyển tập, biên soạn tập thơ “Tiễn Người vào bất tử” (NXB Thông tin và Truyền thông). Tập thơ gồm 103 bài thơ bằng đúng tuổi đời của Đại tướng, ra mắt vào dịp 49 ngày mất của Người.

Nhạc sĩ Lê Đức Trí cho biết, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã có thời gian dài vinh dự được canh giữ giấc ngủ ngàn thu khi Người về với đất mẹ và vì thế bài hát không chỉ là nỗi lòng của cá nhân anh mà còn của những người lính Biên phòng Quảng Bình với Người. Theo anh, bài thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo mới nghe thì cảm giác khó hiểu nhưng càng đọc càng thấm sâu vào anh khi nhớ về công lao to lớn của Đại tướng trong 2 cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc. Còn Thiếu tá, ca sĩ Viết Danh (Nhà hát Ca múa nhạc quân đội) – người thể hiện ca khúc này lại chính là người con của mảnh đất Quảng Bình. Nam ca sĩ cảm nhận đây là ca khúc sâu lắng nhưng cũng mạnh mẽ, hào hùng, rất hợp với “chất” của anh và anh đã hát bằng cả tấm lòng, sự trân trọng và thăng hoa nhất.

Dịp sinh nhật lần thứ 110 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày mùa Thu tháng Tám này, được nghe những ca khúc về Người khiến chúng ta không khỏi bồi hồi, xao xuyến. “Vị tướng 5 sao” đã về với thế giới người hiền nhưng những chiến công và cả những ca khúc về Người thì vẫn sống mãi cùng thời gian, như khắc ghi dấu son hào hùng của một dân tộc từ “rũ bùn đứng dậy”. Không hề có cuộc vận động sáng tác nhưng đã có đến hơn một trăm tác phẩm âm nhạc (tính ở thời điểm 2017) cho thấy Đại tướng là nguồn cảm hứng dồi dào, bất tận cho các nhạc sĩ. Chắc chắn qua từng năm tháng “kho tàng” ấy sẽ không ngừng đồ sộ và có đóng góp xứng đáng cho nền âm nhạc nước nhà.

Ngô Khiêm

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Chiều 5/5, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hoà Thành (Tây Ninh) đã tạm giữ hình sự đối với Biện Văn Cường (SN 1982, ngụ thị xã Hoà Thành) và Khấu Văn Thum (SN 1986, ngụ Kiên Giang) để điều tra, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

“Cảnh sát cơ động: Tư tưởng vững vàng/ Nắng mưa chẳng quản/ Hăng say luyện rèn”là khẩu hiệu được 1.000 CBCS hô vang hào hùng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, trong 3 tháng qua, hơn 5.000 CBCS CSCĐ đã miệt mài khổ luyện trên thao trường để báo cáo với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc.

Liên quan đến tình trạng tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt như Báo CAND đã thông tin, ngày 5/5, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa về kết quả khảo sát.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文