Gò Công đất lành dấu xưa vang bóng

08:05 27/04/2025

Chúng tôi về lại Gò Công trong không khí kỷ niệm 50 năm ngày hòa bình thống nhất đất nước. Chiến tranh đã lùi xa, thành phố trẻ nhất Nam Bộ đang thay đổi từng ngày.

Gò Công gắn liền với cuộc khởi nghĩa bi hùng Trương Định. Gò Công sản sinh nhiều mỹ nhân lẫy lừng cùng những bậc công hầu khanh tướng. Trải qua thăng trầm lịch sử, Gò Công còn lưu giữ một số dấu tích xưa đáng tự hào cùng vẻ đẹp của một địa danh đáng khám phá của vùng sông nước Cửu Long.

Gò Công đất lành dấu xưa vang bóng -1
Dinh Tham biện - một công trình kiến trúc cổ còn lại ở Gò Công.

“Đầu rồng đuôi phụng le the”

Trung tâm thành phố Gò Công nằm cách TP Mỹ Tho 35km về phía đông và cách TP Hồ Chí Minh 60km về phía Nam. Quốc lộ 50 kết nối TP Gò Công với TP Mỹ Tho về phía tây gần nút giao Trung Lương và với TP Hồ Chí Minh về phía bắc qua tỉnh Long An. Đường về Gò Công qua Mỹ Tho hay Long An đều thuận tiện. Và lần nào về lang thang trên vùng đất này, trong lòng tôi cũng rung ngân những câu ca da diết:

“Dưới nắng hồng, tôi đi giữa Gò Công
Đất như cao, trời như thấp lại
Trong khoảng không trên sóng biển chập chùng
Chỉ còn lại dáng mẹ hiền Gò Công
”.

(Mẹ Gò Công)

Từ giữa thập niên 1980, địa danh Gò Công bỗng vang lên khắp cả nước qua giọng ca trữ tình ngọt ngào của ca sĩ Bảo Yến và Nhã Phương trong một băng nhạc cassette được nhạc sĩ Quốc Dũng biên tập, hòa âm, phối khí 15 tình khúc bolero của nhạc sĩ Hoàng Phương.

“Cuối dòng sông Cửu Long, trước mặt nhìn biển Đông
Bên cửa con sông Tiền, quê tôi Gò Công
Đây quê hương Trương Định tranh đấu
Đất thiêng liêng ngàn đời khắc ghi sử hồng”.

(Gò Công hồng trang sử)

Những ca khúc vừa nồng nàn say đắm vừa mênh mang hào khí của nhà thơ - nhạc sĩ Hoàng Phương, một người con suốt đời gắn bó và tự hào về quê hương Gò Công. Vốn nổi tiếng với tình khúc "Hoa sứ nhà nàng" từ trước năm 1975, nhưng phải đến băng nhạc Gò Công, tài năng của nhạc sĩ Hoàng Phương mới thực sự khẳng định và được cả nước biết đến, tất nhiên có công lao góp phần lan tỏa của đôi vợ chồng tài hoa Quốc Dũng - Bảo Yến: “Thương một người ở xa một mình đôi mắt đỏ/ Con thuyền đi sóng vỗ sông nước sao đổi bờ/ Về nông trường Phú Đông rừng Tổ quốc mênh mông/ Sông rì rào ca hát tình yêu em dạt dào/ Đi qua cầu Cả Thu nhìn dòng sông bối rối/ Rung rinh chùm hoa sứ, bỗng nhớ em cuối trời...” (Thương một người ở xa).

Tuổi trẻ chúng tôi ở miền Trung biết đến Gò Công qua hình tượng anh hùng Trương Định từ sách vở, giờ biết thêm Gò Công qua những bài hát trữ tình của nhạc sĩ Hoàng Phương qua giọng ca Bảo Yến càng nghe càng yêu thích. Chính những tình khúc của nhạc sĩ Hoàng Phương đã thôi thúc chúng tôi về mảnh đất thiêng “Đây quê hương Trương Định tranh đấu” với những hình ảnh tuyệt đẹp “Con thuyền đi sóng vỗ sông nước sao đổi bờ” bên cửa sông Tiền để được thấy “Đất như cao, trời như thấp lại”. Và khi đã về lần đầu thì Gò Công lại mời gọi chúng tôi nhiều lần sau…

Gò Công được gọi bằng tên Hán Việt là Khổng Tước Nguyên, dân gian nói nôm na là cái gò chim công ở. Đồng hành với chúng tôi, nhà báo Bích Thủy cho hay, so với đồng bằng Nam Bộ “cò bay thẳng cánh” thì Gò Công xưa chỉ là mảnh đất nhỏ, diện tích chỉ vào khoảng 58 ha. Nghĩa là chỉ bằng một phần ba diện tích ruộng đất thuộc quyền sở hữu của bá hộ Trần Trinh Trạch - cha công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy: 180.000 ha. Nằm trong lưu vực giữa hai con sông Tiền và sông Hậu, Gò Công có vị thế riêng của đất “long đầu phượng y” (đầu rồng đuôi phượng). Dân gian Gò Công cũng truyền tụng hai câu ca dao:

Đầu rồng đuôi phụng le the
Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con.

Có người bảo đây là câu đố dân gian chỉ cây cau, vì “đầu rồng” có nghĩa là lá cau to dài chia làm nhiều nhánh, còn “đuôi phụng le the” là những quả cau thưa thớt, rất ít sợi, hơi le the. Cau ra buồng vào mùa xuân nhưng đến mùa hè quả cau mới chín rộ ánh vàng. Tuy nhiên, có người bảo le the chính là le le, một giống chim hoang dã, không chỉ là nguồn thực phẩm phong phú mà còn giúp bảo vệ căn cứ địa của nghĩa quân khi kẻ lạ xuất hiện.

Đất lành sinh những mỹ nhân và công hầu khanh tướng

Có lẽ nhờ đất lành mà trong chiến tranh, Gò Công tương đối yên ổn, ít bị bom đạn giày xéo như những vùng lân cận. Đất lành nên Gò Công được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều đặc sản nước lợ nước mặn và chế biến những món ăn dân gian lẫn tiến vua độc đáo. Và đất lành nên Gò Công đã cưu mang, che chở Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định cùng nghĩa quân chống Pháp, quê hương của hai người vợ ông là Lê Thị Thưởng và Trần Thị Sanh hết lòng hỗ trợ sự nghiệp cứu nước của chồng.

Đồng thời, Gò Công còn sản sinh nhiều bậc công hầu khanh tướng như: Lương Năng bá Nguyễn Văn Hiếu, Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào, Tri huyện Đỗ Trình Thoại, Bình Tây Nhị lang Nguyên soái Trương Quyền, Thái hậu Từ Dụ, Thứ phi Đinh Thị Hạnh của vua Thiệu Trị, Hoàng hậu Nam Phương của vua Bảo Đại… Trong đó, Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng là thân phụ của Thái hậu Từ Dụ, còn Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào là cha của Hoàng hậu Nam Phương.

Nhà cổ Đốc phủ Hải ở Gò Công nhìn từ trên cao.

Về văn học, người quê Gò Công để lại dấu ấn có thể kể đến nhà văn Hồ Biểu Chánh, cây bút văn xuôi đóng góp quan trọng vào sự hình thành thể loại tiểu thuyết nước ta buổi đầu phôi thai. Trong khi đó, nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh, người phụ nữ đầu tiên đã đăng thơ, viết bài, đăng đàn diễn thuyết hô hào cho phong trào Thơ mới, trong khi cha bà là Tri huyện Nguyễn Đình Trị, tục danh Huyện Trị, cũng là một cây bút xông xáo trong làng báo lúc bấy giờ.

Về quân sự, nếu như thế kỷ XVIII - XIX Gò Công sinh ra các danh tướng như Nguyễn Văn Hiếu, Đỗ Trình Thoại, Trương Quyền thì đến thế kỷ XX, Gò Công cũng vẫn xuất hiện những con người nổi tiếng, có người hiện đang giữ trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước ...

Từ năm 1885, tỉnh Gò Công thành lập làng Thành Phố làm tỉnh lỵ. Đây được xem là thành phố đầu tiên của Nam Bộ. Nhà nghiên cứu Phan Thanh Sắc cho rằng làng Thành Phố là một mô hình độc đáo khi thành phố được xây dựng trong làng. Ngoài sự sung túc phố xá, cầu đường, chợ búa thì làng Thành Phố còn đa dạng, đặc trưng về kiến trúc. Các ngôi nhà xây thấp, có tiền sảnh kiến trúc kiểu Pháp, còn bên trong có 3 gian, chái đôi. Tiêu biểu như các ngôi nhà của Đốc Phủ Hải, Bá hộ Mưu, Hội đồng Anna, Cả Trượng, Hội đồng Đạt, Hào Bé, bà Lâm Tố Liêng…

Cùng với làng Thành Phố, Gò Công còn nhiều di tích khác mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa của một thời cha ông khẩn hoang mở đất đánh giặc giữ nước. Đó là Lăng mộ Anh hùng dân tộc Trương Định ở trung tâm thành phố và Đám Lá Tối Trời - Gia Thuận, cùng khu di tích Lũy Pháo Đài Trương Định. Đó là Lăng Hoàng Gia, Lăng Võ Tánh, Văn Thánh Miếu, Đình Trung, Dinh Tham biện, và nhiều đình, chùa, miếu, nhà thờ. Đó là ao Trường đua nhộn nhịp mà người Pháp tổ chức cuộc đua xe đạp đầu tiên ở xứ này năm 1917. Đó là các lễ hội dân gian để suy tôn, thờ vọng các thiên thần và nhân thần có công với quê hương, đất nước.

Đáng tiếc, phần lớn dấu tích một thời vang bóng của Gò Công đã bị mai một, hoang phế, cần được bảo tồn, phục dựng di sản quý giá của tiền nhân.

Phan Tấn Hùng

Tối 3/5, Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, liên quan đến Chuyên án “VN10” truy xét đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Pháp về TP Hồ Chí Minh liên quan đến vụ việc 4 nữ tiếp viên hàng không bị lợi dụng vận chuyển trái phép chất ma túy, phát hiện tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 16/3/2023, mới đây Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt xóa thành công thêm hai băng nhóm hoạt động liên tỉnh, bắt giữ 27 đối tượng, thu giữ và ngăn chặn kịp thời hơn 245 kg ma túy các loại chuẩn bị thẩm lậu ra xã hội.

Ngày 3/5, theo thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao đã yêu cầu Viện trưởng VKSND tỉnh Vĩnh Long hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự vụ TNGT xảy ra ngày 4/9/2024, tại ấp Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) làm 1 cháu bé tử vong, đồng thời chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Việc Đỗ Xuân Long gây rối xảy ra tại nơi công cộng, vào thời điểm cấm đường để bảo vệ Đoàn cấp cao theo phương án của Công an TP Hà Nội.... Đồng thời, khi sự việc diễn ra, có đông đảo người dân tham gia giao thông đang chấp hành việc cấm đường chứng kiến, có người đã quay video đăng lên mạng xã hội, gây bất bình, dư luận xấu trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT tại địa phương.

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Cộng hoà Belarus Aleksandr Lukashenko, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan, thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Belarus từ ngày 5 đến ngày 12/5/2025. Nhân dịp này, Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh đã có cuộc trò chuyện với Báo CAND về quan hệ hai nước.

Tại Hà Nội, sau thời gian đầu vào nề nếp khi Nghị định 168 có hiệu lực, thời gian gần đây tình trạng người điều khiển xe máy vi phạm giao thông có chiều hướng gia tăng trở lại với các lỗi như: vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… Lực lượng CSGT đang tăng cường phạt nguội qua hệ thống camera giám sát cũng như thiết bị nghiệp vụ.

Sau khi chuyên án được xác lập, dưới sự chỉ đạo của Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ, các thành viên trong Ban Chuyên án đã tập trung lực lượng đấu tranh với các đối tượng đường dây.

Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) khai mạc hôm 28/4 tại TP Rio de Janeiro, Brazil, đã diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với những biến động lớn về kinh tế, chính trị và an ninh. Đây không chỉ là cuộc gặp ngoại giao thường niên, mà còn là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới phần còn lại của thế giới: BRICS đang quyết tâm trở thành một cực quyền lực mới trong trật tự toàn cầu vốn lâu nay bị chi phối bởi phương Tây.

Chiều 3/5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh An Giang đang tạm giữ hình sự 4 đối tượng: Nguyễn Thanh Sil (SN 2005), Trần Anh Kiệt (SN 2007), Nguyễn Thanh Tùng (SN 2008) và Nguyễn Trần Hồng Khương (SN 2009, cùng cư trú tại TP Châu Đốc, An Giang) để tiếp tục điều tra về tội “Giết người" và “Gây rối trật tự công cộng”.

Chiều 3/5, Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết: Gia đình anh Lê Thanh Phong (SN 1986, ngụ xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, Tây Ninh) vừa viết thư cảm ơn CBCS Công an tỉnh đã kịp thời đưa con anh khi gặp nạn đến bệnh viện cấp cứu kịp thời và đưa cháu bé trở về nhà an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.