Hành trình Hát bội Nam bộ
Hát bội là một loại hình sân khấu truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa, tồn tại lâu đời trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Nó không chỉ là loại hình sân khấu cổ truyền mà còn là biểu tượng văn hóa độc đáo của người Việt.
Đôi lời suốt mấy trăm năm…
Hát bội vào miền Nam và bén rễ trên đất Gia Định từ đầu thế kỷ thứ XIX, phát triển đỉnh điểm ở Nam bộ vào thời kỳ Tả quân - Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt. Ông sinh quán ở Định Tường (nay thuộc Gò Công, Tiền Giang) nhưng quê gốc Quảng Ngãi. Tả quân rất đam mê Hát Bội.
Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Rỡ nhận xét: “Hát bội, vốn đã đâm chồi nảy lộc ở miền Gia Định từ trước đó ít lâu, bây giờ như được mưa, phát dương xanh sắc bởi bàn tay chăm sóc của chính quan Tổng trấn. Chẳng những Tổng trấn có riêng một đội hát bội, mà các quan xa gần thuộc Trấn Gia Định đều tranh nhau để lập đoàn hát bội, nuôi con hát trong hàng ngũ quân đội. Thế là nghệ thuật hát bội đã lập cứ địa vững chắc tại Gia Định”.
Những sắc thái riêng - chung
Diễn xuất trong hát bội là một yếu tố cấu thành quan trọng, mang lại tính tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả, đòi hỏi nghệ sĩ phải hiểu và nắm vững các nguyên tắc: cách điệu, ước lệ, tượng trưng. Các nguyên tắc này được thể hiện bằng trình thức vũ đạo, lời ca, điệu múa truyền đạt đến khán giả sự cảm nhận về tính cách, tâm trạng của các nhân vật trong vở diễn hát bội.
Động tác múa/vũ đạo hát bội bắt nguồn từ những động tác trong sinh hoạt đời sống hằng ngày của con người như: lạy, chào, mời, điểm chỉ, kêu gọi, chèo thuyền, đốn củi, cày ruộng… Tất cả đều dựa trên cơ sở đường nét của nghệ thuật múa dân gian và động tác quyền thuật Việt Nam, nhưng được nâng lên thành những động tác múa có tính nghệ thuật để biểu hiện tính cách của các nhân vật trên sàn diễn hát bội.
Động tác múa vũ đạo trong hát bội không chỉ là những cử chỉ đơn thuần mà còn là ngôn ngữ nói lên tình cảm, thái độ của người nghệ sĩ đối với nhân vật mà họ đang hóa thân. Nếu người diễn viên biết khéo léo áp dụng tính sáng tạo động tác múa vũ đạo để xây dựng hình tượng nhân vật có giá trị nghệ thuật thì sẽ gây ấn tượng sâu sắc đối với khán giả.
Theo truyền thống, biên chế dàn nhạc hát bội gồm có những nhạc cụ tiêu biểu như: trống chầu, trống chiến, kèn, yhanh la. Dàn nhạc hát bội ở miền Nam có thêm một số nhạc cụ khác như: Trống trận, trống cơm, trống bát cấu, cò, sáo, chập chõa hoặc não bạt. Ngoài ra, còn sử dụng thêm một số nhạc cụ trong biên chế dàn nhạc của đờn ca tài tử và cải lương như: Tam, Bầu, Tỳ bà, Sến, Ghita phím lõm (được cải tiến từ nhạc cụ phương Tây).
Trống chiến được ví như linh hồn của dàn nhạc hát bội. Nó dẫn dắt toàn bộ dàn nhạc, về tiết tấu, về nhịp điệu; thông qua nó, công chúng mường tượng ra được không gian, thời gian của từng màn/lớp trong các vở tuồng hát bội. Cùng với trống chiến và thanh la, tiếng Kèn (Kèn bóp) tạo không khí cho các điệu hát như: nói lối bóp, hát khách, hát tẩu; và tạo ra những tiếng động sân khấu như: tiếng ngựa hí, tiếng gà gáy… Âm nhạc được sử dụng trong hát bội nhằm tạo bầu không khí, tạo cảm hứng và tác động đến tâm trạng của diễn viên và khán giả khi thưởng thức vở diễn.
Các yếu tố: thiết kế mỹ thuật sân khấu, phục trang, hóa trang, đạo cụ… cũng góp phần bổ trợ, tạo nên sức hấp dẫn, thu hút khán giả đến với hát bội.
Phần không thể thiếu trong đời sống người dân Nam bộ
Thời thịnh vượng của hát bội, có rất nhiều đoàn/gánh hát nổi tiếng khắp vùng, được người dân mến mộ. Mỗi địa phương có nhiều đoàn/gánh hát bội đóng quân. Đặc biệt là đất Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Mỹ Tho - Tiền Giang, Vĩnh Long,... Những địa phương này hát bội đã lưu dấu ấn đậm nét trong đời sống văn hóa của cộng đồng. Khi xưa, đất Cần Thơ có gánh hát bội của ông bầu Bòn, gánh Tân Lập Ban của ông bầu Lễ; Vĩnh Long thì có gánh: Tân Phước Lập, Đồng Thinh, Bầu Luông, Bầu Xẫm, Bầu Mầu, Bầu Võ, Bầu Đầy; Mỹ Tho - Tiền Giang có gánh Bầu Bời, gánh Bầu Trình; ở Gia Định có gánh hát bội danh tiếng Tấn Thành Ban (do ông huyện Trần Khiêm Cung làm bầu). Thời Pháp thuộc trước 1940, ở đô thị Sài Gòn, có Ban Nghệ thuật hát bội Sài Gòn của Đài phát thanh Sài Gòn (chương trình Tiếng Việt) phục vụ nhu cầu của đông đảo khán thính giả nghe đài gần xa.
Hiện nay, khu vực Nam bộ chỉ còn vài đoàn/gánh hát bội nỗ lực vượt khó khăn để duy trì tồn tại. Có thể kể đến gánh Thành Phước và gánh Phương Ánh (ở Thành phố Cần Thơ), đoàn hát bội và Tuồng cổ Ngọc Khanh (ở Đồng Nai), đoàn hát bội Long Phụng (ở Bình Thuận), đoàn hát bội và tuồng cổ Thái Vinh (ở Bình Dương). Ở Thành phố Hồ Chí Minh thì có Nhà hát Nghệ thuật hát bội Thành phố Hồ Chí Minh (tiền thân là đoàn Nghệ thuật hát bội Thành phố Hồ Chí Minh được Ủy ban nhân dân Thành phố ra Quyết định thành lập ngày 31/5/1977) được định hướng và tổ chức hoạt động dưới sự quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi tập trung các thế hệ nghệ sĩ gạo cội của hát bội ở Nam bộ và đào tạo nhiều lớp nghệ sĩ kế thừa giúp cho những tinh hoa của hát bội truyền thống luôn được gìn giữ và không phai mờ trong lòng công chúng khán giả yêu bộ môn kịch hát của dân tộc.
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, muốn xem hát bội, công chúng và du khách có thể đến Đền thờ Vua Hùng trong khuôn viên Thảo Cầm Viên (Số 2, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh); Lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu - nơi thờ Tả quân Lê Văn Duyệt và phu nhân của ông là bà Đỗ Thị Phẫn (Số 1 đường Vũ Tùng, Phường 3, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh); Nhà hát Nghệ thuật hát bội Thành phố Hồ Chí Minh (125A Châu Văn Liêm, Phường 14, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh). Tại đây vào mỗi buổi sáng Thứ Sáu/Thứ Bảy/Chủ nhật hàng tháng có tổ chức biểu diễn hát bội phục vụ công chúng và du khách miễn phí.
Hầu hết các đình thần ở Thành phố Hồ Chí Minh vào dịp lễ cúng Kỳ Yên đều có hát bội (nghi thức quan trọng không thể thiếu trong lễ hội này). Bên cạnh biểu diễn hợp đồng với các hội đình trong mùa cúng Kỳ Yên (cao điểm là tháng 2 và 3, 8 và 9 âm lịch hàng năm), Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh được chính quyền TP Hồ Chí Minh cấp kinh phí thực hiện nhiều vở diễn mang tính nghệ thuật cao. Hát Bội và các loại hình nghệ thuật khác như: đờn ca tài tử, cải lương, múa rối nước… tham gia phục vụ nhân dân và du khách trong các sự kiện văn hóa - chính trị, lễ hội quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh như: Tết Nguyên Đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, Lễ hội Nguyên Tiêu và Ngày thơ Việt Nam…
Hát Bội còn xuất hiện trong chương trình “Sân khấu học đường” (khoảng 150 suất diễn/ 1 năm phục vụ học sinh - sinh viên trên địa bàn thành phố). Bên cạnh đó, một số đoàn/nhóm hát bội và tuồng cổ tư nhân như: Đoàn hát bội và Tuổng Cổ Ngọc Khanh (Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khanh quản lý); Đoàn Tuồng cổ Minh Tơ (của Nghệ sĩ Thanh Sơn); Đoàn Tuồng cổ Huỳnh Long (nghệ sĩ Bình Tinh làm bầu); nhóm Hiếu Văn Ngư... hoạt động hiệu quả, được giới nghề và dư luận xã hội quan tâm, đánh giá cao.
Hát Bội ở Nam bộ bước vào giai đoạn thoái trào khi chữ Quốc ngữ phổ biến và nghệ thuật cải lương bắt đầu phát triển. Thế nhưng, nếu khẳng định loại hình nghệ thuật này không còn “đất sống” thì chưa chuẩn xác. Hát bội vẫn âm ỉ trong đời sống cộng đồng. Hát bội đã ăn sâu vào nếp sống của cư dân miền Nam từ mấy trăm năm qua.