Nghệ sĩ Phan Vũ: Đa tài, đào hoa và sự chung thủy

18:18 30/12/2022

Giới văn nghệ lắm người đa tài, lãng tử, đào hoa. Một trong những người khá tiêu biểu thuộc thế hệ cây đa, cây đề là cố nghệ sĩ Phan Vũ (1926 - 2019). Chỉ có thể gọi ông là nghệ sĩ mà không thể là một "nhà", một "sĩ" gì cụ thể bởi ông có quá nhiều danh hiệu gắn với nhiều lĩnh vực: Thơ, văn, biên kịch, đạo diễn, họa sĩ.

Phan Vũ nổi tiếng từ lâu. Giới điện ảnh và sân khấu nhiều người biết những vở kịch nói "Lửa cháy lên rồi", "Bà mẹ và thanh gươm" do ông viết kịch bản và các phim "Dòng sông âm vang" (biên kịch), "Bí mật thành phố cấm", "Như một huyền thoại" (đạo diễn) ra đời từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Năm 30 tuổi (1956) ông làm bài thơ đầu tiên có tên "Bình vỡ" với những lời lẽ thật thảng thốt: "Chỉ còn màu xanh trên từng mảng nhỏ/ Sao đâu đây phảng phất mùi hương thơ ngây?..". Một giọng thơ sớm có bản sắc khiến người đọc bị ám ảnh ngay với những câu thơ Phan Vũ tự họa chân dung: "Gã - xòe tay che một đời mưa/ Một đời nắng chân trần rất bỏng/ Sợi thòng lọng trên đầu phận số/ Chênh vênh bờ vực lối đi về...".

Phan Vũ và người vợ thứ 2 Diễm Chi.

Nhưng phải đến năm 1972, ông mới đóng đinh chắc chắn vào tâm thức người đọc bằng bản trường ca "Hà Nội phố" gồm 443 câu. Người ta đều dễ dàng gật gù tâm đắc khi nghe ông tự đọc bài này nhưng để thực sự nổi tiếng trong lĩnh vực thơ thì phải đợi sau khi có bài hát cùng tên của Phú Quang phổ thành ca khúc. Từ lời ca của bài hát, người ta tìm đọc kỹ thơ Phan Vũ thì thấy bản sắc riêng khá rõ trong các tập thơ ông đã cho ra đời là "Hà Nội - phố" và "Ta còn em".

Trong một lần tiếp xúc, Phan Vũ đã kể cho tôi nghe cơ duyên ra đời bài thơ trên. Đó là những ngày cuối cùng của năm 1972, đúng dịp lễ Nôen, bế tắc trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, đế quốc Mỹ quyết định ném bom B52 ra Thủ đô Hà Nội. Đêm đó, cả Hà Nội rung chuyển. Những cột lửa ngút trời bốc lên phía phố Khâm Thiên. Sau đêm đó, Phan Vũ đến phố này, chứng kiến cảnh tan hoang, đổ nát. Một sự căm thù, tức giận dâng trào.

Ông quay về nhà, ngồi ngay vào bàn viết trường ca "Hà Nội - phố". Ông nói với tôi: "Cậu biết không, lúc trở về nhà ở phố Hàng Bún, trong đầu mình quay cuồng ý nghĩ: Chúng mày dọa cho Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá cũ ư? Được, cứ làm đi, chúng tao có thể mất tất cả, nhưng sẽ không thể mất một Hà Nội kiêu hùng, hào hoa với mọi màu sắc, hương vị, với mùi hoa hoàng lan, hoa sữa... Lúc đầu mình định viết điệp khúc là "Tao còn em... Tao còn em...", nhưng về sau, bình tĩnh lại, thấy viết thế rất kỳ, không ổn nên mới sửa lại là "Ta còn em". Phan Vũ cũng ghi nhận tài năng của Phú Quang trong việc phổ bài thơ rất dài này: Cậu ấy chỉ lẩy ra mấy câu thơ trong cả một bài gần 500 câu mà thâu tóm được hết ý tứ của mình".

Những năm cuối đời, bắt đầu từ năm 70 tuổi, Phan Vũ lao vào thú đam mê hội họa với hàng trăm bức tranh đã vẽ chủ yếu là chất liệu sơn dầu. Tranh của ông rất hiện đại, tiếp cận được với giới họa sĩ trẻ. Ông đã tổ chức được tất cả 9 cuộc triển lãm ở trong nước và nước ngoài. Không học ở đâu, nhưng giới mỹ thuật đánh giá tranh của ông vẽ rất chuyên nghiệp với nhiều sáng tạo độc đáo.

Phan Vũ có tên khai sinh là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 ở Hải Phòng. Nhưng đây không phải là quê mà chỉ là nơi ông sinh ra. Ông nói về gốc gác của mình thật hài hước trong một cuộc triễn lãm tranh: "Nhiều người thấy tôi viết "Hà Nội - phố" cứ tưởng tôi quê Hà Nội. Nhưng không phải mà tôi có gốc gác ở Đà Nẵng. Bố tôi từ Đà Nẵng chẳng hiểu duyên cớ nào mà lại sang bên Pháp mấy năm. Rồi về Hải Phòng và gặp mẹ tôi cũng từ Đà Nẵng phiêu bạt ra đây. Rồi hai người gian díu với nhau, sinh ra tôi. Tôi chẳng có ý niệm gì về Đà Nẵng mà thấy mình như người Hà Nội. Có lẽ vì tôi gắn bó với nơi đây nhiều năm, từ 1954 đến 1990 rồi khi trở vào TP Hồ Chí Minh sinh sống".

Cuối năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ở tuổi 20, Phan Vũ từ Hải Phòng đi bộ đội rồi Nam tiến. Ông làm công tác văn nghệ ở Tây rồi Đông Nam bộ. Năm 1954, tập kết ra Bắc, làm việc ở xưởng phim truyện Hà Nội cho đến khi về hưu.

Phan Vũ có dáng vẻ một chút lãng tử, một chút bụi bậm, phong trần, một chút ngang tàng. Bên ngoài có vẻ xù xì và chút dữ dằn nhưng tâm hồn, tính cách lại đôn hậu, hiền hòa. Râu thì gần như không bao giờ cạo, cứ để mọc tự nhiên tua tủa nhưng tóc thì luôn thay đổi: lúc để dài như phụ nữ, lúc cho mọc tuỳ tiện, khi lại cạo trọc lốc như đầu nhà sư. Có lẽ vì cái dáng vẻ rất "đa dạng" đó cộng với tài năng hiếm thấy và tấm lòng luôn chân thật của ông mà khiến phụ nữ rất ưu ái, sẵn sàng ngã vào vòng tay người nghệ sĩ ngay cả khi đã ở bên kia dốc cuộc đời.

Thời gian người vợ đầu của ông là diễn viên điện ảnh nổi tiếng Phi Nga (người sắm vai Hoài trong phim truyện đầu tiên của Việt Nam "Chung một dòng sông") đã qua đời (1985), tôi hay đến chơi với ông. Hầu như tôi luôn thấy có những cô gái xuất hiện ở nhà ông. Lúc này ông đã ở tuổi 60. Họ đều có vẻ muốn sẵn sàng nâng khăn sửa túi cho người đàn ông vừa góa vợ. Nhưng ông chỉ coi họ như con, em, học trò. Tôi hỏi ông rằng cô nào cũng khả ái, sao không chọn lấy một thì ông nói hình ảnh vợ vẫn còn quá sâu đậm, ngày đêm ông vẫn luôn tơ tưởng, nhớ thương thì làm sao có thể sống được với ai. Phải để thời gian trôi qua, lâu dần may ra "năm tháng nguôi dẫn chuyện xót đau" thì khi ấy sẽ hay.

Được nhiều phụ nữ "nhòm ngó", vo ve nhưng khi Phi Nga còn sống, Phan Vũ hoàn toàn nghiêm túc, thủy chung, không có biểu hiện gì của sự "rung rinh", "la đà" mỗi khi không có vợ bên cạnh. Chẳng những vậy, ông còn là một người chồng rất ân nghĩa, tận tụy lo cho vợ. Phi Nga bị bệnh tim từ rất sớm, rồi bị tai biến dẫn đến liệt toàn thân. Ông phục vụ vợ chu đáo, luôn chở rồi cõng vào xem phim hoặc các buổi biểu diễn nghệ thuật mà vợ thích. 20 năm đằng đẵng chăm sóc vợ như thế khiến bạn bè, đồng nghiệp rất nể, trọng. Mỗi khi kể lại chi tiết sau đây, Phan Vũ vẫn ứa nước mắt. Đó là khi không còn nói được do tai biến, Phi Nga vẫn ú ớ gọi: "Vũ!" và chỉ một tiếng duy nhất đó.

Một bức tranh của Phan Vũ.

Phi Nga mất năm 1985 ở tuổi 49 sau 20 năm đổ bệnh. Thương nhớ vợ, Phan Vũ làm bài thơ "Đã có lần anh nói thương em" có những câu thảm thương, day dứt: "Câu nói buồn hơn tiếng khóc/ Nước mắt vẫn là chút trống không/ Hòn đá nhỏ lăn vào vô định/ Lời chì chiết tội tình/ Gửi lại mãi trong anh...?". Tác giả đề từ là "Gửi theo hương hồn Phi Nga". Sau khi vợ mất đã khá lâu, có hai lần, Phan Vũ lại làm thơ về vợ, trong đó có hai câu khá ấn tượng: "Tờ lịch chia thành từng tháng vỡ/ Vô nghĩa ngày xuân hay tháng hạ".

Quá buồn, thấy mọi thứ trong ngôi nhà của mình đều gắn với những kỷ niệm liên quan đến vợ, 5 năm sau (1990) Phan Vũ quyết định vào cư trú ở TP Hồ Chí Minh khi đã ở tuổi 64. Môi trường mới khiến ông vơi dần nỗi buồn đau. Qua tiếp 9 năm sống độc thân với nhiều bóng hồng xuất hiện, đều sẵn sàng muốn làm "em" Phi Nga, nhưng duyên mới vẫn chưa đậu nơi trái tim vốn dĩ đa cảm của người thi sĩ kiêm họa sĩ đất Bắc thì một ngày kia...

Con gái của Phan Vũ có người bạn nữ thân thiết tên Diễm Chi làm việc ở Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh. Cô gái này lo chuyên mục "Trò chuyện với người nổi tiếng" ngỏ ý muốn nhờ bạn mình bắc cầu để gặp Phan Vũ, thực hiện một bài phỏng vấn. Chỉ qua một buổi trò chuyện, không hiểu duyên số thế nào, từ "bác, cháu" sau đó chuyển sang "anh, em" nhanh chóng, ngon lành. Họ chính thức nên vợ chồng vào năm 1999. Lúc này Diễm Chi 37 tuổi và Phan Vũ 73. Nhà thơ vẫn nói với mọi người: "Chúng tôi bằng tuổi nhau, chỉ cần lật ngược lại số tuổi" (37 thành 73 và 73 thành 37).

Số phận của Phan Vũ thật ngẫu nhiên và trời đất cũng thật công bằng: 20 năm vất vả, tận tụy, hết mình chăm sóc người vợ đầu Phi Nga bệnh nặng (1965-1985) thì được bù đắp lại đúng 20 năm sống hạnh phúc, viên mãn bên người vợ thứ hai (1999-2019). Đúng vậy, ngày 17/7/2019, ông qua đời ở tuổi 93, đại thọ.

Và điều hạnh phúc lớn nhất đối với ông là luôn sống thanh thản, lao vào những niềm đam mê với nghệ thuật, với những gì mình yêu thích mà ông cho rằng "mình luôn được sống là mình, đúng với mình, không bon chen, không màng lợi lộc, không cầu lụy ai". Có lẽ vì thế mà ông đã trường thọ và cho tới trước ngày nhắm mắt vẫn còn đau đáu với những dự định sáng tác còn dở dang.

Nguyễn Đình San

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文