Người văn ấy trong mắt người thơ sau

15:57 14/01/2022

Lứa chúng tôi khi về Vinh nhận công tác đã thấy nhà văn Bá Dũng tóc điểm bạc, kính trắng lịch lãm, giọng nói nhẹ nhàng, thu hút... nên đứa nào đứa nấy cứ đồng loạt gọi "chú", xưng "cháu"! Vậy nhưng trong công việc, sinh hoạt hàng ngày thì không có khoảng cách nào, dù bấy giờ nhà văn Bá Dũng đã là người nổi tiếng trên văn đàn với hơn chục đầu sách văn xuôi, kịch bản văn học, lại còn là đương kim "sếp" lớn của thành phố Vinh - Nghệ An. Một thời gian dài được cùng làm việc, sinh hoạt hội văn nghệ cùng ông, được gặp gỡ, trò chuyện với ông, tôi ngẫm ra thật nhiều điều...

1. Từ nửa đêm cho tới sáng ngày 17 tháng 9 năm 1982, cơn bão số 7 sức gió giật trên cấp 12 kèm theo mưa to, sóng lớn, triều cường bất ngờ đổ ập vào càn quét hầu hết các huyện ven biển và trung du của tỉnh Nghệ Tĩnh. Là phóng viên đài tỉnh, chúng tôi ngày đêm đi hết mọi làng trên, xóm dưới "mô tả" cảnh bão gió mưa tàn phá nhà cửa, ruộng vườn, trường học, bệnh viện… phục vụ đưa tin hàng ngày còn để làm tư liệu báo cáo cấp nọ, cấp kia, gọi là "bản báo cáo bằng hình ảnh" sinh động, thuyết phục người xem.

Nhà văn Bá Dũng (thứ 2 từ trái sang) tiếp chuyện lãnh đạo tỉnh Nghệ An đến thăm anh em văn nghệ sỹ.

Sau đận khó khăn, vất vả đó, gặp nhà văn Bá Dũng, tôi vừa như muốn hỏi chuyện lại vừa muốn thanh minh về việc nhóm chúng tôi vừa "vấp" phải khi háo hức mang lên tỉnh trình chiếu bộ phim phóng sự về cơn bão nói trên. Tư liệu nhiều, được chọn lọc công phu, cắt dựng có ý đồ, lời bình gọn rõ…vậy mà xem xong cả nhóm bỗng bị vị lãnh đạo kia vặn hỏi: "Cấp ủy đâu, chính quyền đâu? Không hề có một tý chút mô về lãnh đạo, chỉ đạo cả? Các cậu mần ăn ra ri à ...".

Kể ra cũng "oan" cho cả nhóm khi người "đặt hàng" cho phim thì nói "cứ thống kê chi tiết, tỉ mỉ vào, mùi mẫn vào, tác động mãnh liệt vào tâm tư, tình cảm, để ta còn kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ…", trong khi người duyệt phim thì lại nghĩ khác, mong muốn khác. Thế là nhóm chúng tôi cứ phải chịu trận, cắt đi, sửa lại cho đến khi… trời yên, biển lặng!

Trong thời điểm đó, nhà văn Bá Dũng trình làng trên Báo Văn nghệ một bài bút ký viết ngay sau khi cơn bão số 7 vừa tan với một không khí, giọng điệu khác hẳn (rất tiếc là tôi không nhớ được tên bài ký đó?) Nhà văn đi về khu vực Cửa Lò, Cửa Hội, nơi bà con ngư dân ven biển vừa gánh chịu tổn thất vô cùng nặng nề về nhà cửa, thuyền lưới, chắc chắn phải mất rất nhiều công sức, tiền của mới có thể khôi phục lại sản xuất và đời sống.

Nhà văn gặp một lão ngư và nhìn ra ở con người quen "ăn sóng, nói gió" này ý chí vươn khơi, bám biển, gây dựng lại tất cả từ con số 0 và mênh mông biển cả. Rằng, với lão ngư này, khi sóng đánh hất tung tàu và lưới lên chính là lúc ý chí của ông và những người đi biển suốt đời như ông vững vàng nhất, kiên định nhất. Còn khi về lại đất liền yên tĩnh, lặng lẽ thì ông lại thấy mình như bồng bềnh, mất thăng bằng bởi vì ông không quen với điều đó, dứt khoát không bao giờ!

Nhà văn Bá Dũng cũng đã tìm về bệnh viện thành phố, không chỉ muốn tìm hiểu về những thiệt hại hay những biện pháp nhanh chóng ổn định mọi việc cần kíp nơi đây, mà ông tìm đến khoa sản, tìm đến những bà mẹ và cháu bé vừa sinh ra trong cơn bão lịch sử này. Vâng, trong giờ khắc cơn bão gầm rít, hất tung nóc nhà toang hoác, các cánh cửa trật chốt và mưa xiên mưa chéo, một công dân của thành phố vừa chào đời trong niềm vui khôn tả của kíp trực và người nhà còn ướt đẫm áo quần không rõ là do mưa bão hay những giọt mồ hôi thánh thót.

Tôi nhớ là lúc đó, nhà văn không nói gì khi tôi "trần thuật" chuyện làm phim và ngỏ ý thán phục nhà văn về bài bút ký, ông chỉ cười hiền như chia sẻ với những nông cạn, non dại của chúng tôi. Càng về sau tôi càng hiểu rằng, để có cách nhìn đó, nhà văn Bá Dũng cũng như bao người khác, đã từng trải qua vô số các trận bão của trời đất hàng năm, cũng như ông hoàn toàn không xa lạ với những người, những cảnh, những điều từng ngẫm nghĩ, viết ra để bảo vệ, chống chọi với những cơn sóng khó tính, ưa bắt bẻ của không chỉ bạn viết, bạn đọc!

2. Làm báo nghị trường như chúng tôi, nói vui là "ăn rồi đi…họp". Hễ đi họp tỉnh hay thành phố thì lại gặp lãnh đạo kiêm… nhà văn Bá Dũng! Việc nước, việc nhà hoàn thành mà việc văn, việc báo lại xuất sắc như ông kể cũng hiếm thấy.

Một số bìa sách của nhà văn Bá Dũng.

Thực ra với Bá Dũng, khi lên bục phát ngôn trịnh trọng hay khi tâm tình thủ thỉ với bạn bè, đồng nghiệp thì hai 'vai" ấy vẫn gắn kết, hài hòa, không bao giờ  lên giọng dạy dỗ cũng như chưa bao giờ xuê xoa hoặc "diễn" nọ kia. Bởi vậy, dễ hiểu khi rời vai Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, ông vẫn không bỏ được thói quen chiều chiều ra sân bóng chuyền "vận động ra mồ hôi, nghỉ ngơi, tắm táp, xem thời sự, đọc hoặc viết gì đó" như có lần ông nói với tôi.

Tôi biết chắc chắn rằng, nếu không đi đây đi đó, không tham gia vào bất cứ công việc to nhỏ lớn bé nào thì sau đó, ông sẽ rất khó khăn khi cầm lấy bút, hoặc cứ ngồi thừ ra trước máy tính, hoặc đóng máy lại, khép cửa lại để ra với hiện thực sôi động đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở làng biển kia, xóm đạo này như ông từng viết.

Vậy nên khi hết việc "quan", ông trở lại với công việc của một nhà - văn - chi - hội - trưởng, lo trại viết cho hội viên, cho phong trào sáng tác, lo tập hơp bài vở, in ấn, phát hành và cả chạy kinh phí cho Tạp chí Nhà văn Xứ Nghệ hay tập sách nhiều người mong mà chưa làm được là sách Nhà văn Nghệ An hiện đại.

Nhà văn đóng góp cho văn học bằng tác phẩm, đương nhiên. Những trang viết thành công hay chưa thành công của các nhà văn đều là bài học kinh nghiệm quý cho người kế tiếp. Những chi tiết hay và đắt của nhà văn Bá Dũng trong bài bút ký nọ chắc chắn đã giúp tôi rất nhiều không chỉ trong chuyện viết báo hay viết văn. Nhưng sẽ không đủ nếu quên đi những nhà văn ngày đêm lo cho phong trào sáng tác, vun vén, động viên từng cây bút khi họ còn chập chững, khuyến khích họ tham gia các hoạt động hội và tạo "đất" cho mọi tài năng nảy nở, đơm hoa kết trái. Ở khía cạnh này, tôi tin chắc chắn rằng, nhà văn Bá Dũng có những đóng góp không nhỏ cho lớp nhà văn kế tiếp, trong đó có tôi và con trai tôi ngay từ ngày đầu về quê công tác và tham gia hoạt động văn học.

3. Tôi là người mang ơn ông nhiều thứ và đã không bao giờ trả hết được. Ngày tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Bá Dũng với tư cách là Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Nghệ An đã đến cơ quan tôi chúc mừng và lấy bài, tư liệu để kịp giới thiệu trên Tạp chí Nhà văn Xứ Nghệ số mới nhất. Ông tận tình với tôi, với mọi người đến thế, vậy mà có lần tôi đã… không nghe lời ông! Dù chuyện riêng đã lâu nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại để lòng được vơi nhẹ. Đó là khi tôi chưa lập gia đình, có lần ông nói vừa thật vừa vui vui: "Cơ quan chú có cô bé, chú đoán có thể hợp với cháu, chú làm mối nhé?". Tôi "dạ" nhưng cứ nghĩ chú nói vậy vậy thôi, không để ý và ít lâu sau thì mang thiệp mời chú dự đám cưới! Đông khách nên chú cháu cười trừ, qua chuyện. Sau này, có lần chú ghé tai tôi, rằng "cô bé đó vẫn hay lắm, thỉnh thoảng trách chú là ông mối hụt đấy".

Lần thứ hai là một chuyện về bóng đá. Ông rất thích xem bóng đá ở sân Vinh. Quen thắng sân nhà nhưng bỗng nhiên hôm đó Sông Lam Nghệ An thua trận, một số khán giả quá khích đuổi đánh trọng tài, để lại hình ảnh vô cùng xấu xí trong mắt người hâm mộ. Ra về, cùng đi bộ ra phố, ông nhắc tôi: "Cháu làm báo, phải đấu tranh đến cùng với sự việc này. Không thể để công sức bao nhiêu người mới có được bỗng chốc đổ sông đổ bể chỉ vì một vài người thiếu suy nghĩ…".

Đúng là rất nhiều lần gặp ông, tôi chỉ thấy lần đó ông lộ vẻ cáu giận thực sự trước mọi người. Tôi lại cứ vâng dạ nhưng rồi chẳng làm đến nơi đến chốn, khiến ông gọi điện hỏi và nhắc nhở…

Mới đó mà chú Bá Dũng của chúng tôi đã đi xa hơn chục năm rồi.

Ngày Hội Văn nghệ Nghệ An và Thành ủy Vinh tổ chức Tọa đàm văn xuôi Bá Dũng, tôi đến muộn vì công việc và cũng không có bài tham luận vì thấy không đủ sức viết. Ngày tiễn ông rời cõi tạm, đoàn Hội nhà văn Việt Nam do các nhà văn Đào Thắng, Nguyễn Hoa, Nguyên An vào viếng, nhập cùng đoàn người xe lặng lẽ, không nói nên lời. Các nhà văn đều hiểu rằng, Hội, Chi hội, giới văn nghệ đã vĩnh viễn mất đi một con người đáng kính trọng, hết lòng xây dựng hội và phong trào sáng tác, một bút lực đang hồi sung mãn!

Tôi ghi lại những dòng này, để nhớ và biết ơn một nhà văn đi trước, một người không mệt mỏi vì thế hệ kế tiếp, người tôi luôn kính trọng gọi chú, xưng cháu trong đời viết, đời người…

Bùi Sỹ Hoa

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Chiều 5/5, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hoà Thành (Tây Ninh) đã tạm giữ hình sự đối với Biện Văn Cường (SN 1982, ngụ thị xã Hoà Thành) và Khấu Văn Thum (SN 1986, ngụ Kiên Giang) để điều tra, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

“Cảnh sát cơ động: Tư tưởng vững vàng/ Nắng mưa chẳng quản/ Hăng say luyện rèn”là khẩu hiệu được 1.000 CBCS hô vang hào hùng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, trong 3 tháng qua, hơn 5.000 CBCS CSCĐ đã miệt mài khổ luyện trên thao trường để báo cáo với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc.

Liên quan đến tình trạng tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt như Báo CAND đã thông tin, ngày 5/5, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa về kết quả khảo sát.

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...

Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thái Thụy (SN 1988, trú tại khu 5A, thị trấn Na Dương), Hoàng Ngọc Công (SN 1999) và Hoàng Ngọc Anh (SN 2001), cùng trú tại khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Ngày 5/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Đinh Vũ Đức Anh (SN 2008), trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và Dương Trung Kiên (SN 2008), trú tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để điều tra làm rõ về hành vi cướp tài sản. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文