Nguyễn Lương Ngọc: “Nung chảy mình ra mà tìm lõi”

09:55 30/06/2024

Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc (1958-2001) sinh ở Sơn Tây, nguyên quán ở làng Tòng Bạt, Ba Vì, Hà Nội. Thân phụ anh là nhà viết kịch nổi tiếng Nguyễn Khắc Dực, những năm 50-60 của thế kỷ XX, ông được đánh giá là một trong những nhà cách tân sân khấu Việt Nam đầu tiên. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư cơ điện, năm 1981 Nguyễn Lương Ngọc về công tác tại công trường xây dựng thủy điện Sông Đà, bắt đầu sáng tác thơ, theo học khóa  4 Trường Viết văn Nguyễn Du, rồi làm báo ở Hà Nội.

Mỗi lần nhớ về Nguyễn Lương Ngọc, tôi lại thấy trào lên một tiếc thương day dứt về tài năng thơ lớn này. Tuy ra đi ở tuổi 43, nhưng với 4 tập thơ để lại, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đã hoàn thành sự nghiệp thơ lớn của đời mình. Lúc còn sống, cũng là lúc tài năng thơ anh đang vào độ sung sức nhất, chín rực nhất, Nguyễn Lương Ngọc thường nói với bạn bè về những khao khát cách tân thơ của mình.

Anh là một cá tính thơ mạnh mẽ và có thể xung đột với bất kỳ sự mòn cũ, trì trệ nào đó trong thi ca. Thời điểm những năm 90 ấy, thơ Nguyễn Lương Ngọc đã "nổ" những bài đầu tiên vào thành trì của những thói quen vần điệu sáo rỗng không - chịu - chuyển -động của nền thơ cũ.

Hiện tượng cách tân đặc biệt của thi ca đương đại

Nguyễn Lương Ngọc không muốn thơ của mình ngân vang trong những quả chuông rỗng của nhạc điệu thơ cũ (vì phải chăng đặc tính của chuông là càng rỗng thì càng ngân?). Anh muốn thơ mình phải "Đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại - nung chảy mình ra mà tìm lõi - xé toang mình ra mà kết cấu". Theo tôi, không cần phải bàn cãi nhiều, Nguyễn Lương Ngọc là một hiện tượng cách tân đặc biệt của thi ca đương đại và có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của thơ Việt Nam cuối thế kỷ XX.

Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc.

Bài thơ "Gọi hạc" của anh với cái nhìn đau đớn về bản thể của sự sáng tạo, đã cho ta thấy đối với Nguyễn Lương Ngọc - thơ là một tín ngưỡng, nhà thơ phải đi tới tận cùng chân lý dẫu có phải đối mặt với cái chết, hoặc phải sáng tạo cái mới hoặc không bao giờ tồn tại: "Con cắt trắng/ xếp cánh/ khi gặp con khướu vàng/ Con khướu vàng/ khép mỏ/ khi gặp con hạc đỏ/ Con hạc đỏ/nức nở/ nhìn/con hạc trắng/ Hạc trắng/ Hạc trắng/ Những con đã sinh ra thì đã chết/ Những con chưa chết thì chưa sinh ra".

Từ năm 1990-1994, Nguyễn Lương Ngọc đã cho ra mắt 3 tập thơ: "Từ nước", "Ngày sinh lại", "Lời trong lời" và được đánh giá là một trong số ít các nhà thơ trẻ có những tìm tòi, đổi mới quyết liệt trong thơ. Nguyễn Lương Ngọc gặp hiểm nạn năm 1996, nằm liệt giường rồi qua đời năm 2001 trong sự thương tiếc vô hạn của gia đình và bạn bè văn chương.

Tháng 5/2006, cuốn sách "Nguyễn Lương Ngọc - Thơ và Người" do NXB Hội Nhà văn ấn hành, đã trở thành một tuyển thơ bán chạy nhất thời gian đó (ngay trong tuần đầu tiên đã bán hết 700 cuốn) và đã trở thành một sự kiện mới trong đời sống văn học đương đại. Có thể nói trong thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, thơ của Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Bình Phương và một số nhà thơ khác (thuộc thế hệ các nhà thơ xuất hiện sau 1975) đã vang lên trong tâm tưởng những người viết trẻ như một thứ "ánh sáng mới". Họ đã thực sự bị cuốn vào một cơn bão thi ca với những vận hội mới của nghệ thuật.

Tôi còn nhớ, một lần tại tòa soạn Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Lương Ngọc với ánh mắt thẳng thắn, đầy tự tin đã nói với một số nhà thơ thuộc thế hệ cũ một câu nói rất hồn nhiên, đại ý rằng: "Đã đến lúc chúng em phải quên các bác, phải quên ngay cái thứ thơ cũ rích của các bác để làm một cuộc thơ mới, các bác hãy tránh ra cho chúng em chơi cuộc chơi của thế hệ mình…".

Một nhà thơ già vui vẻ nói: "Chúng tớ có cản đường các cậu đâu…". Mà cản làm sao được khi Nguyễn Lương Ngọc trong bài thơ "Hội họa lập thể" của mình đã viết thế này: "Khi mắt đã no nê/ Những quy tắc lên men/ Khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật/ Có gì không ổn/ Có gì như bệnh tật/ Khi mồ hôi vẫn ê a thiên chức nghệ sĩ/ Anh không còn muốn nhìn những gì mình đã vẽ/ Chính nước mắt, hay máu tứa ra từ cái nhìn bền bỉ/ Đã cho anh chiếc lăng kính này đây/ Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu/ Em tặng anh cát/ Đây nó là thủy tinh/ Em tặng anh dòng sông/ Đây nó là ánh sáng/ Em tặng anh chính anh mà em vừa tìm được/ Đấy là em".

Trong một tuyên - ngôn - thơ như bài nói trên, ta thấy Nguyễn Lương Ngọc đã thực sự quyết liệt đối mặt với cái kiểu nghệ thuật giả tạo, nghệ thuật nửa vời cứ ngày ngày "vẫn ê a thiên chức nghệ sĩ" khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật. Và ngay bản thân nhà thơ trong nghệ thuật còn quyết liệt tới mức: phải đập mình ra mà ghép lại, phải nung chảy mình ra mà tìm lõi, phải xé toang mình ra mà kết cấu… thì làm sao anh ta có thể chung sống được với một thứ nghệ thuật ngôn từ cũ mòn, sáo rỗng đã bao năm trói buộc các ý tưởng sáng tạo mới.

Một trong những ngọn cờ mở đầu của thi ca mới

Có thể nói bài thơ "Hội họa lập thể" của Nguyễn Lương Ngọc đã mang trong mình tinh thần tuyên chiến với cái cũ trong nghệ thuật để khẳng định việc xây dựng một nền nghệ thuật mới. Trong những cuộc cách mạng thi ca, khởi đầu bao giờ cũng cần những "ngọn cờ mới", Nguyễn Lương Ngọc là một ngọn cờ như thế với tất cả sự quyết đoán và quyết liệt hết mình vì thơ ca. Nhưng số phận của những người mở đường, những người tiên phong trong nghệ thuật không mấy khi được thuận buồm xuôi gió.

Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc.

Và Nguyễn Lương Ngọc đã tiên cảm thấy điều này trong bài thơ "Với một nhà thơ"  viết về nhà thơ Trần Vũ Mai như sau: "Bởi anh không chịu được sự ồn ào/ ồn ào đã giết anh/ Bởi anh không chịu được dịch "cô đơn"/cô đơn đã giết anh/ Sứ mệnh, sứ mệnh khó khăn/ Phải cùng nhau giấu đi sự thật/ Để cùng sống cho ra vẻ sống/ "Mệt nhọc cũng giấu, khổ cũng giấu"/Anh không đủ can đảm mang đến người yêu nỗi buồn/ Nỗi buồn, anh còn yêu chị/ Anh không đủ dũng khí ứa ra một giọt nước mắt/ Nghìn giọt chất mãi nhão cả ngực/Anh không đủ dũng khí bắt mọi người phải khóc vì họ/ Hôm nay bao người khóc/ Chúng ta luôn phải đi đường vòng/ Với "đôi chân kẻ sốt rét rừng"/ Thôi, đừng cao giọng/ Đừng nói gì về sứ mệnh/ Sống, lặng im"Lặng im như bài hát"/ Chiều đang lụi, anh đến và bảo: Đêm thật đáng yêu/ Đêm sắp tàn, anh đến và bảo: Tôi sẽ dẫn đêm đi nghỉ".

Với bài thơ "Lý do" dưới đây, thêm một lần nữa, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc lại triển khai một ý tưởng mới trong việc cách tân thơ, khi anh liên tục đưa ra các hình ảnh, các liên tưởng, các câu hỏi về sự tồn tại của con người, của các dạng vật chất trong thế giới này như để tìm cách lý giải về thân phận xót xa của con người trong cuộc sống.

Nhà thơ làm người đọc choáng ngợp khi đi tìm: "Lý do của đất, của bùn, lý do nước sông về biển và biển tan nát mà không tan nát được… tìm lý do của các loài cây, các loài thú, các loại đá, địa y và nấm mốc, tìm lý do của máu, một loài máu tự cho là cao quý bởi thực không gì làm cho nó bẩn được nhưng có thể làm cho nó biến mất cũng như ta chưa từng bao giờ sinh ra, trên đời... Lý do của những con chuột tủi hổ với những chiếc răng cứ mọc không ngừng và của những hạt thóc lép như ngực một người đàn bà chờ chồng không dám sống vì phải sống và của những cánh buồm cứ phồng những miếng vá lên vì nỗi niềm kẻ khác và những con cá tầng đáy, những cốc tách nơi miếu thờ bị quên lãng, những bình vôi nơi một gốc gạo hoa đỏ rụng cuối mùa cho trò chơi của trẻ con và những cặp tình nhân lao vào nhau như những con thú điên cuồng bởi biết mình đang lao vào cái chết như một khuôn mặt đẹp mê hồn làm tôi câm họng và lý do của lưỡi khô trong miệng không cho một người tốt nói lời từ giã cuộc đời lẽ ra tuyệt vời mà chỉ còn ngậm ngùi nỗi niềm của nước lọc…".

Và cho đến khi chúng ta cảm thấy dường như con người bất lực, mệt mỏi vì không thể cắt nghĩa nổi các lý do được nêu ra ấy… thì Nguyễn Lương Ngọc mới khúc triết lý giải rằng:  "Và anh yêu em vì không tìm ra lý do, vì không thể không yêu em và vì cuộc đời khốn nạn này thật đáng sống, thật tuyệt chẳng có lý do nào khác. Lý do đất đã mang tôi, nước mang tôi, và tôi mang tất cả trên đường về, một tia sáng xanh trong ngực, uốn lượn và ôm chặt lấy em. Trên đường về".

Nguyễn Lương Ngọc đã ở rất xa chúng ta, nhưng hơn 200 trang thơ anh để lại vẫn như một dòng chảy ấm nóng trong đời sống thi ca những tháng năm này. Dừng lại mãi mãi ở tuổi 43 nhưng với anh, sự nghiệp thi ca đã hoàn tất, và anh vẫn còn như một vệt sao băng chói sáng bầu trời thi ca Việt tới hôm nay.

Nguyễn Việt Chiến

Dù đã liên tục phát đi cảnh báo song càng đến những ngày cuối năm, tình trạng lừa đảo công nghệ cao càng diễn biến phức tạp, cùng với đó số nạn nhân tiếp tục gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Những chiêu lừa không mới như tuyển cộng tác viên online, thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử hoặc các doanh nghiệp, đầu tư tài chính...

Theo Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn đang có đến 220 dự án tồn đọng, dừng thi công. Trong đó số dự án có vốn đầu tư công lên đến 161; dự án đầu tư bằng vốn tư nhân là 50 và có 9 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Dự án đầu tư công chậm tiến độ kéo dài trên không chỉ khiến các công trình bị đội vốn rất lớn do trượt giá, chi phí bồi thường tăng cao, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công. 

Thế giới đã bước sang năm mới 2025 nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ gây mất an ninh, từ xung đột địa chính trị, khủng bố, đến thảm họa tự nhiên và các cuộc tấn công mạng. Những mối đe dọa này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia mà còn đe dọa hòa bình và ổn định toàn cầu.

Đường dây do các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), cư trú trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều hành; hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng và lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người nước ngoài, rửa tiền thông qua mua bán ngoại tệ, tiền ảo, với số tiền đã chiếm đoạt lên đến 84 triệu USD, tương đương 2.000 tỷ đồng.

Thủ đô Hà Nội cùng với các tỉnh thành khác ở miền Bắc sáng sớm có sương mù, ngày nắng, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, cảm giác hanh khô. Khu vực Nam Bộ thời tiết mưa dông được dự báo về chiều tối và đêm, ngày nắng.

Bộ Công an khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) trong hệ thống quản trị toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xây dựng trật tự thế giới dựa trên pháp luật quốc tế và Hiến chương LHQ; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu, góp phần duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới.

Ngày 5/1, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Thị Thảo (SN 1996, trú tại Lào Cai) và Lin Kai Yuan (SN 1985, quốc tịch Trung Quốc, trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”; khởi tố bị can đối với Dương Thị Như Hồng (SN 2000, trú tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) về tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文