Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Hữu Thăng: Những sáng tác, dịch thuật tiêu biểu
Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Hữu Thăng là một cựu chiến binh, nhà báo, nhà thơ, dịch giả, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Hà Nội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ dịch Hội Nhà văn Hà Nội. Dù hoạt động văn chương chưa lâu nhưng ông có những đóng góp đáng kể đối với nền văn học nước nhà.
Nguyễn Hữu Thăng sinh năm 1951, tại làng Phương Viên, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; quê gốc ở Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh. Trong huyết quản ông có sự hợp lưu cả hai vùng văn hóa đều nổi tiếng cả nước là Xứ Đoài và Kinh Bắc. Điều ấy được thể hiện khá rõ nét trong các tác phẩm của ông. Chưa kể, khoảng 40 đầu sách thuộc lĩnh vực khoa học thường thức, ông có hơn 10 tác phẩm văn học dịch (từ tiếng Trung) và sáng tác, nổi bật nhất là dịch thơ, sáng tác và dịch câu đối.
Một số tác phẩm dịch tiêu biểu: "Thơ danh nhân Thái Thuận" (dịch thơ - NXB Văn học, 2017); "Thơ chữ Hán danh Nho Việt Nam" (dịch thơ - NXB Hội Nhà văn, 2017); "Thơ Đường tuyển dịch" (Dịch thơ - NXB Hội Nhà văn, 2017; "Câu đối sáng tác và dịch thuật" (2 tập, NXB Hội Nhà văn, 2018 và 2023); "Kiếm Hồ hoài cổ" (dịch thơ - NXB Hội Nhà văn, 2019); "Thơ chữ Hán Hoàng Nguyễn Thự" (Dịch thơ - NXB Hội Nhà văn, 2022); "10 nhà thơ lớn đương đại Trung Quốc" (Dịch thơ - NXB Hội Nhà văn, 2024).
Tập thơ tự sáng tác "Tình quê" với hơn 300 bài thơ, có cả thơ sáng tác bằng chữ Hán cũng khá đặc sắc. Nhiều bài thơ của ông được các nhạc sĩ phổ nhạc như: "Gió và mây" (Võ Toán), "Vị Xuyên 12/7 không quên" (Phạm Vũ Thục), "Mưa ngày giỗ trận" (Kim Anh)...
Thành công nổi bật nhất trong số sách dịch của ông là cuốn thơ dịch “Kiếm Hồ hoài cổ”, tác phẩm văn học dịch duy nhất vinh dự nhận Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019. Trong lễ trao giải, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận xét: “Đây là tập thơ tập hợp khoảng 200 bài thơ quý của các vị vua, các nhà khoa bảng từ thời Trần đến cuối thời Nguyễn; chất lượng các bài dịch khá nhuần nhuyễn, chuẩn xác về ngữ nghĩa, đảm bảo đúng niêm luật của thơ Đường, lời lẽ trau chuốt, phù hợp với văn phong của nguyên tác trong từng giai đoạn lịch sử; nhiều bài rất quý, chưa từng được dịch ở bất cứ cuốn sách nào trước đây...”. Những bài thơ cổ dịch trong các cuốn sách khác cũng đều có chất lượng như vậy.
Nhà văn, dịch giả Nguyễn Hữu Thăng chỉ dịch một tập thơ Đường Trung Quốc với hơn 250 bài thơ tiêu biểu, nhưng ông đã dành tâm huyết để dịch và đã xuất bản đến 4 tập thơ chữ Hán của các danh Nho Việt Nam trong lịch sử, đến nay vẫn còn 2 bản thảo nữa chưa xuất bản, tổng cộng dịch khoảng gần 1.000 bài thơ của ông cha ta để lại, phần lớn đều chưa có ai từng dịch. Đây là đóng góp lớn đáng ghi nhận của ông vào việc tôn vinh và quảng bá kho tàng thơ chữ Hán quý báu của tổ tiên.
Câu đối là thể loại văn học đặc biệt mà người xưa đã quan niệm: “Nếu thơ văn là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa”. Tiến sĩ văn học, dịch giả Trần Đăng Thao đã nhận xét về sách câu đối của Nguyễn Hữu Thăng: “Câu đối chữ Hán xưa nay được ghi chép và truyền tụng... nhưng chưa mấy ai dụng công tập hợp thành tập câu đối riêng của mình. Điều lạ hơn nữa là trong cuốn sách, Nguyễn Hữu Thăng đóng một vai trò đặc biệt: Vừa là tác giả, vừa là dịch giả, viết câu đối bằng chữ Hán và dịch câu đối Hán sang câu đối Việt... Có lẽ, Nguyễn Hữu Thăng là người giữ kỷ lục trong lĩnh vực này hiện nay, bởi theo tìm hiểu và hiểu biết của tôi, ông là người duy nhất giữ một ghế viết và dịch câu đối chữ Hán sang câu đối Việt, không có người chuyên nghiệp thứ hai”.
Ông không chỉ có 1 mà đến 2 tập sách câu đối với khoảng 500 câu đối, vừa sáng tác và dịch thuật. Đi đến các đền chùa, sau khi dâng hương xong, ông đi khắp di tích sưu tầm, ghi chép các câu đối để nghiên cứu và dịch. Có đọc những cuốn sách câu đối của ông mới thấy nhận xét trên của Tiến sĩ Trần Đăng Thao thật xác đáng! Những câu đối chỉ cần đọc lên cũng đã thấy ngay trình độ Hán ngữ, nghệ thuật câu đối, trình độ dịch thuật của tác giả như: “Quốc sử dân tâm vĩnh minh ký anh hùng từ mẫu/ Thạch bi kim bảng hằng khắc lưu liệt sĩ phương danh” được ông dịch: “Mẹ danh sáng anh hùng, sử nước lòng dân mãi nhớ/ Con tiếng thơm liệt sĩ, bảng vàng bia đá hằng ghi” (Thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng).
Cuốn “10 nhà thơ lớn đương đại Trung Quốc - Thơ dịch song ngữ” (NXB Hội Nhà văn, 2024) của ông lại là một thành tựu khác rất đáng ghi nhận bởi sự hiếm có. Với gần 400 trang, bìa cứng, trình bày trang nhã, sách tập hợp hơn 100 bài thơ của 10 nhà thơ lớn đương đại Trung Quốc. Nếu như văn xuôi Trung Quốc đương đại như tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn... có đến cả nghìn đầu sách đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam, thì dường như “10 nhà thơ lớn đương đại Trung Quốc - Thơ dịch song ngữ” lại là cuốn thơ dịch đầu tiên và duy nhất để bạn đọc Việt Nam có một cái nhìn tổng quát nhất về 100 năm thơ đương đại Trung Quốc qua hơn 100 bài thơ dịch được Nguyễn Hữu Thăng sưu tầm, chọn dịch từ 10 nhà thơ được trang mạng Sohu.com, một trong những phương tiện truyền thông Trung Quốc lớn nhất trên không gian Internet Trung Quốc, bầu chọn. Danh tính 10 nhà thơ lớn đó bao gồm 8 đại diện của 3 thế hệ nhà thơ Đại lục Trung Quốc và 2 đại diện nhà thơ Đài Loan (Trung Quốc) đương đại.
Tập thơ được tuyển chọn và dịch công phu với nhiều tâm huyết của dịch giả. Người đọc gặp gỡ trong đó nỗi niềm của các thi nhân ở nhiều cảnh huống đa dạng, rất gần với nếp nghĩ, nếp cảm của người Việt. Tựu trung, hơn 100 bài của 10 thi nhân trong tập thơ tỏa sáng hai nguồn cảm hứng lớn: hiện thực và lãng mạn, với những sắc thái, mức độ khác nhau; có đặc điểm lớn nhất là đổi mới và đa dạng, chịu ảnh hưởng của phong cách, trào lưu thơ phương Tây.
Mỗi bài thơ trong cuốn sách đều có phần nguyên tác chữ Hán, phần dịch nghĩa và phần dịch thơ. Các bài thơ dịch của Nguyễn Hữu Thăng trong cuốn sách này đều được dịch rất sát nguyên tác, cả về hình thức thể loại cũng như ý nghĩa từng câu thơ, có thể đối chiếu với bản dịch nghĩa, lại dịch hay, giàu chất thơ, gần gũi với người Việt Nam.
Tập thơ “Tình quê” (NXB Hội Nhà văn, 2021) với 256 trang khổ thường, gồm hơn 300 bài do ông sáng tác, in nhân kỷ niệm tròn 70 tuổi. Những bài thơ ra đời trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đúng như tác giả chia sẻ: “Phần “Tình quê” nói về kỷ niệm và tình yêu đối với quê hương, gia đình, đất nước... Phần “Tình xuân” gồm những bài viết về tình bạn, tình đồng chí, đồng đội. “Phía sau nụ cười” gồm những bài thơ thế sự, những bài thơ vui, thơ trào phúng”. Những nội dung ấy được thể hiện qua nhiều hình thức thơ: Thể thơ Đường luật, thể phú cổ truyền, thể thơ lục bát, thơ tự do... Nhà thơ Bằng Việt nhận xét: “Thơ trữ tình Nguyễn Hữu Thăng vừa có tâm lại có tầm”.
Ông viết về quê hương, đất nước, về gia đình, về người bạn đời từng cùng nhau chia ngọt sẻ bùi với tình cảm thật chân thành. Đặc biệt, đọc những bài ông viết về các anh hùng liệt sĩ vô cùng cảm động: “Mưa ơi xin đừng xối xả/ Cuốn trôi ký ức Vị Xuyên/ Đồng đội vẫn nằm khe đá/ Đừng trôi vào chốn lãng quên/ Nắng ơi xin đừng trút lửa/ Đốt thiêu trang sử chiến trường/ Ngàn người năm xưa gục ngã/ còn ôm mảnh đất biên cương” (Mưa ngày giỗ trận). Những bài thơ về tình yêu, tình bạn, tình đồng đội, về những người thân yêu trong gia đình... đều có tình cảm thật chân thành, thắm thiết.
Một điểm nhấn đặc sắc khác trong tập thơ này là phần thơ trào phúng, thơ vui, người đọc lại cảm nhận được tính hài hước, dí dỏm và sắc sảo của ông. Các bài vịnh tranh dân gian: "Vịnh Thầy đồ cóc", "Vịnh Đánh ghen"; "Vịnh Manơcanh", "Tuyển dâu xứ người"... Bài "Vịnh tranh Đám cưới chuột", thấu hiểu dụng ý của nghệ nhân dân gian khi vẽ tranh, tác giả nhân hóa tài tình vô cùng: “Suốt đời đục khoét của đầy hang/ Đám cưới rùm beng khắp phố, làng/ Biển trước, ô sau, hầu lũ lượt/ Kiệu khiêng, người cưỡi, chú vênh vang/ Sáo kèn rôm rả, nghênh dâng lễ/ Chim cá thập thò hối lộ quan...” khiến người đọc cười sảng khoái đôi khi cười ra nước mắt về thế thái nhân tình. Đây quả là một tập thơ đặc sắc ở nhiều mặt, rất đáng đọc.
Những tác phẩm dịch thuật và sáng tác của Nguyễn Hữu Thăng đã chứng tỏ một kiến văn rất sâu rộng và một năng lượng sáng tạo dồi dào. Tin rằng, nhà thơ, dịch giả sẽ còn gặt hái nhiều thành công hơn nữa ở chặng đường sắp tới.
Trại sáng tác Tam Đảo, 11/2024