Nhà thơ Y Phương: Trái tim chảy ngược lên núi

14:39 19/02/2022

Nhà thơ Y Phương lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Hà Nội vào đêm 9/2 khi mùa xuân quê ông đang trổ muôn mùa hoa mơ, hoa mận, thực sự để lại nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp và công chúng. Cuộc đời 74 năm của nhà thơ Y Phương đã đem đến cho văn chương Việt một chân dung thi ca Tày đặc sắc.

Y Phương khởi động hành trình chinh phục người yêu thơ Việt bằng giải thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984, lúc 36 tuổi. Thời ấy dòng thơ hào sảng và giục giã chi phối cả một thế hệ sáng tác, Y Phương cũng dự phần bằng giọng hồ hởi: "Câu hát thiêng liêng lắm chứ/ Hát bây giờ còn để hát mai sau". Tuy nhiên, phải đi đường xa mới biết sức ngựa, phải lên đại lộ cao tốc mới biết xe hơi động cơ bốn máy, sáu máy và tám máy khác nhau như thế nào. Sau những tập "Lửa hồng một góc", "Lời chúc", "Đàn then"... thì Y Phương đứng hẳn ra một góc riêng, có sự bồi hồi dân tộc đặc trưng và có sự khao khát chiếm lĩnh đỉnh cao.

Bước vào thế giới thơ Y Phương, độc giả luôn được thực hiện một chuyến ngược ngàn. Sông chảy, gió chuyển, phố uốn lượn, người nhấp nhô. Một phần do Y Phương thường sử dụng câu ngắn, liên tục ngắt dòng, nhưng một phần nữa do suy tưởng của Y Phương được triển khai đột ngột. Nói cách khác, thơ Y Phương trực tiếp đột kích vào nhận thức của người đọc, sau đó mới hình thành yếu tố thẩm mỹ.

Ý nghĩ vận động liên tục trong thơ Y Phương từ câu mở đến câu kết. Khi nào ý nghĩ dừng thì thơ dừng. Sự thành bại của những bài thơ như "Cô bé nào", "Người đẹp phố Vườn Cam" hoặc "Ngọn đèn đường mùa đông" đều được xác lập yêu thích theo từng người cảm thụ, vì có khi ý nghĩ đến trước thơ, mà cũng có khi thơ bị đuối ý nghĩ. Khi và chỉ khi ý nghĩ không còn tung hứng tay này sang tay kia mà đẩy vút đi thì có ngay sản phẩm đích thực Y Phương như bài thơ "Đi tìm":

Nhà em tận miền đông
Nhà anh mãi miền tây
Từ anh sang em
Đi hỏng đôi giày

Anh đi quên vung tay
Cởi áo vắt vai
Phăm phăm bước

Mặt trời cũng một mình
Đi tìm
Mặt trăng

Chính thế mạnh những ý nghĩ ken dày, nhà thơ Y Phương lắm lúc trở thành ông điền chủ rộng rãi ban phát phúc lộc vào những mùa bội thu. Ví dụ, bài thơ "Tên em là sông" chỉ cần bốn câu "Dòng sông vừa trắng vừa xanh/ Tên em là bến/ cho anh đợi đò/ Tên em trĩu một câu hò/ Cất lên chẳng được, có dò thấy đâu" đã đủ làm nên một bài lục bát tương đắc khách tri âm, và 16 câu còn lại lẽ ra dùng cho sáng tác khác. Ví dụ nữa, bài thơ "Gậy gió" vỏn vẹn 7 câu, nhưng có thể tách ra thành hai bài hoàn toàn bảo đảm tính chỉnh thể để hiểu tấm lòng một người cha dành cho một đứa con, bài thứ nhất hai câu: "Con là cây gậy gió/ Đỡ cha đi đường xa", bài thứ hai năm câu: "Cái thằng/ Đêm ngủ ngáy/ Khỏe hơn bễ lò rèn/ Cứ như vầng trăng méo/ Nhễ nhại cứ nhô lên".

Yêu mến thơ Y Phương cũng đồng nghĩa với việc yêu mến một người kể chuyện độc đáo. Những bài thơ "Phố xưa", "Nón mùa thu", "Lời ru", "Sám hối", "Có một mối tình", "Rượu cần", "Ngày chợ Thanh Minh", "Yêu muộn", "Người dưng"...  đều giống như những câu chuyện thủ thỉ có thể mang ra kể vào những trưa mơ màng, những chiều lãng đãng, những tối âm u khi con người cảm thấy cần hơi ấm của con người.

Những câu chuyện thi ca của Y Phương níu người nghe bằng hình ảnh khắc khoải và bằng chi tiết xao xác. Và trong vài trường hợp, câu - chuyện - thi - ca của Y Phương được biến tấu dài rộng, bài thơ "Tiếng mẹ đẻ" và bài thơ "Nước mắt cây đàn" như hai truyện ngắn súc tích, còn bài thơ "Làng hoang" như một cuốn phim bằng ngôn ngữ.

Câu hỏi mộ điệu: Vì sao nhà thơ Y Phương dễ dàng dùng những câu - chuyện - thi - ca gây men nhớ, tạo men thương cho chúng ta? Xin được trả lời, nhà thơ Y Phương có biệt tài tạo ra những đối ảnh. Xây dựng tứ thơ dựa trên những đối ảnh, đó là một kỹ thuật mà nhà thơ Y Phương sử dụng một cách thông thạo và khéo léo. Bài thơ "Mùa hoa" lấp lánh vẻ đẹp phồn thực dân gian được thiết kế đối ảnh song song giữa người đàn bà rạo rực và người đàn ông cuồng si: "Mùa hoa/ Người đàn bà/ Mặt đỏ phừng/ Đủ sức vác ông chồng/ Chạy phăm phăm lên núi/ Mùa hoa/ Người đàn ông/ Mệt như chiếc áo rũ/ Vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ". Còn bài thơ "Da thịt em" thiết kế đối ảnh tam giác với lửa, mặt trời và mặt trăng: "Khi lửa tắt/ Nó thoát vào không khí/ Khi mặt trời lặn/ Nó thoát vào không khí/ Khi mặt trăng lặn/ Nó thoát vào... da thịt em".

 Không khó khăn gì để bắt gặp những màn tương hội của những đối ảnh trong thơ Y Phương. Bài thơ "Tôi có một dòng suối" thì tương hội suối thương, suối say và suối mơ. Còn bài thơ "Vô đề II" thì tương hội biển, trời và trẻ con. Tất nhiên, không phải bất kỳ đối ảnh nào Y Phương đưa ra cũng thành bài thơ hay, mà nhiều khi có bóng dáng của những cách ngôn về quan niệm sống, chẳng hạn bài thơ "Con người" gói ghém: "Hai chân sục vào đất/ Hai tay bơi vào trời/ Ấy là con người".

Trong tiến trình phát triển văn hóa Việt, tác phẩm các nhà thơ dân tộc thiểu số góp phần giảm bớt độ chênh lệch của những trực cảm về những giá trị tinh thần khác biệt. Nhà thơ Y Phương có mặt thật mới mẻ trên một bút pháp quen thuộc: khai thác mối quan hệ ngoại cảnh và nội tâm. Đời sống muôn màu đổ bóng vào trang thơ mà trình bày cái tình ngổn ngang của tác giả. Có cái tình hiện hữu: "Chiều oi nồng/ Nhớ cô bé nhà bên thổi bong bóng/ Làm tôi bên này/ Phập phồng" và có cái tình hư ảo: "Những cô gái áo chàm/ Lơ ngơ đi trên cỏ/ Ơ hay trời chẳng gió/ Áo chàm tung cánh bay". Cái tình ở thơ Y Phương khi trầm khi bổng, khi bâng khuâng khi nghẹn ngào ít nhiều chứng minh rằng, nhà thơ nhạy cảm bao giờ cũng giống như một ốc đảo cô đơn một cách kiêu hãnh giữa xã hội xô bồ, nhưng lại thường trực nhu cầu giao tiếp với những mảnh hồn lênh đênh. Ngoại cảnh càng trôi dạt thì nội tâm càng trắc ẩn, ngày "Vắng con" đã trống trải: "Sau Tết/ Các con trả phép/ Bánh mốc xanh/ Mía khô cong/ Gió, lửa, than và nắng/ Thi nhau rét" mà gặp "Nỗi buồn tha hương" lại thêm nghẹn ngào: "Con tàu chở hàng/ Chở người/ Và chính nó/ Ì ạch đi trong đêm/ Giá mà đừng mang thêm/ Nỗi buồn tha hương".

Thơ Y Phương được nuôi dưỡng bằng nguồn cơn sum vầy của dân tộc Tày. Nhà thơ Y Phương tự trang bị một hệ mỹ cảm nhất quán, nếu như trong trường ca "Chín tháng" xác định "đêm như mực Tàu" thì bài thơ "Lời chúc" bổ sung "đôi mắt đen chữ Hán". Hơn nữa, Y Phương kiên trì cho thơ nương tựa vững vàng vào xứ sở đã sinh thành và cưu mang bản thân. Ngọn gió Đông Khê, cơn mưa Tĩnh Túc, bóng nắng Tà Lùng, hạt dẻ Trùng Khánh, chén rượu Táp Ná đều có công bồi đắp cho dáng dấp thơ Y Phương. Và ân nghĩa quê nhà được Y Phương đáp đền bằng những câu thơ: "Lên Cao Bằng xin đừng làm lạ/ Mời rượu cả chum, mời quả cả cây" hoặc "Lên Cao Bình đâu cũng gọi nàng ơi/ Lên Cao Bằng đâu cũng nhớ người ơi" có sức mời gọi hướng về một khoảng không gian nước non kỳ ngộ. Mặt khác, Y Phương dùng chữ tạc nên những hình tượng con người vùng cao khó quên: "Bà cụ trắng như mưa/ Lầm lỳ bên ngọn lửa/ Rắn và đanh".

Với cá tính bộc trực "tin nhau không nói nhiều lời", thơ Y Phương ít bài dở và cũng ít câu thừa. Mọi câu thơ đều được tập hợp để chuyên chở những ý nghĩ, khiến thơ Y Phương không có những câu dan díu hòng đẩy đưa với người đọc. Trên một văn bản thơ, bên cạnh những câu rõ nghĩa cũng cần những câu mơ hồ giúp độc giả thưởng thức trọn vẹn tác phẩm mà không bị bước hụt cảm xúc. Một bài thơ hiển thị bằng ngôn từ cũng giống như một khúc nhạc được tấu lên, khán giả luôn thích tiếng tính tiếng tang, nhưng đôi lúc xao xuyến nhờ tiếng ngân chới với giữa tiếng tính và tiếng tang. Một câu thơ mông lung sương khói không chỉ kết nối những ý nghĩ chuyển tải trong bài thơ, mà còn làm cho công chúng tránh được thuyết vị lợi của nhà kinh tế khi tiếp cận nghệ thuật thi ca. Vì vậy, người yêu thơ khó tính sẽ thấy ở Y Phương  sự sâu sắc và sự tinh tế, nhưng chưa thấy sự hào hoa! (Mà cũng lạ, tập tản văn "Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm" của Y Phương lại rất hào hoa!).

Cung đàn thơ Y Phương dù thưa thớt âm thanh nửa tính nửa tang vướng vít kẻ đam mê, nhưng vẫn có nhiều câu thơ chói sáng như "mẹ đã nằm cả hai con mắt", như "chân tay thơm quê hương",  như "quảng trường rộng đủ một mình tôi nhớ", như "cái nón mo tre như mặt trời lúc lắc". Y Phương có câu thơ hay nhờ run rẩy thương cảm "người già trầm ngâm lâu như cơn mưa", Y Phương có câu thơ hay nhờ quan sát tinh nghịch "sông Gâm ngày vắng teo/ sao xanh nhảy lên đèo" và Y Phương có cả những câu thơ hay nhờ duy mỹ dị thường "đất màu mỡ quờ tay ăn cũng được".

Thơ Y Phương thăng hoa trên sự chuyển động liên hồi. Chuyển động của ý nghĩ và chuyển động của hình ảnh. Ngay tâm tư đắng đót cũng chuyển động: "Những mùa dài sông Bằng không chảy/ Tôm cá đi buồn bã như người". Chiều kích nhà thơ Y Phương sẽ còn lớn hơn nếu có thêm những ấn tượng được lưu trữ trong ngưng đọng. Đọc thơ Y Phương, nếu đắm đuối "gạo chảy ngược lên núi/ muối chảy ngược lên núi" thì phát hiện trái tim Y Phương cũng chảy ngược lên núi.

Lê Thiếu Nhơn

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn (SN 1985, thường trú khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu, đoạn thuộc địa bàn Đồng Nai, ngày 2/5, Thành ủy TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm việc cấp ủy, chính quyền phường Phước Tân. Đây là địa phương có nhiều vướng mắc và được đánh giá phức tạp nhất trong số các xã, phường, thị trấn có dự án trọng điểm quốc gia là tuyến cao tốc đi qua...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文