Nhạc sĩ Hoàng Vân - "Cho muôn đời sau"

11:59 18/03/2022

Tôi mượn tựa đề của cuốn sách mà con gái của nhạc sĩ Hoàng Vân, Tiến sĩ Lê Y Linh vừa xuất bản để tưởng nhớ 4 năm ngày mất của người cha kính yêu. Trong vòng hơn nửa thế kỷ sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại khoảng hơn 700 tác phẩm trong gần như tất cả các thể loại và các hình thức âm nhạc. Sau ngày ông rời xa cõi tạm, gia đình đã dày công thống kê, lưu trữ và bảo tồn di cảo của nhạc sĩ, mang đến cho người đọc một cái nhìn đầy đủ về người nhạc sĩ tài hoa, người để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển của âm nhạc Cách mạng Việt Nam.

1. Nhạc sĩ Hoàng Vân (Lê Văn Ngọ, 1930-2018) thuộc về thế hệ nhạc sĩ Việt Nam được may mắn đồng hành với cuộc chiến tranh giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX. Song song với việc sưu tầm và bảo tồn nền âm nhạc dân tộc truyền thống, đây cũng chính là giai đoạn mà Việt Nam đặt nền móng sự phát triển trong tương lai cho một nền âm nhạc chuyên nghiệp hòa nhập với ngôn ngữ âm nhạc quốc tế.

Đông đảo quần chúng biết đến nhạc sĩ Hoàng Vân qua hàng loạt ca khúc để lại dấu ấn trong nền âm nhạc Việt Nam. Kể từ “Hò kéo pháo” (1954), nửa thế kỷ sáng tác ca khúc của ông có thể chia làm ba giai đoạn lớn: Cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc (1954-1973), hòa bình về (1974-1990), và những năm cuối đời (1990-2010).

Các ca khúc của ông mang nhiều hình thức và đề tài đa dạng, từ ca khúc nghệ thuật đến ca khúc thời sự, từ tráng ca đến ngợi ca, từ ngành ca đến tỉnh ca, từ tình ca đến du ca, từ dân ca đến những bài hát đậm tình quốc tế năm châu, từ người thợ mỏ đến người nông dân, từ thanh niên tới thiếu nhi, tất cả những đề tài tưởng như rất xa rời nghệ thuật đã được hát lên với những cung bậc xúc cảm nhất…. Những tác phẩm mà tôn chỉ của nhạc sĩ là sáng tạo, là sự hướng thượng, là cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, và bao trùm lên tất cả là tình yêu Tổ quốc!

Tuy nhiên, trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình, nhà soạn nhạc Hoàng Vân dành một vị trí quan trọng cho âm nhạc hàn lâm. Nếu như bản thơ giao hưởng “Thành đồng Tổ quốc” (một trong những bản giao hưởng thơ đầu tiên của Việt Nam viết vào năm 1960), đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng “Hồi tưởng” (1961-1962) và hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng “Điện Biên Phủ” (2004) là ba mốc đánh dấu những tác phẩm được phổ biến rộng rãi, thì vở ballet “Chị Sứ” (1968), tổ khúc giao hưởng bốn chương số II “Tưởng niệm” (1991), bản thơ giao hưởng số II (1994) và số III “Tuổi trẻ của tôi” (2000) là những mốc cho những tác phẩm hàn lâm mà khán thính giả ít được biết đến hơn.

Dàn nhạc giao hưởng không chỉ hiện diện trong những tác phẩm viết cho nó mà được thể hiện và sử dụng rộng rãi từ nhạc cho phim đến cho sân khấu, từ phần phối khí các tác phẩm thanh nhạc, cho đến tư duy viết ca khúc. Và khi không có dịp sáng tác cho dàn nhạc giao hưởng, ông đã dùng những thể loại thanh nhạc lớn như hợp xướng, trường ca… những tác phẩm mẫu mực trong nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam nhưng cũng vô cùng gần gũi với công chúng.

2. Lần đầu tiên, kỷ niệm 4 năm ngày mất của nhạc sĩ Hoàng Vân, con gái ông, Tiến sĩ nghiên cứu âm nhạc Lê Y Linh đã cho ra đời cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau”. Với tư cách một nhà nghiên cứu âm nhạc vừa là một người con của nhạc sĩ, Tiến sĩ Lê Y Linh "phục dựng" cuộc đời của ông bằng phương pháp khoa học hiện đại. Cô đã sưu tầm các tài liệu, từ lí lịch tự thuật của ông, phỏng vấn, tìm hiểu, ghi chép những lời kể, kí ức của những người thân, bạn bè đồng nghiệp của nhạc sĩ; sưu tầm các tác phẩm, sưu tầm các bài báo, các phỏng vấn được ghi âm, ghi hình. Các thông tin về nhạc sĩ và các tác phẩm đều được xác minh.

Tiến sĩ Lê Y Linh khẳng định: “Cuộc đời bố tôi là cuộc đời của một con người dành cho âm nhạc, thế nên tôi nghĩ "chỉ cần" điểm tác phẩm là đã có thể phác họa về thế giới nhân sinh, quá trình sáng tác và một phần cuộc sống đời thường của ông”.

Cuốn sách này hầu hết là những đánh giá khách quan của những đồng nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà báo, khán thính giả… Có thể thấy nhạc sĩ Hoàng Vân đã rất kiệm lời khi nói về mình, ngay cả các con ông, Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh và Giáo sư, nhạc trưởng Lê Phi Phi cũng được di truyền đức tính “kiệm lời” đó. Nếu hầu hết ở các tác phẩm mang tính hồi kí, chúng ta có thể thấy rất nhiều những thông tin về đời tư, những “bí mật” phía sau cánh gà… thì với “Nhạc sĩ Hoàng Vân- cho muôn đời sau” lại khác. Cuốn sách cho chúng ta thấy một nhạc sĩ Hoàng Vân chia sẻ hết mình để hòa với đời sống của muôn người, luôn sống và sáng tác một cách say mê cho hôm nay, ngày mai và đến tận mai sau, không vấn vương quá khứ, không nhìn lại ngày qua để hối tiếc hay trì néo.

Chuyện đời của nhạc sĩ được kể lại qua mối tình với người vợ thủy chung mà bút danh Y-NA (yêu Ngọc Anh) là một bằng chứng son sắt, tình yêu với 2 con của một người cha vừa nghiêm khắc đòi hỏi cao trong học tập và rèn luyện, vừa trìu mến trong đời sống hàng ngày. Nhạc sĩ Hoàng Vân dành cho riêng mình những thú chơi lặng lẽ, đó là hội họa, là thư pháp, là những chuyến dạo chơi Hàng Lược đón Xuân…

Tiến sĩ Lê Y Linh chia sẻ: “Thực hiện cuốn sách này, tôi chỉ có một mong muốn là kể lại những chi tiết quan trọng trong cuộc đời sáng tác của bố tôi – nhạc sĩ Hoàng Vân, trên cơ sở các tư liệu đã tập hợp được. Cuộc đời bố tôi là cuộc đời của một con người dành cho âm nhạc, thế nên tôi nghĩ, chỉ cần điểm tác phẩm là đã có phác họa về thế giới nhân sinh, quá trình sáng tác và một phần cuộc sống đời thường của ông. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp bạn đọc cảm nhận được một phần vẻ đẹp của nghệ thuật âm nhạc, được sự hướng thượng trong nghệ thuật và nâng cao gu thẩm mỹ”.

Cuốn sách mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới về cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Vân.

Chị kể lại một kỷ niệm đáng nhớ: “Hồi tôi còn nhỏ, tôi có nhớ là bố bị ốm trong vòng một thời gian dài, cả nhà rất buồn, nhưng tôi không hiểu tại sao bố ốm. Mới gần đây, tôi mới có được thông tin là vào khoảng 1969-1970, kho tổng phổ của Đài bị cháy. Sau một đêm, bao nhiêu công sức của bố tôi và anh em trong Đài làm việc mười năm ròng rã đã tan thành tro bụi. Đây là một sự mất mát vô cùng to lớn cho lịch sử âm nhạc Việt Nam đương đại bởi vì mười năm đó là những năm đầu tiên của nền âm nhạc chuyên nghiệp hàn lâm Việt Nam và dàn nhạc Đài mà bố tôi đã gây dựng từ đầu 1960 là một dàn nhạc được thu thanh nhiều nhất và có sự phát triển lớn mạnh trong thời gian đó. Đây cũng là mười năm có những sáng tác làm nên tên tuổi Hoàng Vân. Bố tôi ốm, và nếu như xem danh sách tác phẩm, trong vòng 2 năm (1971-1973), theo những tư liệu tìm được hiện nay, ông không cho ra đời được một tác phẩm nào đáng kể”.

Ông là người có sức sáng tạo dồi dào hiếm thấy, một sự nghiệp không ngừng nghỉ trong một hoàn cảnh lịch sử đầy biến động, với các tác phẩm thuộc đủ thể loại trong vòng hơn năm mươi năm. Có thể nói, “Nhạc sĩ Hoàng Vân - cho muôn đời sau” không chỉ cho người đọc biết về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân như một cá nhân riêng tư - một nhà văn hóa - một chứng nhân lịch sử mà còn giúp bạn đọc tiếp cận sinh động với lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam giai đoạn sau 1945.

Vì thế, việc nghiên cứu tư liệu và xuất bản sách về ông rất cần thiết. Trong bối cảnh, việc lưu giữ, hệ thống hóa các hồ sơ, tài liệu về những nghệ sĩ, di sản của các nhà khoa học còn nhiều hạn chế, thì sự ra đời của cuốn sách là một bổ khuyết quan trọng.

Chị Y Linh nói: “Tôi sẽ tiếp tục công việc này, trước hết là một nhiệm vụ đối với cha, nhưng nó còn là đối với lịch sử âm nhạc Việt Nam, bởi thu thập, phân loại và phổ cập những tài liệu của các nhạc sĩ trong giai đoạn lịch sử này là một việc làm cần thiết và cấp bách, nếu như chúng ta muốn những thế hệ sau có thể có một kho tư liệu nhạc phổ và thu âm đầy đủ nhất về giai đoạn này, bởi tư liệu của các nhạc sĩ cùng thời với cha tôi được lưu trữ ở rất nhiều nguồn khác nhau và không phải dễ tập hợp. Chỉ một thế hệ nữa thôi, nếu không làm gì, những tài liệu này sẽ thất thoát phân tán và lúc ấy sẽ là quá muộn để dựng lại một giai đoạn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam một cách "nói (có thu âm) có sách, mách có chứng", chứ không phải là những dòng hồi ức, bình luận, phê bình, nghiên cứu mà người đọc không thể có dịp nghe những tác phẩm âm nhạc ấy nữa”.

V.Hà

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文