Nhớ một họa sĩ đoản mệnh

10:24 03/12/2022

Người bạn tôi giới thiệu đó là họa sĩ Tường Vân - cái tên thật quá đối lập với con người - làm việc ở Đoàn Kịch Hải Phòng với nhiệm vụ chuyên thiết kế sân khấu cho các vở diễn. Từ đó, tôi và anh trở thành bạn của nhau. Sau này, khi tôi chuyển về làm việc ở Báo Văn hóa - Nghệ thuật (cơ quan ngôn luận của Bộ Văn hóa), có nhiều dịp về Hải Phòng, khi thì dự các Liên hoan, Hội diễn, khi thì đi thực hiện bài vở, đều tìm đến thăm Tường Vân.

Cứ mỗi dịp về Hải Phòng là tôi lại nhớ một gương mặt họa sĩ độc đáo, rất cá tính, gặp một lần cũng thật khó quên. Nhớ lại lần đầu tiên vào năm 1973, một người bạn đến chơi với tôi ở Hà Nội có dẫn một người đàn ông xa lạ đi cùng. Anh ta thật khó đoán tuổi bởi có dáng người và khuôn mặt quá lam lũ, nhếch nhác. Đầu tóc thì bù xù, quần áo rất nhăn nhúm, lôi thôi, luộm thuộm. Làn da đen xạm, nhầu nhĩ, bám đầy bụi. Có cảm giác như anh ta vừa từ một công trường lao động nào đó đến, chưa kịp tắm rửa, thay áo quần.

Cố họa sĩ Tường Vân (1942 - 1987).

Tôi không bận tâm nhiều đến vẻ bên ngoài mà chú trọng đến phẩm chất nội dung, đặc biệt là tâm hồn và trí tuệ, nhất là đối với đàn ông. Thậm chí tôi còn dị ứng với những người chải chuốt, bóng bẩy mà tâm hồn rỗng tuếch, kém hiểu biết. Ngay phút đầu, anh ta đã nở nụ cười thật dễ mến mặc dù để lộ hàm răng đen xỉn của người nghiện thuốc, trà. Khi anh ta cất lời thì phả ra mùi rượu nồng nặc. Quả là cho đến khi ấy, tôi chưa gặp một văn nghệ sĩ nào quá “lập dị” như vậy.

Nhưng anh ta là bạn của bạn tôi và có dáng vẻ cũng thật thà, chân thành nên tôi vào chuyện dễ dàng, không có khoảng cách. Cùng có máu “nghệ” nên thường dễ đồng cảm và nhanh chóng trở nên gần gũi. Tôi khi ấy mới là một giáo viên dạy văn, chưa có hoạt động văn nghệ gì đáng kể nên tất nhiên là anh bạn mới kia chưa thể biết. Và tôi cũng chưa biết gì về anh. Nhưng khi anh đọc cho nghe mấy bài thơ thì tôi đã thực sự có cảm tình bởi khá độc đáo, rất có cá tính, không dễ lẫn lộn với người khác.

Người bạn tôi giới thiệu đó là họa sĩ Tường Vân - cái tên thật quá đối lập với con người - làm việc ở Đoàn Kịch Hải Phòng với nhiệm vụ chuyên thiết kế sân khấu cho các vở diễn. Từ đó, tôi và anh trở thành bạn của nhau. Sau này, khi tôi chuyển về làm việc ở Báo Văn hóa - Nghệ thuật (cơ quan ngôn luận của Bộ Văn hóa), có nhiều dịp về Hải Phòng, khi thì dự các Liên hoan, Hội diễn, khi thì đi thực hiện bài vở, đều tìm đến thăm Tường Vân.

Lúc chưa lấy vợ, anh ở trong một căn phòng chỉ 10m2, bề bộn đủ thứ quần áo, sách vở, tranh vẽ thì treo kín hết tường, nhét chật cả dưới gầm giường. Thỉnh thoảng lại có những chú chuột kêu lích rích chạy qua. Tôi nói anh phải tìm cách diệt chuột chứ không thể sống chung như vậy thì anh nói có tiếng chuột cũng vui, đỡ cảm giác cô đơn.

Giới sân khấu và làm thơ ở Hải Phòng nhiều người biết Tường Vân. Anh mà thiết kế mỹ thuật cho các vở diễn thì từ đạo diễn, Trưởng đoàn đến các diễn viên đều hài lòng. Anh thiết kế sân khấu cho các đoàn kịch nói, cải lương, chèo phải đến cả trăm vở. Người ta quý cái tinh thần làm việc hết mình, không tính toán vụ lợi và cái “gu” thẩm mỹ sành của anh. Thường thì họa sĩ chỉ thiết kế, còn triển khai cụ thể (như thi công bên xây dựng) là công việc của người khác. Nhưng rất nhiều khi anh làm luôn nếu Đoàn nào yêu cầu mà không tính toán, so đo tiền thù lao. Anh làm việc trong bất cứ hoàn cảnh nào để chạy theo thời gian. Nhiều khi mệt quá, ngủ luôn trên cái đống nguyên vật liệu bề bộn ngổn ngang tại “hiện trường”. Vậy nên anh được nhiều người quý mến.

Không chỉ có cái tâm với nghề, với đồng nghiệp, Tường Vân còn khiến không ít người ngạc nhiên khi thấy anh làm nên những bài thơ khá hay, độc đáo. Làm thơ có vẻ như công việc dễ dàng nhất trong các sáng tác văn nghệ (so với viết kịch bản, viết truyện, làm nhạc, vẽ…). Và hầu như ai cũng có thể làm ra được vài câu lục bát. Nhưng hay, gây ấn tượng mạnh, khiến người đọc thích thú thì cực khó. Không ít nhà thơ được coi là chuyên nghiệp mà cả đời không để lại được một câu thơ nào đáng nhớ. Tường Vân tự xác định chỉ chơi thơ, làm thơ như một thú tiêu khiển hoặc để giải tỏa một trạng thái tâm lý nào đó nhưng những vần thơ anh viết ra thực sự xứng đáng là thơ - chứ không chỉ là văn vần.

Trong một lần gặp gỡ, thù tạc bạn bè, sau ly rượu, khi đã ngà ngà, Tường Vân xuất khẩu ngay được mấy câu thơ tự vẽ chân dung mình thật thú vị: “Miệng cười mà mắt khóc/ Ai nhớ mình nào đâu/ Cảm quan của thằng ngốc/ Bày ra lắm sắc màu/ Ai nhớ mình đây nhỉ/ Hay chính mình nhớ mình/ Xòe đôi bàn tay trắng/ Họa tiết đời rung rinh”. Ngay câu đầu tiên của bài thơ trên đã báo hiệu một số phận, một cuộc đời không bình thường, buồn nhiều hơn vui, đau khổ nhiều hơn hạnh phúc, rủi ro nhiều hơn may mắn. Quả đúng như vậy, Tường Vân mãi mới lấy được vợ. Lấy rồi thì hạnh phúc cũng sớm đội nón ra đi, ném anh về cô lẻ. Và số phận chỉ cho anh có mặt trên cõi tạm được 45 năm (1942 - 1987).

Con người tưởng như vô tư, hồn nhiên, chẳng còn biết gì ngoài họa và thơ mà những gì anh viết ra thật chua chát, cay đắng. Bài “Con chó” rất ngắn gọn, có tứ thơ thật độc đáo, triết lý nhẹ nhàng mà sâu sắc làm sao: “Bảo: Ra đường! Ra đường/ Bảo: Nằm gậm giường! Nằm gậm giường/ Bảo: Thôi, không cắn! Lặng im/ Cứ thế triền miên/ Một đời con chó”.

Bên trong cái vẻ xù xì, thô ráp của Tướng Vân là cả một thế giới âm ỉ ước muốn, cháy bỏng khát vọng yêu đương. Lại một tứ thơ lạ nữa biểu hiện đến tột cùng sự bạo liệt, khát thèm tình yêu si cuồng của anh: “Cứ đêm về em lại đem tôi ra bắn/ Cuộc hành quyết này thầm lặng/ Tưởng như chẳng có chuyện gì/ Cứ đêm về tôi bơi trong máu/ Máu tim tôi và máu tim em/ Máu của những ngày xưa lặng lẽ/ Máu của những ngày sau màu đen…”. Có cảm giác như thơ của một người mắc bệnh tâm thần nhưng nói như một ai đó thật chí lý: Thơ phải điên điên một chút mới hay!

Bìa tập thơ “Úp mặt vào thời gian” của Tường Vân.

Giới mày râu vẫn hay ngộ nhận rằng phái nữ thường mê những anh chàng có tài về văn, thơ, nhạc, họa. Có thể như vậy. Nhưng đó chỉ là “mê” một cách cảm tính, chứ khi lựa chọn ý trung nhân để gắn bó trọn đời thì họ lại cần người chỉn chu, chí thú làm ăn, giản dị và chắc chắn. Đó mới thực sự là bến đỗ bình yên của họ. Có chút tài nào đó về văn nghệ có khi lại “phản tác dụng” trong mắt các chị em. Họ dễ cho những người có chất “nghệ” này là không bình thường.

Ở Tường Vân thật rõ điều này. Ai cũng công nhận anh rất tốt, rất hiền. Phụ nữ nhiều người thấy thương anh bởi chẳng bao giờ biết tự lo cho bản thân, bởi cuộc sống luôn cô đơn, chẳng có ai chăm chút. Nhưng đều lắc đầu nếu có ai đó gợi ý mai mối, bắc cầu hạnh phúc cho anh. Anh chỉ có duyên với công việc - được tất thảy các đoàn ghi nhận hiệu quả từ thiết kế sân khấu của anh, ra bài thơ nào là sẽ có ít nhất một người thích thú, xin chép. Nhưng lại không có duyên với các khách má hồng.

Tiếp xúc, nom cái bộ dạng và nhất là đến phòng anh ăn ở thì không cô nào dám nâng khăn sửa túi cho anh. Riêng có một cô cũng là họa sĩ tên Tú Quyên có tình cảm đặc biệt với Tường Vân. Nhưng cô cũng khó “tiêu hóa” cái bài thơ có câu đầu tiên: “Cứ đêm về em lại đem tôi ra bắn” đã dẫn ở trên. Chỉ đến bài thơ anh làm tặng cô mới khiến cô xúc động mãnh liệt và nhận lời đến với anh: “Mẹ anh mất khi anh chưa biết khóc/ Rồi cuộc đời đơn độc đến tìm anh/ Em yêu anh và anh đã khóc/ Chiếc khăn tay đẫm nước mắt tình yêu”. Cô họa sĩ tên Tú Quyên ngưỡng mộ tài năng của Tường Vân nhưng chưa đủ để ký thác cuộc đời mình. Chỉ khi những câu thơ rất run rẩy, rất thật thà thể hiện sự thiệt thòi lớn của Tường Vân mới khiến cô mềm lòng. Đã như vậy, cô chấp nhận mọi điều ở người mình yêu, lại thấy hay hay, độc đáo.

Do quý, thương mà đám cưới của Tường Vân với Tú Quyên được nhiều người tới dự. Hôn lễ được tổ chức đơn giản, xuềnh xoàng đến mức không thể giản tiện hơn. Ngày ấy, tại phòng cưới, phổ biến nhất là có một cái phông làm nền. Trên đó, người ta hay đính đôi chim bồ câu quấn quít vào nhau bên cạnh hai chữ cái là chữ đầu tên của cặp uyên ương. Và một dòng chữ to nổi bật ở giữa phông: “Vui duyên mới, không quên nhiệm vụ”. Tường Vân đã phá cái lệ đó mà thay vì chỉ có một dòng chữ duy nhất do chính tay anh tạo nên: “Tường Vân và Tú Quyên lấy nhau”. Thấy vậy, nhiều người thích thú, được một phen cười thoải mái. Nhưng cũng không ít người kêu, cho rằng chủ nhân của đám cưới không nghiêm túc, không tôn trọng chính bản thân mình và mọi người. Nhưng Tường Vân là như thế.

Hạnh phúc của anh không duy trì được lâu. Tuy vậy, sau khi anh mất vào năm 1987, người vợ Tú Quyên đã cùng bạn bè gom góp thơ của anh để xuất bản thành tập “Úp mặt vào thời gian”, được bạn đọc tán thưởng. Vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn trẻ, chưa thỏa những ước muốn về họa và thơ nhưng Tường Vân cũng kịp để lại hàng trăm bức vẽ, bản thiết kế cho sân khấu và một tập thơ độc đáo đầy cá tính như con người anh vậy.

Nguyễn Đình San

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文