Sự quên lãng

13:40 27/11/2021

Tôi đã đọc những tiểu luận của Milan Kundera nhiều lần và ngay lần đầu tiên tôi đã nhận ra một điều khủng khiếp trong một bài viết của ông: Cơ bản những gì chúng ta viết ra sẽ bị quên lãng gần như ngay tức khắc, kể cả với những nhà văn lớn nhất, chỉ số ít trong số tác phẩm của họ được lưu nhớ và ở lại.

Ấn tượng về sự quên lãng này thật đáng sợ. Công sức bỏ ra của người viết, những nỗ lực của anh ta sẽ thành con số 0 rất nhanh trong cái nghĩa địa văn chương khổng lồ của nhân loại. Vũ Trọng Phụng viết rất nhiều nhưng cơ bản người ta bây giờ chỉ đọc “Số đỏ” và nhắc tới nó. Ngô Tất Tố cũng từng viết rất nhiều nhưng bây giờ người ta sẽ đọc lại những gì của ông? Là “Tắt đèn”, là “Lều chõng”? Ngay một nhà văn nổi tiếng gần đây là Nguyễn Minh Châu thì trong hàng loạt tác phẩm của mình, được ghi nhớ nhiều nhất của ông bây giờ là “Phiên chợ Giát”, “Khách ở quê ra”. Xin phép không nhắc đến những tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa vì đó là vấn đề còn nhiều tranh luận và có những tiêu chí nhất định chi phối.

Nếu một tác giả biết rằng cơ bản những gì mình viết ra sẽ bị quên lãng rất nhanh thì liệu anh ta còn dám viết nữa không? Đây là một câu hỏi rất đáng sợ. Đa số người viết đều mong rằng tác phẩm của mình sẽ sống lâu hơn cuộc đời của người tạo ra nó nhưng sự thực thường không như thế. Đa số những gì chúng ta viết ra có vòng đời rất ngắn, nó chết rất sớm, thậm chí ngay khi mới ra đời, cho dù anh ta cố gắng kháng cự sự yểu mệnh này bằng tất cả những phương tiện và khả năng của mình.

Đây là một điều rất đáng để bàn luận. Đa số các tác giả sẽ cố gắng hà hơi tiếp sức cho đứa con của mình, kéo dài tuổi thọ của nó bằng nhiều cách. Gửi cho nhiều độc giả, cho tái bản, hỗ trợ bằng các phương tiện truyền thông, phê bình để kéo dài tuổi thọ vật lí của nó nhưng tất cả những cố gắng này liệu có mang lại kết quả như ý muốn?

Từ trái qua: Nhà văn Ngô Tất Tố, nhà văn Lê Lựu và nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Trong lịch sử văn học đã từng có những nỗ lực rất lớn về việc chống lại sự lãng quên. Nhờ có công sức không biết mệt mỏi của Max Brod để áp đặt lên thế giới văn chương mà những tác phẩm của F. Kafka được nhiều người biết đến hơn và Kafka đi vào danh sách những người bất tử. Tôi đặt giả thuyết nếu không có Max Brod và không có những nỗ lực vô cùng lớn của Max Brod thì những tác phẩm của thiên tài Do Thái có sức sống lâu bền như thế không? Tất nhiên, có người sẽ nói, không có Max Brod làm cho Kafka thì sẽ có người khác. Đó chỉ là một giả thuyết. Những nỗ lực của Max Brod chống lại sự lãng quên các tác phẩm của Kafka có hiệu quả không thể phủ nhận và là một ví dụ rất đáng để tham khảo. Tất nhiên, F. Kafka là quá khác biệt và bản thân ông cũng quá khác thường. Còn những người khác, kể cả những người nổi tiếng và chúng ta quen biết ở văn chương nước Việt như Khái Hưng hay Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng hoặc Nguyễn Minh Châu thì cơ bản các tác phẩm của họ cũng bị quên lãng đáng kể dù bạn đọc luôn coi họ là những nhà văn lớn.

Vậy vì sao có những tác phẩm chống lại được sự quên lãng còn cái khác lại chết yểu rất nhanh. Bởi chỉ những gì thật đặc biệt, thật xuất sắc, thật khác thường mới có khả năng chống chọi nổi với thời gian. Rất nhiều nhà văn đã có ý thức về điều này, cách đây vài năm, một đồng nghiệp của tôi đã nói rằng, hiện tại chỉ có tác phẩm của ba người là Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh có vé đi vào tương lai. “Vé đi vào tương lai” nghĩa là nó tiếp tục được sống một cuộc đời bình thường kể cả sau khi tác giả đã mất. Mọi cố gắng của người viết hoặc ai đó tiếp sức đều thất bại nếu tác phẩm không có những giá trị đặc biệt hoặc khác thường. Tôi bỗng thấy sợ hãi khi ngay cả những tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa những giai đoạn trước, khi chúng được hậu thuẫn bởi hàng triệu học sinh và giáo viên thì rất nhiều trong số chúng đã không được ai nhắc lại nữa. Cái nghĩa địa mênh mông của văn học nghệ thuật có thể chôn vùi bất cứ thứ gì trong cái dạ dầy vĩ đại của nó, nó thăm thẳm sâu và không có biểu hiện gì của đầy ứ hay ngừng tiếp nhận những món mới.

Nhưng nói như thế thì liệu có quá bi quan và sợ hãi với người viết nếu người ta biết rằng hôm nay viết và ngày mai sẽ bị lãng quên? Nhiều người lạc quan và vô tư hơn tôi nhiều. Họ hiểu rằng vòng đời tác phẩm của mình rất ngắn, ngắn hơn cuộc đời của họ rất nhiều hoặc thậm chí họ chấp nhận nó chỉ cần được in ra, trên báo hoặc sách rồi mặc cho số phận của nó. Họ sẵn sàng chấp nhận đứa con tinh thần của mình chỉ được sống được một thời gian ngắn ngủi, bị lãng quên nhanh chóng mà không hối hận hay nuối tiếc. Nhưng đây có thể là một tâm lí rất đáng ngờ, bởi sự sàng lọc và đào thải rất nhanh nên người ta buộc phải chấp nhận cuộc chơi và không có sự lựa chọn nào khác. Không phải tác phẩm nào cũng toàn bích và người viết không thể tự quyết định được. Ngay cả một ai đó bạo gan cho rằng tác phẩm của anh ta là kiệt tác thì chưa chắc nó đã được bạn đọc và dư luận công nhận. Sự công nhận và cuộc đời của tác phẩm  nằm ngoài sự kiểm soát của người viết và bất cứ sự khiên cưỡng áp đặt nào cũng không có hiệu quả, nếu tác phẩm không mang những giá trị đích thực và lâu bền.

Nhưng nếu như thế thì nhiều người sẽ sợ hãi khi viết hoặc viết rất ít vì lo sợ sự lãng quên. Thường trực nỗi lo lắng ấy sẽ không dẫn đến đâu cả. Một nữ nhà văn nổi tiếng của văn học đương đại đã nói với tôi rằng, chị đã có quan niệm khác để viết. Chị cho rằng “Trăm bó đuốc sẽ bắt được con ếch”, nghĩa là cứ viết đi đã. Trong những cái ta viết, có cái dở cái hay, thời gian và bạn đọc sẽ sàng lọc giúp tác giả điều ấy. Chống lại sự quên lãng không phải ý chí cá nhân của riêng người viết mà làm được; đôi khi nó được cộng hưởng bởi không gian và thời gian, những may mắn, thăng trầm hoặc biến cố nằm ngoài sự kiểm soát và năng lực của người viết. Những điều này ta đã từng nhìn thấy trong lịch sử văn học. Ví dụ như ở đầu thế kỉ trước, những tác phẩm của các nhà văn trong nhóm “Tự lực văn đoàn” làm mưa làm gió trên văn đàn, là lực lượng chi phối rất lớn bầu khí quyển văn học lúc ấy. Nhưng đến khi bối cảnh lịch sử thay đổi thì tác phẩm của họ không còn giữ vai trò chủ đạo và chi phối nữa. Hoặc các tác phẩm của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố từng không phải là sản phẩm thời thượng khi mới ra đời nhưng khi có sự lùi lại của thời gian và được cộng hưởng bởi các yếu tố lịch sử, xã hội thì một số tác phẩm của họ lại được đặt lên đài vinh quang…

Lại nữa, những tác phẩm văn học được viết trong thời kì xây dựng hợp tác xã, kinh tế mới ở khoảng giữa thế kỉ trước từng được rất kì vọng và được hỗ trợ rất nhiều thì bây giờ hầu như không còn ai nhắc đến chúng nữa. Chúng đã bị lãng quên rất nhanh, nhất là khi nghiêm túc nhìn lại rằng rất nhiều trong số ấy đã được tạo ra quá dễ dãi và áp đặt ý chí. Sự kì vọng của người viết và của cả những nền tảng hỗ trợ đã không mang lại kết quả như ý muốn, rất nhiều sản phẩm thiếu đặc sắc và cá tính ấy đã đi vào một kết cục không tránh khỏi là sự lãng quên.

Và chính tôi trong thời gian gần đây khi làm công việc chuyên môn liên quan đến một hội nghề nghiệp, tôi đã ngỡ ngàng khi thấy hàng trăm tác giả, hàng nghìn tác phẩm được viết trong thời gian chưa quá xa thì rất nhiều trong số ấy lần đầu được nghe tên. Có những tác giả đã viết đến hơn chục cuốn tiểu thuyết, rất nhiều truyện ngắn và đủ thể loại khác mà tôi bây giờ mới biết đến. Tất nhiên sự đọc là mênh mông và không ai đủ sức để bao quát hết được nhưng sự nghiệt ngã của lãng quên cũng vô cùng đáng sợ. Sự quên lãng khủng khiếp này không chừa bất cứ ai hoặc tác phẩm nào. Có lẽ cứ vui vẻ với mình, nỗ lực viết,  cống hiến và chấp nhận những sàng lọc và đào thải của thời gian thì người ta may ra mới tạo được vài ba những tác phẩm có giá trị bền vững và họa chăng “mua vui cũng được một vài trống canh”? 

Uông Triều

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文