Thâm Tâm tự tống biệt mình

20:30 01/09/2022

Thâm Tâm (1917-1950) nhà thơ chiến sĩ để lại cho đời không nhiều lắm những sáng tác văn chương. Tuy nhiên, chỉ với "Chiều mưa đường số 5" và "Tống biệt hành", tên tuổi ông cũng đã đủ khắc sâu vào lịch sử văn chương nước nhà, như một nhà thơ nổi tiếng. Và có giọng điệu riêng, đầy ấn tượng!

Bài thơ “Tống biệt hành”, thực ra cũng chỉ mới được tôn vinh trở lại từ khi có tư tưởng đổi mới. Hơn thế, nó còn được đưa vào sách giáo khoa, được nghiên cứu, bình giải, như một bài thơ đặc sắc của thơ ca tiếng Việt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó cũng là một sự công bằng lịch sử!

Tuy nhiên, “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, quả là một bài thơ có nội hàm phong phú. Đã từng xảy ra rất nhiều tranh biện sôi nổi từ nhiều năm qua về bài thơ này, cả về giá trị nội dung và nghệ thuật. Nhìn chung, cũng chưa hẳn mọi vấn đề đã được giải quyết một cách “xuôi chèo mát mái”, chưa hẳn người đọc người nghe đã đi tới một cách hiểu tương đối nhất quán, hoàn toàn tâm phục khẩu phục! Điều ấy cho hay, “Tống biệt hành” là một bài thơ chứa nhiều uẩn súc trong các hình ảnh, hình tượng thơ, trong cấu trúc thẩm mỹ, trong bối cảnh sáng tác…

Ngay như cái tên của bài thơ, toàn là từ Hán Việt. Có người hiểu “Hành” ở đây là một thể thơ (Thể Hành). Nhưng nếu ghép đầy đủ cả ba từ Hán Việt này thành một cụm từ, thì đơn giản chỉ là “Tiễn biệt người ra đi”…Thế thôi!

Nhà thơ Thâm Tâm.

Vậy thì ai tiễn ai? Căn cứ vào bề mặt câu chữ  “Đưa người ta không đưa qua sông”… thì có vẻ như tác giả bài thơ (Ta), cùng với gia đình (mẹ, một chị, hai chị và em gái) tiễn một người nào đó ra đi, ví như một người bạn trai nào đó thân thiết của tác giả chẳng hạn.

Hình dung như là “ta” tiễn biệt một tráng sĩ đi làm một công việc đặc biệt gì đó, vì nghĩa lớn, cao cả. Lại có hơi hướng sử thi như cái việc tiễn chàng hiệp sĩ Kinh Kha đi hành thích bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng, đã diễn ra ở bên Tàu cách đây mấy nghìn năm…

Tôi ngờ rằng, nhân vật trữ tình “Ta” với “Người” ở đây có lẽ chỉ là một. Nghĩa là TA cùng với gia đình tiễn biệt chính TA, chứ chẳng phải là tiễn đưa một ai khác!

Hãy đọc lại đoạn thơ mở đầu thử xem:

Đưa người ta không đưa qua sông
sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Nắng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”…

Hãy khoan nói về nghệ thuật sử dụng các vần “bằng”, “trắc”, về nhịp thơ… để tạo dựng âm thanh, tiết tấu, gợi mở tâm trạng, gợi mở không gian bi tráng của đoạn thơ mở đầu, chỉ nói về bối cảnh tiễn đưa. Rằng “Ta” tiễn một người ra đi, chẳng qua sông sâu biển rộng gì sất, mà nghe rõ như có tiếng sóng đang vỗ ào ạt trong lòng. Đấy là hỏi chính mình, đồng thời khẳng định đó chính là cảm xúc của chính mình, cảm xúc của một cuộc ra đi, linh cảm hình như là rất khó, hoặc như chẳng có ngày trở lại. Thế nên, đó là một cảm xúc buồn, mơ hồ buồn. “Nắng chiều không thắm không vàng vọt/ sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”. Nỗi buồn đã nhuốm vào cả thiên nhiên, đến như ráng chiều cũng nhợt nhạt đi, dài dại đi, “không thắm không vàng vọt”, ấy thế mà người ra đi cũng nhuốm đầy hoàng hôn trong đôi mắt trong veo, ráo hoảnh của mình.

Đoạn thơ mở đầu đã thấy dự báo một cuộc chia ly vĩnh viễn, như một định mệnh đã được sắp đặt sẵn cả rồi. Xốn xang buồn, bi tráng, nhưng vẫn làm chủ được mình, bởi đã trải qua bao vật vã nghĩ suy, rồi mới đi đến một quyết định dứt khoát. Người đọc thấy nể trọng một nhân cách lớn, không dối mình, không dối người, không lãng mạn viển vông, cũng không lên gân to tát. Bởi đó chính là tiếng nói của trái tim, nhân bản!

Hãy nghe người thơ chiến sĩ tâm sự:

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng”

Thế là “Ta” tiễn biệt chính “Ta”, “ta chỉ đưa người ấy”, cho nên mới có tâm trạng  “một giã gia đình, một dửng dưng”. Một khi mục tiêu đã xác định, chí đã quyết, thì “chí lớn chưa về bàn tay không/ thì không bao giờ nói trở lại”, thì “ba năm mẹ già cũng đừng mong”!

Có cảm giác như người ra đi đang bừng bừng nghĩa khí, bất giác thốt lên những lời ca tráng sĩ, như cố xua đi, gạt phăng đi những cảm xúc có phần yếu đuối đang len lỏi trong tâm hồn tuổi trẻ yêu đời. Đó cũng là một cảm xúc chân thành, không phải chỉ Thâm Tâm mới có.

Tuy nhiên, để có một quyết tâm cao độ, dứt khoát như vậy, thật không đơn giản chút nào. Hãy nghe tác giả trình bày:

Ta biết người buồn chiều hôm trước,
Ta biết người buồn sáng hôm nay.

Thế nghĩa là buồn bã cũng đã mấy ngày rồi, trăn trở vân vi cũng đã mấy ngày rồi, chứ đâu phải đi vào chỗ hiểm nguy, vào chỗ có thể hy sinh mà bảo là tươi vui ngay cho được? Có lẽ người ra đi suy nghĩ lung lắm. Phần thì thương mẹ già, em nhỏ, các chị gái chưa chồng, chiến tranh loạn lạc thế này, trai tráng ra đi hết cả. Mà “bây giờ mùa hạ sen nở nốt”, biết đâu rồi “một chị hai chị cũng như sen”, nở rồi, thì rồi cũng sẽ tàn phai thôi? Có thể các chị đã “khuyên nốt em trai” bằng những dòng lệ xót xa thương cảm, còn sót lại, sau khi đã chảy nhiều lắm rồi. Còn cô em gái bé bỏng ngây thơ, dẫu là thương anh lắm lắm, nhưng nó cũng chỉ biết “gói tròn thương tiếc”, gói lại những giọt nước mắt xót thương anh trong chính chiếc khăn tay mỏng manh bé nhỏ của mình…

Cuối cùng, những buồn thương, những xót xa trong buổi tiễn đưa người ra đi rồi cũng tạm lắng dịu. Tác giả dường như vừa chợt tỉnh cơn mơ: “Người đi? Ừ nhỉ người đi thực”! Thế là đi thật rồi, chia ly thật rồi! Bao vật vã giằng xé, lại dồn nén, rồi bật ra những lời tâm sự chí tình. “Ly khách” dường như đang nói lời tâm huyết với mẹ, với chị và với em, xem như lời dặn dò sâu nặng nghĩa tình. Với mẹ, thì xin mẹ hãy coi con như một chiếc lá, một chiếc lá xanh, một “chiếc lá bay”…Với chị, xin hãy cứ coi thằng em trai này như một hạt bụi trên đời, thân cát bụi lại trở về cát bụi, thế thôi. Còn với đứa em bé nhỏ “mắt ngây thơ”, tình cảm anh em chúng mình, hãy xem đó chỉ là một thoáng tươi đẹp trong đời, “như hơi rượu say”, rồi thời gian sẽ dần nguôi quên…

“Tống biệt hành” của Thâm Tâm, như tôi thiển nghĩ, chỉ là một bài thơ được thể hiện như một kiểu tự tình, tự đối diện với chính mình, tự phân thân như một thủ pháp nghệ thuật cần thiết. Các hình ảnh, hình tượng thơ và cấu trúc hình thức, phải chăng, chỉ là cách biểu hiện độc đáo của tâm trạng, trong một bối cảnh đặc biệt nào đó của nhân vật trữ tình?

Có thể là chính tác giả, cùng với những xúc cảm chân thành, khi quyết định bước chân vào trường tranh đấu đầy hiểm nguy, linh cảm sẽ có thể hy sinh. Một phần, cũng có thể tác giả trình bày như một ký thác tâm tư tình cảm của những người lính “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” một thời máu lửa chưa xa chẳng hạn…

Cũng chẳng nên rạch ròi quá làm gì, bởi thơ là nghệ thuật tuyệt diệu của trí tưởng tượng, phập phồng thực ảo, huyền bí sâu xa. Người đọc cảm nhận ở “Tống biệt hành” của Thâm Tâm một tấm chân tình, một nỗi niềm trung thực, sáng trong, nhuốm màu bi tráng của một thời khốc liệt và oanh liệt của dân tộc đã qua.

Thâm Tâm (Liệt sĩ Nguyễn Tuấn Trình), chàng trai Xứ Đông tràn đầy nhiệt huyết đã ngã xuống khi tuổi đời đang sung sức. Vậy nên, “Tống biệt hành” có thể xem là một bài thơ dự báo định mệnh. Đó là một bài thơ rất lạ, đến nay vẫn còn rất lạ, khiến người đời sau phải rơi nước mắt, phải nghĩ ngợi mãi chưa thôi!...

Tống biệt hành

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Nắng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...
- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay
Trời chưa mùa thu tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

Người đi? Ừ nhỉ người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say...

                                 Thâm Tâm

Vũ Bình Lục

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn (SN 1985, thường trú khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu, đoạn thuộc địa bàn Đồng Nai, ngày 2/5, Thành ủy TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm việc cấp ủy, chính quyền phường Phước Tân. Đây là địa phương có nhiều vướng mắc và được đánh giá phức tạp nhất trong số các xã, phường, thị trấn có dự án trọng điểm quốc gia là tuyến cao tốc đi qua...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Đồng chí Đại tá Đậu Bá Thư, sinh ngày 26/3/1935, nguyên Trưởng phòng 2, Cục A14, Tổng cục An ninh (nay là Cục An ninh đối ngoại - Bộ Công an); huy hiệu 60 năm tuổi đảng; được tặng thưởng Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文