Trúc Thông: Thi sĩ của ân tình

14:53 09/09/2021

Đã gần chục năm nay, nhà thơ Trúc Thông sau cơn tai biến đã phải nằm liệt một chỗ. Ông chỉ còn có thể giao tiếp với mọi người xung quanh bằng ánh mắt. Nhưng những khi có bạn văn đến chơi, môi ông vẫn mấp máy điều gì. Bà Nguyệt, vợ nhà thơ Trúc Thông nói với khách rằng: Đó là ông vẫn đang nói về thơ đấy.

Cả cuộc đời Trúc Thông tận tâm với thơ, luôn nỗ lực tìm tòi đổi mới. Ông đã dành cả cuộc đời công chức của mình để chăm chút cho các chương trình phát thanh văn nghệ, trong đó có chương trình Tiếng thơ trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bên thềm kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945 - 7/9/2021), tôi bỗng muốn viết đôi điều về Trúc Thông - một nhà thơ đáng kính.

Nhà thơ Trúc Thông.

Trúc Thông trình làng bằng tập thơ "Chầm chậm tới mình", từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ngay lập tức, trên chiếu thơ của làng văn nghệ có một vị trí dành riêng cho ông, xác lập luôn tên tuổi Trúc Thông. Dù 80% các thi phẩm của ông đều viết theo hình thức tự do nhưng bài thơ được nhiều người nhớ nhất của ông lại là một bài lục bát mang tên "Bờ sông vẫn gió". Chỉ với 12 câu thơ, thi phẩm được coi là một trong những bài lục bát hay nhất viết về mẹ trong thơ Việt Nam hiện đại: "Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió người không thấy về/ Xin người hãy trở về quê/ Một lần cuối… một lần về cuối thôi/ Về thương lại bến sông trôi/ Về buồn lại đã một đời tóc xanh/ Lệ xin giọt cuối để dành/ Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha/ Cây cau cũ, giại hiên nhà/ Còn nghe gió thổi sông xa một lần/ Con xin ngắn lại đường gần/ Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi…".

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng tâm sự với tôi: "Trúc Thông đã có một bài lục bát để đời. Nhưng cái giá phải trả để có được bài thơ hay ấy cũng là quá lớn. Anh đã mãi mãi mất đi người mẹ thân yêu". Nhìn lại thi ca Việt, tôi thấy hàng loạt bài thơ hay về mẹ đều được viết bằng thể lục bát, chẳng hạn: "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" của Nguyễn Duy, "Mẹ" của Trần Quốc Minh, "Mẹ ốm" của Trần Đăng Khoa, "Bầm ơi" của Tố Hữu… Phải chăng đó là một kết nối từ trong tâm thức của mỗi người con - mỗi thi sĩ - mỗi đứa trẻ thơ khi nhớ về những lời ru của mẹ trong những năm tháng đầu đời.

Dĩ nhiên Trúc Thông không chỉ có "Bờ sông vẫn gió". Đề tài trong thơ ông rộng mở và phong phú. Trúc Thông có khả năng biến những thứ tưởng chừng rất khô khan thành những bài thơ hay với giọng điệu nồng nàn, say đắm. Chẳng hạn như khi ông viết về những người nuôi ong, một đề tài rất dễ bị sa vào sự minh họa. Thì đây, ta hãy xem Trúc Thông vượt lên trên cái câu chuyện về một nghề nghiệp cụ thể như thế nào: "Nắng dữ dội. Mùa hoa đang ứa mật/ Mùa phấn đang phồn thịnh nõn nà/ Mặt trời lăn nặng nề trên áo/ Nước lợ mùi mặn xót làn da/ Đàn ong ơi chúng mình ra biển/ Trắng một trời hoa vẹt nhói lòng ta…/Hỡi bầy ong cần mẫn rất thương/ Nhưng thương nhất vẫn người nuôi ong ấy/ Mùa hoa nở tiếp mùa tàn lụi/ Tim em kề sát bước đi hoa/ Đi lặng lẽ với đàn ong sôi động/ Thấp thoáng sau cây, thấp thoáng sau nhà…" (Theo người nuôi ong).

Nhớ lại những năm tháng ấy, cùng với việc chiến đấu nơi tiền tuyến, bao lớp người ở hậu phương vẫn tích cực hăng say sản xuất để phục vụ tiền phương. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã và đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều nhà thơ đã có những tác phẩm về đề tài này. Trúc Thông cũng viết về công nghiệp hóa, nhưng ông lại lồng được vào đó những nỗi niềm yêu thương dành cho trẻ thơ. Bài thơ "Bài ca những em bé theo công trường" đã được ra đời như thế với nhiều câu thơ lay động, lộng lẫy, tự hào và sáng trong: "Các em - kết quả bao mối tình mạnh mẽ/ Gần sao trời, thác lũ, mưa dông/ Trần da thịt đất trời làm tã lót/ Ủ vào trong bao kỷ niệm se lòng…/ Và những đoàn công nhân vất vả/ Đi lát các chân trời/ Bằng những công trình bừng sáng/ Những công trình trong sạch/ Tựa mắt các em thơ".

Nói về những bài thơ cho thiếu nhi của Trúc Thông, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã có nhận xét: Đó là "những bài thơ hồn hậu, trong sáng và tự nhiên như trẻ thơ vậy". Có thể kể ra nhiều bài thơ khác cho trẻ thơ của Trúc Thông được nhiều người yêu thích như: "Khúc trẻ thơ", "Ở một xóm biển Nghệ An", "Các con ơi", "Thơ đón bão". Nhiều câu thơ cho thiếu nhi của Trúc Thông là những đột sáng kỳ lạ, xuất thần, tạo ra sức khái quát cao mà vẫn đầy rung cảm: "Cứ lần theo giấy kẹo trẻ con/ Sẽ gặp thiên đường" (Khúc trẻ thơ), "Mùa thu mây se se/ Mùa thu mưa rào trắng/ Đàn trẻ thu đi học/ Quả tim thu bồn chồn" (Hy Vọng phố mình).

Bìa một tập thơ của nhà thơ Trúc Thông.

Trúc Thông cũng là một người đi nhiều, ưa chuyển dịch. Giai thoại làng văn từng có những câu chuyện kể về ông và nhà thơ Lâm Huy Nhuận đang lúc đêm khuya gõ cửa rủ nhà văn Trung Trung Đỉnh sớm mai đi Tây Nguyên - một chuyến đi đầy ngẫu hứng và không cần hẹn trước. Chỉ cần lần theo tên các bài thơ của ông, đã đủ thấy bước chân Trúc Thông trải khắp ba miền. Và những bài thơ cũng theo đó lần lượt ra đời: "Khoảnh khắc Hòa Bình", "Mộc Châu thấp thoáng", "Quanh tháp Dương Long", "Một trưa hè Sơn Mỹ", "Qua vùng Kinh Bắc", "Nét nhớ Cà Mau", "Lên Ba Vì", "Trở về Quảng Trị"...

Ông thậm chí còn đi xa hơn nữa: "Những thoáng Paris", "Mấy đoạn thơ Thượng Hải", "Hồi nhớ bảo tàng giao thông Praha". Một trong những bài thơ gắn với chuyến đi, gắn với vùng đất như thế là "Cao Bằng". Tác phẩm đã được đưa vào Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, tập 2, bộ mới: "Rồi đến chị rất thương/ Rồi đến em rất thảo/ Ông lành như hạt gạo/ Bà hiền như suối trong/ Còn núi non Cao Bằng/ Đo làm sao cho hết…/ Đã dâng đến tận cùng/ Hết tầm cao Tổ quốc/ Lại lặng thầm trong suốt/ Như suối khuất rì rào/ Bạn ơi có thấy đâu/ Cao Bằng xa xa ấy/ Vì ta mà giữ lấy/ Một dải dài biên cương…". Trở về với một hình thức truyền thống là thể thơ năm chữ, những câu thơ về Cao Bằng của Trúc Thông vừa trong trẻo vừa đầy ắp tự hào, mang theo những phong vị đặc trưng của đất và người Cao Bằng qua các cách ví von, so sánh.

Trúc Thông là người quý trọng bạn hữu, quý lớp trẻ, được xem là người anh thân tình trong làng văn. Ngôi nhà trước đây của ông ở ngõ Hồng Phúc là địa chỉ quen thuộc cho những cuộc đàm đạo văn chương của nhiều cây bút mà sau này đều trở thành những tên tuổi: Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Việt Chiến, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Đỗ Minh Tuấn, Trần Hùng… Ông luôn góp ý khách quan, thẳng thắn cho mỗi sáng tác mới của những người em, những bạn bè văn nghệ. Ngoài tình yêu thi ca chữ nghĩa, những người em thân tình của ông như Nguyễn Việt Chiến, Hoàng Nhuận Cầm còn nhận được sự quan tâm của ông như một người anh trong gia đình.

Nhìn lại các tác phẩm của ông, có thể thấy rất nhiều bài thơ được ông viết dành riêng cho bạn hữu: "Bạn buồn", "Nhớ Cao Minh Trai", "Tặng Trần Hoài Dương", "Gởi một thi hữu", "Thăm nhà một bạn thơ xứ Đoài", "Người bạn văn ấy", "Nhớ bạn", "Quê nhà" (tặng Đào Thắng), "Bên sông Thương" (tặng anh Uyển), "Gặp xưa" (tặng bạn thơ Nguyễn Thị Hồng), "Ba thi sĩ đi chơi tối", "Ghé Biên Hòa" (tặng Trần Ngọc Tuấn), "Ghé nhau" (cùng thi sĩ Vân Long), "Nhớ bạn thơ Võ Ngột", "Thầm gửi bạn thơ", "Tặng bạn họa sĩ Huế", "Nhớ bác Hạo Nhiên", "Đền" (tặng Trần Đình Nhân), "Mắt trong veo" (tặng Phạm Văn Phương), "Họp bạn lớp", "Thi sĩ ở Bàu Đá", "Gởi một nhà thơ cứ trẻ"…

Các bạn văn của ông, những người được ông tặng thơ, có những người khá nổi tiếng nhưng cũng có những người lặng lẽ, bình dị. Có những người gặp một ngày đủ nên nghĩa để rồi đi vào thơ ông: "Thăng Long vẫn đợi người/ Hà Nội vẫn mong người/ Người, một ngày nên nghĩa/ Một người bình thường thôi…/ Ga tình thương vẫn đợi/ Trong quá mắt trẻ thơ/ Kìa, mưa xuân bụi xuống/ Tóc người xanh bao giờ!" (Người bạn vong niên ấy phương Nam).

Trong những ngày tháng 9 lịch sử này, tôi bỗng nhớ nhiều hơn đến những bài thơ về quê hương đất nước, về cách mạng của nhà thơ Trúc Thông. Xin được mượn những câu thơ trong bài "Chiếc chiếu quê hương" của ông để khép lại bài viết nhỏ này. Giọng thơ hồn hậu nồng nàn, tha thiết nghĩa tình của ông, tình yêu thủy chung với thi ca nghệ thuật của ông, tôi tin vẫn còn chảy mãi trong những lớp người sáng tác kế cận, trong những bạn hữu hôm nay và cả những cây viết mai sau: "Nếu con lên chơi một hành tinh khác/ Mẹ nhớ gửi cho con chiếc chiếu quê hương/ Nơi lạ nhà kia con sẽ ngủ yên…/ Không! Con sẽ bồn chồn/ Chạy ra giữa thiên hà xóa ngợp/ Dưới kia xa hút/ Nước Việt ta đâu/ Và mẹ ta đâu vô cùng hạt bụi/ Chiếu ơi, tấm thảm thần/ Hãy đưa ta về thăm/ Về ren rén xem trên chiếu con, mẹ ngủ/ Giữa nghìn công việc mẹ thiếp thôi mà/ Dọn dẹp cửa nhà/ Đỡ đần việc nặng/ Như khép vỏ thị vào cô Tấm/ Mẹ còn dụi mắt…Ta đã xa rồi…".

Đỗ Anh Vũ

VKSND TP Hồ Chí Minh vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 254 bị can về 11 tội danh liên quan đến các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm. Đáng lưu ý, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã làm rõ sự “tiếp tay” của nhóm đối tượng nguyên lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) và lãnh đạo, đăng kiểm viên Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR) cho các đối tượng khác trong quá trình gây án.

Hai thập kỉ từ sau đợt mở rộng lớn nhất lịch sử, Liên minh châu Âu (EU) đã gặt hái những bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, nhưng hiện đang đối mặt không ít thách thức từ bối cảnh địa chính trị thay đổi, cũng như sự chênh lệch về kinh tế và khác biệt quan điểm giữa các quốc gia thành viên.

Vẫn chiêu trò cũ rích, thế nhưng thời gian gần đây một số người dân ở Phú Yên tiếp tục nhận được những cuộc điện thoại di động (ĐTDĐ) mạo danh cán bộ các cơ quan tư pháp, đưa ra nhiều thông tin liên quan đến số phận pháp lý của người nghe điện thoại, rồi yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đánh giá tác động môi trường cũng như hồ sơ phê duyệt, quy mô trang trại này chỉ được phép nuôi 150 con lợn nái, nhưng khi kiểm đếm để đền bù, GPMB cao tốc Bắc - Nam, trang trại này nuôi đến 668 con. Ngoài ra, trước thời điểm cao tốc được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 5 tháng, dự án này cũng được điều chỉnh tăng thêm về diện tích, quy mô chuồng trại dù số lượng vật nuôi không biến động.

Vào ngày 15/3, Công an huyện Gò Dầu (Tây Ninh) nhận tin báo từ người dân về việc, trên địa bàn xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu) xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Nạn nhân tử vong là bà Đ.T.N (SN 1960), còn chồng bà N. là ông L.V.P (SN 1964) bị thương tích nặng. Gây án xong, đối tượng nhanh chóng bỏ trốn khỏi hiện trường.

Sau hơn 10 năm để “đắp chiếu” giữa trung tâm thành phố, ngày 2/5, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã phát đi thông báo kết luận của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố đối với Dự án xây dựng Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Nhà thi đấu Phan Đình Phùng). Đây là công trình thể dục thể thao quy mô lớn với 4 mặt tiền ở quận 3.

Cảnh sát phải dùng biện pháp mạnh để giải tán hàng loạt người biểu tình ủng hộ Palestine tại một số trường đại học ở Mỹ ngày 2/5, bao gồm cả việc dỡ bỏ một khu cắm trại tại Đại học California tại Los Angeles, trong bối cảnh hỗn loạn bùng phát và ngày càng gia tăng tại hàng loạt trường đại học trong tuần này.

Mưa dông diện rộng được dự báo diễn ra khắp miền Bắc và tại cá tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An với lượng mưa có nơi trên 80mm. Thủ đô Hà Nội trời mát mẻ, nhiệt độ trong ngày từ 23-29 độ C.

Từ kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm học tập, làm việc ở Pháp, Malaysia và từ những chuyến chu du tiếp cận các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, anh Đặng Dương Minh Hoàng đã mang kiến thức đó trở về mảnh đất mình sinh ra ở tỉnh Bình Phước bắt tay vào làm nông nghiệp thông minh (hay còn gọi là nông nghiệp số) và đã gặt hái nhiều thành quả.

Trong những ngày qua, bên cạnh việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong những tình huống khẩn trương, nguy cấp, hành động tặng khăn lạnh và nước mát cho người tham gia giao thông trên các tuyến đường càng nhân lên những hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CSGT.

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文