Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải vẫn còn nguyên giá trị

21:39 19/08/2022

Trần Quang Khải (1241-1294) là Hoàng tử thứ ba của vua Thái Tông Trần Cảnh. Trần Quang Khải được ban tước Chiêu Minh Vương, gia phong Chiêu Minh Đại Vương, chức Thượng tướng, Thái sư. Ở triều Trần (1225-1400), chức Thượng tướng cao hơn Đại tướng.

Tôi cho rằng Trần Quang Khải là một trong những thi nhân xuất sắc hàng đầu ở đời Trần và cả nền thơ được viết bằng chữ Hán của nước ta thời phong kiến, mặc dù thơ Trần Quang Khải còn lại không nhiều. "Tụng giá hoàn kinh sư" là bài thơ được viết bằng cảm hứng công dân, thể hiện hào khí Đông A và niềm vui chiến thắng giặc Nguyên Mông. Tuy nhiên, sau chiến tranh, Trần Quang Khải lại có những bài thơ rất hay, thể hiện cảm hứng trữ tình bản thể. "Lưu gia độ" (Bến đò Lưu gia), "Phúc Hưng viên" (Vườn Phúc Hưng), "Xuân cảm" (Cảm hứng mùa xuân)… là những bài thơ trữ tình bản thể rất ấn tượng…

Tượng Thái sư Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải.

TỤNG GIÁ HOÀN KINH SƯ

Đoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm Hồ Hàm Tử Quan.
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ cựu giang san.

Dịch nghĩa:

PHÒ GIÁ VỀ KINH

Bến Chương Dương cướp giáo giặc,
Cửa Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức
Non sông mãi trường tồn.

DỊCH THƠ

Bản dịch của Trần Trọng Kim:

Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu.

Bản dịch của Trinh Đường:

Cướp  giáo Chương Dương độ,
Bắt thù Hàm Tử đây.
Thái bình nên gắng sức,
Muôn thuở nước non này.

Bản dịch của Vũ Bình Lục:

Trận này phá giặc Chương Dương,
Lại thêm Hàm Tử chiến trường thắng to.
Thái bình, xin hãy nhớ cho,
Non sông ngàn thuở, phải lo gắng nhiều!

Sau chiến thắng quân Mông Cổ lần thứ nhất (1258), Đại Việt có gần ba chục năm hòa bình, củng cố và xây dựng. Tuy nhiên, nhà Nguyên vẫn không chịu từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta. Chúng vẫn ra sức chuẩn bị mọi mặt. Triều Trần vẫn thể hiện tinh thần hòa hiếu, song cũng không ngừng chuẩn bị cho cuộc chiến có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Quả đúng như tính toán, năm 1282, giặc Nguyên Mông bắt đầu thực hiện kế hoạch đánh chiếm Đại Việt lần thứ 2. Toa Đô được cử làm Nguyên soái. Hắn đem quân vượt biển đánh chiếm Chiêm Thành, tạo thế bao vây Đại Việt.

Gần ba năm sau, đầu năm 1285, quân Nguyên Mông do Thái tử Thoát Hoan cầm đầu, chia làm hai cánh từ phương Bắc tràn xuống, thế giặc rất mạnh mẽ. Toa Đô đã chiếm được vùng đất Thuận Hóa của ta, tức các châu Ô-Lý của Chiêm Thành do vua Chế Mân đã dâng làm quà cưới công chúa Trần Huyền Trân của Đại Việt (Thuộc Quảng Bình, Thừa Thiên và một phần Quảng Nam ngày nay). Thuận Hóa đất đai rộng ngàn dặm. Toa Đô  đem quân tiến ra, đánh chiếm các vùng Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, rồi tiếp tục tiến ra Thăng Long, hợp binh với Thoát Hoan (Bấy giờ đã chiếm được kinh thành Thăng Long do nhà Trần bỏ lại).

Thế giặc mạnh, quan quân nhà Trần vừa chiến đấu vừa rút lui chiến lược, nhằm bảo toàn lực lượng, chờ cơ hội phản công. Mùa hạ, tháng 4 năm Ất Dậu 1285, Chiêu Thành Vương, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, cùng tướng quân Nguyễn Khoái… chặn đánh địch ở Tây Kết, một đoạn sông Hồng thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bây giờ. Sau đó, quan quân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chặn đánh quân Nguyên ở cửa Hàm Tử, phá tan giặc ở đây. Hàm Tử là một cửa quan đường thủy hiểm yếu, chặn được giặc ở đây là không cho chúng hợp binh với Thoát Hoan ở Thăng Long.

Tiếp đó, ngày 3-5-1285, quan quân Đại Việt lại đánh bại giặc ở Trường Yên (Ninh Bình). Ngày 10-5, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải cùng Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền… chặn đánh giặc ở gần Kinh thành, bến Chương Dương, đại thắng. Bọn Thoát Hoan phải bỏ kinh thành Thăng Long chạy qua sông Lô (sông Hồng) lên phía Bắc. Toa Đô cuống cuồng chạy thoát ra biển.

Ngày 15, hai vua (Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông) về Long Hưng (Thái Bình) làm lễ bái yết tổ tiên ở Chiêu Lăng.

Ngày 17-5, Toa Đô cùng Ô Mã Nhi từ biển lại đánh vào Thiên Mạc. Ngày 20-5, quân ta đánh bại giặc ở Tây Kết (gần với Hàm Tử), chém được đầu Nguyên soái Toa Đô. Sử nước ta chép như vậy. Tuy nhiên, sử nhà Nguyên (Nguyên sử) lại chép rằng, Toa Đô bại trận, bỏ thuyền lên bờ, cùng tàn binh chạy về Bắc. Đến đoạn Thị Cầu (Bắc Ninh) thì Nguyên soái Toa Đô bị phục binh của Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn do tướng Vũ Hải chỉ huy, chém chết.

Ô Mã Nhi chỉ còn một chiếc thuyền chạy ra biển trốn thoát. Trong khi đó, quân tinh nhuệ của Hưng Đạo Đại Vương chỉ huy giao chiến với Thoát Hoan và Lý Hằng ở Vạn Kiếp, tiêu diệt giặc ở đây. Thoát Hoan chỉ còn ít tàn quân thừa sống thiếu chết chạy về biên giới, nhưng lại bị Hưng Vũ Vương (con trai Hưng Đạo Vương) đem quân đuổi theo, dùng tên tẩm độc bắn chết Lý Hằng. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng, tơi tả chạy về nước.

Ngày 6-6, hai vua trở về kinh sư. Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải hộ giá hai vua về kinh. Đó là toàn cảnh chiến dịch đánh đuổi quân Nguyên Mông năm 1285, đồng thời cũng là xuất xứ bài "Tụng giá hoàn kinh sư" của Trần Quang Khải.

Tôi buộc phải dài dòng văn tự như thế, là bởi ở câu thơ đầu tiên của bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt này, tác giả nêu chiến thắng Chương Dương trước (Đoạt sáo Chương Dương độ). Cướp giáo giặc ở bến Chương Dương. Chương Dương là bến đò thuộc huyện Thường Tín, Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Cướp giáo (đoạt sáo) là lấy tích ở Đường sử, kể việc Uất Trì Kính Đức giao đấu với Lý Nguyên Cát, ba lần, đều cướp được giáo của Nguyên Cát. Đó chính là cuộc chiến tranh đoạt ngôi báu giữa Lý Thế Dân với anh trai, Thái tử Lý Thành và em trai Lý Nguyên Cát. Lấy điển này, cốt chỉ để nói về việc đánh giặc, ở đây chỉ chiến công đánh giặc ở bến Chương Dương của quân dân Đại Việt mà thôi.

Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết là ba địa danh gần nhau, một bên thuộc Hưng Yên, một bên thuộc Hà Nội, sông Hồng là ranh giới, nơi diễn ra những trận đánh lịch sử nêu trên. Trận Chương Dương vừa mới diễn ra trong tháng năm, nhưng phải đến ngày 20-5, Nguyên soái Toa Đô mới bị đánh bại ở Tây Kết. Vì là mới nhất, nên tác giả kể trước. Câu thứ hai của bài thơ này mới nói đến trận Hàm Tử, cũng vừa diễn ra vào tháng tư trước đó. Đây là hai chiến công có gắn với công lao của tác giả, ở một hướng chiến dịch rất quan trọng, ngay cửa ngõ Thăng Long. Trong khi đó, ở một hướng chiến dịch khác, Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy một trận quyết chiến chiến lược ở Vạn Kiếp, tiêu diệt đạo quân chủ lực của Thoát Hoan và Lý Hằng, quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, giành toàn thắng. Ngày 6-6-1285, hai vua Trần về lại kinh đô Thăng Long.

Hai câu thơ đầu chỉ là kể việc, liệt kê những chiến công, chưa thấy có thơ. Kể chiến công, nhưng đã thấy thể hiện niềm tự hào phơi phới của những người chiến thắng. Những động từ mạnh mẽ như "đoạt sáo" (cướp giáo), "cầm Hồ" (bắt giặc), diễn đạt rất thành công việc thể hiện các chiến công ở Chương Dương và Hàm Tử một cách khái quát.

Hai câu kết mới thể hiện ý tưởng chủ đạo của bài thơ, khái quát và khép lại tứ thơ theo kết cấu "Khai, Thừa, Chuyển, Hợp" của bài thơ Tứ tuyệt luật Đường...

Tác giả viết:

Buổi thái bình nên dốc sức,
Thì non sông mới mãi trường tồn.

(Thái bình tu trí lực / Vạn cổ cựu giang san)

Tác giả đã truyền đến mọi người một thông điệp, như thể một chân lý của muôn đời, rằng đất nước giờ đã thái bình, kẻ thù đã đại bại, nhưng chúng ta không được quá say sưa với chiến thắng, không được phép ngủ quên với chiến thắng. Hòa bình độc lập rồi, càng phải cố gắng "Tu trí lực" hơn nữa, thì đất nước mới có thể vững bền vạn thuở (Vạn thuở cựu giang san).

Nhắc nhở mọi người, cũng là tự nhắc nhở mình, bởi kẻ thù chưa dễ cam chịu thất bại nhục nhã cay đắng. Bài thơ ngắn, nhưng tình ý thì thật sâu sắc, thể hiện tầm nhìn chiến lược của một nhà quân sự, chính trị kiệt xuất. Quả nhiên, lời cảnh báo của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải là hoàn toàn chính xác. Chỉ hai năm sau (1287), giặc phương Bắc lại tràn sang, với một đội quân hùng hậu hơn nhiều. Tên bại tướng Ô Mã Nhi lần này lại dẫn xác đến. Và hắn lại một lần nữa đại bại ở Bạch Đằng giang (1288), chấm dứt mộng xâm lăng Đại Việt của một đế quốc từng đánh bại cả châu Âu và Trung Hoa rộng lớn.

"Tụng giá hoàn kinh sư" của Trần Quang Khải là một tráng ca, vô cùng hào sảng, thể hiện "hào khí Đông A", hào khí chiến thắng của một dân tộc anh hùng, bất khuất. Bài thơ cũng thể hiện ý chí bảo vệ Tổ quốc và tầm nhìn xa trông rộng của một nhà lãnh đạo tài giỏi, sẽ còn mãi với non sông Đại Việt.

Vũ Bình Lục

Thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật (VPPL) liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” sẽ có nhiều diễn biến mới, tiềm ẩn phức tạp. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng xuất hiện nhiều loại hình, phương thức, thủ đoạn mới, ẩn danh, không phụ thuộc vào phạm vi địa lý, lãnh thổ. Do đó, không chỉ Cục Cảnh sát hình sự mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành địa phương không ngừng đấu tranh với tội phạm này.

Tối 25/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức lễ trao giải cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia “Tự hào một dải biên cương” lần thứ III, năm 2024.

Ngày 25/11, theo tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng, trong vụ kiểm tra vũ trường New MDM CLUB trên địa bàn TP Hải Phòng, lực lượng chức năng xác định có cặp vợ chồng "nguyên sếp" liên quan đến ma túy.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, chiều 25/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, Luật Quảng cáo 2012 cũng như dự thảo luật chủ yếu điều chỉnh các hình thức quảng cáo truyền thống trên báo chí, truyền hình mà chưa có quy định cụ thể về quảng cáo trực tuyến hiện đại, như quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, Tik Tok..., khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong xử lý vi phạm.

Tỉnh Quảng Trị liên tục phát hiện các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khảo sát, tư vấn, thiết kế và xây dựng dân dụng, trong quá trình tham gia đấu thầu dự án đầu tư công trên địa bàn, đã tinh vi thực hiện nhiều hành vi gian lận khác nhau nhằm trúng thầu, nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng. Đáng nói, công tác xử lý hành vi gian lận nói trên của địa phương này đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ...

Ngày 25/11, tổ công tác của Phòng CSGT Hà Nội phối hợp với Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt (Cục CSGT); Công an và chính quyền quận Hoàn Kiếm ra quân kiểm tra, chấn chỉnh trật tự, an toàn giao thông đường sắt (TTATGTĐS) tại khu vực “phố cafe đường tàu” đoạn từ Trần Phú đến Phùng Hưng.

Đến 17h chiều nay 25/11, tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn có mưa to, có nơi mưa rất to. Hai hồ thủy điện Hương Điền, Bình Điền và hồ chứa Tả Trạch vẫn đang cấp tập điều tiết xả lũ khiến nhiều vùng thấp trũng ở tỉnh Thừa Thiên Huế ngập lụt.

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu về nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã vinh danh 100 tập thể, cá nhân đoạt giải.

Ngày 25/11, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố 38 bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty Thành An Hà Nội, Công ty Thiết bị y tế Danh, Công ty Thiết bị y tế Tràng Thi và các đơn vị liên quan. Ngoài hệ thống kế toán thuế công khai để nộp ngân sách, ba công ty trên còn lập hệ thống nội bộ, theo dõi thu, chi thực tế; mua bán hóa đơn, làm giảm tiền thuế phải nộp, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 743 tỷ đồng.

Ngày 25/11, tại Công an tỉnh Bình Thuận, Cụm thi đua số 8 - Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2024. Đại tá Lê Quang Nhân - Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận và Thượng tá Lương Đức Minh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đồng chủ trì Hội nghị.

Sau quá trình tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh bảo lưu quan điểm đề nghị án tử hình như bản án sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文