10.000 tỷ đồng thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước sẽ được tiêu như thế nào?
- Chính phủ thoái vốn, cơ hội dành cho chính doanh nghiệp/ Đồng ý bán theo lô để thoái vốn của một số doanh nghiệp Nhà nước
Thu ngân sách vượt dự toán khoảng 17.400 tỷ đồng
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: năm 2015, ngân sách Trung ương hụt thu 31.000 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc hụt thu này chủ yếu là do giá dầu thô giảm (dự toán đầu năm là 100 USD/thùng nhưng thực tiễn chỉ còn 54 USD/thùng) và việc điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng theo cam kết tại của các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, dù ngân sách Trung ương hụt thu, nhưng ngân sách địa phương lại tăng thu 47.700 tỷ đồng. Số thu tăng chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế khá - khoảng 6,5%, cùng với chỉ số giá tiêu dùng thấp - khoảng 1,5-2%, tạo thuận lợi cho đầu vào của nền kinh tế. Từ đó tác động khiến thuế thu nhập doanh nghiệp tăng cao, thuế giá trị gia tăng tăng khá. Bù trừ hai bên, dự kiến thu ngân sách năm 2015 vẫn vượt dự toán khoảng 17.400 tỷ đồng.
Về vấn đề được dư luận quan tâm là tại phiên họp tổ của Quốc hội sáng 22-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói rằng, tình hình cân đối ngân sách năm 2016 “căng thẳng” vì ngân sách năm 2016 là 255.750 tỷ đồng, thì riêng ngân sách địa phương trong cân đối là 131.200 tỷ đồng (chiếm hơn 52% do các địa phương tự quản lý), Trung ương còn 154.000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài và các khoản khác, chỉ còn 45.000 tỷ đồng. “45.000 tỷ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ xong gần như không có tiền để làm gì cả”, Bộ trưởng Vinh nói.
Lên tiếng về thông tin trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, con số “45.000 tỷ vốn ngân sách” Trung ương mà Bộ trưởng Vinh nêu chưa tính thêm 50.000 tỷ đồng vốn ODA, cho nên con số thực tế để vốn ngân sách Trung ương có thể điều tiết năm 2016 là khoảng 95.000 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nguồn vốn ODA có thể tính trước, căn cứ vào các hiệp định đã ký. Năm tới, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự toán đầu tư vốn ODA là 50.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp hiện vẫn nợ 76 nghìn tỷ đồng tiền thuế. Ảnh minh họa: CTV. |
Vietsovpetro chậm nộp 2.000 tỷ đồng tiền thuế
Một điểm sáng của thu ngân sách 2015 đó là khoản thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 55.000 tỷ đồng. So với con số dự kiến thu từ dầu thô trong năm nay là 60.000 tỷ đồng thì khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân là gần tương đương. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng nêu rõ, trong tình hình ngân sách gặp rất nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp lớn ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm, cố tình chiếm dụng các khoản phải nộp ngân sách. Một ví dụ điển hình là Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) hiện vẫn còn nợ ngân sách tới 2.000 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2014, giá dầu bình quân trên 100 USD/thùng, với quy định của pháp luật cũng như các hiệp định đã ký kết, đơn vị này phải nộp thuế 86 triệu USD (khoảng 2 nghìn tỷ đồng). Số này bao gồm khoản chênh giữa giá kế hoạch và giá thực hiện đơn vị phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, khoản nộp thuế quyền lợi nước chủ nhà. Song, cho đến thời điểm hiện tại, Vietsovpetro vẫn lấy lý do này khác, vin vào giá dầu xuống không chịu nộp.
Theo Bộ Tài chính, con số nợ thuế của các doanh nghiệp hiện lên tới 76.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 34.000 tỷ đồng là nợ thuế của những doanh nghiệp có khả năng nộp nhưng chưa nộp. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ quyết liệt thu hồi khoản nợ 34.000 tỷ này. Đồng thời, tiếp tục tiến hành thanh, kiểm tra thuế tại một loạt doanh nghiệp khác. Hiện nước ta có 506.000 doanh nghiệp tự khai tự nộp thuế, trong khi đó, kết quả thanh tra 9 tháng, cơ quan thuế đã lập biên bản trên 8.000 tỷ đồng truy thu thuế, và đã thu về ngân sách 5.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã thành lập 5 đơn vị thanh tra chống chuyển giá chuyên trách để tập trung vào những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp có liên kết, có dấu hiệu chuyển giá trốn thuế, để đấu tranh. Trước mắt, để cân đối thu chi, giải quyết những khó khăn trong thu ngân sách, khi trình Quốc hội, Chính phủ đã có kiến nghị cho phép sử dụng 10.000 tỷ đồng từ phần đã thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước đề bù đắp. Đây là phần vốn mà các doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành được thực hiện thoái vốn trong thời gian qua, không phải số tiền thoái vốn 10 doanh nghiệp vừa được Chính phủ yêu cầu. Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện, các đơn vị luôn tập trung vào các giải pháp làm sao thu đúng, thu đủ, thu kịp thời để đảm bảo cân đối được ngân sách Trung ương, giảm tối đa số sử dụng 10.000 tỷ đồng này.