APEC 2017 là một chứng minh Việt Nam có thể vươn tới chuẩn mực thế giới

08:46 19/11/2017
Với nỗ lực trong công tác tổ chức của Việt Nam, APEC 2017 đã hoàn thành mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do trong tình hình mới. 

Kết thúc Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên tỏ ra rất hài lòng với công tác tổ chức APEC của Việt Nam và bày tỏ những ấn tượng tốt đẹp với đất nước và con người Việt Nam.

Nhân dịp này, Chuyên mục Trò chuyện chủ nhật của Báo CAND đã có cuộc trò chuyện cùng Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng thời là Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 về những cơ hội, lợi thế và thách thức của Việt Nam nói chung và của cộng đồng DN Việt nói riêng sau sự kiện APEC 2017.

PV: Trong kỳ APEC năm nay, VCCI được phân công chủ trì các sự kiện liên quan tới doanh nghiệp, các sự kiện được tổ chức theo thông lệ và các sự kiện được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam. Vậy, qua sự kiện lớn này, điều ấn tượng nhất đối với ông là gì?

TS. Vũ Tiến Lộc: Thực tế, sự thành công của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 là một nỗ lực rất lớn của rất nhiều đơn vị, trong đó có VCCI. Tại các sự kiện của APEC, cộng đồng kinh doanh APEC rất vui mừng được đón chào Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo các nền kinh tế đang chiếm tới gần 60% GDP và 50% đầu tư và thương mại toàn cầu. 

Với tầm nhìn và thông điệp của các nhà lãnh đạo đã góp phần định hình cho tương lai của nền kinh tế thế giới và APEC, củng cố niềm tin của tất cả chúng ta vào một nền thương mại tự do và công bằng. 

Người ta đã đúng khi nói rằng, APEC CEO Summit 2017 là nơi gặp gỡ của những người khổng lồ, là nơi chụm đầu của những “thinktank” và là nơi giao hòa của những người kiến tạo tương lai của nền kinh tế thế giới và khu vực.

Tôi có một niềm tin vững chắc rằng, “cỗ xe tam mã” với 3 động cơ chính: toàn cầu hóa được tích hợp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những cải cách thể chế mạnh mẽ trong các nền kinh tế nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong các chuỗi giá trị toàn cầu để “mọi người cùng thắng”, để “không ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khát vọng mà sẽ là hiện thực trong kỷ nguyên số của chúng ta và APEC CEO Summit 2017 đã đi vào lịch sử như một dấu mốc quan trọng của sự đồng thuận đó.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ APEC 2017 ở Đà Nẵng, tuyên bố chung về thỏa thuận TPP 11 đã được thông qua mà không có sự góp mặt của Mỹ với một tên gọi mới “Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)” là bước đột phá cho thương mại tự do trong khu vực. Đây là một sự kiện mang tính lịch sử, là một điểm nhấn của APEC lần này. Để đạt thành công như vậy, có vai trò to lớn của nước chủ nhà Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam và Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 đã để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc khi VCCI đã tổ chức thành công, tạo cơ hội chắp mối cho các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam với những đối tác tiềm năng từ các nền kinh tế APEC và thế giới. Khi những người khổng lồ của thế giới đã đến đây, nghĩa là chúng ta cũng có cơ hội cho những dự án khổng lồ. 

Đặc biệt, APEC lần này mình là chủ nhà đã dẫn dắt các cuộc thảo luận, trước kia mình đi theo, còn bây giờ mình dẫn dắt, đưa ra sáng kiến. Tổ chức APEC thành công cũng là một chứng minh Việt Nam có thể vươn tới chuẩn mực thế giới. Đây là thông điệp quan trọng nhất là Việt Nam có thể vươn tới và cần vươn tới chuẩn mực quốc tế.

PV: Việt Nam đã thực sự tạo được dấu ấn với quốc tế qua sự kiện lần này, tuy nhiên theo ông hậu APEC 2017, Việt Nam sẽ có những cơ hội và thách thức như thế nào?

TS. Vũ Tiến Lộc: Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng là cơ hội để các nhà lãnh đạo thẳng thắn nhìn lại các chính sách, mô hình tăng trưởng và sự thất bại của chúng trong việc tiến tới thịnh vượng chung. APEC và cả Việt Nam đang cần những động lực mới cho cải cách và phát triển. Từ góc nhìn của văn hóa phương Đông, có thể coi đây là một sự hợp duyên. 

Bước vào thập kỷ thứ 4 kể từ khi bắt đầu đổi mới, Việt Nam đang cần một làn sóng cải cách thứ hai. APEC cũng đang chuẩn bị bước vào thập kỷ phát triển thứ 4. Và Việt Nam cũng là nền kinh tế nhận được rất nhiều lợi ích từ toàn cầu hóa, từ khu vực APEC, nếu không muốn nói là nhiều nhất.

Là một điển hình thành công trong đổi mới và hội nhập, những biến động mới trên toàn cầu đang tác động mạnh mẽ tới Việt Nam theo cả hai chiều hướng là tạo cơ hội và mang tới thách thức. 

Một ví dụ đã được nhắc đến nhiều là với quá trình robot hóa và với sự đảo chiều của thương mại, đầu tư toàn cầu khi các dây chuyền sản xuất dịch chuyển trở lại các nước phát triển, lao động giá rẻ không còn là lợi thế của Việt Nam nữa. 

Thế nhưng Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội chưa từng có với lợi thế so sánh vượt trội trong 3 lĩnh vực: nông nghiệp-gắn liền với nền ẩm thực; du lịch; và kinh tế sáng tạo gắn với công nghệ thông tin. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng hội nhập, cách mạng công nghiệp 4.0 và cải cách thể chế trong nước sẽ là 3 động cơ phát triển chính cho Việt Nam trong giai đoạn mới. 

Với bối cảnh như trên, những ưu tiên mà Việt Nam đề xuất cho năm APEC 2017 - và đã nhận được sự ủng hộ của các nền kinh tế - không chỉ phù hợp với nhu cầu của APEC, mà còn xuất phát từ chính nhu cầu nội tại và đều là những vấn đề mang tính “sống còn” của Việt Nam, là trọng tâm chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. 

Đó là: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng xoay quanh 4 chủ đề này.

PV: Như ông vừa nói APEC 2017 dành sự quan tâm đặc biệt cho sự sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trong khi đó, những DN này ở Việt Nam chiếm tới 90% số DN đang hoạt động và đang gặp nhiều khó khăn, rào cản. Vậy theo ông, DN Việt cần phải làm gì để thích nghi và tham gia được vào chuỗi liên kết toàn cầu?

TS. Vũ Tiến Lộc: Thế giới đã nói rất nhiều, nói từ rất lâu về phát triển bền vững, nhưng với sự bùng nổ của cách mạng 4.0, của kinh tế sáng tạo, lần đầu tiên cơ hội được trao cho tất cả mọi người một cách bình đẳng, bất kể người ấy ở đâu và làm gì. 

Phát triển bền vững, tăng trưởng bao trùm không còn chỉ là mong muốn, mà đã là một khả năng thực tiễn. Với Việt Nam, trên nền tảng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, từng người nông dân có thể tiếp cận trực tiếp, cung cấp nông sản cho từng người tiêu dùng tại Mỹ, Nhật… 

Đơn cử, một người thợ may ở Hội An có thể nhận đơn hàng và gửi chiếc áo dài cho một khách hàng tại châu Âu. 

Với những sản phẩm kể cả thủ công nhưng tinh tế, khác biệt, được làm ra một cách đầy trách nhiệm, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam cộng với những nền tảng chuẩn mực về chữ tín, chất lượng, quản trị… thì các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không chỉ có thể tồn tại được, mà còn có lợi thế để vươn lên, giành lấy những thị trường đang ngày càng được chia nhỏ, thậm chí là thị trường cho nhu cầu của từng cá nhân.

Nhìn rộng ra toàn cầu, khác hẳn với trước đây khi cuộc chơi chỉ do một số đế chế kinh doanh khổng lồ, các doanh nghiệp lớn làm chủ, ngày nay, hàng chục triệu, hàng trăm triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không chịu đứng bên lề mà sẽ trở thành những chủ thể của kinh tế toàn cầu. 

Những “giọt nước” nhỏ nhưng với số lượng khổng lồ sẽ trở thành một đại dương ẩn chứa tiềm năng sáng tạo vô tận và trở thành động lực chính của sự phát triển toàn cầu. Thay vì tham gia vào các chuỗi giá trị do các “ông lớn” dẫn dắt một cách thụ động, phụ thuộc, các doanh nghiệp nhỏ ngày nay có thể chủ động quyết định vận mệnh của chính mình với vai trò ông chủ. 

Và trong bối cảnh đó, các Chính phủ cần tạo nền tảng, môi trường cho các doanh nghiệp này kết nối với nhau và kết nối với thị trường, đây cũng là giải pháp tốt nhất để thúc đẩy, khuyến khích sự sáng tạo. Mặt khác, phương thức giao dịch như vậy còn giúp tăng cường kết nối trực tiếp giữa con người với con người, tức là một quá trình kinh doanh thú vị hơn và nhân văn hơn.

PV: Theo ông, điểm yếu của DN Việt hiện nay là gì?

TS. Vũ Tiến Lộc: Hiện đang có sự chuyển dịch thương mại toàn cầu, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu - thế mạnh của các nước đang phát triển như Việt Nam - có thể đối mặt với nhiều sự cạnh tranh. Trong khi đó, điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là chiến lược quản trị doanh nghiệp theo kịp xu thế toàn cầu. 

Để tận dụng được cơ hội từ khu vực APEC mang lại, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), DN siêu nhỏ trong việc tiếp cận với nguồn vốn, tiếp cận thị trường. Đồng thời, có những chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho khu vực DNNVV. 

Đồng thời, các DNNVV, DN siêu nhỏ của Việt Nam cũng cần chủ động hơn nữa nhằm tạo ra những cơ hội cho mình thông qua việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ và chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường, tiếp cận tín dụng, đưa ra những sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng. Vì chỉ có sự chủ động, tự tin mới giúp DNNVV, DN siêu nhỏ của Việt Nam tận dụng được cơ hội, vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. 

Nhằm tận dụng được cơ hội từ APEC, các DNNVV, DN siêu nhỏ của Việt Nam cũng cần kết nối lại với nhau chặt chẽ hơn, tạo thành những DN có quy mô mạnh cả về vốn, công nghệ, và thị trường.

PV: Vị thế của Việt Nam tăng lên rất nhiều qua việc tổ chức thành công sự kiện APEC 2017. Theo ông giá trị gia tăng của Việt Nam sẽ như thế nào trong thời gian tới?

TS. Vũ Tiến Lộc: Nhìn lại câu chuyện của Việt Nam, nếu chúng ta bắt đầu đổi mới bằng những nỗ lực tự cải cách, sau đó được tiếp sức bằng những cam kết hội nhập mạnh mẽ, thì bây giờ đã tới lúc chúng ta phải vươn tới những chuẩn mực cao của thế giới. 

Và trên thực tế, Việt Nam đã đĩnh đạc tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chứ không chỉ tham gia vào những chính sách đã được được bàn thảo xong theo kiểu “ván đã đóng thuyền”. 

APEC lần này là một cơ hội lớn tiếp theo cho Việt Nam. Tất nhiên, đúng như chủ đề của APEC, quá trình này cần sự chung tay của tất cả, nhưng nước chủ nhà có thể gợi mở và dẫn dắt các thảo luận, định hướng các nội dung. 

Và việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC lần này đã khẳng định một thông điệp quan trọng là chúng ta có thể tư duy cùng một đẳng cấp với toàn cầu. Cho tới thời điểm này, các đề xuất của cộng đồng kinh doanh APEC vẫn cơ bản nằm trong khung định hướng mà nước chủ nhà Việt Nam đưa ra.

Kể từ khi Việt Nam tham gia APEC năm 1998, Diễn đàn này đã trở thành một động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đưa hội nhập kinh tế của Việt Nam lên tầm toàn cầu với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau này. 

Với Tuần lễ Cấp cao lần này, Việt Nam có cơ hội thể hiện cho quốc tế thấy năng lực phát triển kinh tế ở một thành phố hiện đại, năng động như Đà Nẵng, cho thấy Việt Nam là một thành viên tích cực với các vấn đề khu vực và toàn cầu. Đổi lại, Việt Nam có thể thu hút được sự ủng hộ từ các thành viên APEC cho các mục tiêu của mình. 

Đồng thời, có những đóng góp thiết thực nhằm nâng cao khả năng thích ứng của APEC trong một thế giới đang trải qua những chuyển dịch to lớn với hàng loạt thách thức khu vực và toàn cầu đang nổi lên. 

Bên cạnh đó, Tuần lễ Cấp cao APEC cũng đã khẳng định cơ hội rất lớn để Việt Nam xúc tiến thương mại, đầu tư. VCCI khẳng định đã hỗ trợ rất tốt cho 63 địa phương quảng bá, xúc tiến đầu tư theo chuẩn mực thế giới, với sự tư vấn quốc tế. Như vậy, cơ hội từ APEC không chỉ dành riêng cho Đà Nẵng. 

Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư rất tự tin về những cơ hội, tiềm năng của Việt Nam, thì điều khiến họ lo ngại vẫn là những điểm khó tiên liệu trong chính sách, thể chế. Do đó, cần khẳng định và nhấn mạnh quyết tâm dứt khoát và những nỗ lực cải cách thể chế của Việt Nam trong thời gian qua.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc phóng hỏa quán cafe ở số 258 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên các hội nhóm trên mạng xã hội, chị  H.T.L đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文