Bài học trong công tác phòng, chống tham nhũng tài sản công

06:58 13/04/2020
Có thể thấy những kẽ hở lớn dẫn đến mất mát, thất thoát tài sản công nhiều nhất là việc định giá tài sản công như đất đai không đúng thực tế. Cho nên khi chuyển giao đất đai, nhà cửa thuộc tài sản công cho doanh nghiệp dưới các hình thức góp vốn, liên kết liên doanh, đổi đất lấy cơ sở hạ tầng…

Kì cuối: Cần khắc phục những kẽ hở pháp lý

Có thể thấy những kẽ hở lớn dẫn đến mất mát, thất thoát tài sản công nhiều nhất là việc định giá tài sản công như đất đai không đúng thực tế. Cho nên khi chuyển giao đất đai, nhà cửa thuộc tài sản công cho doanh nghiệp dưới các hình thức góp vốn, liên kết liên doanh, đổi đất lấy cơ sở hạ tầng…

Nhà nước bị thất thoát rất lớn. Quyền lợi này thường rơi vào nhóm lợi ích câu kết giữa các cán bộ có chức quyền với các doanh nghiệp, cá nhân cùng phe phái, thân hữu…

Quang cảnh cuộc họp báo công bố thực hiện Kết luận Thanh tra Chính phủ về sai phạm dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Những cái “bắt tay”để đổi đất công

Có thể nói vụ sai phạm liên quan đến đất đai gây bức xúc xã hội lớn nhất ở TP Hồ Chí Minh hiện nay là dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, sai phạm dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP Hồ Chí Minh) liên quan trách nhiệm trực tiếp của ông Tất Thành Cang trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Đại Quang Minh (Công ty Đại Quang Minh), đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới.

Bốn tuyến đường này có tổng chiều dài gần 12km, với tổng mức đầu tư là hơn 8.265 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn lên đến gần 12.200 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi kilômét đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm có giá gần 700 tỷ đồng, đây được xem là con đường đắt nhất hành tinh.

Trong khi nhà đầu tư không phải bỏ chi phí giải phóng mặt bằng, nhưng để thanh toán cho hợp đồng gần 12.200 tỷ đồng, UBND TP Hồ Chí Minh trả cho Công ty Đại Quang Minh gần 79ha đất tại trung tâm Thủ Thiêm để xây dựng khu đô thị và khu dân cư.

Vị trí đất giao cho chủ đầu tư nằm ngay chính giữa 4 con đường được xây dựng theo hợp đồng và được xem là khu “đất vàng”. Việc ông Tất Thành Cang đại diện cho UBND TP Hồ Chí Minh ký kết với Công ty Đại Quang Minh làm dự án là không đúng thẩm quyền.

Ngoài các sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ ra sai phạm của ông Tất Thành Cang trongviệc bán đất công sản tại Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Theo xác định của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, khu đất 32ha giao cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai hiện đã được đền bù, là tài sản thuộc Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh, do Công ty Tân Thuận quản lý.

Việc ký hợp đồng chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đất công sản không đúng thẩm quyền đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định có vai trò, trách nhiệm, lẫn sai phạm của cá nhân ông Tất Thành Cang…

 Người được xác định phải chịu trách nhiệm chính liên quan đến sai phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là Nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải.

Cùng với ông Hải còn kéo theo nhiều cán bộ chủ chốt của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015, Ban cán sự Đảng UBND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2016. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban cán sự Đảng UBND TP Hồ Chí Minh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân, gây bức xúc trong xã hội.

Trong đó, ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy. Theo hồ sơ, năm 1996, Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 367, quy mô 930ha, gồm: Khu đô thị mới 770ha và Khu tái định cư 160ha nằm giáp ranh, thuộc địa bàn phường An Khánh, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh và Thủ Thiêm (quận 2).

Ngày 22-3-2002, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh bấy giờ là Lê Thanh Hải, điều chỉnh diện tích khu trung tâm Thủ Thiêm, trong đó có việc chỉ đạo, bố trí từ 3-4 địa điểm khu tái định trên địa bàn quận 2. Từ chỉ đạo của ông Lê Thanh Hải đã “biến” thành 6 địa điểm khu dân cư, đẩy người dân bị giải tỏa đi xa, có những nơi cách trung tâm Khu đô thị Thủ Thiêm gần 15 km như phường Thạnh Mỹ Lợi, phường Cát Lái…

Rồi cũng từ đó, tại các phường Bình Khánh, An Phú, An Khánh gần trung tâm Thủ Thiêm, được “biến hoá” thành những chung cư cao tầng với quy mô 12.500 căn hộ. Như vậy, 160ha đất tiếp giáp khu trung tâm Thủ Thiêm lẽ ra bố trí tái định cư cho người dân, UBND TP Hồ Chí Minh giao cho các “đại gia” làm dự án thương mại…

Điều này trái quy định của Thủ tướng Chính phủ. Cũng từ thay đổi theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và khó khăn cho dân nên gây bức xúc, phẫn nộ của người dân bị giải tỏa, kéo dài đến giờ vẫn chưa giải quyết xong…

Những bất cập pháp lý và thực tiễn

Tuy nhiều sai phạm trong việc chuyển nhượng tài sản Nhà nước trái phép, ký dự án để đổi “đất vàng”… nhưng việc xử lý hình sự gặp nhiều khó khăn. Theo một cán bộ điều tra viên cao cấp của Bộ Công an, nhiều bất cập nảy sinh quá trình điều tra, xử lý các vụ án liên quan đất đai, tài sản công là do các quy định pháp luật như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… còn có những vấn đề chưa thống nhất.

Thực tế, việc quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là đất đai còn kẽ hở nên quá trình cổ phần hoá, thoái vốn, thực hiện các dự án đổi đất lấy hạ tầng… đã bị cá nhân lợi dụng trục lợi. Để ngăn chặn tài sản công bị thất thoát, tránh trục lợi, Nhà nước cần công khai minh bạch về dự án, mức đầu tư, định giá tài sản, thực hiện bán đấu giá theo luật…

Theo luật sư Đoàn Khắc Độ - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đức, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, tình trạng tiêu cực, tham nhũng đối với đất công, nhà công sản (gọi chung là tài sản công) trong những năm gần đây gây bức xúc cho xã hội. Nhiều vụ án lớn đã và đang đưa ra xét xử ở các giai đoạn. Nhiều cán bộ dính sai phạm, thậm chí cán bộ cấp cao đã bị xử lý hình sự, kỷ luật nặng.

Chúng ta có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Phòng, chống tham nhũng… Đây là các văn bản pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động quản lý Nhà nước đối với tài sản công, công cụ đấu tranh, phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, thực trạng cho thấy tình trạng tiêu cực, tham nhũng lĩnh vực tài sản công vẫn diễn ra phức tạp. Để khắc phục, một trong những yếu tố góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực, tham nhũng đối với tài sản công, đó là tính công khai, minh bạch đối với việc bố trí, quản lý, sử dụng tài sản công.

Nội dung công khai, minh bạch tài sản công được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 10, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và tại Điều 8 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017. Khi thông tin về việc bố trí, quản lý, sử dụng tài sản công được công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, được sự giám sát của nhân dân và các chủ thể có thẩm quyền thì khó có cơ hội cho hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Quy định pháp luật về việc công khai, minh bạch tài sản công thì đã có, nhưng các chủ thể có trách nhiệm quản lý tài sản công có thực hiện đúng các quy định này hay không là một chuyện khác. Nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng đất công xảy ra hàng chục năm, đến khi cơ quan thanh tra vào cuộc thì mới phát hiện.

Đây chính là sự giám sát kém hoặc có thể đối tượng giám sát có mắc xích, bị chi phối không thể đấu tranh. Chính vì vậy, yếu tố rất quan trọng đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, đó là hoạt động giám sát.

Quyền giám sát của nhân dân, của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử được quy định trong Hiến pháp 2013; Luật Tổ chức Quốc hội 2014; Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015. Ngoài ra, cơ chế giám sát cũng được quy định tại Điều 59 Luật Phòng, chống tham nhũng; Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tuy nhiên, những quy định này cũng chỉ dừng lại ở việc xác định quyền giám sát chung chung, mà chưa quy định cụ thể cách thức, biện pháp giám sát như thế nào. Muốn giám sát thì phải có công cụ, biện pháp, cách thức để thu thập thông tin.

Do đó, để nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát, góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm thể chế hóa quyền giám sát của nhân dân cũng như của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử; trang bị cho các chủ thể này các quyền hạn thực sự, các công cụ, biện pháp để có thể thực hiện tốt hoạt động giám sát của mình…

Bảo vệ tài sản công, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực này là yêu cầu cấp thiết của Đảng và Nhà nước nhằm bảo vệ sự phát triển của chế độ. Trong công cuộc chống “giặc nội xâm” này đòi hỏi phải có những chính sách pháp luật đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ liêm chính, đủ tài và đức để hoàn thành trọng trách với đất nước, nhân dân.

Ngọc Như

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文