Bài toán ổn định cuộc sống người dân tái định cư thủy điện chưa có lời giải
- Những bất cập ở khu tái định cư thủy điện Đắk Mi 4C
- Xây dựng khu tái định cư tiền tỷ để... bỏ hoang
- 4 cán bộ 'nhân bản' hồ sơ kiếm ăn trên đất tái định cư
Cụ thể, năm 2003, hơn 800 hộ ở xã Dương Hoà, thị xã Hương Thuỷ phải di dời nhường đất cho dự án hồ Tả Trạch ở thượng nguồn sông Hương đến ở 3 khu tái định cư (TĐC) tại xã Bình Thành, thị xã Hương Trà; tại công trình thuỷ điện A Lưới, 924 hộ dân TĐC tại khu A Sáp và A Đên, tiếp tục “kêu cứu” về việc đền bù và hỗ trợ TĐC, vì cuộc sống quá khó khăn. 54 hộ dân tại khu TĐC Bồ Hòn của công trình thuỷ điện Bình Điền, triển khai vào năm 2005, cũng chung cảnh ngộ…
Đến các khu TĐC, người dân nhắc đi, nhắc lại những “lời hứa” của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, rằng: Những hộ dân di dời đến nơi ở mới sẽ được cấp tối thiểu 1ha đất trồng hoa màu, riêng đất rừng thì thực hiện “đất đổi đất”... Chuyện TĐC kéo dài cho đến nay, tính từ khu tái định cư Hoà Bình, Bình Dương đã qua hơn 12 năm, việc giải quyết đất sản xuất cho dân vẫn còn là “chuyện nóng”.
106 hộ dân của các xã Hồng Thượng, Hồng Thái, huyện A Lưới, di dời về làng mới TĐC, vì không có đất sản xuất nên phải mưu sinh bằng nghề bốc vác, bóc vỏ tràm. Công việc này rất thất thường nên khó có thể cải thiện được cuộc sống.
Chủ tịch UBND xã Nhâm, ông Phạm Minh Cái, cho biết: “Chính quyền địa phương tiếp nhận hàng trăm lá đơn khiếu kiện của dân liên quan đến chuyện đền bù, bồi thường từ dự án thuỷ điện A Lưới. Do không có khả năng giải quyết nên đơn thư khiếu kiện vượt cấp kéo dài, dẫn đến mất trật tự tại địa phương. Nhân dân rất bức xúc về phần hỗ trợ chênh lệch 50% về đất. Hiện cuộc sống của người dân của người dân ở A Sáp và A Đên phải đối mặt với cuộc sống khó khăn, bởi vùng quy hoạch chủ yếu là diện tích đất đá khô cằn, thiếu đất sản xuất lúa nước và hoa màu nên người dân rơi vào cảnh tái nghèo”...
Đường vào khu tái định cư Bồ Hòn - Hương Trà. |
Thủy điện A Lưới chính thức phát điện vào tháng 6-2012, với công suất lắp đặt máy 170MW. Công trình phải đền bù, hỗ trợ cho 1.318 hộ dân, với tổng kinh phí 203,11 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Quốc Thạnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện A Lưới, bảo: “Công tác đền bù, hỗ trợ TĐC cho dân cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là việc cấp đất sản xuất cho người dân. UBND huyện A Lưới đã cùng các sở, ban, ngành qua nhiều cuộc làm việc, tiến hành rà soát trên địa bàn 6 xã: Hồng Thượng, Hồng Thái, Phú Vinh, Sơn Thuỷ, Hương Phong, Hồng Quảng, nhưng quỹ đất sản xuất không còn. Trước khó khăn này, UBND huyện A Lưới đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đề nghị tỉnh cho chủ trương về hỗ trợ bằng tiền nhằm giúp bà con có điều kiện chuyển đổi ngành nghề sớm ổn định cuộc sống”.
Tại các khu TĐC ở xã Bình Thành thuộc thị xã Hương Trà, trước khi chưa TĐC, hơn 200 hộ dân thì nhà nào cũng có 1-2ha đất trồng trọt và chăn nuôi. Bây giờ đến nơi ở mới mỗi hộ chỉ được cấp 1-2 sào đất.
Bà Hoàng Thị Liễu bức xúc kể :”Đến nơi ở mới chỉ được cái là nhà cửa khang trang hơn nhưng chỉ 2 sào đất vườn thì làm gì để sinh sống đây. Đất đai thì khô cằn không trồng được cây gì. Trồng cây thanh trà 5 năm mà thân cây teo như cây sắn vậy…”.
Theo thống kê của xã Bình Thành, trong 84 hộ ở thôn Hoà Bình có 30 hộ là hộ nghèo, còn lại là cận nghèo. Số hộ nghèo ở thôn Hoà Thành và Bình Dương chiếm tỷ lệ 40%. Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Sanh, cho hay: Bình Thành có 275 hộ dân TĐC, hiện cuộc sống của họ hết sức khó khăn. Mỗi hộ bình quân được cấp 1 sào đất , đất đai lại khô cằn nên giải pháp thoát nghèo cho dân là rất khó. Xã và thị xã nhiều lần kiến nghị lên tỉnh xin điều tiết đất từ các lâm trường, công ty, đơn vị Nhà nước cho các hộ dân TĐC, nhưng chưa có hướng giải quyết...
Theo thống kê của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế thì hiện tại tỉnh vẫn nợ người dân mất đất sản xuất bởi công trình hồ Tả Trạch, tổng cộng 1.012ha đất sản xuất, vì chủ trương đất đổi đất không thực hiện.
Trong các cuộc gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, khi đặt câu hỏi về cuộc sống của người dân TĐC và vấn đề giải quyết đất sản xuất cho dân hiện có giải pháp nào? Thì được giải thích rằng, quỹ đất của tỉnh hiện đang thiếu để cấp cho dân vùng TĐC. Tỉnh đang đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí để cấp tiền mặt cho dân.
Với cách giải quyết này xem ra chưa ổn và chưa phải là giải pháp mà người dân mong muốn; vì họ đang cần đất đai sản xuất để ổn định cuộc sống lâu dài chứ không phải nhận tiền để giải quyết cái ăn trước mắt.
Trong khi đó, khi chúng tôi đến tìm hiểu việc sử dụng đất đai tại các Lâm trường Tiền Phong, Nam Hoà, Công ty giống cây trồng thì được biết các đơn vị này đang quản lý hàng trăm hécta đất. Quản lý theo kiểu thuê lao động trồng cây mà lao động ấy lại là người dân đang cần đất.
Đặt vấn đề với lãnh đạo các đơn vị này về chuyện quản lý đất đai thì họ cho rằng nếu lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế “bảo” nhường bớt đất cho dân thì họ sẽ thực hiện ngay. Tại Bình Thành hiện đang có gần 70ha đất do Công ty Giống cây trồng quản lý và sử dụng sai mục đích. Đó là diện tích đất được cấp trong dự án chăn nuôi bò sữa đã lâu không còn thực hiện nữa…
Thiếu đất sản xuất đang là vấn đề nóng tại các khu TĐC ở Thừa Thiên - Huế. Đề nghị chính quyền các cấp ở Thừa Thiên - Huế sớm vào cuộc, gần cuộc sống của người dân hơn để có giải pháp thoát nghèo; đó là nguyện vọng là yêu cầu chính đáng của đông đảo hộ dân ở các vùng TĐC bởi các dự án thuỷ điện…