Bảo vệ bí mật nhà nước - Đặt lợi ích dân tộc, quốc gia lên trên hết nhưng không được hạn chế quyền tiếp cận thông tin
- Phát hiện “lỗ hổng” công tác bảo vệ bí mật Nhà nước ở Bình Phước
- Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho ý kiến dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước
Liệu những ý kiến đóng góp đó có phải là kết luận cuối cùng của Dự thảo Luật quan trọng này? Và hiểu thế nào cho đúng về bảo vệ bí mật nhà nước? PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, TS. Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về vấn đề nêu trên. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Thưa Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, một trong những nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận tại phiên họp chính là những quy định trong Điều 7 về Phạm vi bí mật nhà nước, với 15 nội dung. Có đại biểu cho rằng quá nhiều quy định, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ. |
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ: Trong Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, tại Chương II Phạm vi, phân loại, ban hành danh mục bí mật nhà nước có Điều 7 "Phạm vi bí mật nhà nước". Đúng là nếu chỉ đọc tên Điều luật và 15 khoản của điều luật, thì ai cũng có thể cho rằng phạm vi bí mật nhà nước là quá rộng. Tuy nhiên, về kỹ thuật thì trước khi quy định 15 khoản, chúng tôi đã trích một phần của khoản 1 Điều 2 "Thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải là thông tin quan trọng, chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc" để nêu rõ hai thông điệp:
Thứ nhất, về thời gian được gọi là bí mật nhà nước, thì chỉ thời điểm chưa công bố nên nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thứ hai, "phạm vi bí mật nhà nước" chỉ là môi trường (lĩnh vực quan hệ xã hội) có chứa bí mật nhà nước chứ không phải tất cả những vấn đề được quy định tại mỗi khoản của Điều 7 đều là bí mật nhà nước.
Một vấn đề nữa, cũng về kỹ thuật lập pháp, đó là mối liên hệ giữa Điều 7 "Phạm vi bí mật nhà nước" với Điều 9 "Ban hành Danh mục bí mật nhà nước" và Điều 10 "Xác định bí mật nhà nước".
Để có một hình thức chứa đựng bí mật nhà nước, ví dụ là "Tài liệu chứa bí mật nhà nước" cụ thể, thì phải trải qua một quá trình gồm ba bước: Bước thứ nhất, là quy định bí mật nhà nước tồn tại trong lĩnh vực nào của đời sống xã hội. Bước thứ hai, trong mỗi lĩnh vực đó, thì về nội dung (không phải là thời gian) nào được coi là bí mật nhà nước và tương ứng với độ mật (Tuyệt mật, Tối mật, Mật). Bước thứ 3, xác định và đóng dấu độ mậy tương ứng Tuyệt mật, Tối mậ hay Mật vào tài liệu đó.
Trong các bước nêu trên, Bước thứ nhất và thứ hai được quy định trong Luật bảo vệ bí mật nhà nước và sản phẩm của nó ở giai đoạn thực hiện pháp luật chính là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước. Ví dụ quyết định cụ thể là "Quyết định số..., ngày.., tháng..., năm... của Thủ tướng chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán" chẳng hạn. Còn bước thứ 3 được biểu hiện dưới dạng là một văn bản cụ thể của một cơ quan ban hành văn bản có đóng một trong các dấu chỉ độ mật (Tuyệt mật, Tối mật hay Mật) vào góc trên bên phải. Ví dụ: " Quyết định số..., ngày.., tháng..., năm... của Kiểm toán nhà nước về kiểm toán dự trữ quốc gia tại...".
Như vậy, nói phạm vi bí mật nhà nước là quá rộng là chưa chính xác. Bởi lẽ, Luật bảo vệ bí mật nhà nước là một văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước trong mọi lĩnh vực quan hệ xã hội. Việc xây dựng Luật bảo vệ bí mật nhà nước được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Cho nên, theo tôi, thì bảo vệ bí mật nhà nước phải đồng thời với việc bảo vệ lợi ích dân tộc, quốc gia nhưng không được hạn chế quyền tiếp cận thông tin.
PV: Vậy, tại sao lại là 15 lĩnh vực?
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ: Sở dĩ có 15 lĩnh vực là vì chúng tôi tổng kết từ 96 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật và Tối mật, của Bộ trưởng Bộ Công an quy định danh mục bí mật nhà nước độ Mật của các bộ, ngành theo Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành, thì nhóm lại 15 lĩnh vực như Dự thảo Luật.
PV: Có ý kiến đại biểu cho rằng, thông tin bí mật nhà nước đang được soạn thảo, chưa có tài liệu hay văn bản chính thức, vậy nội hàm bí mật nhà nước được hiểu thế nào và tại sao Luật chưa quy định việc này?
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ: Thực ra, cái này Luật đã quy định rồi. Chúng ta phải khẳng định rằng, bí mật nhà nước nó không phải là thứ từ “trên trời rơi xuống”, nó phải do con người hoặc một tổ chức tạo ra bí mật đó và nó được bảo vệ từ khi soạn thảo cho đến khi hình thành nên một sản phẩm vật chất. Ví dụ như một tài liệu phải được bảo vệ từ khi họp bàn, quá trình soạn thảo và được lập thành một văn bản cụ thể có đóng dấu chỉ độ mật vào tài liệu đó.
PV: Khi thảo luận, có đại biểu có ý kiến rằng, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước cần phải được công khai cho nhân dân, cán bộ, đảng viên biết để thực hiện rộng rãi? Thế nhưng tại sao trong Dự thảo có điều lại quy định là bí mật?
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ: Như tôi đã đề cập ở trước, trở lại chuỗi 3 điều luật, Điều 7 "Phạm vi bí mật nhà nước" và Điều 9 "Ban hành Danh mục nhà nước" và Điều 10 "Xác định bí mật nhà nước", thì chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước luôn là môi trường tồn tại của bí mật nhà nước. Còn nội dung cụ thể của chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước có nội dung thông tin bí mật nhà nước lại được tồn tại dưới một hình thức cụ thể là tài liệu, vật, địa điểm chứa bí mật nhà nước và đóng dấu chỉ độ mật…
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!