Bổ sung cơ quan Cảnh sát điều tra chống tội phạm buôn lậu và công nghệ cao
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự chiều 18/11, các đại biểu đều bày tỏ việc đánh giá rất cao những giải trình, tiếp thu của dự án luật, nhất trí cao việc bổ sung thêm Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu và Cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm công nghệ cao vào hệ thống cơ quan điều tra thuộc lực lượng Công an nhân dân để tăng cường hiệu lực, hiệu quả pháp luật, phòng chống loại tội phạm dự kiến sẽ diễn biến rất phức tạp trong thời gian tới này.
Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, dự thảo luật đã thể chế hoá được chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp 2013, đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, khắc phục hạn chế, tồn tại, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đại biểu bày tỏ sự thống nhất hoàn toàn với quy định về tổ chức bộ máy của cơ quan điều tra, cho rằng quy định như vậy là hợp lý, rõ ràng, rành mạch, phù hợp với yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm trên tất cả các lĩnh vực.
Đại biểu Phạm Trường Dân cũng bày tỏ sự ủng hộ cao việc bổ sung Cục Cảnh sát điều tra chống buôn lậu và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu ở Công an cấp tỉnh, thuộc hệ thống cơ quan điều tra Công an nhân dân. Điều này sẽ khắc phục được những yếu kém nhiều năm nay trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ…
Đại biểu Phạm Trường Dân. |
Những năm qua, rất nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực này bị phát hiện, nhưng chủ yếu là xử lý hành chính, xử lý hình sự rất ít, chỉ trên dưới 12% về số vụ, đối tượng chủ mưu, cầm đầu còn tồn tại ngoài vòng pháp luật… Trong khi đó, sắp tới, loại tội phạm này dự kiến sẽ còn diễn biến phức tạp, tinh vi và có xu hướng tăng, nếu không bổ sung sẽ khó khăn trong đầu tư kinh phí, phương tiện, lực lượng… khó xây dựng cơ quan này trở thành cơ quan chuyên trách đủ mạnh để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn lậu. Lập luận tương tự cũng được đưa ra đối với việc thành lập cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao.
Quan điểm này được tất cả các ý kiến đại biểu phát biểu trong phiên thảo luận này ủng hộ cho thấy sự cần thiết của các lực lượng trên trước diễn biến thực tế hiện nay. Việc thành lập thêm 2 Cục này cũng không làm phát sinh bộ máy, biên chế như các đại biểu đã phân tích.
Một vấn đề khác cũng được đa số đại biểu nhất trí cao là bổ sung thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cho cơ quan kiểm ngư, do tính đặc thù của địa bàn, nhiệm vụ nặng nề bao gồm cả gìn giữ an ninh trật tự trên biển cũng như bảo vệ chủ quyền. Còn các cơ quan khác như thuế, chứng khoán… các đại biểu cho rằng không nên giao, bởi trên địa bàn đã có cơ quan điều tra chuyên trách đảm nhiệm. Nếu giao cho lực lượng không có đủ chuyên môn sẽ dễ xâm phạm quyền con người, dễ làm oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh một lần nữa: Hoạt động điều tra là hoạt động đòi hỏi chuyên môn cao nên cần hạn chế việc giao thẩm quyền, chỉ giao cho cơ quan có tính chất đặc thù, nơi xa cơ quan điều tra chuyên trách. Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp cho rằng các cơ quan được giao một số hoạt động điều tra chỉ được giới hạn thực hiện một số hoạt động điều tra ban đầu, và trong vòng 7 ngày phải chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách. Cũng liên quan đến thẩm quyền của các lực lượng này, đại biểu Đỗ Kim Tuyến cho rằng quy định các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, kiểm lâm, kiểm ngư… chỉ được thẩm quyền điều tra với một số tội là đúng, nhưng chưa đủ.
Đại biểu cho rằng cần điều chỉnh, giao thẩm quyền điều tra ban đầu với tất cả các loại tội phạm khi phát hiện quả tang, bảo vệ hiện trường, tiến hành thu thập tài liệu, sau đó chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách, nhằm ngăn chặn đối tượng phạm tội tiến hành tiêu huỷ chứng cứ, bỏ trốn… Thêm vào đó, đại biểu cũng cho rằng nên bổ sung thẩm quyền điều tra tội phạm ma tuý cho lực lượng hải quan.
Về trách nhiệm Công an xã, phường, thị trấn, các đại biểu cho rằng nên quy định như dự thảo. Trên thực tiễn, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là cơ quan trực tiếp, đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, bảo vệ hiện trường, phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã đang lẩn trốn trên địa bàn và chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để thực hiện hoạt động tố tụng. Vì vậy, việc giao các cơ quan này được tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ cho điều tra như quy định trong dự thảo Luật là phù hợp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Là đại biểu đăng ký phát biểu cuối cùng, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho biết dự thảo đã thiếu một nhiệm vụ quan trọng của Công an xã, phường, thị trấn… là lập biên bản phạm pháp quả tang như đang thực hiện hiện nay, vì biên bản này thể hiện cả lời khai của người phạm tội, nhân chứng, lời khai của người bị hại, biên bản thu giữ vật chứng rất đầy đủ. Qua thực tiễn tiến hành hoạt động điều tra, xét xử đã chứng minh tính quan trọng của biên bản này. Các đại biểu cũng thống nhất việc bổ nhiệm cán bộ điều tra để giúp việc điều tra viên, thống nhất với chức danh kiểm tra viên giúp việc cho kiểm sát viên và thẩm tra viên giúp việc cho thẩm phán.
Đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội): Giao thẩm quyền điều tra ban đầu cho Công an xã là cần thiết Tôi cơ bản đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, nhưng đề nghị cần rà soát lại các luật điều chỉnh các hoạt động tố tụng hình sự và các luật có liên quan để tránh trùng lặp, trùng dẫm và có khi lại để sót các quy định. Ví dụ Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em quy định quá cụ thể các điều kiện của quy trình tố tụng lẽ ra phải quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Luật Hải quan, Luật Hàng hải quy định một số điều thiếu thống nhất liên quan đến trách nhiệm của tàu trưởng, thuyền trưởng. Tôi cũng đồng ý việc quy định thẩm quyền điều tra của Công an cấp xã, phường, thị trấn nhằm tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong thực tiễn. Có đến 60 - 65% các vụ phạm tội bị bắt quả tang, và cơ quan Công an cấp xã là cơ quan đầu tiên tiếp nhận, trong một số trường hợp phải bắt ngay tội phạm, để cơ quan điều tra cấp trên đến thì rất mất thời gian. Đại biểu Lê Đông Phong (TP Hồ Chí Minh): Cơ cấu tổ chức cơ quan điều tra mới là phù hợp Tôi thống nhất cao với những giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng đề nghị không nên quy định người tham gia tố tụng được thu thập, điều tra, củng cố chứng cứ. Tôi cũng thống nhất bổ sung Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu thuộc tổ chức cơ quan điều tra, phù hợp với nhu cầu đấu tranh trong tình hình hiện nay và trong thời gian tới tội phạm này sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi xảo quyệt. Cũng như vậy, tôi đồng ý với bổ sung cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với loại tội phạm này, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế. Thêm vào đó, bổ sung 2 cơ quan này không làm tăng đội ngũ cơ quan điều tra. Không nên quy định điều tra viên sơ cấp Phát biểu về chức danh điều tra viên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng không nên quy định điều tra viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp mà nên để là điều tra viên, điều tra viên trung cấp, điều tra viên cao cấp, giống như hệ thống hành chính có chuyên viên, chuyên viên trung cấp, chuyên viên chính. “Anh em học đại học ra mà gọi người ta là điều tra viên sơ cấp người ta rất tâm tư. Chỉ có mấy anh toà án, kiểm sát và Công an quy định là sơ cấp, trong khi các ngành khác gọi là chuyên viên”. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ của đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh. Đại biểu cho rằng từ khi xây dựng Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và Luật Tổ chức Toà án (sửa đổi) đã không nhất trí gọi là sơ cấp, nhưng luật ra rồi thì đành chịu. Tuy nhiên, với Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự vẫn còn cơ hội sửa thì nên sửa, không nhất thiết phải đồng bộ với hai luật kia về cách thức quy định chức danh. |