Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 mốc son của cuộc chiến giành độc lập cho dân tộc
- Khai mạc “Ký ức Xuân Mậu Thân 1968”
- Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968
- Vận dụng bài học Mậu Thân 1968 trong tình hình mới
Nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968 kết thúc, nhưng dư âm của nó vẫn còn vang vọng mãi; nhiều nhà nghiên cứu chính trị-quân sự trong nước và nước ngoài, kể cả những nhà nghiên cứu chính trị, khoa học quân sự sừng sỏ của Mỹ, vẫn cố tìm hiểu, bằng cách gì mà Việt Cộng triển khai trên diện rộng toàn miền Nam, làm sao mà quân và dân miền Nam đồng loạt nổ súng tiến công ở tất cả các đô thị, tỉnh lỵ mà vẫn giữ được tuyệt đối bí mật? Cho đến “thời điểm nổ ra cuộc Tổng tiến công” Tết Mậu Thân 1968.
Với một tinh thần tôn trọng giá trị lịch sử, chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá đúng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 một cách toàn diện, trên nhiều góc độ. 50 năm là một khoảng thời gian dài, đủ để cho các nhà nghiên cứu chính trị, quân sự đánh giá đúng sự kiện lịch sử này.
Giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 diễn ra cách đây tròn 50 năm. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công chiến lược Tết Mậu Thân 1968 có giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại to lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng có ý nghĩa chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một đòn giáng mạnh vào chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ và làm phá sản hoàn toàn chiến lược chiến tranh đó, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược “chiến tranh cục bộ” bằng chiến lược “Phi Mỹ hoá chiến tranh” rồi chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”.
Tổng thống Mỹ Johnson tưởng rằng, với chiến lược “chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa hơn 50 vạn quân viễn chinh Mỹ vào trực tiếp chiến đấu với Quân giải phóng miền Nam, Mỹ có thể cứu vãn chế độ ngụy quyền đang trên đà sụp đổ, làm thay đổi cục diện chiến trường sau thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”.
Thế nhưng, toàn bộ những cố gắng của “Nhà Trắng” trong chiến lược “chiến tranh cục bộ” đã bị phá sản do quân và dân miền Nam anh dũng chiến đấu, mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Quân giải phóng miền Nam tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tư liệu. |
Đêm 30 rạng ngày 31-1-1968 - đêm Giao thừa Tết Mậu Thân, quân dân miền Nam đồng loạt Tổng tiến công đánh vào 4 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn. Bốn bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần bị đánh.
Trong đó có những trận gây chấn động lớn trong giới cầm quyền Mỹ và có tiếng vang mạnh mẽ trên thế giới như trận đánh vào Tòa Đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập ngụy, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Đài phát thanh ở Sài Gòn và 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế…
Đòn tiến công Mậu Thân 1968 đã gây kinh hoàng cho cả nước Mỹ. Trên hầu hết các bang nước Mỹ rộ lên những cuộc biểu tình chống chiến tranh, đặc biệt là của giới sinh viên, học sinh.
Nhiều người trong chính giới Mỹ đòi xét lại chính sách của Mỹ đối với cuộc chiến này. Trong nội bộ các cố vấn thân cận của Tổng thống Mỹ diễn ra sự chia rẽ gay gắt. Ngày 31 - 3 - 1968, Johson thông báo quyết định đơn phương ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Paris và tuyên bố không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai.
Đánh giá về giá trị lịch sử thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh của toàn dân đoàn kết quyết chiến, quyết thắng giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc”(1) .
Bộ Chính trị đánh giá: “Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Paris, chấm dứt ném bóm không điều kiện, chủ trương phi Mỹ hoá chiến tranh, mở đầu thời kỳ xuống thang chiến tranh” (2).
Đòn tiến công Mậu Thân 1968 đã gây kinh hoàng cho cả nước Mỹ. Trên hầu hết các bang nước Mỹ rộ lên những cuộc biểu tình chống chiến tranh, đặc biệt là của giới sinh viên, học sinh. Nhiều người trong chính giới Mỹ đòi xét lại chính sách của Mỹ đối với cuộc chiến này. |
Bài học thực tiễn
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là rất to lớn, có ý nghĩa chiến lược và là bài học kinh nghiệm quý làm thay đổi cục diện quân sự trên chiến trường miền Nam. Đó là:
Thứ nhất, Đảng ta đã sớm đánh giá đúng kẻ thù, có chủ trương, lựa chọn phương pháp tác chiến phù hợp, lãnh đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 thắng lợi. Với tầm nhìn xa trông rộng, từ lâu, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy rằng:
Ðương đầu với kẻ thù có tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự lớn hơn ta gấp nhiều lần, chúng ta phải biết thắng từng bước và đánh vào ý chí xâm lược của kẻ thù. Tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị họp dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra chủ trương chiến lược và quyết định mở cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa trên toàn miền Nam.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14 Khóa III (tháng 1 - 1968) chỉ rõ: “Trong quá trình tổng công kích và tổng khởi nghĩa, chúng ta phải quán triệt nguyên tắc: Tập trung lực lượng quân sự và chính trị đến mức cao nhất; kiên quyết tiến công, liên tục tiến công nhằm vào những nơi xung yếu của địch mà đánh những đòn quyết định; phải tuyệt đối giữ cho được yếu tố bất ngờ; phải biết giành thắng lợi từng giờ, từng phút và không ngừng mở rộng thắng lợi; kiên quyết chống trả và bẻ gẫy các cuộc phản công của địch và truy kích địch đến cùng để giành thắng lợi cao nhất” (3).
Hai là, cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 ta thực hiện đồng loạt tiến công kết hợp với nổi dậy ở nhiều thành phố, sử dụng lực lượng với quy mô lớn, kết hợp cả đấu tranh quân sự và chính trị bất ngờ tiến công đồng loạt thẳng vào cơ quan đầu não của địch, vào tận hậu phương, sào huyệt của chúng, nơi chúng cho là an toàn nhất.
Lần đầu tiên, Quân giải phóng miền Nam thực hiện việc “đưa chiến tranh vào tận trung tâm các thành phố lớn”, nơi tập trung các cơ quan đầu não trung ương và địa phương của chính quyền Ngụy Sài Gòn; thực hiện đòn đánh hiểm, đánh đau, đánh vào yết hầu của địch.
Ba là, tạo yếu tố bất ngờ về cơ, thời thời điểm tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Chọn dịp Tết Nguyên đán và thời khắc giao thừa đồng loạt nổ súng mở màn là nét đặc sắc của nghệ thuật tạo bất ngờ; bởi đây là lúc địch sơ hở và chủ quan nhất.
Cân nhắc, nghiên cứu và tính toán rất kỹ, cụ thể từng chi tiết, phong tục tập quán Tết cổ truyền của dân tộc trên đất phương Nam; việc “điều binh, khiển tướng” của Quân lực Việt Nam cộng hòa từ nhiều năm trước đó, sau khi có sự thống nhất giữa cơ quan chỉ đạo tối cao và chỉ huy các chiến trường, Bộ thống soái quyết định chọn thời điểm Giao thừa là “giờ G” làm hiệu lệnh nổ súng mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Với sự tính toán mưu lược chu tất như vậy, nên khi ta tiến công, địch hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp đối phó.
Ngay sau khi sự kiện Tết Mậu Thân diễn ra, giới chỉ huy quân sự và học giả Mỹ cũng như phương Tây đã xác nhận: Vào những ngày Tết Mậu Thân, các đơn vị của Quân đội Việt Nam cộng hòa chỉ có một nửa quân số, khiến cho Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ ở Sài Gòn vô cùng lúng túng trong việc ứng phó.
Từ thực tế đó, càng khẳng định: Việc chọn thời điểm Tết Nguyên Đán mở cuộc Tổng tiến công có ý nghĩa chiến lược, góp phần tạo bất ngờ về thời gian, thời điểm quan trọng làm nên thắng lợi của Xuân Mậu Thân 1968.
Năm mươi năm đã trôi qua, với niềm tự hào chính đáng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đó là thắng lợi của một quá trình đánh giá đúng tình hình, có tầm nhìn chiến lược, lựa chọn phương hướng tiến công đánh đòn quyết định, thực hiện phối hợp chiến trường trên quy mô toàn miền, cả nước đã làm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta Tết Mậu Thân 1968 là một trận quyết chiến chiến lược chưa từng có trong cuộc kháng chiến. Nó thực sự là một sáng tạo độc đáo trong tư duy chiến lược của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mẫu mực về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng Việt Nam.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1998, tập 10, tr. 731.
(2) Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương lần thứ 21 (khoá III).
(3) Tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam qua các đại hội và Hội nghị Trung ương 1930-2002. Nxb Lao động. tr.586. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 (tháng 1 năm 1968).