Cá biển ở 4 tỉnh miền Trung hiện vẫn chưa ăn được
- Bộ Y tế chưa có kết luận cuối cùng về mức độ an toàn của thủy sản sau thảm họa Formosa
- Thành lập các tổ kê khai, bồi thường thiệt hại sau sự cố Formosa
- Phát hiện hàng tấn rác thải tại Đà Nẵng: Có hay không sự liên quan của Formosa
- Sẽ báo cáo Quốc hội việc khắc phục hậu quả Formosa tại kỳ họp tháng 10
- Người tiêu dùng vẫn e ngại trước hải sản sau sự cố Formosa
Trước sự quan tâm của dư luận về chất lượng cá ở 4 tỉnh miền Trung sau thảm họa Formosa hiện đã an toàn để đảm bảo ăn được hay chưa, chiều 24-8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chính thức có thông tin về kết quả kiểm nghiệm thủy hải sản ở khu vực này.
Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, ngay sau khi xuất hiện tình trạng cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã tích cực vào cuộc, liên tục lấy mẫu các loại cá, nước biển để phân tích, kiểm nghiệm.
Sau đó, Bộ Y tế đã gửi các kết quả kiểm nghiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNN để làm căn cứ đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Kết quả kiểm nghiệm của các mẫu cá lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy mức độ ô nhiễm đã giảm dần theo thời gian. Sau khi có tình trạng cá chết bất thường ở miền Trung, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành lấy trên 430 mẫu hải sản ở các cảng cá, chợ cá ở vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế để kiểm tra và kết quả cho thấy, tỉ lệ mẫu nhiễm kim loại nặng cao.
Đến tháng 7-2016 có 7/27 mẫu cá bị ô nhiễm kim loại nặng (chiếm 25,9%) và ngày 19-8, trước thời điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố nước biển an toàn, kết quả kiệm nghiệm cho thấy vẫn có 1/18 mẫu cá vượt ngưỡng an toàn về kim loại nặng (chiếm 5,5%).
TS. Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh, vì vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân nên hiện nay, Bộ Y tế vẫn chưa khẳng định tất cả mẫu cá an toàn để có thể ăn được. Bởi chỉ một hay hai mẫu bị ô nhiễm thì cũng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao với sức khỏe con người. Vì thế, mặc dù ngày 22-8 Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã công bố nước biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn có thể bơi lội và nuôi trồng thủy sản, Bộ Y tế vẫn phải tiếp tục giám sát về chất lượng cá ăn.
Cá biển miền Trung vẫn chưa đảm bảo an toàn cho sức khỏe (ảnh: Trần Tuấn) |
Các mẫu cá không đảm bảo an toàn thời gian qua chủ yếu là vượt ngưỡng chỉ tiêu kim loại nặng, không phát hiện mẫu nào nhiễm phenol hay xyanua, nên việc giám sát vẫn chú trọng vào các chỉ tiêu kim loại nặng.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết, để đảm bảo sức khỏe cho người dân và có câu trả lời chắc chắn sau khi nước biển an toàn thì cá đã có thể sử dụng làm thực phẩm an toàn hay không, hàng ngày Bộ Y tế vẫn tiếp tục lấy mẫu với tất cả các loại cá tại các cảng biển và đầm nuôi ở 4 tỉnh miền Trung để làm kiểm nghiệm.
Các kết quả kiểm nghiệm thủy hải sản sẽ được Hội đồng khoa học của Bộ Y tế đánh giá và dự kiến sẽ công bố chính thức vào đầu tháng 9-2016. Đó sẽ là cơ sở để người dân có câu trả lời về việc cá ở miền Trung ăn được hay chưa hiện đang rất nóng trong xã hội!
Như vậy cho đến nay, đã gần nửa năm diễn ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung và sau đó được Chính phủ thông báo nguyên nhân khiến cá biển miền Trung chết hàng loạt là do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải. Từ đó đến nay, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân không sử dụng cá chết làm thực phẩm cho người và thức ăn gia súc.
Tình trạng trên cá chết đã khiến hàng trăm ngàn ngư dân cũng như ngành du lịch biển lao đao, cuộc sống rất khó khăn. Do vậy, việc công bố của Bộ Y tế về chất lượng cá sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với đời sống kinh tế -xã hội của ngư dân, ngành du lịch và người tiêu dùng sau nhiều tháng buộc phải tẩy chay thủy sản ở các tỉnh này.