Căn cứ pháp lý và thực tiễn phản bác luận điệu xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam

09:51 25/06/2018
Vừa qua, sau khi Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng (12-6-2018) cùng việc trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với đại diện Google, Facebook, nhiều đối tượng đã hoạt động ráo riết, tuyên truyền rằng: Việt Nam dùng Luật An ninh mạng, tìm cách liên minh với “hai ông chủ mạng lớn” bóp nghẹt tự do ngôn luận, báo chí, Internet.

Trong dịp chúng ta kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, các đối tượng tung nhiều bài viết nói xấu tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, tung ra những luận điệu như: Đảng “bóp nghẹt” báo chí; báo chí Việt Nam không được hoạt động đúng nghĩa vì bị “bịt mồm”; khái niệm tự do báo chí ở Việt Nam là xa xỉ…

Vậy vì sao các thế lực thù địch, những kẻ xấu lại tập trung xuyên tạc, bóp méo tình hình báo chí? Thủ đoạn của chúng như thế nào? Quyền tự do ngôn luận báo chí Việt Nam hiện nay ra sao?

Thứ nhất, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, phương thức dùng chiến tranh xâm lược để thống trị một dân tộc là điều không dễ. Hơn nữa, với Việt Nam - một dân tộc đã từng đánh bại những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới thì phương thức đó chẳng bao giờ có thể giành chiến thắng.

Chiến lược của các thế lực thù địch, của những kẻ có hận thù với cách mạng Việt Nam trong và ngoài nước hiện nay chỉ có thể dùng thủ đoạn chính trị “mềm” - dùng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đấy những phần tử thoái hóa về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Vì vậy, xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam là một hướng tấn công chủ yếu hiện nay của chúng. Tiền đề và điều kiện thực hiện được chiến lược đó là xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận báo chí. 

Mục tiêu của chúng nhằm “cởi trói” cho những kẻ đã và đang dùng Internet, mạng xã hội để chống phá chế độ xã hội, Nhà nước Việt Nam.

Những vụ án liên quan đến việc sử dụng Internet, mạng xã hội trong thời gian qua cho thấy điều đó. Tại phiên tòa xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cáo trạng cho biết, từ năm 2010 cho đến khi bị bắt, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lập tài khoản facebook “Mẹ Nấm”, viết gần 1.200 trang tài liệu, trong đó Quỳnh đã xuyên tạc sự thật, đả kích, nói xấu Đảng và Nhà nước Việt Nam, xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam...

Trong số tài liệu đó, có tập tài liệu: “Stop police killing civilians” (tạm dịch: Phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường). 

Quỳnh còn là người sáng lập, điều hành “mạng lưới blogger Việt Nam”, đồng khởi xướng, kêu gọi người dân trong nước và ngoài nước tham gia “chiến dịch tranh đấu cho tự do - dân chủ - nhân quyền, 2015”.

Chiến dịch này nhằm xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, “đất nước đối diện nguy cơ nghèo khổ, bị đe dọa sự tồn vong, biến Việt Nam thành vùng tự trị của nước ngoài”.

Hay như vụ TAND tỉnh Hà Nam xét xử Trần Thị Nga ngày 27-7-2017 cũng cho thấy, bị cáo đã lợi dụng Internet, mạng xã hội để tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam…

Thứ hai, thủ đoạn mà các thế lực thù địch sử dụng để xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam chủ yếu là vu cáo Việt Nam: “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”;“Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”; “bắt bớ nhiều blogger”…

Đứng đầu cho hành vi xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ, nhân quyền Việt Nam nói chung, tự do ngôn luận, báo chí nói riêng là các bản phúc trình thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Phúc trình về tình hình nhân quyền thế giới năm 2017, phần về Việt Nam có đoạn nhận định như sau: Mặc dù pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, nhưng “Nhà nước Việt Nam hạn chế các quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội, quyền đi lại và quyền tự do tôn giáo, gồm các biện pháp như kiểm duyệt báo chí gắt gao, giới hạn quyền tự do Internet…”.

Về thủ đoạn, chúng cố tình làm cho người đọc, người sử dụng Internet, mạng xã hội hiểu sai về quyền tự do ngôn luận, báo chí. Rằng đó là một quyền tuyệt đối, nghĩa là người dùng có thể muốn viết gì, nói gì cũng được. Chúng còn viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về quyền tự do báo chí, cố tình bỏ qua, che giấu những điều khoản quy định về nghĩa vụ người sử dụng Internet, mạng xã hội.

Và bằng nhiều phương thức, chúng cổ súy các phần tử bất mãn, các đối tượng chống đối lợi dụng quyền tự do báo chí chống phá chế độ xã hội, Nhà nước ta quyết liệt hơn. 

Chúng gọi những kẻ phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước là “Tù nhân lương tâm”, là “anh hùng”; bằng nhiều phương thức chúng cung cấp tài chính, mời chào tham gia hội nghị, hội thảo, tọa đàm trực tuyến trên sóng BBC; phong tặng trao giải thưởng báo chí cho những phần tử chống phá chế độ xã hội quyết liệt nhất…

Thứ ba, thực tế cho thấy, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí. Theo thống kê, tính đến năm 2016, cả nước có 857 cơ quan báo chí, gồm: 199 cơ quan báo chí in, 658 tạp chí (trong đó có 105 báo, tạp chí điện tử); 1 hãng thông tấn quốc gia; 67 cơ quan phát thanh truyền hình. Hầu hết các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội đều có báo, tạp chí hoặc trang thông tin, báo điện tử.

Hiện nay, không chỉ người dân Việt Nam mà cư dân nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam có thể truy cập để có thông tin từ những hãng thông tấn báo chí lớn. Ở Việt Nam hiện nay có tới 75 kênh truyền hình nước ngoài online, trong đó có các kênh lớn như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg...

Hiện có hơn 20 cơ quan báo chí nước ngoài đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Qua Internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức, bài vở của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times...

Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển Internet hàng đầu khu vực, đặc biệt là mạng Facebook. Trong cuộc gặp bà Monika Bickert đai diện của Facebook, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện Việt Nam có hơn 92 triệu dân thì có 70% dân số sử dụng Internet, khoảng 45 triệu người có tài khoản Facebook.

Chính phủ Việt Nam không ngăn cản Facebook cũng như các mạng xã hội khác phát triển mà tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Trước đó, trong cuộc gặp với đại diện của mạng lưu trữ và tìm kiến số 1 thế giới Google, đại diện bà Ann Lavin, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận, đánh giá cao những hợp tác bước đầu của Google với Việt Nam, nhất là Google (tính đến hết năm 2017) đã ngăn chặn và gỡ bỏ gần 6.500/7.500 video clip khỏi Youtube, 6 trò chơi khỏi Google play có nội dung xấu, vi phạm pháp luật Việt Nam

Thứ tư, ở Việt Nam, báo chí đã tạo ra đồng thuận xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; là phương tiện để người dân kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật và đóng góp ý kiến phản biện đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trên lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.

Chẳng hạn vụ Trịnh Xuân Thanh mở đầu từ bài báo: “Xe tư nhân gắn biển số xanh và “di sản” của Phó Chủ tịch Hậu Giang”, sau đó đồng chí Tổng Bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an… khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận. Kết quả đã dẫn đến phát hiện một chuỗi các vụ việc tham nhũng, nhiều cán bộ cao cấp, những “đại gia” tưởng như những bức tường thành không bao giờ đổ đã vào tù.

Thử hỏi những người đang xuyên tạc, bóp méo tình hình báo chí Việt Nam: Nếu Việt Nam không có tự do báo chí, tự do ngôn luận thì làm sao có được những tác phẩm báo chí sống động, đem đến hiệu quả xã hội lớn như vậy?

Cũng giống như các nước khác trên thế giới, hiện nay khung pháp luật về quyền tự do ngôn luận, báo chí Việt Nam đã hoàn thiện. Đó là nhiều quy định trong Bộ luật Hình sự, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, các nghị định của Chính phủ như Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet…

Điều đáng chú ý là những quy định về quyền tự do ngôn luận báo chí hiện nay cho thấy tư duy chính trị, pháp lý mới của Đảng và Nhà nước ta. Đó là phòng chống hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời tôn trọng và bảo đảm quyền con người.

Điều 13, Luật Báo chí năm 2016 quy định trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: “1. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí… 2. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. 3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.

Điều 11, Luật tiếp cận thông tin 2013 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức… Điều 5, Nghị định năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng quy định rõ các hành vi bị cấm.

Thời đại ngày nay, không có bất cứ chế độ xã hội, nhà nước hiện đại nào lại không tôn trọng, bảo vệ quyền tự do ngôn luận báo chí, tự do sử dung Internet, mạng xã hội. Vì đây là một điều kiện cho sự phát triển của đất nước. Đối với Đảng và Nhà nước ta thì quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do Internet không chỉ là quyền cần phải bảo đảm hơn nữa mà được xem là một động lực cho sự phát triển của xã hội.

Song để bảo vệ chế độ xã hội, Nhà nước, quyền và lợi ích của người dân, pháp luật của tất cả quốc gia, không phân biệt hệ tư tưởng, trình độ phát triển đều phải có những chế tài nghiêm khắc đối với những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, Internet, mạng xã hội là điều tất nhiên.

TS Cao Đức Thái (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người)

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文