Cắt giảm điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp càng phải cạnh tranh mạnh hơn

07:45 21/01/2018
Những ngày đầu năm, một sự kiện làm nức lòng giới doanh nhân, đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kí ban hành Nghị định 08/2018/NĐ-CP cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh trong 8 lĩnh vực của Bộ Công Thương. Đây được xem là 1 trong những giải pháp trọng điểm của Chính phủ kiến tạo, nhằm giúp cải thiện sâu sắc môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.


Để hiểu sâu hơn những tác động lan toả này, phóng viên Báo CAND đã có trao đổi với TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về tác động của Nghị định này.   

PV: Theo ông đánh giá, Nghị định 08 sẽ tác động lan tỏa đến cộng đồng DN, xã hội như thế nào?

TS. Phan Đức Hiếu: Đây một động thái rất quyết liệt của cả Thủ tướng và Bộ Công Thương, là kết quả tích cực thể hiện hành động thực sự như thông điệp đầu năm của Chính phủ. Việc ban hành Nghị định số 08 là một hành động thực tế, và chỉ khi xã hội nhìn thấy được Nghị định 08 thì lúc ấy những cam kết tuyên bố trước đây của Bộ Công Thương và Chính phủ mới thành hiện thực. Đây là hành động thiết thực nhất đầu tiên của các bộ, ngành trong việc thực thi Nghị quyết Chính phủ số 01, Nghị quyết 98 về cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD).

Việc làm này của Bộ Công Thương sẽ là một tiền lệ tốt, chưa từng có trong lịch sử cải cách về ĐKKD. Lần đầu tiên một Bộ chủ động rà soát, đề xuất, bãi bỏ một số lượng rất lớn, một sự chủ động tích cực, quyết liệt của chính các bộ, ngành.

TS. Phan Đức Hiếu.

Nghị định 08 được ban hành có tác động trực tiếp tới cộng đồng DN, giúp DN giảm ngay chi phí và thời gian trong làm thủ tục. Trước đây, họ phải mất thời gian để đáp ứng các yêu cầu theo quy định hiện hành thì hiện nay, thời gian đã rút ngắn lại.

Từ trước đến nay, những điều mà cộng đồng DN nghi ngại cho rằng, hành động của Chính phủ chỉ mới dừng lại ở cam kết, tuyên ngôn, tuyên bố thì nay việc ban hành Nghị định 08 cho thấy, Chính phủ đã nói và làm song song với nhau và các Bộ cũng tương tự như vậy, làm tăng niềm tin của cộng đồng DN. Cùng với niềm tin ấy là sự tác động trực tiếp đến việc nhiều DN mới gia nhập thị trường, hoặc DN cũ đang hoạt động mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác.

PV: Trong số 675 điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm thuộc nhiều lĩnh vực như xăng dầu, thuốc lá, điện lực… ông có đề xuất gì về những điều kiện cần sửa đổi?

TS. Phan Đức Hiếu: Nhìn vào danh sách này thấy rất nhiều điều kiện được bãi bỏ có sự thuyết phục, thống nhất cao. Theo tôi, một số điều sửa đổi, cắt giảm theo hướng rõ ràng, hợp lý hơn, nhưng có nhiều ĐKKD theo tôi trong quá trình thẩm định đã có sự tranh cãi nhất định, và vẫn tiếp tục có thể sửa được.

Như điều kiện liên quan đến ngành nghề thiết kế điện hay xây dựng, gọi là điều kiện về tổ chức hành nghề hoặc tư vấn thiết kế điện (tư vấn và thi công giám sát công trình nhà máy điện), trong quy định này vẫn có nhiều tranh cãi. Ý kiến của bên CIEM cho rằng, những điều kiện này hoàn toàn có thể tiếp tục sửa đổi, thậm chí thay đổi một cách căn bản như vấn đề số lượng chuyên gia.

Tôi kiến nghị rằng, trong đợt rà soát tiếp theo của Bộ Công Thương không nên loại trừ điều kiện này, tiêu chuẩn tối thiểu là 1 người, còn lại việc mà DN đó có bao nhiêu người thì đó là phản ánh được năng lực, quy mô kinh tế của DN đó, chứ không phải là câu chuyện của pháp luật. Nếu như chúng ta thay đổi được cơ bản như vậy thì rào cản về thị trường, quản lý cũng tránh được việc có minh bạch hay không, và tránh được việc DN lách quy định bằng cách thuê mượn, chủ yếu để tuân thủ quy định của pháp luật.

PV: Quá trình cắt giảm ĐKKD vẫn đang diễn ra, nhưng DN lo ngại tình trạng mọc thêm các giấy phép “con, cháu”. Vậy, theo ông để kiểm soát vấn đề này cần giải pháp gì?

TS. Phan Đức Hiếu: Theo tôi, các Bộ có nghĩa vụ và trách nhiệm rà soát ở phạm vi rộng hơn và không nên dành thời gian tranh cãi về ĐKKD và các quy định nào đó bất hợp lý, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh, gia tăng chi phí và thời gian cho DN, thì cái đó phải được bãi bỏ chứ không chỉ khu trú ở các ĐKKD.

Vấn đề kiểm soát về ĐKKD là rất quan trọng, nhưng lo lắng của Chính phủ là sau khi cắt ĐKKD không loại trừ hiện tượng nó bị “mọc” lại, tiếp tục xuất hiện thêm ĐKKD. Đây là một bài toán rất khó. Theo tôi, để có giải pháp kiểm soát thì trước mắt hàng năm công bố báo cáo, thống kê về sự xuất hiện ĐKKD mới, tổng kết đánh giá các quy định về thực hiện ĐKKD, từ đó cho thấy bức tranh tổng thể. Trong Quý I, CIEM dự tính sẽ làm báo cáo 6 tháng về ĐKKD.

Về phía Chính phủ, hiện kiểm soát về ĐKKD vẫn được áp dụng chung một quy trình thủ tục, theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, về kiểm soát chất lượng văn bản quy phạm pháp luật nói chung, không có riêng cho điều kiện kinh doanh, với khung chung áp bộ tiêu chí cho mọi loại văn bản, quy định mọi nội dung. Theo tôi, trong trường hợp này chưa đủ về công cụ, để kiểm soát về ĐKKD cần những bộ tiêu chí rõ ràng, cụ thể hơn.

PV: Theo ông, DN sẽ phải thích nghi như thế nào trước điều kiện kinh doanh, môi trường cạnh tranh thông thoáng hơn?

TS. Phan Đức Hiếu: Tác động của Nghị định 08 rất rõ, góp phần giảm bớt thời gian và chi phí cho DN. Có hai tác động cơ bản. Thứ nhất là tác động trực tiếp, giảm thời gian và chi phí cho DN trong việc tuân thủ các thủ tục có liên quan. Đồng thời cũng sẽ cắt giảm phần nào những rào cản gia nhập thị trường, vì điều kiện tuân thủ ít hơn, việc gia nhập thị trường sẽ dễ dàng hơn. Nhưng DN cũng phải hết sức lưu ý vì khi đó rằng áp lực cạnh tranh sẽ tăng lên vì có nhiều DN khác họ cũng sẽ tham gia thị trường và cạnh tranh với mình.

Như vậy, Chính phủ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thì DN cũng phải tự chủ động đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, thay đổi dịch vụ hàng hóa thuận tiện, phương thức cung cấp hàng hóa dịch vụ để đảm bảo sản phẩm và dịch vụ của mình cạnh tranh hơn.

Bên cạnh đó, chống vi phạm về sở hữu trí tuệ, DN cần phải lưu ý. Tôi từng thấy có nhiều DN chỉ vì cái sự “ngu ngơ” của mình mà phải trả giá rất lớn, đặc biệt là vấn đề sở hữu trí tuệ và bản quyền. Ở đây còn có nguyên nhân DN kém hiểu biết về pháp luật, nên vô ý mà họ đã có những nhãn hiệu gây nhầm lẫn với những nhãn hiệu khác trên thị trường. Vì vậy, dính vào kiện tụng, phải bồi thường những khoản thiệt hại rất lớn, khiến cho DN sụp đổ.

PV: Về phía cơ quan quản lý họ cũng phải thay đổi để có ứng xử phù hợp với DN, thưa ông?

TS. Phan Đức Hiếu: Trước đến nay trong rà soát giấy phép kinh doanh vẫn nổi lên vướng mắc là chưa phân biệt được thế nào là ĐKKD. ĐKKD chỉ là một phần của rất nhiều quy định khác nhau, cơ quan quản lý đừng quá sa đà tranh cãi ĐKKD là gì? Và khi thực hiện rà soát ĐKKD thì họ cần phải đọc, thậm chí là đọc một cách tổng quan toàn bộ các quy định pháp luật có liên quan, để từ đó tìm ra những quy định đã tạo ra sự bất hợp lý, gia tăng chi phí, rủi ro cho DN. Những cái gì bất hợp lý, rủi ro thì cần phải được bãi bỏ.

Bãi bỏ ĐKKD ở giai đoạn 1 thì rất hợp lý, nhưng ở giai đoạn sau thì càng khó, bởi còn quan điểm bỏ ĐKKD thì sẽ lấy gì quản lý? Ở đây, không phải là bãi bỏ cơ học các ĐKKD, vì bãi bỏ cơ học thì đến một lúc nào đó nó sẽ phải dừng lại. Cải cách ĐKKD là phải thay đổi căn bản phương thức quản lý của nhà nước. Nhưng các công cụ quản lý không chỉ dừng lại ở cấp giấy phép khi gia nhập thị trường, mà quan trọng nhất là phải sử dụng công cụ một cách chính xác, ít hạn chế, ít gây cản trở.

Tôi rất mong muốn các Bộ, ngành đặt mục tiêu trong quý I, kết quả rà soát phải trở thành hiện thực và các Nghị định về cắt giảm ĐKKD của các Bộ, ngành phải được ban hành trong quý I. Như vậy, mới thể hiện đầy đủ cam kết của Chính phủ với các Bộ, ngành.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (Thực hiện)

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文