Chủ động công tác nhân sự cho nhiệm kỳ mới
- HĐND TP Hồ Chí Minh kiện toàn công tác nhân sự chuyên trách
- Quốc hội sẽ dành 6 ngày xem xét, quyết định công tác nhân sự cấp cao của Nhà nước
- Quốc hội dành 12 ngày tiến hành công tác nhân sự cấp cao
- Đại hội nghe báo cáo về công tác nhân sự
Là nhà nghiên cứu có bề dày về lịch sử đảng, PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có những nhìn nhận, phân tích, đánh giá xung quanh vấn đề này thông qua cuộc trò chuyện với phóng viên Báo CAND.
Phóng viên (PV): Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9, khoá XII, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn lời dạy của Bác Hồ như: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Qua theo dõi hoạt động của Hội nghị lần này, ông nhìn nhận về công tác quy hoạch Ban chấp hành Trung ương (BCHTƯ) nhiệm kỳ 2021 – 2026 như thế nào?
PGS Nguyễn Trọng Phúc: Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị lần này là việc quy hoạch cán bộ. Đây là việc tiếp tục thực hiện quan điểm của Hội nghị Trung ương 7 về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, quy hoạch cán bộ Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) cho nhiệm kỳ XIII, thể hiện tính chủ động, bước chuẩn bị rất quan trọng của công tác quy hoạch.
Nếu cán bộ giỏi, có năng lực, uy tín để đảm đương trách nhiệm lãnh đạo thời kỳ mới, thì đấy là điều quyết định nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, năng lực cầm quyền của đảng, nhất là vị thế đảng cầm quyền.
PV: Việc làm này có phải là mới không thưa ông?
PGS Nguyễn Trọng Phúc: Qua nghiên cứu lịch sử Đảng, tôi thấy công tác quy hoạch Trung ương nhiệm kỳ nào cũng thực hiện nhưng thường trong phạm vi hẹp như Ban Tổ chức Trung ương dự kiến quy hoạch vào BCHTƯ mỗi khoá, nhất là vai trò của đồng chí Trưởng ban Tổ chức Trung ương thường là người đứng đầu Tiểu ban nhân sự.
PGS Nguyễn Trọng Phúc. |
Trước đây, quy hoạch thường trong phạm vi hẹp trong cơ quan tổ chức của Đảng, ở Trung ương là Ban Tổ chức Trung ương, rồi mới đưa ra Bộ Chính trị, BCHTƯ đương nhiệm nghiên cứu làm các bước chuẩn bị để bầu cho khoá sau. Lần này làm chủ động hơn, rộng hơn, công khai rõ hơn, cái này cũng bắt đầu làm từ khoá XI.
Khoá XI cũng làm công tác quy hoạch khá bài bản, tức là giới thiệu từ dưới lên, các địa phương, các ngành giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn vào Trung ương khoá mới và bỏ phiếu tín nhiệm công khai từ dưới lên, rồi lên BCHTƯ, danh sách Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp lại, trình hội nghị Trung ương. Mục tiêu là chọn trúng người đủ tiêu chuẩn, có đủ đức, đủ tài, không để lọt vào Trung ương những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người cơ hội chính trị, lợi ích nhóm, suy thoái…
Trên thực tế, việc bầu vào Đại hội khoá XII rất chặt chẽ thế nhưng cũng từ Đại hội XII đến nay như chúng ta thấy vẫn để lọt...
PV: Bởi thế, nên Đảng ta phải kỷ luật và con số trên 60 đồng chí thuộc Trung ương quản lý là minh chứng?
PGS Nguyễn Trọng Phúc: Từ đầu khoá XII đến giờ, trên 60 đồng chí thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 5 đồng chí là Ủy viên BCHTƯ đương chức, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý trước pháp luật.
Điều này cho thấy tính bức thiết của công tác quy hoạch. Trong hội nghị lần này, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, làm bài bản, thận trọng, từng bước một, kiên quyết không để lọt vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, tiêu cực, mất đoàn kết, tham nhũng, lợi ích nhóm, cơ hội… Đây là nguyên tắc chỉ đạo phải quán triệt.
Tinh thần quy hoạch này phải lấy tiêu chuẩn chất lượng hàng đầu, chứ không vì cơ cấu, vì cái này khác mà hạ thấp chất lượng. Những người quy hoạch dứt khoát phải trung thành với lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu con đường cách mạng của Đảng, quan điểm, đường lối phải thông suốt, nếu có ý kiến này, ý kiến khác hay biểu hiện không tốt, dứt khoát bỏ.
Về mặt trình độ, trí tuệ phải tiêu biểu thì mới ở vị trí chiến lược lãnh đạo, phẩm chất đạo đức tốt, phải có uy tín trong Đảng, trong nhân dân, đặc biệt là năng lực tổ chức thực tiễn, năng lực quản lý, lãnh đạo phải tốt. Tôi nghĩ, những yêu cầu này Trung ương đã thảo luận kỹ và lựa chọn.
Vấn đề lớn của Hội nghị Trung ương 9 là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, sau khi tán thành quy hoạch này, bước tiếp theo là bồi dưỡng. Mở các lớp bồi dưỡng đúng đối tượng quy hoạch, trước đây gọi là lớp nguồn để trang bị thêm cơ sở lý luận, quản lý lãnh đạo…, để chủ động đảm đương vai trò Ủy viên BCHTƯ.
PV: Dư luận trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cho rằng, công tác quy hoạch chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng được thực hiện khá sớm, thể hiện rõ tính chủ động, hẳn là ông cũng đồng tình với ý kiến này?
PGS Nguyễn Trọng Phúc: Tôi thấy đây là việc làm vô cùng cần thiết, để chủ động cho công tác nhân sự của Đại hội XIII. Khi chọn vào quy hoạch rồi, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu, từ nay đến Đại hội còn 2 năm nữa thì tiếp tục bồi dưỡng, xem xét, giám sát những đồng chí đã đưa vào, nếu thấy có biểu hiện không tốt phải đưa ra khỏi quy hoạch.
Hội nghị Trung ương 8 đã quyết định các Ban chuẩn bị cho Đại hội XIII, Tiểu ban nhân sự do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đứng đầu. Tôi tin tưởng với cách chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, có thể yên tâm về nhân sự cho Đại hội mới. Lực lượng làm công tác này cần có những đóng góp, phát hiện những người có biểu hiện suy thoái, cơ hội chính trị, kịp thời ngăn chặn để họ không có cơ hội chui sâu, leo cao.
PV: Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trong bài khai mạc Hội nghị Trung ương 9 đã nêu: Công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng và cũng chính trong Hội nghị này, BCHTƯ kỷ luật đồng chí Tất Thành Cang, làm dài thêm danh sách những đồng chí là lãnh đạo cấp cao vi phạm bị kỷ luật trong nhiệm kỳ XII, ông nhìn nhận việc này như thế nào?
PGS Nguyễn Trọng Phúc: Đồng chí Cang là Ủy viên BCHTƯ đương nhiệm thứ 5 bị kỷ luật. Việc kỷ luật cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao trong Đảng có ảnh hưởng rất lớn. Đó là việc cần thiết nhằm giữ nghiêm kỷ luật, lập lại kỷ cương trong Đảng, trong hệ thống chính trị, loại bỏ những yếu tố tiêu cực để làm Đảng trong sạch, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói: Việc kỷ luật thật đau lòng! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới.
Như thế, thông qua kỷ luật là giáo dục, răn đe, cảnh báo, đề phòng, biết để mà tránh, giáo dục ngay người phạm khuyết điểm để từ đây suy nghĩ, thay đổi, làm lại, tự mình đứng lên sửa chữa. Kỷ luật của Đảng không phải để trừng phạt, vùi dập mặc dù phải rất nghiêm.
Kỷ luật Đảng còn có bài học trong quản lý cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao. Hầu hết các đồng chí bị kỷ luật vừa qua đều có sai phạm kéo dài. Từ đây, đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực, nếu không dễ lạm quyền, lộng quyền. Các cơ quan kiểm tra, giám sát từng cấp cần phải quản lý chặt chẽ hơn bởi trong Đảng đã có quy định từng cấp đều có cơ quan chuyên trách thực hiện việc này. Kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng hệ thống pháp luật, bằng chính sách, bằng cơ quan (như Hội đồng nhân dân, Quốc hội).
Ngoài ra, trong kỷ luật Đảng còn rút ra bài học về quy hoạch, bởi quy hoạch dù làm tốt đến đâu vẫn có sơ hở nên phần tử cơ hội lợi dụng lọt vào, vì thế phải làm quy hoạch tốt hơn, chặt chẽ hơn. Trong quy hoạch có 2 loại, loại “lọt” được vào quy hoạch những người cơ hội chính trị. Loại nữa lúc quy hoạch là đúng, đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng khi vào được vị trí cao mới sai, mới dùng quyền lực từ vị trí của mình tham nhũng, tiêu cực…
Điều này, lại vẫn liên quan đến quản lý cán bộ, kiểm soát quyền lực, bởi yếu tố con người là then chốt và quản lý con người không hề đơn giản. Nhưng tôi tin tưởng chắc chắn với sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó có công tác làm quy hoạch BCHTƯ như kỳ này, thì Đảng ta ngày càng trong sạch, nâng tầm lãnh đạo đáp ứng sự nghiệp đổi mới của đất nước.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!