Chủ tịch Quốc hội trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân, gia đình liệt sĩ
- Trao bằng “Tổ quốc ghi công” cho thân nhân Liệt sĩ Thượng sĩ Cầm Văn Khoa
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho 442 gia đình liệt sĩ
- Trao bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ sau 43 năm hy sinh
Sáng 22-7, tại tỉnh Vĩnh Long, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân, gia đình các liệt sĩ.
Đến dự có, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Đào Ngọc Dung, Uỷ viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; các đồng chí lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long; Quân khu 9; anh hùng lực lượng vũ trang; các đồng chí lão thành cách mạng cùng thân nhân, gia đình liệt sĩ.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho các thân nhân, gia đình liệt sĩ. |
Đồng chí Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long nhấn mạnh, đợt trao Bằng Tổ quốc ghi công là sự kiện vô cùng ý nghĩa, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến sự hy sinh của các chiến sĩ, của đồng bào cho độc lập Tổ quốc. Bộ LĐ-TB&XH công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 468 liệt sĩ thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ LĐ-TB&XH và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, công tác chăm sóc người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng triển khai, đạt nhiều kết quả quan trọng. Các chính sách ngày càng được chú trọng, cuộc sống của gia đình người có công được nâng lên. Công tác tìm kiếm, chôn cất hài cốt của liệt sĩ được tích cực triển khai. “Đợt công nhận năm nay, có 144 liệt sĩ hy sinh từ những năm thập niên 30-40 thế kỷ trước. Ví dụ, như liệt sĩ Nguyễn Văn Trượng, quê ở xã Trung Hiệp, Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long cũ, hy sinh đã 79 năm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xúc động nói.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và thân ái gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ và những người có công lời thăm hỏi ân cần, lòng biết ơn sâu sắc.
“Đảng, Nhà nước luôn chỉ đạo nhất quán chủ trương “Uống nước, nhớ nguồn”, không để người có công nào không được hưởng chính sách. Đảng, Nhà nước giao Bộ LĐ-TB&XH tập trung rà soát, xem xét, xác nhận người có công với cách mạng. Đặc biệt các hồ sơ không còn giấy tờ gốc, những người giao nhiệm vụ và biết sự việc không còn, đòi hỏi sự thận trọng và nêu cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh, xã hội từ Trung ương tới địa phương”, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Qua 3 năm triển khai theo quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, xác nhận người có công, đến nay xác nhận được gần 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, trong đó nhiều trường hợp đã hy sinh cách đây 70-80 năm. Trong số 468 liệt sĩ được Nhà nước trao Bằng Tổ quốc ghi công dịp này, phần lớn các liệt sĩ thuộc thời kỳ kháng chiến chống Pháp; bộ đội, đội viên du kích chống càn hoặc những trường hợp hoạt động cách mạng bị địch bắt, tra tấn đến chết trong tù; thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và trong đó có những tín đồ tôn giáo yêu nước, hy sinh thân mình vì sự nghiệp cách mạng.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ thăm, tặng quà gia đình chính sách tại Vĩnh Long. |
“Đây chính là trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, của các thế hệ đối với sự hy sinh của cha, anh ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ và gửi lời chia sẻ, động viên đến thân nhân, gia đình liệt sĩ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phải thực hiện được mục tiêu trong Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư đề ra là đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long. |
Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ thắp hương các liệt sĩ. |
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ. |
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng đã cống hiến to lớn cho đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương binh và những người có công với đất nước. Mỗi Bộ, ngành, địa phương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công và phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự, tỏ lòng biết ơn sâu sắc.
Sáng cùng ngày, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Đào Ngọc Dung, Uỷ viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng LĐ-TB&XH; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, đại diện Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã đặt vòng hoa, dâng hương trước Tượng đài liệt sĩ; thắp hương, viếng mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo đến thăm hỏi, tặng quà cho gia đình mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Diệu và gia đình chính sách, những người có công tại Vĩnh Long.