Đã đến lúc phải tính tới dừng phát triển thủy điện
- Việt Nam hết lòng chung tay giúp đỡ bạn Lào sau vụ vỡ đập thủy điện
- Hàng chục nghìn người dân Campuchia phải di tản vì vỡ đập thủy điện Lào
- Vỡ đập thuỷ điện ở Lào là bài học lớn cho Việt Nam
- Vỡ đập thủy điện ở Lào: Quánh bùn đất bên trong rốn lũ Attapeu
Một trong những tiềm năng to lớn của sông Mê Kông đó là thủy điện. Tuy nhiên, thảm hoạ vỡ đập thuỷ điện tại Lào vừa qua được coi là lời cảnh báo rất lớn cho một nước có nhiều thuỷ điện như nước ta (7.000 đập thuỷ điện lớn – nhỏ).
Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông, xung quanh câu chuyện lợi ích và hệ luỵ của thuỷ điện.
Phóng viên: Thưa ông, vụ việc vỡ đập thuỷ điện ở Lào vừa xảy ra cảnh báo điều gì cho Việt Nam chúng ta, khi chúng ta cũng đang sở hữu số lượng rất lớn các đập thuỷ điện?
PGS.TS Đào Trọng Tứ: Vỡ đập thuỷ điện Lào là câu chuyện cảnh báo cho việc xây dựng quá nhiều thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mê Kông. Sông Mê Kông là con sông lớn nhất ở Đông Nam Châu Á, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc.
PGS.TS Đào Trọng Tứ. |
Chảy qua lãnh thổ của 6 nước là Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, sông Mê Kông có chiều dài dòng chính là 4880km, diện tích lưu vực 795 nghìn km2 và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỉ m3.
Việt Nam chiếm khoảng 8% diện tích lưu vực và đóng góp khoảng 11% tổng lượng nước sông. Phần lãnh thổ của Việt Nam nằm trong lưu vực sông Mê Kông kéo dài từ thượng nguồn sông Nậm Rốm (Điện Biên) tới gần như toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất lúa lớn nhất cả nước.
Đập thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, Đông Nam Lào, dung tích chứa trên 1 tỷ m3. Đập thuỷ điện này bắt đầu xây dựng từ tháng 2-2013, dự kiến hoàn thành năm 2018, tuy nhiên tiến độ xây dựng chậm nên phải sang năm 2019 con đập này mới đi vào hoạt động. Đập thuỷ điện này bị vỡ trong giai đoạn đang thi công, nhà máy này dự kiến bán điện chủ yếu cho Lào.
Tổng đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD. Đập thuỷ điện này nằm trên dòng nhánh, cách dòng chính khoảng 100km, qua dòng chính rồi mới đến sông Mê Kông. Toàn bộ dung tích 1 tỷ m3 đổ xuống ngay ảnh hưởng rất lớn, nước có thể đổ xuống hàng vạn m3/giây.
Cũng rất may là hậu quả của vụ vỡ đập này không gây ảnh hưởng nhiều cho chúng ta, tôi theo dõi thông tin thấy rằng, mực nước tại đồng bằng sông Cửu Long chỉ dâng cao khoảng 5cm.
Tuy nhiên đây là lời cảnh báo rất lớn đối với câu chuyện thuỷ điện. Vụ vỡ đập này là thảm họa lớn nhất khu vực. Việt Nam là nước cuối cùng ở hệ thống sông Mê Kông, chúng ta phải gánh chịu toàn bộ hậu quả từ các đập thuỷ điện thượng nguồn, nếu xảy ra sự cố. Bởi vì tất cả các nước thượng nguồn sông Mê Kông như Lào, Campuchia, Trung Quốc đều xây dựng rất nhiều đập lớn bé trên thượng nguồn.
Phóng viên: Tại sao ý thức được hệ lụy từ việc xây nhiều đập thuỷ điện trên sông Mê Kông nhưng các nước vẫn tiếp tục thực hiện?
PGS.TS Đào Trọng Tứ: Xét công bằng, tác động của phát triển thủy điện cần được nhìn nhận cả hai khía cạnh, tác động tích cực và tác động tiêu cực. Đối với hạ lưu các công trình thủy điện, tác động tích cực chủ yếu là tác động điều hòa dòng chảy nếu là thủy điện hồ chứa điều tiết năm. Song việc hồ chứa có điều hòa dòng chảy cho hạ lưu hay không, tùy thuộc rất nhiều vào chế độ vận hành của hồ chứa.
Theo đánh giá của Ủy ban sông Mê Kông, tiềm năng thủy điện toàn lưu vực sông Mê Kông có thể khai thác vào khoảng 53.900 MW trong đó phần thượng lưu sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Trung Quốc – sông Lang Thương là 23.000 MW. Phần hạ lưu thuộc bốn quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam là 30.900 MW trong đó Việt Nam là 2.000 MW. Đánh giá trên cho thấy, tiềm năng thủy điện tại thượng lưu sông Mê Kông thuộc Trung Quốc là rất lớn.
Do đó, quốc gia này đang triển khai xây dựng thêm nhiều công trình thủy điện lớn. Trong khi đó, ở phần hạ lưu, các quốc gia như Thái Lan, Lào, Campuchia cũng đang thực hiện nhiều công trình thủy điện lớn trên dòng chính.
Đối với Việt Nam, sông Mê Kông vào lãnh thổ qua vùng đồng bằng châu thổ, địa hình bằng phẳng nên khả năng phát triển thủy điện hầu như không có. Hiện Thái Lan đã khai thác gần như toàn bộ tiềm năng thủy điện của dòng nhánh Mê Kông thuộc nước này. Lào đã và đang xây dựng hàng loạt nhà máy thủy điện lớn, trung bình.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã chỉ ra rằng các bậc thang thủy điện thượng nguồn đã dẫn đến những tác động môi trường đối với châu thổ sông Mê Kông nói chung và đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long. Đó là việc làm thay đổi chế độ dòng chảy ở hạ lưu.
Sự thay đổi dòng chảy do các bậc thang thủy điện gây ra đối với lưu vực sông Mê Kông cho thấy, trừ những năm lũ đặc biệt lớn, việc giảm lưu lượng lũ xuống hạ lưu tạo nên “lũ xấu” và ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích kinh tế do lũ mang lại, đặc biệt đối với Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Việc giảm lưu lượng mùa khô do việc vận hành vì nhiều lý do còn gây nên tác động tiêu cực lớn hơn cho hạ lưu như thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất, tăng diện tích xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó nhiều chuyên gia môi trường cũng lo lắng về nguy cơ giảm lượng phù sa xuống hạ lưu châu thổ và đồng bằng sông Cửu Long. Điều này sẽ dẫn đến sự suy giảm lượng cá hạ lưu, ảnh hưởng đến nông nghiệp, làm thay đổi động lực dòng chảy, tăng khả năng xói lở bờ, lòng sông… gây mất đất, bất ổn cho cuộc sống của nhiều cộng đồng dân cư, phá hủy các công trình hạ tầng cơ sở lớn nằm ven bờ.
Phóng viên: Không chỉ có sông Mê Kông, ngay cả các dòng sông khác của Việt Nam cũng được tận dụng triệt để để xây thuỷ điện. Một thuỷ điện đa mục tiêu, được điều hành thận trọng, đúng quy trình sẽ giảm tác động của lũ lụt cho hạ du. Dân ở đồng bằng sông Hồng, từ khi có thuỷ điện Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Sơn La… nhiều năm nay đã không còn mối lo về mùa lũ dữ.
Nhưng hiện nay phần lớn các công trình ở các hệ thống sông khác là công trình đơn mục tiêu, tức chỉ có nhiệm vụ chính là phát điện hoặc tưới, hoặc kết hợp. Chính vì vậy mới có chuyện ở miền Trung, cứ thuỷ điện thi nhau xả lũ là vùng dưới bị ngập lụt. Ông có thấy rằng, lợi ích của thuỷ điện đem lại quá ít so với cái giá phải trả?
PGS.TS Đào Trọng Tứ: Nhiều nghiên cứu của thế giới chỉ ra rằng, phát thải khí nhà kính của một số lòng hồ thuỷ điện lớn hơn cả nhiệt điện, nên nó không phải là năng lượng sạch. Chỉ hơn 20 năm, chúng ta khai thác trên 80% tiềm năng kỹ thuật, gần 7.000 công trình thuỷ điện lớn nhỏ được xây dựng.
Những người nghiên cứu sông ngòi thế giới đã kết luận: khi một dòng sông bị chia cắt và bị chặn để xây đập với tổng chiều dài dòng chảy biến thành các dạng nước chảy lững lờ từ 30% trở lên thì con sông đó được gọi là vỡ vụn, môi trường, sinh thái sông bị tác động mạnh.
Tôi có thể kể những dòng sông vỡ vụn, trong khi sẽ đau đầu để chỉ tên những dòng sông trinh nguyên tại Việt Nam, những dòng sông chưa bị con người chinh phục. Khi chặn sông thì phải di dân tái định cư. Về lý thuyết chính sách này tốt, nơi ở mới sẽ đẹp hơn, tốt hơn.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều khu tái định cư không đủ đất cho dân sản xuất, một số công trình phải san ủi đất đồi để thành đất sản xuất. Chưa kể, việc di dân khiến họ thay đổi tập quán, những di tích lịch sử, khảo cổ giá trị cũng mất theo…
Thuỷ điện là bài toán đánh đổi, nhưng phải giải quyết bài toán đánh đổi theo cách khác. Không thể để nhiều người được hưởng lợi, trong khi nhiều người mà phần lớn là những người nghèo, phải chịu hy sinh, thiệt thòi.
An toàn đập rất quan trọng, chỉ cần vài nghìn m3 nước đổ xuống từ hồ đập là những hộ dân sống phía dưới hồ đập lâm nguy, đập thuỷ điện ở Lào vỡ, hàng vạn m3 đổ xuống nên khiến dân cư quanh đó chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng trăm người chết và mất tích, trên 6.000 người mất nhà. Những hồ chứa 1 tỷ m3 nước nếu xảy ra sự cố rất nguy hiểm.
Phóng viên: Không chỉ thuỷ điện, các hồ chứa thuỷ lợi cũng đang ẩn giấu hiểm họa khi đến 1.200 hồ chứa bị xuống cấp nghiêm trọng, trong khi chúng ta đang ở thời điểm mùa mưa bão. Theo ông, trước mắt chúng ta cần làm gì để đối phó với thực trạng này?
PGS. TS Đào Trọng Tứ: Chúng ta cần dành nhiều quan tâm hơn nữa cho công tác di dân khi vùng nguy hiểm có nguy có lũ quét, sạt lở, cần phải làm quyết liệt để người dân có nơi an cư an toàn. Không thể để tình trạng cứ xảy ra sự cố mới bắt đầu đi giải quyết.
Hay như tình trạng xói lở bờ sông ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tính mạng người dân không thể chờ làm xong kè bờ mới được đảm bảo. Cần quy hoạch và di dời dân ngay khỏi những điểm đen đó để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc về sau.
Riêng với thuỷ điện, muộn còn hơn không. Chúng ta không giữ được hết cả một dòng sông, thì giữ lại một phần lớn dòng sông vậy, và nếu không giữ được phần lớn thì cũng phải để một đoạn lưu thông đủ dài cho ra dáng một con sông.
Tôi cho rằng nên dừng hẳn phát triển thuỷ điện, tập trung nghiên cứu toàn diện lợi hại, tìm cách giảm thiểu tác động cho môi trường, rừng, đất. Bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho người dân bị tác động như chính sách đã đề ra và bảo đảm an toàn tuyệt đối đập.
Phóng viên: Cảm ơn ông!