Đại biểu tán thành các quy định trong Dự thảo Luật CAND sửa đổi
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Sự có mặt của Công an chính quy chắc chắn tạo chuyển biến rõ nét về an ninh, trật tự.
Tôi tán thành thông qua dự án Luật CAND (sửa đổi). Qua lần sửa đổi này, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra đã cơ bản được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng và điều chỉnh theo hướng có lộ trình phù hợp, bảo đảm tính khả thi, ổn định và phát triển. Do vậy, theo tôi, đã đạt được mục tiêu thể chế hóa các chủ trương chính sách của Đảng về tiếp tục đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy lực lượng CAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để CAND nhanh chóng ổn định tổ chức, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Về quy định chính quy hóa lực lượng Công an xã là điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi lần này, nhằm thay đổi vị trí pháp lý của Công an xã, bảo đảm nguyên tắc thống nhất về tổ chức, hoạt động của CAND theo 4 cấp, theo đó Công an xã là một cấp trong CAND. Tôi ủng hộ vì đây là chính sách cụ thể hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Sự có mặt của lực lượng Công an chính quy chắc chắn tạo nên những chuyển biến rõ nét trong việc bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trên các địa bàn trọng điểm, phức tạp, nhất là những địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự. Tuy nhiên, đây là một chính sách lớn, liên quan tới một lượng đông đảo cán bộ chiến sỹ trong đội ngũ CAND; vì vậy, cần xác định lộ trình và những giải pháp thiết thực để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Lực lượng Công an đã cải cách, tinh gọn bộ máy nên cần sửa Luật CAND cho phù hợp.
Có thể nói rằng, Luật CAND (sửa đổi) lần này rất cần thiết khi Hiến pháp đã có những điều chỉnh. Bên cạnh đó, trong thời điểm hiện nay lực lượng CAND đã có những cải cách, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính để hoạt động hiệu lực hiệu quả hơn thì cũng cần sửa đổi luật cho phù hợp. Có một yếu tố được rất nhiều đại biểu cũng như nhân dân tán thành là chính quy đối với lực lượng Công an xã.
Hệ thống Công an xã chính quy này theo tinh thần là không tăng biên chế nhưng đưa đội ngũ cán bộ chính quy có năng lực, trình độ, được đào tạo, có kinh nghiệm về đến tận xã, phường. Thực tế đội ngũ cán bộ Công an của các xã phường hiện nay có thuận lợi là người của bản xứ, nắm được quy luật, hoạt động nhưng kinh nghiệm trong quản lý, điều hành và xử lý thì có những vướng mắc.
Cái thứ hai, người bản xứ ở địa phương thì liên quan đến họ hàng, dòng tộc, sẽ có những cái khó để xử lý khách quan. Do đó việc đưa những cán bộ Công an chính quy về các xã, phường là việc làm cần thiết trong thời gian tới. Tất nhiên trong quá trình thực hiện phải sắp xếp làm thế nào đội ngũ Công an các xã phải giảm dần và giảm như thế nào để không có vướng mắc…
Bà Trần Thị Hằng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh: Hồ sơ và nội dung dự thảo Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Tôi thấy rằng, Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt hồ sơ cũng như nội dung đối với dự thảo Luật CAND (sửa đổi). Vì thế bản thân tôi tán thành về việc sẽ thông qua dự án Luật này. Đối với quy định đưa lực lượng Công an chính quy về xã, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức hội nghị đại biểu lấy ý kiến, và hầu hết các đại biểu đều đồng tình.
Tôi cho rằng, nếu những phức tạp về an ninh, trật tự được giải quyết tốt từ cơ sở thì sẽ không có khiếu kiện vượt cấp. Mà lực lượng Công an được đào tạo bài bản, chính quy về các xã, phường sẽ giải quyết được việc này, họ am hiểu pháp luật, giải thích pháp luật cho người dân hiểu thì cũng sẽ hạn chế những phức tạp nảy sinh. Bên cạnh đó, việc điều động Công an chính quy về xã không hề tăng thêm về biên chế và chi phí, địa phương cũng không phải trả lương cho số cán bộ này, rất nhiều ưu điểm nếu Bộ Công an triển khai.
Về cấp bậc hàm cấp tướng, dự thảo Luật đề xuất quy định đối với Giám đốc Công an một số địa phương trực thuộc Trung ương, được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I. Tôi cho rằng, không chỉ những tỉnh loại I mà những tỉnh phức tạp về an ninh, trật tự thì Giám đốc Công an cũng nên có trần cấp bậc hàm cấp tướng và nên giao thẩm quyền cho Bộ Công an quyết định việc này.