Để Tây Nguyên phát triển bền vững: Những góc khuất ở buôn làng (kỳ 2)

08:57 09/06/2017
Từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất đến nay, bên cạnh những đổi thay, phát triển, kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên cũng còn có những khó khăn nhất định, nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn còn nghèo. Đây cũng chính là những trăn trở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến công tác vừa qua tại Tây Nguyên.

Tổng Bí thư chỉ đạo các ngành, các cấp chính quyền ở địa bàn Tây Nguyên cần tìm ra nguyên nhân và sớm có giải pháp khắc phục nhằm đưa các xã nghèo phát triển...

Chuyện của những xã nghèo...

Mùa này về xã Ayun nắng trút như đổ lửa. Đường bê tông, ôtô chạy đến tận làng nhưng cuộc sống người dân ở đây vẫn còn nghèo nhất huyện. Hai bên đường trơ trụi những cây rừng thưa thớt, đất khô cằn bỏ hoang vì thiếu nước.

Theo chân anh Siu Blí- Phó Chủ tịch UBND xã Ayun đưa chúng tôi về làng Chư Tân nằm dưới chân dãy núi cao vút. Những mái nhà sàn người Jơ Rai hiện hữu trong tầm mắt. Bên trong nhà rông văn hóa của làng rộn rã tiếng nói cười của những thanh niên, người già quây quần bên ché rượu cần sau buổi lễ cúng “yàng” cầu cho mưa thuận, gió hòa để được mùa lúa mới.

Già làng Đinh A Nhur đón khách quý, mời rượu cần theo phong tục của làng. Sau can rượu cần mời khách đã cạn, ông chia sẻ: “Làng mình không có thủy lợi nên trồng lúa một vụ không đủ ăn, hoa màu cũng không phát triển được, người dân chưa biết cách áp dụng khoa học tiến bộ để trồng trọt, chăn nuôi...”. Giọng A Nhur lơ lớ tiếng Kinh, chậm rãi nhưng tôi cố nghe và hiểu chừng ấy từ ngữ cũng đã hiện lên gần toàn cảnh về sự khó khăn của người dân ở vùng đất Ayun.

Phó Chủ tịch UBND xã Ayun chỉ cánh đồng Chư Tốc thiếu nước.

Tôi nhớ cách đây chừng hơn 5 năm, Báo CAND đã về Ayun trao quà Tết cho đồng bào nghèo. Khi ấy, tôi hỏi chuyện học ở đây vẫn chưa có học sinh phổ thông nào vào cao đẳng, đại học. Bây giờ về lại Ayun, chuyện học vẫn còn buồn lắm. Toàn xã chỉ duy nhất có 1 trường hợp là em Đinh Tinh, sinh viên năm thứ nhất Đại học Quy Nhơn (chuyên ngành Quản lý Nhà nước); Phó Chủ tịch UBND xã đang học tại chức chuyên ngành Xây dựng Đảng và 3 cán bộ xã được cử đi học Trung cấp Lâm nghiệp...

Gần giống như xã Ayun (Chư Sê, Gia Lai), ở vùng quê xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk bây giờ vẫn là một xã nghèo khó. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn khá tuềnh toàng, già A Ma Nương (85 tuổi, trú tại thôn 2, xã Khuê Ngọc Điền) cho hay, đây là căn nhà duy nhất trú ngụ cả 3 thế hệ gồm 2 vợ chồng già và gia đình cậu con trai. Mặc dù mỗi tháng gia đình nhận được gần 1.500.000 đồng tiền chế độ chính sách nhưng vẫn không sao thoát khỏi cảnh nghèo. Cả gia đình chỉ có gần 3 sào đất rẫy khô cằn quanh năm, cuộc sống gia đình phải thường xuyên nhận những hạt gạo cứu đói từ chính quyền địa phương trong mùa giáp hạt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền cho biết, xã được thành lập từ năm 1965, là vùng đất có truyền thống cách mạng. Hiện xã có hơn 1.600 hộ dân với hơn 7.100 nhân khẩu thuộc nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Hiện tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm gần 30%, cận nghèo gần 21%, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 chỉ đạt 16 triệu đồng/người/năm, chưa bằng 80% mức bình quân toàn tỉnh.

Chúng tôi đến vùng đất đỏ Lộc Bắc, một xã anh hùng vùng sâu, vùng xa bậc nhất huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) gặp người phụ nữ Châu Mạ, Ka Liên năm nay mới 24 tuổi nhưng đã con bồng con bế. Bắt chồng cách đây 5 năm, nay Ka Liên đã có 4 người con, cuối năm nay Liên sẽ sinh thêm đứa nữa. Thân hình Ka Liên gầy gò, gương mặt đen nhẻm, đôi bàn tay chai sạn, nổi u khắc khổ.

Sau khi lập gia đình, cha mẹ Liên cho hai vợ chồng trẻ ra ở riêng tại một căn nhà lá trong rẫy, gần rừng. Khi sinh đến người con thứ hai thì cả nhà bắt đầu gặp khó khăn, bữa no, bữa đói. Cách nhà Ka Liên không xa, phía bên kia quả đồi là gia đình anh KMứt (36 tuổi) với 5 người con. Khi chúng tôi tới nhà, đã 6 giờ tối nhưng bếp lửa của gia đình này vẫn lạnh ngắt. Hôm nay nhà KMứt không nổi lửa nấu cơm tối. “Nhà còn rất ít gạo, phải ăn dè để dành cho ngày hôm sau!..”-KMứt nói với tôi.

Theo thống kê của UBND xã Lộc Bắc, địa phương hiện có trên 1.000 hộ với khoảng 4.100 nhân khẩu, địa bàn sinh sống của 5 dân tộc anh em gồm người Kinh, Tày, Nùng, Mường, Châu Mạ; tỉ lệ hộ nghèo của xã Lộc Bắc cao nhất huyện Bảo Lâm, chiếm tới 21%...

Tìm nguyên nhân để khắc phục nghèo khó

Lý giải nguyên nhân chưa thoát nghèo, ông KTư, Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc cho biết, do địa hình xã nằm trong vùng sâu, vùng xa, tiếp giáp với tỉnh Đắk Nông, đường sá đi lại còn gặp nhiều khó khăn nên hầu như không thu hút được các dự án đầu tư để giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân.

Nhiều học sinh ở Ayun (Chư Sê, Gia Lai) có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây có trình độ sản xuất lạc hậu, tỉ lệ sinh đẻ vẫn còn rất cao. Hơn nữa, đất đai của xã tuy rộng nhưng thường thiếu nước tưới vào mùa khô, trình độ canh tác thấp nên ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây trồng, vật nuôi... Ông Lê Xuân Dũng, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay tỉnh này có 13 xã anh hùng, trong đó có gần nửa số xã anh hùng hiện vẫn còn là xã nghèo, với tỉ lệ hộ nghèo chiếm khá cao.

Anh Nguyễn Văn Hoàng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ayun (Chư Sê, Gia Lai) cho biết, do cuộc sống người dân khó khăn nên việc học sinh chỉ học hết cấp hai là ở nhà làm rẫy, có trường hợp bỏ học sớm hơn vì nhận thức hạn chế nên khó phát triển nguồn nhân lực cho địa phương.

Bên cái khó về chuyện học, lãnh đạo UBND xã Ayun (Chư Sê) cũng chỉ ra những bất lợi về địa hình vùng đất bị thế núi bao vây, thủy lợi hạn chế không đủ nước, chăn nuôi nhỏ lẻ lạc hậu... Nhiều doanh nghiệp đến đây khảo sát đầu tư nhưng sau đó bỏ luôn không quay lại, hiện tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở xã Ayun chiếm tỷ lệ 88%.

Bà Lưu Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho rằng, cần chú trọng tới giải pháp giáo dục nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa phương. Giải pháp xóa nghèo lâu dài ở Tây Nguyên, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, khuyến kích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ thì vấn đề tăng cường sự phát triển của giáo dục, nâng cao dân trí, tạo ý thức tự giác lao động để tự vươn lên làm giàu là quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê (Gia Lai) cho biết, UBND huyện đã có đề án xóa nghèo tại các xã khó khăn, trong đó tập trung chính ở 2 xã nghèo nhất Chư Sê là xã Ayun và HBông, trong giai đoạn từ nay đến 2020.

Theo đó, tập trung thực hiện các giải pháp về nâng cao nguồn nhân lực lao động, phát triển sản xuất tập trung gắn với lợi thế của địa phương theo hướng áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, tập trung chăn nuôi theo mô hình trang trại lớn; giao khoán bảo vệ rừng bền vững. Và trước mắt là đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Plei Keo, nâng cấp thủy lợi Ia Pết (Ayun) với khả năng tưới khoảng 500 ha lúa và hoa màu. “Thủy lợi là bài toán cần thiết để xóa nghèo nhanh cho các xã Ayun, HBông...

Bởi muốn phát triển nông nghiệp từ lúa, cà phê, hồ tiêu, mía, rau quả... áp dụng canh tác kỹ thuật công nghệ cao cũng đều phải có nguồn nước tưới”- ông Nguyễn Văn Hợp cho biết.

N.Như-V.Thành-K.Ngân

Sau hơn 1 tháng trao đổi với chúng tôi về những vụ việc có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (Phân hiệu) thuộc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, ngày 30/12/2024 ông Hà Tài Sáu, Giám đốc Phân hiệu đã có văn bản trả lời xung quanh những vấn đề này…  

Ngày 4/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Bùi Thanh Tùng và Phan Văn Tiến, là phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”, quy định tại Điều 170 BLHS.

Sáng 4/1, tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Ban Thanh niên CAND - Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh, Tỉnh đoàn Đắk Lắk cùng các đơn vị đồng hành đã tổ chức Chương trình “Về với buôn làng”.

Bà Hồ Ngọc Bích T. (ngụ TP Cần Thơ) thừa nhận không có bằng chứng chứng minh mối quan hệ bất chính, do ghen tuông, tức giận, nóng vội nên đưa lên những hình ảnh nhạy cảm và nói khống đã 5 lần bắt gặp chồng và nữ nhân viên ngân hàng có mối quan hệ bất chính để mọi người xung quanh đồng tình, đứng về phía mình.

Gói thầu số 06, “Thi công xây dựng công trình và bảo hiểm công trình thuộc Dự án cầu và đường từ bản Uôn đi bản Páng, xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hoá” có vốn đầu tư khoảng 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình tham gia dự thầu, cả 3 công ty đều bị chủ đầu tư phát hiện có gian lận hồ sơ tham gia dự thầu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文