Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9-2-1907 - 9-2-2017)

Đồng chí Trường Chinh với lực lượng Công an nhân dân

10:48 06/02/2017
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, “... vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng”.



Đồng chí Trường Chinh (1907 - 1988) sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước, quê hương giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, “... vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng”.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (từ ngày 10 đến 19-5-1941) đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Sau hội nghị, nhằm củng cố nội bộ, ngăn chặn bọn phản động chui vào phá hoại Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo Chỉ thị về công tác tổ chức của Đảng, đồng chí nhấn mạnh: "Tổ chức là một vấn đề rất cần. Chính sách của Đảng ta có thi hành được hay không là ở nơi chúng ta có biết tổ chức để đem chính sách ấy ra thực hiện trong quần chúng hay không. Hiện nay, quân thù tìm hết cách phá những tổ chức của ta, tiêu diệt những cán bộ của ta. Ta phải hết sức chú ý vấn đề tổ chức"; với quan điểm chú trọng vai trò quần chúng, dựa vào dân, bảo đảm sự ổn định và phát triển liên tục của phong trào, tổ chức, cơ quan lãnh đạo cách mạng, đồng chí đã chỉ đạo xây dựng An toàn khu, bảo đảm cho cơ quan lãnh đạo của Đảng hoạt động liên tục. Qua thực tiễn, các An toàn khu đã đóng góp quan trọng vào việc tổ chức, chuẩn bị các hoạt động cách mạng, giúp đỡ, che chở cán bộ cách mạng, góp phần bảo đảm vũ khí và phương tiện phục vụ hoạt động cách mạng.

Trước thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra, đồng chí đã tập trung nghiên cứu, chỉ đạo, chuẩn bị về đường lối, về tổ chức, về lực lượng cách mạng, về xây dựng nền văn hóa phù hợp từng giai đoạn cách mạng... Tháng 3-1945, dưới sự chủ trì của đồng chí, Hội nghị Thường vụ Trung ương (tổ chức tại chùa Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) ra Chỉ thị nổi tiếng “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đó là tiền đề quan trọng để làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng chí Trường Chinh năm 1955. Ảnh: Báo Nhân dân

Ngay sau khi giành được chính quyền, từ các tổ chức tiền thân là Đội Tự vệ đỏ, Xích vệ đỏ, Quốc gia tự vệ cuộc…, tổ chức đảng và bộ máy Công an cũng được kiện toàn một bước. Theo đó, lực lượng Công an trong toàn quốc đã được hợp nhất thành Việt Nam Công an vụ; tại các cấp bộ đảng đều cử cán bộ, đảng viên trung kiên trực tiếp lãnh đạo, phụ trách các tổ chức Công an. Đây là những yếu tố quan trọng giúp lực lượng Công an non trẻ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, chính quyền và thành quả cách mạng. Đánh giá về vai trò của Đội Tự vệ trong cách mạng, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: “Sắm vũ khí và công cụ phá hoại cho sát với nhiệm vụ từng tiểu tổ hoặc tiểu đội du kích, từng Đội Tự vệ và tập dùng những thứ ấy trong các cuộc tập luyện, thao diễn hàng ngày, đó là một việc hết sức cần thiết trong công tác chuẩn bị khởi nghĩa hiện nay”.

Sau khi giành được chính quyền, Tổng Bí thư Trường Chinh đã có những định hướng, chỉ đạo chính xác, kịp thời đối với lực lượng Công an trong đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng. Đồng chí nhấn mạnh: Kiên quyết trấn áp phản cách mạng là đúng, nhưng phải có đủ chứng cứ. Đây là vấn đề rất quan trọng có quan hệ đến vận mệnh của đất nước. Từ chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư, lực lượng Công an nhân dân đã sáng tạo, mưu trí, dũng cảm đập tan tổ chức phản cách mạng, ngăn chặn kịp thời đảo chính, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau những chiến công này, đồng chí Trường Chinh đánh giá: “Những vụ khám bắt trên đây có một tác dụng vô cùng quan trọng; nó lột mặt bọn phản động bên trong, tay sai của bọn phản động bên ngoài... Nó lôi ra ánh sáng dư luận một bọn giả danh chính trị, giả danh quốc gia dân tộc... Mấy cuộc khám bắt vừa đây cắm một cái mốc trên con đường thống nhất dân tộc và biểu lộ sức mạnh, uy tín của chính quyền nhân dân...”.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, để tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chống nội gián, ngày 25-9-1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 25-CT/TW về việc “đề phòng gián điệp chui vào hàng ngũ Đảng và các cơ quan chính quyền”; nhằm kịp thời củng cố, xây dựng, động viên và định hướng hoạt động của lực lượng Công an nhân dân, ngày 5-5-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 10-CT/TW về sự lãnh đạo của Đảng đối với công an. Chỉ thị xác định: “... công an là công cụ đấu tranh chống các lực lượng phản động trong nước, ngoài nước và bảo vệ quyền lợi cho nhân dân”. Chỉ thị “kiểm điểm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với các bộ máy chính quyền nhà nước dân chủ nhân dân, đặc biệt là công an”. Thực hiện Chỉ thị trên, các cấp ủy đảng đã tăng cường lãnh đạo và cử cấp ủy viên có năng lực, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng lãnh đạo công tác công an; qua đó, góp phần củng cố tổ chức, nâng cao sức chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.

Từ phải sang: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Việt Bắc. Ảnh Tư liệu

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, lực lượng Công an nhân dân tiếp tục được Trung ương Đảng quan tâm, chăm lo xây dựng, củng cố nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng đặt ra. Ngày 12-5-1951, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 05-CT/TW quy định về nhiệm vụ và tổ chức công an, trong đó nêu rõ: “nhiệm vụ của công an là bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân, bảo vệ nền kinh tế, quân đội, nhân dân”. Đồng thời, quy định, Nha Công an trong Bộ Nội vụ có thể gồm các bộ phận: bộ phận phụ trách bảo vệ chính trị, bộ phận phụ trách công việc trị an hành chính, bộ phận nghiên cứu, văn phòng, trường học công an. Ban Bí thư tiếp tục chỉ thị các cấp ủy phải cử những cán bộ có trình độ, được tin cậy vào làm công tác công an, thường xuyên lãnh đạo công tác công an... Để tăng cường công tác tình báo, ngày 31-5-1951, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW làm công tác địch tình và phản gián, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Trường Chinh luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân. Theo đó, nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ được thông qua, như: Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 19-11-1958 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và biên phòng; cụ thể hóa Nghị quyết này, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/TTg ngày 3-3-1959 về việc thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (lực lượng Bộ đội Biên phòng ngày nay); Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 20-6-1961 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc tập trung giáo dục, cải tạo những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội; Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 20-1-1962 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc tăng cường đấu tranh chống các bọn phản cách mạng, để phục vụ tốt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Đặc biệt là, ngày 20-1-1962, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí đã ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TW về vấn đề củng cố và tăng cường lực lượng Công an, xác định “... Cần phải kiên quyết và khẩn trương tăng cường lực lượng Công an thành một công cụ… tuyệt đối trung thành với Đảng, có liên hệ mật thiết với quần chúng, thành một lực lượng chiến đấu vững mạnh, có tính chất vũ trang, có tổ chức chặt chẽ, thông thạo về nghiệp vụ và có trình độ khoa học, kỹ thuật… phải coi việc tăng cường lực lượng Công an là một nhiệm vụ chính trị quan trọng…”.

Từ các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân trước đây đến giai đoạn này, tất cả đều hoạt động có tính chất vũ trang; nhưng những văn bản nêu trên là dấu mốc quan trọng để xây dựng lực lượng Công an thành một trong các lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Để bảo đảm tốt quan hệ hiệp đồng chiến đấu giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 116-NQ/TW về phân công nhiệm vụ giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang. Đồng chí còn cùng với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều sự quan tâm, chỉ đạo công tác, chiến đấu của an ninh miền nam và sự chi viện của miền bắc cho an ninh miền nam.

Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, đồng chí đã cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan: Đảng đoàn Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của lực lượng Công an nhân dân, như: Nghị định số 132/NĐ-CP ngày 29-9-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công an; Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam (năm 1962); Pháp lệnh Quy định chế độ, cấp bậc của sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân Việt Nam (năm 1962); Pháp lệnh quy định cơ quan quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy và chế độ cấp bậc của sĩ quan, hạ sĩ quan phòng cháy và chữa cháy (năm 1962); Nghị định số 32/NĐ-CP ngày 22-2-1973 của Hội đồng Chính phủ về việc sửa đổi tổ chức bộ máy Bộ Công an (thay thế Nghị định số 132/NĐ-CP)...

Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo Hiến pháp của Quốc hội, đồng chí quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân về chính trị, tư tưởng “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ những thành quả của cách mạng, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tự do, hạnh phúc và lao động hòa bình của nhân dân, cùng toàn dân xây dựng nước nhà” và xây dựng lực lượng: “… huy động nhân lực, vật lực nhằm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước”.

Đồng chí Trường Chinh và đồng chí Nguyễn Văn Linh trò chuyện với các thành viên trong ban soạn thảo văn kiện Đại hội VI, tháng 11-1986 - Ảnh: Xuân Lâm

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng nhà nước, Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng xây dựng đường lối đổi mới, đưa đất nước ta từng bước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội và đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn này, lực lượng Công an nhân dân tiếp tục được củng cố, tăng cường, ngày 12-6-1981, Hội đồng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 250/NĐ-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an); Quốc hội ban hành Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1985, chuẩn bị nội dung dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự... Đây là những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng liên quan trực tiếp đến việc xây dựng, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), tạo công cụ, phương tiện, cơ sở pháp lý vững chắc để lực lượng Công an nhân dân tiến hành hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm...

Trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng Ban soạn thảo Cương lĩnh và chiến lược kinh tế và kiêm Trưởng tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh chính trị của Đảng, đồng chí đã đóng góp công sức trong việc xây dựng Cương lĩnh và Chiến lược kinh tế - xã hội, chuẩn bị nội dung cho Đại hội lần thứ VII của Đảng. Trong đó, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” tiếp tục là nhiệm vụ trung tâm. Đây cũng là cơ sở chính trị quan trọng để Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 quy định rõ: “Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, dựa vào nhân dân và làm nòng cốt cho phong trào nhân dân để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định chính trị và các quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản xã hội chủ nghĩa, đấu tranh phòng ngừa và chống các loại tội phạm”.

Có thể khẳng định, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì Đảng, vì dân của mình, đồng chí Trường Chinh luôn dành sự quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững về chính trị, tổ chức, có kỷ luật chặt chẽ, tinh thông về nghiệp vụ, có trình độ khoa học, kỹ thuật, có các trang, thiết bị chuyên môn hiện đại, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của đất nước đặt ra. Đánh giá về vai trò của lực lượng Công an nhân dân, đồng chí nhấn mạnh: “Muốn giành thắng lợi cho chiến tranh nhân dân, một điều rất quan trọng là xây dựng và củng cố hậu phương. Củng cố hậu phương bằng những biện pháp bảo vệ trật tự trị an, phòng gian, bảo mật, trấn áp bọn phản cách mạng, bằng giáo dục chính trị, động viên tinh thần quần chúng là rất cần thiết”.

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được rèn luyện, thử thách và trưởng thành trong cuộc đấu tranh gian khổ của nhân dân ta, đồng chí Trường Chinh đã trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, có uy tín, được nhân dân và các lực lượng vũ trang tin yêu, mến phục; mãi là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng để cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân học tập, noi theo. Đại tướng Văn Tiến Dũng khi nói về đồng chí Trường Chinh đã viết: “Một con người rất mực đạo đức, cẩn trọng và tỉ mỉ đúng với bí danh mà anh đã lấy: “Toàn”, “Nhân” và “Thận” .

Thượng tướng GS.TS Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

Chiều 18/12, Báo Nhân dân đã tổ chức lễ khai mạc Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”. Với việc quét mã QR được tích hợp trên từng bức tranh và sơ đồ trận đánh, người xem sẽ được trải nghiệm thêm thông tin, hình ảnh trực quan về các trận chiến nổi tiếng cùng dấu ấn của những vị tướng tài danh trong lịch sử dân tộc.

Ngày 18/12, Đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá các mặt công tác Công an và kết quả thực hiện chỉ tiêu công tác năm 2024 của Công an tỉnh Ninh Bình. 

Sáng 18/12, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2024 và chủ động khai thác, sử dụng bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Tổ thường trực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Ngày 18/12, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Ngày 18/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, từ nay đến Tết, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, đặc biệt là dịp lễ, Tết… để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Khi đến Km 74 +600 QL49A đoạn qua đèo A Co thuộc xã Phú Vinh, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), xe đầu kéo do tài xế Hảo điều khiển bất ngờ gặp tai nạn lao xuống vực đèo cách mặt đường khoảng 30m. Vụ tai nạn khiến tài xế Hảo tử vong, xe ô tô đầu kéo hư hỏng nặng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文