Đóng đinh vào đầu trị “ma nhập” - hậu quả của niềm tin mù quáng
Người ta bàng hoàng trước sự mê muội khó hiểu của các nhân vật trong bài viết, nhưng cũng thấy vô cùng lo lắng trước hậu quả khó lường khi niềm tin đặt nhầm chỗ. Dù trước đây, đã có rất nhiều trường hợp tương tự.
1. Bức hình chụp người phụ nữ bị quấn chặt bằng vải màn và đóng đinh đầu gây ám ảnh người xem. Đọc hết bài báo, tôi cứ ngỡ đây là câu chuyện hư cấu trên phim. Nào ngờ đó lại là sự thật. Mà sự thật đó lại xảy ra ở xã hội hiện đại, ở kỷ nguyên tiến bộ khi mà cả xã hội đang nỗ lực triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Dư luận biết đến sự việc từ phát hiện của một người hàng xóm nạn nhân. Người phụ nữ 58 tuổi ở xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An bị chính con trai đóng đinh vào đầu với mục đích trị bệnh… “ma nhập”. Sau khi ngồi thiền liên tục 3 ngày 3 đêm, không ăn cơm, chỉ uống nước, con trai nạn nhân có biểu hiện bất thường, cho rằng mẹ ruột bị “ma nhập” nên anh này đã “trị bệnh” cho mẹ bằng phương pháp khủng khiếp đó.
Chỉ đến khi người hàng xóm báo cơ quan Công an, nạn nhân mới được giải cứu và đưa đi bệnh viện. Chiếc đinh cắm vào đầu nguy hiểm đến tính mạng của người phụ nữ này nên Bệnh viện huyện Bến Lức phải chuyển bà lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh).
Hành động của con trai nạn nhân chính là hậu quả của việc đi theo một tổ chức tà giáo được gọi là “Pháp lý vô vi khoa học huyền bí phật pháp”. Mà theo như đại diện Ban Tôn giáo tỉnh Long An, tổ chức này không được Nhà nước Việt Nam công nhận.
Hoạt động của các đối tượng “vô vi” mang nặng tính chất mê tín dị đoan như: “ngồi thiền soi hồn”, tự chữa bệnh, “mở con mắt thứ ba”… Con trai nạn nhân trong vụ việc này đã từng đi ra nước ngoài để tham dự Đại hội vô vi quốc tế. Điều đó cho thấy, tà giáo này đã được lan truyền khá rộng.
Được biết, tà giáo này đã có mặt tại Việt Nam từ rất lâu, đến năm 1980 trở lại và phát triển ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An… Đỉnh điểm gây ra hậu quả do sự mù quáng tin theo các luận điệu tuyên truyền của tà giáo này chính là sự việc đau lòng xâm hại đến thân thể, tính mạng của người phụ nữ ở Long An.
Chắc chắn, cơ quan Công an sẽ phải xem xét, điều tra để làm rõ trách nhiệm của những người liên quan trong vụ việc này.
2. Cách đây gần 20 năm, có một loại tà đạo cũng đưa ra giáo lý kỳ quặc, khuyên người ta uống nước lã, tàn hương để trị bệnh. Người mắc bệnh không cần đến bệnh viện, không phải uống thuốc mà chỉ cần lấy tàn hương trên bàn thờ, cho vào cốc nước lã, hòa tan rồi uống sẽ chữa được bách bệnh.
Dù vô lý vậy, nhưng nhiều “con nhang đệ tử” của tà đạo này đã đặt niềm tin mù quáng. Nhiều người bệnh kiên quyết không đến bệnh viện dù gia đình vận động, hết lời khuyên nhủ. Và hậu quả nghiêm trọng cũng xảy ra khi có một nạn nhân ở huyện Đông Anh, Hà Nội bị tử vong do mắc bệnh nhưng chỉ uống nước lã và tàn hương.
Ngày đó, phong trào “uống nước lã, tàn hương” lan rộng khắp nhiều địa phương trên cả nước. Cái chết của một nạn nhân ở Đông Anh là lời cảnh báo sâu sắc. Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, và ngay cả gia đình có người tham gia vào tà đạo này cũng tuyên truyền vận động người thân rời bỏ. Nhưng phải mất thời gian dài, phong trào này mới bị loại dần dần khỏi xã hội.
3. Những năm gần đây, Hội thánh đức chúa trời Mẹ đã khiến dư luận dậy sóng. Trái ngược với tà đạo “uống tàn hương, nước lã”, tổ chức này lại tuyên truyền cho hội viên bỏ bàn thờ tổ tiên, gọi bố mẹ là anh em, chị em, cho rằng người sinh ra họ là đức chúa trời Mẹ chứ không phải là chính bố mẹ mình…
Biết bao gia đình mất con, vợ mất chồng, người thân mất nhau chỉ vì đi theo Hội thánh đức chúa trời Mẹ. Tham gia tổ chức này, họ bỏ bê gia đình, công việc, học hành để sinh hoạt hội nhóm. Họ tự tách mình ra khỏi gia đình và những hoạt động bình thường của xã hội.
Sau “ngòi nổ” đầu tiên do Công an TP Hải Phòng xử lý tụ điểm sinh hoạt trái phép, đồng loạt nhiều tỉnh thành khác tiến hành kiểm tra, rà soát, phát hiện và xử lý những tụ điểm hoạt động trái phép của Hội thánh đức chúa trời Mẹ.
Một làn sóng phê phán bùng nổ trên mạng xã hội và các báo chính thống. Công tác tuyên truyền chống mê tín dị đoan, ngăn chặn sự gia nhập hội thánh này đã có hiệu quả nhất định. Người dân nhận diện được sự vô lý của Hội thánh đức chúa trời Mẹ mà cảnh giác, tránh xa. Tuy nhiên, hiệu quả chưa được như mong muốn của các gia đình có người thân tham gia hội thánh này.
Bởi, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người thân của họ chưa quay về mà vẫn mê muội tiếp tục đi theo Hội thánh đức chúa Trời. Những biện pháp xử lý rầm rộ của cơ quan chức năng, từ Công an và cả sự lên tiếng của Ban Tôn giáo Chính phủ vẫn chưa đủ để giải quyết triệt. Lý do, bởi quy định của pháp luật còn lỗ hổng, bởi sự lợi dụng tự do tín ngưỡng…
4. Thế nên, để xã hội không bị xáo trộn bởi các tà đạo, các giáo lý kỳ quặc, đi ngược với thuần phong mỹ tục, vấn đề còn phải là ý thức của từng cá nhân và môi trường giáo dục, tuyên truyền từ gia đình cho đến chính quyền cơ sở.
Một bài học là khi xã hội cùng lên án giáo lý hoạt động trái thuần phong mỹ tục của Hội thánh đức chúa trời Mẹ, nguy cơ gia tăng số người tham gia vào hội này đã được ngăn chặn. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề tín ngưỡng vốn được coi là lĩnh vực nhạy cảm nên các cơ quan chức năng vẫn khá thận trọng trong việc xử lý.
Cách nhìn theo hướng thỏa hiệp với một số tà đạo gây hại cho xã hội và đánh giá là “hiện tượng tôn giáo mới” có thể khiến cho việc xử lý thiếu quyết liệt, dẫn đến các tà đạo với nhiều giáo lý trái thuần phong mỹ tục, mang đậm mê tín dị đoan… vẫn có đất hoành hành.
Trước những hậu quả hiển hiện trong xã hội thực mà cụ thể là trường hợp mới nhất ở Long An, thiết nghĩ bên cạnh trách nhiệm tuyên truyền của ngành văn hóa, thông tin, còn cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Mỗi người dân cần hết sức cảnh giác, để vững vàng trước những luận điệu bất bình thường tác động đến tâm lý, tình cảm, xây dựng niềm tin mù quáng… gây mất an ninh trật tự, tạo sự bất ổn cho xã hội.