Dù đã có lệnh đóng cửa, rừng Tây Nguyên vẫn tiếp tục “chảy máu”

10:17 12/10/2016
Mặc dù lệnh đóng cửa rừng đã được quán triệt sâu sát đến tận cơ sở trên toàn vùng Tây Nguyên nhưng tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép vẫn còn “nóng” từng ngày. Hình như ở đâu còn gỗ quý thì ở đó vẫn còn lâm tặc rình rập nên cuộc chiến giữ rừng Tây Nguyên còn nhiều cam go, phức tạp...


Thêm 2 cây gỗ hương trăm tuổi ở rừng Kbang, Gia Lai bị cưa hạ trong lúc các nhân viên bảo vệ rừng rời các chốt canh giữ về công ty làm việc đã cho thấy sức “nóng” của việc giữ rừng Tây Nguyên hiện nay.

Quá trình điều tra bước đầu, Công an huyện Kbang (Gia Lai) đã bắt giữ và vận động một số đối tượng liên quan vụ cưa trộm 2 cây gỗ hương tại khoảnh 6, Tiểu khu 90 thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa ra đầu thú.

Tang vật và phương tiện vận chuyển gỗ trái phép ở Gia Lai vừa bị bắt giữ.

Theo các đối tượng khai nhận, lợi dụng đêm tối, nhóm lâm tặc bố trí lực lượng đột nhập vào rừng dùng cưa xăng để cắt hạ, “xẻ thịt” 2 cây gỗ hương trái phép. Tại hiện trường cho thấy, khối lượng 2 cây gỗ hương bị thiệt hại 30,166m³ nhưng chỉ còn lại hiện trường khoảng 20m³.

Các đối tượng khai nhận, chỉ khoảng 20 phút, cây hương có đường kính 1,2m được cưa hạ nhưng do ở địa hình dốc núi, không thể xẻ hộp để vận chuyển ra khỏi rừng nên các đối tượng tiếp tục cưa hạ cây gỗ hương thứ 2 cách đó khoảng 100m, rồi xẻ thành từng hộp vận chuyển ra khu vực xã Sơn Lang cất giấu...

Phía chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm trường Krông Pa cho rằng, lâm tặc thường lợi dụng sơ hở của các nhân viên bảo vệ rừng lúc vắng để cưa gỗ. Trong khi đó, diện tích rừng rộng hơn 8.000ha, hàng trăm cây gỗ hương nằm rải rác trong địa hình phức tạp nhưng công ty chỉ có 16 người (trung bình 1 người bảo vệ 500ha) nên không thể giám sát hết. Năm 2015, đã có hơn 100 cây gỗ hương ở đây bị mất, hiện còn hơn 300 cây hương cổ thụ sót lại vẫn có nguy cơ bị “xẻ thịt” không biết lúc nào.

Trong khi vụ khai thác gỗ hương ở Gia Lai chưa kết thúc điều tra thì rạng sáng 6-10, một đoàn xe tải 5 chiếc vận chuyển gỗ trái phép đã chống trả lực lượng chức năng để tẩu thoát khi bị bắt giữ. Nhóm đối tượng này bất chấp lệnh bắn chỉ thiên của cơ quan chức năng đã cho xe tháo chạy và tông hư hỏng 3 xe máy của lực lượng Công an xã và Đồn Biên phòng Ia Chía (Ia Grai, Gia Lai).

Khi thấy không thể giải vây được các xe gỗ, nhóm đối tượng đành bỏ xe và gỗ lại hiện trường để thoát thân. Hơn 70m³ gỗ, gồm các loại: bằng lăng, sến, sao được xác định vận chuyển trong 5 xe ôtô tạm giữ cho thấy nhóm lâm tặc này hoạt động có tổ chức và quy mô lớn.

Đáng chú ý là tất cả các xe ôtô chở gỗ đều bị tháo biển số, đục phá số máy, số khung nên sẽ gây khó khăn cho quá trình điều tra. Việc không truy tìm ra chủ xe, lái xe chở gỗ thì khó xác định số gỗ trên được lấy từ khu rừng nào. Phía các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cho rằng gỗ xuất phát từ tỉnh Kon Tum, ngược lại phía tỉnh Kon Tum thì cho rằng gỗ có thể khai thác ở nơi khác. Vậy kết luận cuối cùng phải chờ cơ quan thẩm quyền điều tra, làm rõ.

Cùng với Gia Lai và Kon Tum, rừng ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng phòng hộ thuộc các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông và Lâm Đồng cũng “nóng” lên từng ngày. Vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn khu vực thủy điện Đồng Nai 5 do băng nhóm Hà “đen” tổ chức đang được điều tra mở rộng, làm rõ trách nhiệm của chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc và các cơ quan thẩm quyền ở địa phương.

Mới đây, Công an huyện Ea Kar, Đắk Lắk cũng đã bắt giữ nhóm đối tượng La O Y Lem (17 tuổi), Ha Ra Y Trang (23 tuổi) và Lê Mô Y Cường (36 tuổi), trú ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên lên phá rừng tại Tiểu khu 622, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, tỉnh Đắk Lắk. Các đối tượng đã “xẻ thịt” 26 cây gỗ giáng hương (nhóm IIA) vận chuyển ra khỏi rừng, khối lượng gỗ còn lại chưa xẻ chỉ hơn 5,7m³...

Tại huyện MDrăk, tỉnh Đắk Lắk, nhóm đối tượng Nguyễn Kiệp, Đỗ Ngọc Khoa, Trần Khánh Linh, Hồ Văn Hùng... đều trú ở tỉnh Phú Yên cũng đã triệt hạ  hàng chục cây gỗ quý ở Tiểu khu 718 của BQL Rừng phòng hộ núi Vọng Phu. Tại các bãi tập kết gỗ, bước đầu cơ quan chức năng thu giữ 65 lóng gỗ, khối lượng 35m3...

Ở địa bàn Đắk Nông, sau vụ lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm mét khối gỗ vắng chủ ở Quảng Sơn, Đắk Glong thì rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, huyện Đắk Song lại bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng.

Nhiều cây gỗ du sam (nhóm IA), gỗ dầu... đã bị triệt hạ tại Tiểu khu 1133, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Đắk Nông đã xảy ra trên 300 vụ phá rừng, làm thiệt hại gần 120ha rừng. Trong khi đó, 8 tháng đầu năm 2016, toàn vùng Tây Nguyên đã phát hiện và xử lý 3.858 vụ vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng nhưng chỉ xử lý hình sự 108 vụ, còn lại xử lý hành chính 3.227 vụ.

Con số đáng báo động là tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện đang bị lấn chiếm trái phép lên tới 282.896ha, chiếm 8,43%, trong đó diện tích đất lâm nghiệp đã giao quyền sử dụng đất là 197.365ha, chiếm 70% và diện tích chưa giao quyền sử dụng đất là 85.261ha, chiếm 30%. 

Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tập trung chủ yếu tại các BQL rừng phòng hộ: 56.456ha, các doanh nghiệp nhà nước: 51.750ha; rừng do UBND cấp xã quản lý: 164.90ha... Trong khi đó, tình trạng lâm tặc chống người thi hành công vụ tại các tỉnh Tây Nguyên có chiều hướng gia tăng, nhiều cơ sở chế biến gỗ và lâm sản tại 5 tỉnh Tây Nguyên chủ yếu tồn tại để tiêu thụ gỗ trái phép nhưng được núp bóng, đối phó tinh vi rất khó phát hiện và xử lý.

Từ thực trạng trên cho thấy, công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại 5 tỉnh Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, bất cập. Muốn giữ rừng không chỉ hô hào mà phải có chính sách phù hợp, đúng đắn, làm sao cho rừng phải có chủ thực sự để quản lý và chịu trách nhiệm cụ thể. Mặt khác, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng...

Ngọc Như

Ngày 6/1, tại Hà Nội, Đảng ủy Công an Trung ương đã có buổi khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp trong CAND nhiệm kỳ 2025-2030 tại Đảng bộ Cục An ninh chính trị nội bộ (ANCTNB).

Chiều 6/1, đoàn xe đón đội tuyển bóng đá Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, sau đó di chuyển qua nhiều tuyến phố, rất đông người hâm mộ đón chào thầy trò HLV Kim Sang Sik. Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm an ninh trật tự và TTATGT cho lộ trình đón đoàn từ sân bay Nội Bài về Văn phòng Chính phủ.

Ngày 6/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Hòa (Phú Yên) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam 10 đối tượng trong một đường dây tội phạm. Các đối tượng không chỉ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mà còn tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức cá cược bóng đá, ghi số lô đề với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Đêm 5/1, sau khi trận bóng đá chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 với chiến thắng thuyết phục của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan và lên ngôi vô địch, hàng chục vạn người Hải Phòng đã xuống đường ăn mừng. Tuy nhiên có một bộ phận quá khích gây ảnh hưởng đến ANTT, TTATGT đã bị lượng Công an kịp thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý.

Ngày 6/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Việt Cường (SN 2005, ở huyện Thường Tín, Hà Nội) và tuyên phạt bị cáo 13 năm tù về tội giết người. Tổng hợp với bản án 20 tháng tù treo về tội gây rối trật tự công cộng trước đó, Cường phải thi hành hình phạt chung là 14 năm 8 tháng tù. Bị hại trong vụ án là đồng chí Đ.V.N, công tác tại Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Ngày 6/1, thông tin từ Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cho biết, đơn vị sẽ tặng vé máy bay nội địa hạng Thương gia cho toàn bộ cầu thủ bóng đá nam Việt Nam và thẻ Bông Sen Vàng hạng Bạch kim cho huấn luyện viên Kim Sang Sik để tri ân những nỗ lực và thành tích xuất sắc trong hành trình vô địch ASEAN Cup 2024.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文