Kỷ niệm 105 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2016):

Giá trị dân tộc và thời đại trong quyết định lựa chọn con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc

09:59 05/06/2016
Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên khi thực dân Pháp đã hoàn tất cuộc xâm lược Việt Nam và bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, Việt Nam từ một nước phong kiến, độc lập có chủ quyền đã biến thành thuộc địa, phụ thuộc vào nước Pháp. Nhân dân Việt Nam bị biến thành nô lệ.

Yêu cầu đặt ra phải giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo khuynh hướng phong kiến và tư sản diễn ra mạnh mẽ, oanh liệt nhưng tất cả đều thất bại, cách mạng Việt Nam khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng.

Chứng kiến thân phận nô lệ, cuộc đời lầm than tủi nhục của nhân dân Việt Nam dưới chế độ tàn bạo của thực dân Pháp, từ thực tiễn lịch sử, Nguyễn Tất Thành thấy rõ con đường của các bậc tiền bối không đem lại kết quả, Người quyết định sang nước Pháp và các nước phương Tây, xem họ làm như thế nào, sau đó sẽ trở về giúp đồng bào. Đây là một quyết định cách mạng và táo bạo. Cách mạng vì hướng đi này hoàn toàn đối lập với hướng đi truyền thống của các bậc tiền bối trước đó đã nối tiếp đi qua. Táo bạo vì đây là một sự dấn thân vào một thế giới còn rất xa lạ với nhân dân Việt Nam, một thế giới văn hóa hoàn toàn khác với văn hóa Việt Nam. Thực hiện quyết định này, ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc khảo cứu tìm đường cứu nước.

Con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc là kết quả của sự kết tụ những truyền thống tốt đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Trong lịch sử truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, tinh thần yêu nước đã trở thành đạo lý sống, niềm tự hào và là một nhân tố đứng đầu trong bảng giá trị tinh thần của con người Việt Nam. Truyền thống đó không chỉ là một tình cảm, một phẩm chất tinh thần mà đã trở thành một chủ nghĩa – chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc chân chính, trở thành dòng chủ lưu của tư tưởng Việt Nam, xuyên suốt lịch sử của dân tộc, là thang giá trị cao nhất trong truyền thống tinh hoa văn hóa tinh thần của dân tộc.

Khác với những động cơ chính trị của các bậc cách mạng tiền bối, Nguyễn Tất Thành không đi tìm chỗ dựa, tìm cứu cánh hoặc cầu viện các thế lực bên ngoài để cứu nước.

Người ra nước ngoài với ý thức rõ ràng, ngay từ đầu là đi tìm chân lý cách mạng, tìm đến văn hóa Pháp ẩn đằng sau khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái”.

Văn hóa yêu nước truyền thống bắt nguồn từ đạo lý mang bản sắc dân tộc độc đáo “thương người như thể thương thân”, đó là lòng nhân ái, tình thương yêu con người, tình thương yêu đồng loại, tình nghĩa đồng bào. Yêu nước đi liền với tính chiến đấu, sự hy sinh bảo vệ đất nước, chống xâm lược, xây dựng đất nước hùng mạnh. Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, luôn gắn liền hai mặt: Yêu nước, bảo vệ Tổ quốc và thương dân, vì dân. Tiếp cận với đỉnh cao của văn minh nhân loại, Nguyễn Ái Quốc chuyển hóa dần dần quan niệm độc lập dân tộc khép kín và ý thức dân tộc kỳ thị sang chủ nghĩa yêu nước hiện đại, là kết hợp nhuần nhuyễn những quan điểm dân tộc với những quan điểm giai cấp, quốc gia với quốc tế, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo mácxít.

Chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu chảy xuyên suốt trường kỳ lịch sử Việt Nam, là chuẩn mực cao nhất đứng đầu bảng giá trị văn hóa, tinh thần Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được kết tinh trong truyền thống chống giặc và truyền thống nhân ái, nhân nghĩa mang đặc trưng và sắc thái độc đáo, thành nghĩa vụ và quyền lợi. Việc tìm đường và chọn con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc không chỉ là việc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân mất nước với Tổ quốc mà còn là trọng trách gánh vác sứ mệnh thực hiện khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc.

Lấy độc lập dân tộc làm cốt lõi, lấy nhân nghĩa làm rường cột, lấy đoàn kết và tinh thần đồng loại làm phương châm hành động, Hồ Chí Minh đã đi gần 30 nước ở khắp 4 châu lục để khảo sát vấn đề độc lập, tự do và hạnh phúc ở các quốc gia. Tất cả sự khảo cứu của Người chỉ nhằm mục đích học hỏi ở các nước để giúp đồng bào thoát khỏi thân phận nô lệ và cuộc đời lầm than tủi nhục.

Nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều cuộc cách mạng, đặc biệt là cách mạng Mỹ 1776 và cách mạng Pháp 1789, Người nhận thấy cách mạng Việt Nam cần phải học tập nhiều điều của cách mạng tư sản Mỹ và Pháp. Tuy nhiên, qua khảo sát các cuộc cách mạng ở Mỹ, Anh, Pháp đã giúp Nguyễn Ái Quốc nhìn rõ sự thật của dân chủ, tự do tư sản đang tồn tại ở các nước tư bản phát triển, ở đó chỉ có tự do, dân chủ thực sự cho cá nhân và tập đoàn tư sản cầm quyền.

Đến nhiều nước thuộc địa, được chứng kiến và hòa mình vào cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra kết luận “trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”.

Từ nhận thức đó, Người coi giải phóng dân tộc, giải phóng con người không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu, nhận thức của Nguyễn Ái Quốc về vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng con người từ phạm vi quốc gia mở rộng ra thế giới, từ dân tộc tới nhân loại. Điều này đã bổ sung thêm tiêu chuẩn cho sự lựa chọn con đường cách mạng của Người không chỉ cho Việt Nam mà cho tất cả các dân tộc bị áp bức và nhân dân lao động trên toàn thế giới.

“Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin là sự kiện mang tính chất bước ngoặt đối với Nguyễn Ái Quốc. Người đã khẳng định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.

Từ đây, Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn tin tưởng và đi theo con đường của V.I.Lênin. Mốc chuyển có tính bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh là vào tháng 12-1920, tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng xã hội Pháp, Người đã bỏ phiếu tán thành Đệ tam quốc tế (Quốc tế III - do Lênin sáng lập, có quan điểm ủng hộ các dân tộc thuộc địa một cách thiết thực để đi tới giải phóng triệt để dân tộc, giải phóng triệt để con người), tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện quan trọng trên làm bừng nở ở Nguyễn Ái Quốc những năng lực và sức sáng tạo mới trong hoạt động lý luận và thực tiễn để hoạch định con đường cách mạng cho dân tộc Việt Nam và góp phần vào sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Ở Nguyễn Ái Quốc đã kết tụ và hòa quyện những phẩm chất tinh túy, tốt đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và chủ nghĩa cộng sản. Từ đây, con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào của Nguyễn Ái Quốc đã được khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Có thể khẳng định, sau nhiều năm tìm tòi, khảo nghiệm con đường cứu nước, khi đọc được Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra được “cẩm nang” để giải phóng dân tộc, Người rút ra những lý luận cách mạng phù hợp với con đường cách mạng Việt Nam. Thứ nhất, Người đã xác định rõ đâu là kẻ thù của giai cấp, của dân tộc và phải chĩa ngọn cờ cách mạng vào đúng kẻ thù. Thứ hai, bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa giúp Nguyễn Ái Quốc thấy được động lực to lớn và lực lượng chính của cách mạng đó là giai cấp công nhân và nông dân. Thứ ba, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy hướng đi của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa mà Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa vạch ra, đó là: Con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng con người. Đây cũng là nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Trong “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Người đã nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên, như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Sau khi nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được con đường cách mạng giải phóng dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Việt Nam vận động và phát triển theo quỹ đạo cách mạng vô sản, hòa nhập vào trào lưu phát triển của thời đại, cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, xóa bỏ sự áp bức giai cấp, áp bức dân tộc, trên nền tảng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Những lý luận cách mạng đó được hiện thực hóa trong quá trình hoạt động thực tiễn tiếp theo của Người. Đặc biệt, trong công cuộc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam, để chuẩn bị những tiền đề về tổ chức, lãnh đạo, lực lượng cách mạng thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Từ thang giá trị truyền thống của chủ nghĩa yêu nước, nhân văn Việt Nam và khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng con người, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp cận chủ nghĩa Mác – Lênin, lựa chọn con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc, phù hợp với điều kiện Việt Nam và sự tiến hóa của nhân loại, đáp ứng được những đòi hỏi của thời đại.

Đinh Ngọc Hoa

Nhiều khu đất lớn đang trong giai đoạn chính quyền TP Đà Nẵng rao bán đấu giá bị doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm làm công trình, bãi tập kết máy móc, vật liệu xây dựng. Thậm chí, có trường hợp chiếm đất công rồi tổ chức cho người khác đổ xà bần, rác thải để thu tiền theo đầu xe. Đã có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự... 

Cơn bão Man-yi, hiện cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 2.000 km được đánh giá là cơn bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, có khả năng tiến vào Biển Đông trong ngày 18/11.

Không chỉ nhiều lần phớt lờ chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về vấn đề quản lý đất công như Báo CAND đã phản ánh vào ngày 9/11, tại Phân viện Thanh Thiếu niên miền Nam (TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh) thuộc Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam còn để xảy ra tình trạng công trình trị giá 34 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn ngân sách sau 15 chưa quyết toán xong và có nguy cơ phải đập bỏ do xây dựng không phép…

"Không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình",  TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

Ngày 14/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã có kết luận điều tra về đường dây chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng số lượng lớn do bị can Lềnh Chi Và (SN 1984) và Nguyễn Trung Hiếu (SN 1991), cùng ngụ tại huyện Định Quán (Đồng Nai) thực hiện hành vi phạm tội.

Trưa 14/11, Giải đua ghe Ngo trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần VH-TT&DL Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2024 chính thức khai mạc tại Khán đài đua ghe Ngo (sông Maspero, TP Sóc Trăng), với sự tranh tài của 60 đội ghe Ngo (53 đội nam, 7 đội nữ) đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Sáng 14/11, Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin xung quanh việc mở rộng đấu tranh Chuyên án VN10, xử lý triệt để các đối tượng đã từng mua ma túy từ các đối tượng bị bắt giữ trong chuyên án để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, các đối tượng liên quan tới cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文