Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng mười Nga (7-11-1917 - 7-11-2017)

Giá trị và bài học về "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đối với Việt Nam

10:05 29/10/2017
Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu làm cho CNXH lâm vào thoái trào, tổng kết quá trình này để lại những bài học quý báu về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ có ảnh hưởng quốc tế sâu rộng còn làm thay đổi tiến trình lịch sử thế giới trong suốt thế kỷ XX và cho đến ngày nay. Tuy nhiên, sau khi chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô phát triển với những thành tựu đỉnh cao vào những năm 70 của thế kỷ trước thì CNXH bắt đầu lâm vào khủng hoảng. Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu làm cho CNXH lâm vào thoái trào, tổng kết quá trình này để lại những bài học quý báu về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.

“Khúc quanh” lịch sử

Ngày 26-12-1991vào lúc 7h32 phút tối, Quốc kỳ màu đỏ với hình ảnh búa liềm bị hạ xuống bên ngoài điện Kremlin, thời khắc chính thức đánh dấu sự tan rã của Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sau 74 năm tồn tại.

Từ một siêu cường trên thế giới, Đảng Cộng sản Liên Xô đã mất quyền lãnh đạo. Đánh giá về sự kiện này, Tổng thống Nga Putin cho rằng: “Liên Xô tan rã là tai họa chính trị nghiêm trọng nhất của thế kỷ XX. Đối với nhân dân Nga, đó là một bi kịch thực sự”(1). Còn đối với thế giới, đó là sự thất bại về một mô hình Chủ nghĩa xã hội, một “khúc quanh” lịch sử của nhân loại tiến bộ.

Sự sụp đổ đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân ở trong và ngoài nước.

"Thảm họa sụp đổ chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu cho thấy rằng, sự ra đời của một chế độ mới không bao giờ là một quá trình suôn sẻ, êm thấm, trơn tru. Nó ra đời trong sự liên tục tìm tòi và thể nghiệm bản thân, trong cuộc đấu tranh phức tạp, quyết liệt và dai dẳng giữa cái mới và cái cũ, trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với những thế lực thù địch bên ngoài, bên trong, những kẻ luôn tìm cách xoá bỏ nó. Trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm và đấu tranh ấy, có khi do sai lầm chủ quan, có khi do tương quan lực lượng, có khi do bối cảnh chung không thuận lợi, có khi do tác động kết hợp cả mấy nhân tố ấy mà chế độ mới tạm thời phải lùi bước hoặc thất bại"(2).

Thế nhưng, cái cốt lõi của vấn đề ở đây chính là sự thoái hoá, biến chất trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô đã dẫn đến sự sụp đổ đó, những người đã chuyển hóa từ chủ nghĩa cộng sản thành “chủ nghĩa cơ hội”, cơ hội chính trị mà “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nguyên nhân của những nguyên nhân về cơ bản xuất phát từ trong công tác xây dựng Đảng. Ở nhiều nước đã xa rời nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác-Lênin, biến Đảng Cộng sản thành tổ chức độc quyền, một số cán bộ lãnh đạo cao cấp trở thành kẻ độc tài, từng bước xa rời, phản bội lại chủ nghĩa Mác-Lênin. Đảng ngày càng mất dần bản chất giai cấp của mình, đưa những người có lập trường chính trị khác vào Đảng.

Vào những năm 90, trong thành phần của Đảng Cộng sản có một số lượng rất đông những người như vậy "Hơn thế nữa, chui vào đảng còn có bọn quân chủ, phái tự do chủ nghĩa, bọn sô vanh,... Trong số đó, không ít những người chống cộng sản nắm được các chức vụ cao trong Đảng Cộng sản. Chiếm số đông là những phần tử tiểu tư sản không có lý tưởng"(3).

Sự sụp đổ và tan rã của Liên Xô chủ yếu là “do những sai lầm nghiêm trọng về chiến lược của Đảng Cộng sản Liên Xô, trước hết là trong công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cấp chiến lược”(4). Ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đã không tỉnh táo và kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử cơ hội, thực dụng trong đội ngũ cán bộ chủ chốt.

Các phần tử cơ hội, thực dụng về kinh tế và chính trị nắm giữ những trọng trách trong Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đã xa rời những nguyên tắc, quan điểm Mác-xít, đã phản bội lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa và lợi ích dân tộc, xoá bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, xoá bỏ vai trò lãnh đạo và làm tan rã Đảng Cộng sản Liên Xô, làm cho quân đội bị "phi chính trị hoá".

Ngoài ra, những sai lầm, khuyết điểm về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đóng vai trò không nhỏ cho sự sụp đổ, tan rã của Liên Xô.

Và bài học về công tác Xây dựng Đảng hiện nay

Sự sụp đổ của Liên Xô là bài học quý báu cho các Đảng Cộng sản cầm quyền như Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Quá trình "tự diễn biến" và "tự chuyển hoá" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên được thể hiện qua sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, hoài nghi về chủ nghĩa Mác-Lênin, về chế độ; “cơ hội chính trị” dẫn đến “xét lại”, bất mãn, chán ghét, thù địch và từ đó có những tư tưởng, hành động phản động, chống đối Nhà nước.

Quá trình đó chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Đó là sự tác động của các thế lực thù địch với các phương cách, thủ đoạn thâm độc khác nhau; sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, làm cho chủ nghĩa cá nhân về kinh tế bùng phát trong điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Vị kỷ và thực dụng làm cho nhiều cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, làm băng hoại các giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, ngày càng xa rời lý tưởng cách mạng.

Bên cạnh đó là yếu tố xuất phát từ nội tại, đó là phương pháp lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước còn nhiều bất cập, thiếu hợp lý và còn buông lỏng, yếu kém, tạo điều kiện cho những cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất lợi dụng, làm rối loạn kỷ cương, gây thiệt hại cho quốc gia, dân tộc để làm lợi cho cá nhân bản thân hay cho một nhóm nào đó.

Chính lối tư duy mang tính nhiệm kỳ, lợi ích nhóm hình thành đã dẫn tới tình trạng tham ô, tham nhũng không những không giảm mà còn có xu hướng tăng trong các cấp chính quyền từ Trung ương cho tới địa phương. Nếu không chủ động phòng ngừa, không ngăn chặn kịp thời thì cán bộ, đảng viên và quần chúng sẽ dễ bị tác động, phân hoá, tạo ra những hiệu ứng tiêu cực về mặt tư tưởng chính trị.

Một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XII đã chỉ ra, đó là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Tiếp đến Hội nghị Trung ương 4 (Khoá XII) đã ra Nghị quyết về "tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự chuyển biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ", trong đó đã chỉ ra rất rõ 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Cách mạng Tháng Mười Nga đã lùi xa, sự sụp đổ của mô hình XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã để lại nhiều bài học đau thương, sự luyến tiếc, hoài niệm cho nhân loại cần lao, xã hội tiến bộ trên toàn thế giới. Song giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội của Liên bang Xô Viết để lại những kinh nghiệm quý báu cho cách mạng Việt Nam. Một trong những bài học đó đồng thời cũng là nguy cơ, thách thức lớn nhất đối với Đảng và chế độ là "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chúng ta cần:

Một là, kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, đã làm nên những thắng lợi vĩ đại cũng như quá trình đổi mới của cách mạng Việt Nam. Thường xuyên giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nâng cao năng lực nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc, kiên định con đường chủ nghĩa xã hội.

Hai là, sự lãnh đạo Đảng Cộng sản, giữ vững vai trò lãnh đạo duy nhất và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam là vấn đề chiến lược có tính nguyên tắc. Kế thừa thành quả cũng như bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga và phát triển những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, thì xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, sức mạnh của quần chúng nhân dân là cội nguồn sức mạnh dân tộc. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên gây xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và chế độ. Do vậy xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt phải gắn liền phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, môi trường bền vững, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, động lực của sự phát triển. Khi niềm tin của Nhân dân được củng cố, vững chắc thì sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mới được hội tụ và phát huy.

Bốn là, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, đủ phẩm chất đạo đức cách mạng và đủ uy tín, được cán bộ đảng viên cơ sở, quần chúng suy tôn. Bên cạnh đó nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, tránh khuynh hướng chạy theo số lượng mà coi nhẹ chất lượng. Đây là vấn đề cốt lõi, then chốt trong công tác xây dựng tổ chức đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Năm là, nêu cao đạo đức cách mạng "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư", ngăn chặn “chủ nghĩa cơ hội”, khắc phục chủ nghĩa cá nhân thực dụng, chống những biểu hiện cục bộ, địa phương, phe cánh, lợi ích nhóm, nhằm đấu tranh chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, lấy lại niềm tin đối với Đảng, chế độ.

Sáu là, lực lượng vũ trang, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt đảm bảo độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; là vũ khí sắc bén bảo vệ Đảng, chế độ, Nhà nước và nhân dân. Không thể xa rời tính chính trị của lực lượng vũ trang. “Phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang là bài học đắt giá được rút ra từ sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu.

-------------------------------------------------------------------------

(1)- Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga Putin năm 2005.

(2)- Nguyễn Đức Bình, Chủ thuyết chính trị Việt Nam trong thời đại ngày nay, QĐND – Thứ hai, 5-11-2012.

(3)- PH.M.Rudinxki (2001), Vụ án Đảng Cộng sản Liên Xô tại Toà án Hiến pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 527-528.

(4)- Nguyễn Tiến Bình, Bài học từ sự sụp đổ và tan rã của Liên Xô, QĐND – Thứ tư, 24-8-2011.

PGS, TS Đinh Ngọc Hoa – TS Lê Thế Cương

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文