Trò chuyện Chủ nhật

Giải bài toán vỉa hè là giải bài toán nhân văn, bài toán kinh tế

08:41 05/03/2017
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang ra quân, “giành giật” lại vỉa hè cho người đi bộ. Sự buông lỏng quản lý trong một thời gian dài để tồn tại những đô thị nhếch nhác, thiếu kỷ cương. Vậy làm thế nào để việc quản lý vỉa hè không bị coi là “cuộc chiến”? Làm thế nào để nó phát huy vai trò của một bộ phận quan trọng trong cấu trúc đô thị? Phóng viên chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” có cuộc trao đổi với kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam xung quanh vấn đề này.


Phóng viên (PV): Là một người nghiên cứu sâu về kiến trúc đô thị, ông đánh giá thế nào về vai trò của vỉa hè và thực trạng vỉa hè ở Việt Nam?

KTS Phạm Thanh Tùng: Một đô thị không có vỉa hè là một đô thị chết. Vỉa hè là một phần quan trọng trong cấu trúc đô thị. Vỉa hè không chỉ là nơi dành để đi bộ mà còn là không gian giao tiếp, là nhịp sống, thư giãn… Lâu nay một bộ phận người dân đã làm cho đô thị trở nên nhếch nhác.

Ở các nước khác, vỉa hè là không gian công cộng, là nơi người ta đi bộ, bán hàng rong, nhưng không nơi nào bị chiếm dụng để xe, để vật kiến trúc… Tôi nhắc lại để tránh nhầm lẫn hai khái niệm hàng quán và hàng rong. Vỉa hè chỉ nên có hàng rong như kiểu taxi dạo, chứ không phải là hàng quán cố định.

Hàng quán lấn chiếm vỉa hè tại Hà Nội.

Cách đây 6 năm, Giáo sư Annette Kim, một nhà nghiên cứu đô thị Viện Công nghệ kỹ thuật (MIT) của Mỹ đã công bố một chuyên khảo về vỉa hè ở TP Hồ Chí Minh mà ông đã cùng nhóm cộng sự dành gần 10 năm để khảo sát, nghiên cứu. Giáo sư Annette Kim đã rút ra kết luận: Vỉa hè ở đây rất đặc biệt, là không gian công cộng, mà ở đó, diện tích dành cho hoạt động buôn bán, sinh hoạt và cả đi bộ chỉ chiếm tối đa 40%, còn 60% bị chiếm dụng làm nơi để xe. Đây là điều rất bất cập. Ở Hà Nội cũng vậy.

PV: Người ta vẫn nói, Hà Nội có một đặc thù riêng, đó là “văn hóa vỉa hè”?

KTS Phạm Thanh Tùng: Theo tôi, không có văn hóa vỉa hè. Thực ra phải gọi là kinh tế vỉa hè. Từ trước đến nay vỉa hè bị buông lỏng quản lý, tạo thành sở hữu cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Người ta tự cho mình cái quyền sử dụng vỉa hè riêng, tùy tiện làm mái che, mái vẩy, làm bậc lên xuống, bán hàng, để xe bừa bãi… khiến người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường. Sự buông lỏng kéo dài trong nhiều thập niên của chính quyền đã tạo nên thói quen xấu, vị kỷ, không coi lợi ích cộng đồng, coi thường luật pháp của một bộ phận lớn cư dân đô thị… Thậm chí ở nơi này, nơi kia, chính quyền địa phương coi chuyện đó là bình thường. Đây là điều rất đáng suy nghĩ về lỗ hổng trong quản lý.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

PV: Cách đây nhiều năm, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 36/CP về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị, các thành phố lớn đồng loạt triển khai lập lại trật tự đô thị. Gần đây hơn, 3 năm liên tiếp Hà Nội chọn chủ đề của năm là “Năm trật tự và văn minh đô thị”. Thế nhưng, ý tưởng của nhà quản lý chưa trở thành hiện thực. Tại sao vậy thưa ông?

KTS Phạm Thanh Tùng: Tôi cho rằng, nguyên nhân là do thiếu sự đồng thuận của dân. Bên cạnh đó là lợi ích nhóm, là sự thiếu minh bạch trong kinh tế vỉa hè. Vừa qua, khi lãnh đạo chính quyền quận 1, TP Hồ Chí Minh dùng biện pháp mạnh để lập trật tự vỉa hè, giới truyền thông có dùng từ “giải cứu”. Tôi thấy rằng, chúng ta ra quân là cần thiết, nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ.

Nếu làm mạnh mẽ quá, dù không phạm luật nhưng lại tạo phản cảm trong xã hội. Đây không chỉ là trách nhiệm của lực lượng Công an mà còn là trách nhiệm của chính quyền đô thị từ thành phố xuống quận, phường. Chính quyền phải quản lý một cách minh bạch. Chính quyền phải điều hành, quản lý bằng văn hóa ứng xử, tất cả vì mục đích làm cuộc sống đô thị thân thiện, làm cho đô thị trở thành thành phố đáng sống.

PV: Người ta nói: “Nghèo thì chưa thể nói đến đẹp” để ví với vỉa hè trong thực trạng chung. Lâu nay, vỉa hè là nơi kiếm sống của nhiều người lao động, người thu nhập thấp. Thế nên, một số ý kiến cho rằng lấy lại vỉa hè cho người đi bộ là cắt miếng cơm, manh áo của họ?

KTS Phạm Thanh Tùng: Quan điểm đó là đúng, nhưng chưa đúng hoàn toàn, nghèo có thể không đẹp nhưng phải ngăn nắp. Người nghèo không thể mặc đồ hàng hiệu. Lương của bạn có vài triệu đồng, chỉ đủ để trang trải cuộc sống thì không thể dùng đồ xa xỉ, đắt tiền. Nhưng bạn vẫn phải mặc chiếc áo phẳng phiu, không rách, không nhàu nát. Đô thị cũng vậy, phải ngăn nắp, sạch sẽ, bộ mặt đô thị phải khang trang.

PV: Trước cổng cơ quan tôi có quán cà phê trang trí bằng cây xanh. Ra khỏi cơ quan muộn, nhìn vào ánh đèn lung linh hòa lẫn không gian của thiên nhiên hoa lá ở quán cà phê, cảm giác mệt mỏi sau một ngày làm việc chợt tan biến. Lúc đó tôi thèm được ngồi ở vỉa hè, ngay dưới không gian tuyệt vời ấy nhâm nhi cà phê, ngắm người qua lại. Nếu không được ngồi ở vỉa hè, tôi thấy tiếc?

KTS Phạm Thanh Tùng: Mong muốn này của bạn là hoàn toàn hợp lý. Vỉa hè không chỉ là nơi dành riêng cho đi bộ. Vỉa hè là nơi dành cho mục đích công cộng. Đó còn có thể là nơi giao tiếp, thậm chí vỉa hè còn có những khoảng lặng. Nếu biết sử dụng, vỉa hè còn là nơi chứa đựng rất nhiều thân thương, là nơi đong đầy ký ức về sự phát triển của thành phố.

Thật tuyệt vời khi có vỉa hè yên bình dưới bóng cây xanh, có tiếng chim hót. Hoặc 10 giờ đêm cũng có thể ngồi trên vỉa hè uống cà phê, những người đó lại góp phần giữ gìn an ninh đô thị, miễn người ta không bật nhạc, không nói to. Các nhà quản lý có thể dành một phần diện tích vỉa hè (có kẻ vạch) để người dân sử dụng linh hoạt trong thời gian nhất định.

Bạn cứ hình dung mà xem, trên vỉa hè có những tiếng rao, có người bán hoa, có những người buôn bán nhỏ, có thể ngồi uống cà phê ban đêm… cái đó rất tuyệt đấy chứ! Còn thực tế, vỉa hè lại là nơi để đua ra những mái che, mái vẩy, là nơi xả rác, cởi trần, mặc áo may ô ngồi uống bia, văng tục… những cái đó tạo nên sự ô nhiễm của đô thị, cần phải tránh. Những nhà có cửa hàng cửa hiệu cũng phải nghĩ đến cộng đồng, phải xây dựng nếp sống văn hóa đô thị.

PV: Vỉa hè vừa là nơi dành cho không gian công cộng, lại vừa muốn dành để phục vụ đời sống kinh tế. Trong khi đó, 2 đô thị lớn còn thiếu trầm trọng điểm đỗ xe. Đây có vẻ là bài toán khó, thưa kiến trúc sư?

KTS Phạm Thanh Tùng: Giải bài toán vỉa hè là giải bài toán nhân văn, bài toán kinh tế. Các cụ ta có câu: “Khéo làm thì no, khéo co thì ấm”, tức là muốn có sự ngăn nắp. Đây là trách nhiệm của chính quyền. Ở Việt Nam chúng ta, vỉa hè đang tạo ra lợi nhuận, là nguồn sống của rất nhiều người dân nghèo đô thị. Những người dân ở mặt phố cũng phải sinh hoạt, phải dựa vào vỉa hè để kiếm sống. Đừng nghĩ chúng ta vẽ một đường phố với cái vỉa hè thật đẹp là đã xong, mà phải nghĩ quy hoạch thế nào.

Và chúng ta phải biến thói quen trở thành một nếp sống theo khuôn khổ pháp luật, nhưng không thể làm ào ào. Đầu tiên phải có thiết kế đô thị, thiết kế từ vị trí đặt thùng rác, trồng cây, phần đường dành cho người đi bộ và có cả chỗ để xe máy. Đối với vỉa hè lớn, có thể để lại ½ diện tích vỉa hè dành để xe máy cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, còn lại là dành cho công cộng.

Công cộng thì bao gồm bán hàng rong, đường giao thông bộ nhưng kiên quyết không xây bậc, không ngăn ra (còn phải tính đến đường đi cho người khuyết tật, đi xe lăn), và phải thu phí cao để tái kiến thiết đô thị… Chỉ nên làm thí điểm trước ở một số tuyến phố trung tâm, còn các phố nhỏ, ngõ nhỏ thì nhắc nhở. Và phải làm nghiêm, làm bình tĩnh để người dân đồng thuận.

PV: Điều đó có nghĩa là, nếu chúng ta có ứng xử với đô thị thật tốt sẽ tạo nên những góc phố, đường phố thanh bình, thân thiện. Trân trọng cảm ơn kiến trúc sư về cuộc trò chuyện này!

Việt Hà (thực hiện)

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文