Hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền

07:19 18/06/2018
Việc đưa ra giải pháp hoàn thiện các quy định để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ có tác dụng cảnh báo đối với những cán bộ đang giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức nâng cao năng lực chuyên môn.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đưa ra nhận định tổng quát về thực trạng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. 

Với những quan điểm, mục tiêu được xác định cụ thể, các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với thực tiễn, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã mang lại niềm tin và những kỳ vọng lớn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong Nghị quyết này, Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ, từ đó nêu quan điểm đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. 

Từ quan điểm đó, Đảng và Nhà nước chủ trương tập trung đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ, từ chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đến chính sách tiền lương, nhà ở, bảo đảm đời sống, tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. 

Khi chính sách tiền lương và nhà ở được bảo đảm, cán bộ sẽ tận tâm tận lực cống hiến, đóng góp trí tuệ và tài năng cho đất nước; luôn luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói không với các hành vi tiêu cực, tham nhũng, vững vàng trước những cám dỗ về vật chất, tiền tài và danh vọng.

Nghị quyết đã nhận diện và xác định cách thức giải quyết mối quan hệ giữa chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo phục vụ phát triển và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; gắn phân công, phân cấp với giao quyền và ràng buộc trách nhiệm; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, giữa “xây” và “chống”, giữa “đức” và “tài”, giữa “hồng” và “chuyên”, giữa tính phổ biến và tính đặc thù, giữa kế thừa và phát triển, giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể. 

Giải quyết, xử lý tốt các mối quan hệ trên sẽ góp phần từng bước loại trừ những yếu tố nuôi dưỡng chủ nghĩa cá nhân, bịt kín những kẽ hở cho lộng quyền, lạm quyền, tha hóa quyền lực, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ.

Điểm nhấn của Nghị quyết là đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, “thân quen, cánh hẩu”, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ. 

Thể chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền được xây dựng theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. 

Nghị quyết yêu cầu thực hiện công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự cán bộ; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất; mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử; xử lý nghiêm minh các sai phạm, nhất là lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ… 

Với những giải pháp cương quyết và mạnh mẽ như vậy, những người có tham vọng quyền lực, bằng mọi cách để có chức, có quyền sẽ “không dám chạy” và “không thể chạy”. 

Chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương cũng là một giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu”… 

Cùng với việc hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, Nghị quyết còn đặt ra nhiệm vụ coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền trong Đảng và trong xã hội. 

Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng với giải pháp này, chúng ta sẽ hình thành một cơ chế, thể chế đủ chặt chẽ để kiểm soát quyền lực, đủ sức mạnh để ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyền lực và sự tha hóa quyền lực trong bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước và đẩy lùi tệ chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ.

Nghị quyết lần này đưa ra chủ trương xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài để đón nhận những người có đức, có tài, có tâm huyết đóng góp trí tuệ và tài năng cho đất nước, không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở ngoài nước. 

Có thể nói, đây là chủ trương có tính đột phá, nhằm thu hút, trọng dụng người tài để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Mặt khác, với những cơ chế, chính sách đổi mới công tác ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ và chủ trương mở rộng việc thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ sẽ được phát triển trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, trưởng thành, đi lên bằng chính thực lực, thực tài của bản thân. 

Những người có trí tuệ, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển, sẽ có nhiều cơ hội phấn đấu, được trao những vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp. 

Với mục tiêu đến năm 2030, đội ngũ cán bộ các cấp có từ 15 – 25% cán bộ trẻ, 20 – 35% cán bộ nữ, ở những địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số, bắt buộc phải có cán bộ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân cư, những cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ là người dân tộc thiểu số có năng lực sẽ được tạo điều kiện và cơ hội phát triển. 

Những giải pháp về công tác cán bộ thực sự mở ra cơ hội cho những người có tài năng, đạo đức và nhân cách, điều đó có tác dụng khích lệ mọi người hăng hái, nỗ lực học tập và làm việc, phấn đấu đi lên bằng chính phẩm chất, năng lực và uy tín của mình, chứ không phải qua con đường “chạy chọt” bằng “tiền tệ” hay “quan hệ”... 

Muốn được bổ nhiệm, cất nhắc vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, người cán bộ chỉ có thể thông qua con đường nỗ lực tu dưỡng, trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống; tích cực học tập, nâng cao trình độ, năng lực bản thân; thường xuyên rèn luyện tác phong công tác, gương mẫu trong mọi việc, thực hiện nói đi đôi với làm. 

Và chỉ có thông qua cách thức như vậy, Đảng ta mới xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đủ năng lực lãnh đạo đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Việc đưa ra giải pháp hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ; ban hành các quy định, quy chế kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu, sẽ có tác dụng cảnh báo đối với những cán bộ đang giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp tục giữ gìn và củng cố uy tín cá nhân, luôn luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Để giữ vững vị trí lãnh đạo, quản lý, được cấp trên tin tưởng, cấp dưới tín nhiệm, người cán bộ phải tránh tư tưởng bảo thủ, trì trệ, “an phận thủ thường”, “sống lâu nên lão làng”, mà phải không ngừng phấn đấu, tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng cống hiến cho đất nước, tận tụy phục vụ nhân dân.

Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ, là một bước đột phá mạnh mẽ về công tác cán bộ của Đảng ta. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đang rất kỳ vọng vào Nghị quyết quan trọng này. 

Để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến rõ rệt, thu được những kết quả cụ thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn thấy được, cảm nhận được, đòi hỏi toàn Đảng phải có sự thống nhất cao về nhận thức, có quyết tâm lớn và hành động quyết liệt trong tổ chức thực hiện.

Đại tá, PGS, TS Trần Quang Tám

Không khí lạnh được dự báo sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh thành miền Bắc, Bắc Trung Bộ từ chiều và đêm 1/11. Bắc Bộ nhiều nơi chuyển rét, vùng núi có nơi nhiệt độ xuống thấp. Hà Nội ngày nắng, đêm xuống mức 19 độ C.

Thi hành kỷ luật bằng hình thức Xóa tư cách chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh với bà Nguyễn Thị Hồng do vi phạm trong công tác và Ban Chấp hành Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Ngày 31/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh tạm giam đối với Hoàng Thị Kim Châu (SN 1973, trú phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng), nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Bách Đạt An về hành vi tham ô tài sản.

Ngày 31/10, ở Quảng Trị bắt đầu nắng ráo. Tuy nhiên, một số địa phương ở các khu vực hạ nguồn, thấp trũng và gần sông, suối vẫn còn bị ngập lũ cục bộ, có nơi sâu hơn 1m. Trong đó, 2 thôn rẻo cao Cát, Trỉa thuộc xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa đến cuối buổi chiều cùng ngày vẫn còn bị chia cắt, cô lập bởi nước lũ và sạt lở đường đi.

Ngày 31/10, cơ quan chức năng TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã kiểm tra quy trình chế biến thực phẩm của một khách sạn 4 sao để làm rõ phản ánh về việc rau sống có ốc sên đang bò và một số món ăn có dấu hiệu hư hỏng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文