Khơi thông dòng chảy của nền kinh tế, tạo lực đẩy doanh nghiệp hồi phục

07:05 09/05/2020
Ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ đối thoại trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhằm lắng nghe những ý kiến, giải pháp từ doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất hiện nay. Từ đó vực lại sản xuất, thổi một luồng gió mới thúc đẩy DN “bứt phá” sau kỳ “ngủ đông” dưới tác động của đại dịch COVID-19.


Trước thềm hội nghị đặc biệt quan trọng này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trao đổi với báo giới những giải pháp hỗ trợ đối với DN.

PV: Thưa Bộ trưởng, hội nghị đối thoại của Thủ tướng với các doanh nghiệp năm 2020, được xem như là “Hội nghị Diên Hồng”, được cộng đồng DN rất quan tâm và mong đợi, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về hội nghị này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói đây là một buổi gặp gỡ, đối thoại rất quan trọng của Thủ tướng Chính phủ cùng với các Bộ, ngành, địa phương với cộng đồng DN. Đây là buổi gặp đầu tiên và có quy mô lớn toàn quốc giữa cộng đồng DN với người đứng đầu Chính phủ và các thành viên của Chính phủ kể từ khi COVID-19 xuất hiện.

Đây là một cơ hội đối thoại rất tốt để Thủ tướng Chính phủ cùng DN và người dân được trao đổi, lắng nghe và làm rõ những vấn đề liên quan đến câu chuyện để làm sao hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho DN khôi phục lại các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của mình đóng góp cho sự phát triển của DN, đất nước.

Tại hội nghị này, Bộ Công Thương nhìn nhận thấy một số nội dung quan trọng cần tập trung. Đầu tiên, cần có một cái nhìn tổng thể, toàn diện và khách quan, nhiều chiều đối với tác động của dịch COVID-19 đối với DN. Từ đó chúng ta sẽ phải xác định được ra những cơ hội, những mục tiêu và những nhu cầu mới cho DN, cũng như cho Chính phủ để cùng nhau đồng hành kích hoạt lại hoạt động của nền kinh tế ở trạng thái bình thường mới này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Thứ hai, đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận và đánh giá lại, với tiếng nói và phản ánh, nhận xét của DN về những chính sách, chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian vừa qua có thể nói là linh hoạt và kịp thời. Và quan trọng nhất là trong cách tiếp cận của Chính phủ, thì cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, có những hỗ trợ như thế nào đối với cộng đồng DN.

Thứ ba, đây là cơ hội lắng nghe tiếng nói của DN để chúng ta xác định được mục tiêu và trách nhiệm xã hội trong trước mắt, ngắn hạn và trung dài hạn, để đạt được mục tiêu phát triển, thích ứng tốt với hoàn cảnh mới. Ở đây, rất cần những hiến kế, những gợi ý, sáng kiến và cả những đề nghị hành động cụ thể mà cộng đồng DN sẽ nêu với Chính phủ.

Thứ tư, đây là dịp để các bộ, ngành, địa phương nhìn nhận đánh giá lại những chính sách trong thời gian vừa qua, hiệu quả ra sao để có những giải pháp kịp thời, hỗ trợ DN được tốt nhất. 

PV: Vậy Bộ Công Thương sẽ đưa ra giải pháp gì nhằm giải quyết khó khăn vướng mắc cho DN trong hội nghị này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Như thông điệp của Thủ tướng đã đưa ra, hội nghị lần này của Chính phủ với doanh nghiệp không chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn nhằm tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng cho dài hạn trong những năm tiếp theo. Trên tinh thần đó, Bộ Công thương đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính dài hạn.

Trong đó, một số nhóm giải pháp mang tính trọng tâm như khơi thông và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác triệt để các lợi ích và cơ hội có được từ các cam kết hội nhập, trong đó có thể coi EVFTA là một điểm nhấn quan trọng cần khai thác để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.  Trước hết, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn ở các thị trường truyền thống, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, khi nước này đã có sự kiểm soát tốt về dịch bệnh, khôi phục lại các hoạt động kinh tế và nhu cầu hấp thụ hàng hóa tăng trở lại.

Để hỗ trợ cho quá trình này, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh quá trình đàm phán, trao đổi với phía Trung Quốc sớm cho phép một số mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đối với thị trường EU là thị trường có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam trong thời gian tới bởi diện mặt hàng rộng và nội dung cam kết rất sâu theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA mà chúng ta đã ký kết. Cho tới thời điểm này, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực, khẩn trương để hoàn tất các nội dung để báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tới đây. Trên cơ sở đó, các DN Việt Nam sẽ có thể tận dụng, khai thác các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA ngay từ tháng 7-2020. Về dài hạn, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo các đơn vị đang xây dựng một Kế hoạch tổng thể để tái cơ cấu các thị trường xuất nhập khẩu trong bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, cần xử lý tốt các vấn đề về phát triển thương mại nội địa, bao gồm cả việc tập trung thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và thúc đẩy phát triển công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trong công nghiệp, năng lượng, qua đó vừa thúc đẩy đầu tư, vừa tạo giá trị sản phẩm mới đóng góp cho tăng trưởng.

Bộ Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn, sớm hoàn thành các dự án công nghiệp, năng lượng trong điểm.

PV:  Bộ trưởng có lưu ý gì đối với cộng đồng DN nói chung và các DN sản xuất thuộc ngành Công Thương nói riêng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là cần nhìn nhận đúng tình hình đã có những thay đổi so với trước đây để có ứng phó, xử lý phù hợp. Dịch bệnh đang tạo ra những khó khăn mà hầu như không quốc gia nào tránh khỏi, Việt Nam cũng vậy.

Tuy nhiên, ta có những yếu tố thuận lợi và cơ hội tốt cần được nhìn nhận để chủ động nắm bắt, tạo bứt phá trong phát triển thời gian tới. Đó là, Việt Nam tới nay đã cơ bản vượt qua dịch bệnh sớm hơn các nước. Thêm vào đó, uy tín, sự tin tưởng của các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam tăng lên... Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội, nhanh chóng tổ chức, khôi phục lại sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Lưu Hiệp

Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội ngày 13/11 cho biết đã triệt phá thành công băng nhóm hoạt động mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn và tàng trữ vũ khí quân dụng. Vật chứng cơ quan Công an thu giữ trong vụ án là gần 2 bánh heroin có trọng lượng 595,455 gram; 594,29 gram ma tuý tổng hợp các loại; 2 quả lựu đạn; 3 cân điện tử cùng một số đồ vật, tài sản khác có liên quan.

Trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao gia tăng, mạo danh cơ quan Nhà nước để lừa đảo qua điện thoại khiến nhiều người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chỉ đạo triển khai giải pháp định danh cuộc gọi, giúp người dân nhận diện các cuộc gọi chính thức từ các cơ quan Nhà nước, từ đó giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành quyết định về công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ 4, quốc lộ 4C, quốc lộ 279, quốc lộ 280 và đường Cột cờ Quốc gia Lũng Cú do mưa, lũ gây ra tại tỉnh Hà Giang từ ngày 1/9 đến ngày 31/10.

Ngày 13/11, Cục CSGT cho biết, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 4 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) đã lập biên bản xử phạt tài xế điều khiển ô tô Land Cruiser có hành vi dán băng dính che biển số đi trên cao tốc.

Các tỉnh thành tại miền Bắc nền nhiệt ban ngày được dự báo ở ngưỡng 29 - 32 độ C, trời nắng hanh khô tuy nhiên về đêm và sáng sớm lạnh trở lại. Bão số 8 trên biển Đông có xu hướng yếu đi.

Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, đồng hành cùng với Chính phủ, cùng các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị, quyết tâm vượt qua các khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và những năm tiếp theo, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đối với 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文