Vụ nhà 8B Lê Trực: Không kiên quyết, người dân sẽ mất niềm tin

06:56 03/04/2016
Vụ việc dự án nhà 8B Lê Trực mặc dù các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã triển khai tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ phần sai phạm. Tuy nhiên vẫn còn có rất nhiều ý kiến xung quanh vụ việc này như việc tiến hành phá dỡ vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến các hộ dân đang sinh sống xung quanh tòa nhà này.

Và mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ lại tiếp tục yêu cầu UBND TP Hà Nội phải có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm sai phạm. Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” tuần này, PV có cuộc trò chuyện với luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng văn phòng Luật sư Phúc Thọ (Đoàn luật sư TP Hà Nội) liên quan đến vụ việc nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận này.

PV: Thưa luật sư, liên quan tới việc xử lý sai phạm của dự án 8B Lê Trực, gần đây lại có thông tin, việc phá dỡ phần sai phạm đang gây ảnh hưởng đến những hộ dân đang sinh sống xung quanh. Vậy việc cưỡng chế phần sai phạm này, nếu ảnh hưởng đến các hộ dân quanh đó, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

LS Bùi Sinh Quyền: Đây là một vụ việc điển hình trong sai phạm trật tự xây dựng đô thị nên tôi cũng thường xuyên cập nhật thông tin. Tuy nhiên, có một thực tế là từ khi triển khai cưỡng chế đến nay thông tin lại không nhiều.

Luật sư Bùi Sinh Quyền.

Theo tôi biết thì từ 21-11-2015, chủ đầu tư đã bắt đầu phá dỡ, và đến 5-1-2016, quận Ba Đình lại phải tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế. Từ ngày 6-3-2016, UBND phường Điện Biên đã tổ chức cưỡng chế. Gần đây lại xuất hiện thông tin, việc phá dỡ này đang ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống xung quanh.

Theo tôi, đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm, trong đó có cả trách nhiệm của UBND các cấp đứng ra tổ chức. Luật Xây dựng đã quy định, khi anh xây dựng, cải tạo, cơi nới thì phải đảm bảo an toàn cho những nhà xung quanh. Xảy ra việc gì thì anh phải chịu trách nhiệm. Trường hợp này phải có mốc giới và thông báo cho những nhà xung quanh.

Đối với trường hợp này, quyết định cưỡng chế là đã thông báo cho những nhà xung quanh, nếu ngoài phạm vi mà phế liệu rơi sang nhà khác, hoặc do lao động, xây dựng làm nứt tường, hỏng hóc thì phải đền bù. Anh là người thi công, anh là người cơi nới thì khi xảy ra sự việc anh phải chịu trách nhiệm. Nhưng đó là trong phạm vi đã được thông báo. Còn ngoài phạm vi lại khác.

PV: Nhưng đây là việc để xử lý sai phạm của doanh nghiệp?

LS Bùi Sinh Quyền: Các cấp chính quyền cũng phải lo việc đó. Nhiều trường hợp các cấp chính quyền đã phải đứng ra chịu trách nhiệm rồi chứ. Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp chính quyền xã, phường, quận phải đứng ra bồi thường. Điều này đã được quy định rõ trong luật.

PV: Những ngày qua còn dấy lên thông tin, các hộ dân mua nhà ở những tầng đang bị phá dỡ đã có đơn kêu cứu để bảo vệ quyền lợi, những trường hợp này sẽ được giải quyết thế nào thưa ông?

LS Bùi Sinh Quyền: Theo quy định của pháp luật, mua bán nhà cửa phải hợp pháp, hợp lệ. Ví dụ anh xây 20 tầng, anh được bán 10 tầng, còn 10 tầng của công cộng thì 10 tầng bán ấy nếu không vi phạm pháp luật, anh không xây quá diện tích, chiều cao thì việc anh bán những tầng đó là hợp lệ.

Còn nếu anh xây quá phép, người mua lại mua phải những tầng không phép là hợp đồng giao dịch vô hiệu, người mua có quyền bắt doanh nghiệp bán những tầng sai phép đó phải bồi thường thiệt hại. Tòa sẽ xử lý những việc đó. Nếu hòa giải được thì thôi, còn không thì khởi kiện ra tòa, buộc doanh nghiệp đó phải thanh toán. Vì việc anh bán những căn nhà này là do anh biết sai vẫn cố tình xây dựng, biết sai mà vẫn bán cho người dân. Đây là cố tình vi phạm, Luật Dân sự sẽ điều chỉnh việc này.

PV: Đã từng có ý kiến cho rằng nên cho phần sai phạm đó được xử phạt để tồn tại. Nhưng cũng có ý kiến là phạt cho tồn lại là do chúng ta đang bất lực trong việc thi hành pháp luật, ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

LS Bùi Sinh Quyền: Không thể nói là chúng ta bất lực trong việc thi hành pháp  luật. Dẫn đến suy nghĩ này là do người thực thi cái quyền ấy. Họ không nêu cao trách nhiệm của người đó, hay tổ chức đó. Tôi nói ví dụ, người đó là ai thì quy đó là trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp. Giao cho cấp nào thì cấp đó phải chịu trách nhiệm. UBND là tổ chức, chủ tịch UBND là người đứng đầu phải thực hiện cho đúng các quy định của pháp luật.

Ví dụ như trường hợp của vụ 8B Lê Trực, 6 tầng sai phép dứt khoát phải bị tháo dỡ, tuy nhiên còn tùy việc UBND các cấp ở TP Hà Nội làm thế nào, hay là tác động của người nọ người kia thì tôi không rõ, nhưng rõ ràng là phải có quy định cưỡng chế tháo dỡ trong bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng thì phải xong. Doanh nghiệp được thuê tháo dỡ cũng phải có hợp đồng, điều này chắc chắn phải có trong hợp đồng giữa đơn vị được thuê tháo dỡ và đơn vị được giao tháo dỡ. Không thể có chuyện chậm trễ được.

PV: Đó là câu chuyện của dự án 8B Lê Trực, ý tôi đề cập là câu chuyện phạt để cho phần sai phạm ở các dự án như thế này được tồn tại?

LS Bùi Sinh Quyền: Đây là vấn đề tôi đang quan tâm. Chính vì cái thông tư được xử phạt để cho tồn tại của Bộ Xây dựng đã dẫn đến nhiều tiêu cực. Chẳng hạn như, anh cứ làm đi, tôi cứ đến lập biên bản giả vờ, cứ cho anh xây dựng và sau đó là xử phạt để cho anh tồn tại. Cái này đã dẫn đến sai phạm rất nhiều thời gian qua. Một phần nguyên nhân bắt nguồn từ cái thông tư này. Thông tư này đã tạo ra những tiền lệ rất xấu.

PV: Trong câu chuyện về nộp phạt để cho tồn tại cũng có những lời biện minh rằng, đất nước còn nghèo nên việc phá bỏ là lãng phí, theo ông thì suy nghĩ này có đúng không?

LS Bùi Sinh Quyền: Đã nghèo mà vẫn cố tình làm sai thì khác nào là lấy của xã hội về làm giàu cho bản thân. Trường hợp này cũng là cố tình cướp tiền của của xã hội. Anh được xây có 15 tầng mà cố tình xây thêm 5 tầng nữa thì có nghĩa là anh ăn cắp của xã hội 5 tầng đó. Đây là việc anh cố tình móc túi người dân, móc túi xã hội. Tại sao chúng ta không nghĩ về vấn đề đó.

Nếu phạt cho tồn tại thì còn gọi gì là pháp luật nữa. Thế là ý chí của anh, anh muốn cho thì cho. Tôi phải nói thêm như thế này, theo quan điểm của tôi, những trường hợp như thế này chính là mầm mống của tiêu cực, tham nhũng. Do đó phải xử lý kiên quyết để người dân có niềm tin vào chính sách và pháp luật. Pháp luật là phải công bằng.

Dù có tốn kém cho doanh nghiệp bao nhiêu cũng phải làm kiên quyết. Doanh nghiệp đã cố tình làm sai thì phải kiên quyết xử lý. Ví dụ như việc cưỡng chế sai phạm nhà 8B Lê Trực, thì xã hội này cũng chẳng nghèo đi mà kỷ cương còn được tôn trọng.

PV: Trở lại câu chuyện của dự án 8B Lê Trực, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo xử lý vụ việc này, ông nghĩ sao về vấn đề này?

LS Bùi Sinh Quyền: Tôi cho rằng việc này không cần phải xin đến ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Cái này là do Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm việc thiếu trách nhiệm. Trên địa bàn của anh, nó lù lù mọc lên ở đó, làm gì anh không biết. Anh là người cấp giấy phép cho nó. Đến giờ xử lý anh lại đùn đẩy. Tại sao lại phải báo cáo lên Chính phủ.

Giao cho anh việc quản lý trật tự xây dựng là giao cho Chủ tịch UBND thành phố thì anh phải chịu trách nhiệm. Những công trình cỡ này là do thành phố quản lý cấp phép, Chính phủ chỉ cấp phép từng hạng mục công trình, những dự án lớn, cái này có phân cấp rõ. Còn trường hợp Sở Xây dựng chỉ là cơ quan giúp việc, cơ quan tham mưu.

Trách nhiệm chính phải là Chủ tịch UBND thành phố. Việc xử lý trường hợp này đâu có phải là quá lớn, tóm lại là do Chủ tịch UBND thành phố thiếu trách nhiệm. Điều tôi nói không chỉ là ở dự án 8B Lê Trực, mà mới đây là việc xôn xao dư luận của những công trình không phép trên Ba Vì. Cái này là do buông lỏng quản lý.

PV: Theo ông tại sao các sai phạm giờ vẫn rất nhiều trong khi các quy định của Luật Xây dựng lại rất chặt chẽ?

LS Bùi Sinh Quyền: Tôi cho rằng Luật Xây dựng hiện nay đã tương đối đầy đủ. Chỉ cần thực hiện tốt khoảng 80-90% luật này thì trật tự xây dựng đã khác rất nhiều rồi. Nhưng dưới luật là có những nghị định, thông tư là không đảm bảo. Trong các hướng dẫn có rất nhiều điều trái với Luật đã được Quốc hội thông qua. Ở đây cứ được lý giải là do đặc thù địa phương, đặc thù vùng… Từ đó mới dẫn đến nhiều hậu quả mà ta đang phải xử lý khắc phục.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phan Hoạt (thực hiện)

Các nguồn thạo tin ngày 24/12 cho hay, thời gian gần đây, Nga đã tiến hành nhiều đợt phản công lớn tại Kursk. Cường độ các cuộc tấn công cho thấy quyết tâm của Tổng thống Vladimỉr Putin nhằm loại bỏ con bài mặc cả của Ukraine trong bối cảnh sức ép đàm phán gia tăng trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào tháng 1/2025.

Những ngày này, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội nơi có Nhà thờ Lớn đón rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi và đón lễ Giáng sinh. Nhằm đảm bảo cho nhân dân được đón lễ Giáng sinh, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an ninh, an toàn, Công an phường Hàng Trống đã lập kế hoạch, tham mưu cho Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính quyền địa phương tổ chức các phương án phân luồng giao thông và giữ gìn an ninh trật tự (ANTT).

Năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2018. Học sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 9 môn tính điểm còn lại của chương trình lớp 12.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc vào cuối năm 2025 hoặc giữa năm 2026, với một kịch bản tiêu cực cho Ukraine, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bất ngờ đề cập đến việc sẽ sớm trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột này.

Tối 23/12, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) cho biết, Tổ công tác của đơn vị làm nhiệm vụ tại Km188 (Khu vực Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) vừa kịp thời dùng ô tô đặc chủng đưa 1 cháu bé đi cấp cứu.

Tối 23/12 (giờ địa phương), tân Thủ tướng Pháp François Bayrou đã chính thức công bố thành phần nội các mới sau hơn 2 tuần kể từ khi được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm. Ông François Bayrou bày tỏ tự hào và tin tưởng vào một chính phủ được xây dựng hướng tới sự cân bằng với kinh nghiệm trong việc hòa giải và khôi phục niềm tin với tất cả người dân Pháp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文